Nhà giáo Trương Quang Đệ
8-5-2013
MỘT
Trong lúc người ta tìm tòi trong triết học những điều cơ
bản về vũ trụ dựa trên sự tương tác đa ngành thì ở ta, các nhà triết học vẫn
kiên trì minh hoạ cho các đường lối rõ ràng là đã lỗi thời. Bây giờ ai cũng
thấy rõ là các môn Mác-Lê Nin, Kinh tế- chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học…
nên cấp tốc được loại bỏ trong các trường. Thay vào đó là những môn như triết
học cơ bản, phương pháp tư duy khoa học, học cách hợp tác, cách tìm lời giải
tối ưu… làm sao để học sinh- sinh viên suy nghĩ bằng cái đầu của họ chứ không
theo đầu người khác. Chúng ta bị lạc hậu hàng thập niên so với thế giới bên
ngoài, muốn đuổi kịp họ thì hành trang phải gọn nhẹ, hữu ích. Phải gạt bỏ những
gánh nặng cồng kềnh làm hao tổn sức lực của lớp trẻ.
Bên cạnh việc học tập những học thuyết quan trọng về nhận
thức như vừa đề cập trên, ta cần phải xây dựng những lối suy nghĩ lành mạnh cơ
bản qua một số phương châm xử thế đã được kiểm nghiệm trong lịch sử.
Một là, trong bất cứ tình huống nào, sự trung thực vẫn
phải là nguyên tắc không thể khoan nhượng. Sự trung thực đảm bảo lợi ích lâu
dài, tạo nên chữ tín rất quan trọng trong giao thương, quan hệ quốc tế. Tiếc
rằng trong một thời gian dài, lãnh đạo không những không rèn luyện cho cán bộ
và dân chúng tính trung thực, ngược lại còn khuyến khích sự gian dối, xảo trá.
Phong trào thi đua là vật chứng hiển nhiên cho cái gian dối thâm căn cố đế trong
cơ quan nhà nước. Trong ngành giáo dục, việc gian dối rất phổ biến đến mức mọi
người phải bó tay. Trong buôn bán làm ăn, hiện tượng gian dối quá nghiêm trọng.
Bây giờ không có gì an toàn hết: thuốc tây dỏm, thực phẩm độc hại, bằng cấp
giả, trường học dỏm vv… Từ lâu, có điều không nói ra nhưng ai cũng lấy làm
phương châm xử thế, đó là trung thực thì thua thiệt. Nhà nước và Đảng không có
chủ trương gì đáng kể để xoá bỏ lối suy nghĩ đáng buồn đó. Đáng ra phải xử lí
thật nghiêm những cán bộ, dầu cấp cao đến mấy, mà thiếu trung thực.
Hai là, nhà nước phải công khai minh bạch trong mọi
trường hợp, xoá bỏ lối úp mở che giấu, tung tin đồn thất thiệt. Trừ những bí mật quốc gia được qui
định rõ ràng, mọi thứ khác phải thông tin cho dân chúng biết. Các buổi họp từ
cao đến thấp phải được mở cửa cho người dân theo dõi. Người dân phải biết các
đại biểu thảo luận những gì và trong nội bộ cán bộ ai đúng ai sai. Hiện nay có
những sự việc người dân không hiểu mà trên vẫn im lặng, không giải đáp. Nếu
minh bạch và công khai thì Mao đã không thể phát động cách mạng văn hoá để giết
hại hàng triệu người. Năm 1959, Trung ương Đảng TQ họp hội nghị Tuấn Nghĩa phê
bình Mao sai lầm trong việc chủ trương đại nhảy vọt và công xã nhân dân làm cho
cả nước đói kém, lụn bại. Nhưng người ta không dám công khai điều đó, chỉ thông
báo rằng Mao chủ tịch thôi làm chủ tịch nước để nghiên cứu lịch sử Đảng. Chính
vì thế khi Mao quật lại các đồng chí của mình thì không ai biết Mao gian trá
cả, cứ tưởng Mao bảo vệ cách mạng chống bọn hữu khuynh, theo tư bản.
Ở ta còn nhiều trường hợp dân chúng không hiểu được rõ
ràng, chỉ truyền miệng cho nhau những tình tiết thu nhặt vỉa hè. Có những người
từng được coi là kiệt xuất bỗng im hơi lặng tiếng, không biết đi đâu, làm gì.
Lãnh đạo ta từ trước đến nay vẫn nghĩ là công khai minh bạch sẽ bị “địch lợi
dụng”. Chẳng hạn nói lên sự bất đồng trong nội bộ sẽ làm dân chúng hoang mang,
kẻ địch tuyên truyền chống lại ta. Không có gì sai lầm bằng những suy nghĩ như
thế. Nếu dân chúng biết ai phải, ai trái trong nội bộ, họ sẽ bảo vệ người
phải, chê trách người trái và đảm bảo cho cái đúng thắng thế. Còn nếu dân không
biết gì cả thì phái xấu tha hồ thao túng, như Mao là trường hợp nguy hiểm nhất.
Mà các lãnh tụ cũng nên nghĩ rằng chính công khai minh bạch sẽ cứu nguy cho họ,
nếu họ gặp khó khăn. Chứ như hiện nay làm lãnh tụ đều giống như cỡi hổ, oai vệ
đó nhưng rồi bị đày đoạ không biết lúc nào. Trong các nước dân chủ, mọi thứ đều
được thảo luận công khai ở nghị trường. Thủ tướng tham nhũng thì bị chất vấn,
rồi bị cách chức. Nước ta may thay cũng đang trên đà hội nhập, tức là theo con
đường công khai minh bạch, chỉ có điều như vậy là còn ngỡ ngàng đối với thể chế
của ta.
