Monday 20 May 2013

TRÍCH ĐOẠN "TỪ NGÕ PHẤT LỘC ĐẾN WEIMAR" (Người Buôn Gió)




Monday, May 20, 2013 at 4:29am

Nhân ngày sinh nhật Hồ Chí Minh, trích một đoạn trong truyện đang viết dở.
...

Hắn bị đuổi học vì một lý do thật lạ lùng, dù hắn viết nhiều về tuổi thơ, về ngóc ngách trong mọi quãng đời. Nhưng chưa bao giờ hắn kể vì sao mình bị đuổi học. Có ai hỏi hắn chỉ nói vì nghịch quá mà bị đuổi học cho qua chuyện.

Sự thực hắn bị đuổi học vì tấm hình của ông Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ cộng sản được tôn thờ như thượng đế trong dân chúng.

Hôm đó thầy giáo chủ nhiệm nói lớp cần ảnh Bác Hồ, nhà học trò nào có ảnh Bác (vì được tôn sùng lên từ Bác được viết hoa như từ Chúa và Phật) thừa chưa dùng đến thì giơ tay.
Hăn giơ tay.

Thầy giáo hỏi:
- Thế ảnh Bác nhà để đâu?

Hắn trả lời:
- Dạ thưa thầy. Để dưới gầm giường.

Thầy giáo nghe hắn nói. mắt quắc lên những tia sáng dữ dội. Hắn biết mình đã lỡ lời, thầy giáo quát:
- À mày định nắn gân tao à? Tao sẽ cho mày biết tay.

Hắn ú ới muốn thanh minh nhưng ông giáo bắt ngồi xuống và im miệng, hắn biết ông giáo đã hiểu nhầm ý của mình. Hắn mới 15 tuổi biết thế nào là "nắn gân" thầy giáo theo kiểu ấy. Thực sự nhà hắn chật, gầm giường thì cao. Dưới gầm giường có một cái hòm gỗ, nhiều thứ không dùng đến để trong đó.

Cái đầu óc ngây thơ của hắn không hiểu thế nào là "ý thức chính tri" không hiểu hình ảnh của ông Hồ Chí Minh ở trong đầu vị thấy giáo kia vĩ đại thế nào.

Hắn bị kỷ luật và đuổi học.

Các bạn lớp 10D trường PTTH Trần Phú thương mến, có lẽ các bạn chẳng bao giờ nhớ tới tôi, chẳng bao giờ nhớ đến một bạn học là Bùi Thanh Hiếu ở lớp 10 D trường PTTH Trần Phú năm 1987 bị đuổi học thế nào. Tôi cũng không nhớ tên hết các bạn trong lớp vì tôi mới học cùng các bạn chưa được 2 tháng. Tôi chỉ nhớ bạn Thu Thủy lớp trưởng nhà ở Ngô Quyền, nhớ bạn Vân Anh bí thư đoàn lớp nhà ở Lý Thường Kiệt... và nhiều bạn nữa đã có lời xin thầy cho tôi được học tiếp.

Hôm nay tôi viết lại điều này, không phải để thanh minh với ông Hải dạy Lý chủ nhiệm lớp chúng ta 25 năm trước đây Cũng không phải để cho tô vẽ câu chuyện cuộc đời tôi nhuốm màu sắc chính trị ly kỳ. Vì sự thực lúc đó tôi không hề có ý thức chính trị nào về chuyện ảnh vị lãnh tụ mà cả dân tộc thờ như thánh đó bị đặt dưới gầm giường. Trong đầu tôi lúc đó ngoài chuyện học, là chuyện con gà chọi ngũ sắc chân vàng xương tôi phải vần võ, om bóp, chăm sóc. Tôi đâu biết gì đến lãnh tụ, thậm chí đến cái từ Đảng Cộng Sản tôi cũng không hiểu đó là gì. Ông Hồ tôi cũng coi trọng như một vị có công kêu gọi dân ta đánh Pháp, hình ảnh của ông trong tôi cũng tương tự như muôn vàn những người thủ lĩnh khởi nghĩa nhân dân chống giặc ngoại xâm trong lịch sử như Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế...

Tôi viết để nói với các bạn rằng lúc đó tôi bị đuổi học vì một sự thực rất ất ơ, tôi không hề có ý đồ "nắn gân ông Hải Lý vì tôi không có gan đó, càng không có gan xúc phạm lãnh tụ vì tôi biết gì mà xúc phạm. Nếu tôi nói khác đi rằng ảnh Bác Hồ nhà tôi để trong cái tủ đựng đồ quý giá, mà chỉ có bố và mẹ tôi cầm chìa khóa. Có lẽ mọi việc sẽ khác đi rất nhiều. Chuyện tấm hình đó để dưới gầm giường chỉ vì đơn giản là ở dưới đó trong cái hòm, tấm ảnh đỡ bị bụi và luôn luôn mới.

Trong cuộc đời sau này, khi ở trong trại tù lao động khổ sai,vác đất chạy dưới cái nắng hè 38 độ giữa cánh đồng để làm gạch. Đội đá từ dưới sà lan lên bờ dốc chênh vênh mang đến lò nung vôi trong cơn gió bấc, mưa phùn lạnh dưới 8 độ. Khi đôi môi nứt nẻ vì khát nước, tôi khoa bàn tay mình xuống vũng nước nông choèn đến mắt cá chân, để xua đám nòng nọc đi, vục thật nhẹ lấy chút nước sợ bùn bị khuấy lên. Uống thứ nước tanh ngòm đó, nhìn bầu trời đổ lửa, chân tay run lẩy bẩy vì đói và kiệt sức. Tôi chưa bao giờ trách ông thầy giáo Hải Lý, chưa bao giờ trách ông Hồ Chí Minh hay bản thân tôi.

Tôi kể cho bố tôi nghe chuyện bị đuổi học. Ông thở dài:
- Thôi! Nhà mình không có đất học con ạ.

Tôi ôm mặt khóc nức nở. Bố tôi đã không đánh, không mắng gì tôi. Câu chuyện éo le khiến con người phải chịu mất mát ở cuộc đời này là điều thường xuyên mà người từng trải như bố tôi đã thấy. Bởi thế ông không trách con mình. Nhưng trước bố, tôi khóc vì đau đớn thấy niềm hy vọng của ông về một đứa con trai mà ông tin rằng sẽ học hành đến nơi, đến chốn. Để trong gia đình thoát ra khỏi một cái định mệnh là "nhà không có đất học". Câu nói của bố tôi như một lời kết cho một cuộc thử nghiệm vượt qua định mệnh không thành...


No comments:

Post a Comment

View My Stats