Friday, May 10, 2013 at 7:52am
Các em mến,
Tối nay ngồi ăn với những người bạn của anh, trong đó có
người bị canh, mà anh bỗng thấy thương mấy em tần ngần. Làm anh ăn uống chẳng
được bao nhiêu, mà vẫn phải chia tiền đều.
Anh thương mấy em bởi nhiều nhẽ. Nhẽ một, thấy mấy em cứ phải đứng xa xa mà dòm dòm người ta ăn
uống, là đủ tội, đủ thương rồi. Anh quan trọng miếng ăn lắm. Nhẽ do hồi nhỏ anh
đói khổ. Đến bữa nhà người ta, nghe tiếng động mâm bát là anh giả đò qua chơi,
chỉ để thấy nước miếng tứa ra ở hơn chục chân răng. Khi mẹ anh gọi về, bụng anh
đã ỏng nước miếng rồi. Tội lắm, mẹ anh biết, nhưng nước mắt nuốt vào trong. Các
em chắc cũng vậy. Ăn uống chẳng đúng giờ đúng cữ, khi cái bánh mỳ, lúc ly cafe
uống vội, mà cứ phải nhìn lom lom "chúng nó" ăn uống - cười đùa, đau
lắm chứ! Nước miếng đang chảy, thấy "nó" đứng dậy, tụi em lại cuống
cuồng nổ máy dắt xe, lùi lũi phóng theo. Ở nhà, ba mẹ em có sai em được như vậy
không? Có khi nào tụi em muốn như một người bình thường, chiều về quây quần bên
gia đình, chén cơm nóng hổi hay không? Hay em cho đó là nghề-nghiệp?
Nhẽ hai, ừ, tụi em cho đó là nghề nghiệp. An ninh cơ đấy. An ninh
quốc gia chứ chả chơi. Cấm đùa. Tụi em có thời
gian đọc sách không? Anh không nói đến sách do bạn anh viết nhé, Các Mác Lê Nin
vứt đi. Đọc "Chuyện ở Nông Trại" đi, "Giai cấp Mới" đi. Tụi
em cho đó là nghề nghiệp. Khi nào thì tụi em chen chân vào Giai Cấp Mới? Anh đồ
chẳng bao giờ. Bởi nếu tụi em là con cháu, là hạt giống đỏ hay hơi hồng, tụi em
chẳng bao giờ phải đội nắng, phơi sương, nuốt nước miếng như vậy. Xuống đi, các
em ạ. Mơ chen vào giai cấp mới ư? Đời nào? Rèn luyện bản lĩnh ư? Lĩnh gì cái
theo đuôi ấy? "Nó" chả biết thừa tụi em theo. Nó muốn cắt lúc nào chả
được. Kệ tụi em thôi. Nó cũng hiểu và thông cảm công việc của tụi em mà. Chỉ có
tụi em là cắn răng không chịu hiểu thôi.
Nhẽ ba, vẫn cho đó là nghề nghiệp. Nhưng khi cầm đồng tiền của
mồ hôi nước mắt từ thuế của dân, em có thấy tự hào? Em có thấy xứng đáng? Khi
em work, em có ngẩng mặt, ngẩng mày? Hay là những cái ánh mắt vụt lên vui sướng
khi thấy đối tượng xuất hiện, rồi ngượng ngùng quay đi giả đò như không có gì,
khi đối tượng hướng ánh mắt bình thản của họ vào em? Hãy tự tin vào bản thân
mình, cùng thu nhập đó, cùng công sức đó, tụi em làm xe ôm, cũng đủ mà. Và
những đồng tiền đó, anh thề với em là em sẽ rất trân trọng nó, nó là mồ hôi,
nước mắt, công sức của chính em. Anh đã làm, anh biết. Bỏ đi, đừng làm cái việc
không vui đấy. Hãy tìm niềm vui trong công việc và tìm niềm vui từ những đồng
tiền chính đáng, tụi em nhé.
Tụi em gân cổ với anh và xung quanh rằng: "Tôi là an
ninh!". An ninh mẹ gì cái việc đi theo đuôi, anh thật. Ừ thì có thể tụi em
có đứa đang là sinh viên, phải tập sự. Ừ thì có đứa đang làm nghĩa vụ rồi chuyển
ngang qua. Nhưng anh vẫn bảo an ninh mẹ gì. An ninh phải là những kẻ có học
hành đàng hoàng trường lớp. Và khi ra rồi, phải là những hoạt động có trí tuệ,
có đầu óc, ngồi văn phòng mát rượi điều hòa cơ. Đấy, anh cho đấy mới là an ninh
cơ. Khi nào thì tụi em cất khẩu trang, không đạp cần số, nuốt nước miếng để vào
ngồi văn phòng điều hòa và lim dim mắt mơ về một ngày chen chân vào Giai cấp
Mới? Còn chỗ cho tụi chân trắng em không? Kịp không?
Ở trên anh nói tụi em đi làm xe ôm. Đấy là cùng bất đắc
dĩ thôi. Như anh có đận. Mà cũng chẳng hẳn. Đận ấy anh hâm, anh muốn thử cái
cảm giác làm xe ôm, kiếm từng đồng bằng chính công sức mình nó như thế nào mà
thôi. Ông sếp cũ anh dậy anh một câu anh nhớ mãi, tặng lại các em, sau khi anh
đã tặng nhiều người: "Việc làm không bao giờ thiếu, chỉ thiếu người biết
làm việc". Trừ phi các em thiếu tự tin, thì các em cứ tiếp tục làm
canh-sát đi. Canh sát nhé, chứ đâu mà cảnh?!
Thôi, anh dừng phím đây. Chả biết tụi em có đọc được, hay
vẫn đang lom dom đâu đó. Chả biết mấy đứa đọc được, mấy đứa nghe? Anh lại phải
đổi tên thành Phí Công Anh, thì buồn.
Thương các em,
Anh Dũng.
Anh Dũng.
No comments:
Post a Comment