Ba là làm lợi cho dân tốt hơn là tìm cách tước đoạt. Thể chế xã hội chủ nghĩa từ thời
Lê nin trở đi dùng cách tước đoạt để “đấu tranh giai cấp” (tước đoạt nhà cửa,
ruộng đất, nơi thờ phụng, trâu bò, xe cộ). Ở Nga thì người ta tước đoạt bọn tư
sản và bọn culắc, ở TQ và ta thì tước đoạt bọn tư sản, địa chủ, trung nông, phú
nông, nhà giàu, tiểu thương… Khi đã tước đoạt hết bọn ấy rồi thì tiếp tục tước
đoạt bọn mới ngoi đầu dậy như ông vua lốp nổi tiếng ở Hà nội. Và dầu có sai
cũng không bao giờ sửa. Quốc hội đã quyết định nhưng Ủy ban nhân dân Hà nội vẫn
làm ngơ. Mà Hà nội đúng vì chế độ cần phải trước sau như một! Việc đổi tiền là
cách tước đoạt nguy hiểm nhất vì nó làm cho kinh tế quốc dân kiệt quệ. TQ hiện
nay đã trả lại cho chủ cũ nhà cửa, dinh thự do cách mạng tước đoạt. Những thứ
khác thì đã hư hỏng, làm sao mà trả được. Việc trả lại của cải tước đoạt cũng
chỉ thực hiện ở mức độ nhà nước. Còn những thứ mà cán bộ các cấp chiếm đoạt
dưới danh nghĩa nhà nước thì chịu. Sau giải phóng, ở miền Nam, những ngừơi có
tiền gửi ngân hàng đều coi như mất trắng. Phải xin đủ thứ giấy tờ mới rút được
mỗi tháng sáu chục đồng. Những thứ vàng bạc, giấy tờ kí gửi tại ngân hàng cũng
mất luôn. Nhưng nếu ai nợ ngân hàng công hay tư, thì đều bị giấy đòi nợ! Thật
là một chủ trương quá lỗi lạc, kiệt xuất(!). Nhà nước nếu tìm cách làm lợi cho
dân thay vì chăm chăm để tước đoạt, sẽ được dân chúng tin cậy và ra sức bảo vệ.
Họ sẽ tự nguyện đóng thuế đúng đắn để ngân khố ổn định.
Bốn là hợp tác tốt hơn nhiều so với ganh đua. Hiện nay các địa phương, các cơ
quan, các trường lấy ganh đua làm chính, còn hợp tác là chuyện hiếm hoi. Có
những tỉnh tìm cách làm khó khăn cho tỉnh bên cạnh bằng mọi cách. Các trường
đại học trong một vùng lại ít khi hợp tác mà chỉ nhăm nhe cản trở nhau một cách
kì cục. Ở các nước, người ta đưa vào chương trình trung học cách làm việc tập
thể, dạy cho học sinh biết hợp tác với nhau để có năng suất cao. Ở cấp độ quốc
gia cũng vậy, chẳng hạn giữa ta và các nước trồng cà phê cần có sự hợp tác
thành thực trong một hội nghiêm chỉnh, hơn là mạnh ai nấy lo bán cho được
nhiều.
Năm là sâu sắc tốt hơn dàn trải. Nói lại chuyện giao thông chẳng
hạn, xưa nay một chủ trương gì đều được thực hiện cho toàn quốc, kết quả ra sao
không ai kiểm tra được. Đáng ra chỉ nên lấy một thành phố hay địa phương nào đó
làm điểm và làm cho thực tốt. Rồi cứ vậy lan toả dần trong một thời hạn nào đó.
Chẳng hạn nếu lấy Hà nội làm điểm thì tập trung sức vào đó mà tạo ra môi trường
giao thông thực sự tiên tiến. Ở nơi khác có thể lơi lỏng nhưng một khi xe cộ
vào Hà nội thì không còn chuyện lôi thôi được. Người đi bộ cũng phải nghiêm
chỉnh hoàn toàn. Và ngay tại Hà nội, không phải nơi nào cũng giống nơi nào. Ở
các quận trung tâm phải nghiêm ngặt trăm phần trăm, các huyện ngoại thành cũng
nghiêm ngặt nhưng ít cấp thiết hơn. Ngay việc học tập của học sinh- sinh viên
cũng cần theo phương châm này. Chương trình hiện nay quá dàn trải khiến không
có chỗ nào học sinh nắm sâu sắc cả. Nếu chương trình thu gọn lại nhưng được dạy
thật sâu thì hiệu quả hơn nhiều.
Sáu là đất nước phải rút ra bài học cay đắng về bế quan
toả cảng trong hơn hai thế kỉ qua mà lấy phương châm “mở cửa là thắng lợi, đóng
cửa là thất bại” làm kim chỉ nam. Thực vậy, nước
ta đã bỏ qua quá nhiều cơ hội mở cửa giao lưu quốc tế, thêm bạn bớt thù, sánh
vai với các nước tiên tiến. Gia Long hợp tác với Pháp để đánh bại Tây sơn nhưng
xong việc thì trở lại mô hình phong kiến cũ, không chịu duy tân (quyền lợi ích
kỉ của đám quần thần thật đáng ghết biết bao!). Tự Đức không mở cửa nên không
những không ngăn được ảnh hưởng của nước ngoài mà còn mất dần hết lãnh thổ. Các
mốc 1945, 1954, 1975 đều để các cơ hội trôi qua vì vướng vào ý thức hệ.
Bảy là từ bỏ cái sĩ diện muôn thuở của người Á Đông và sự
phô trương của chủ nghĩa xã hội kiển cũ. Yếu kém thì nhận là yếu kém và
thành thực kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đõ. Có thế mạnh nào đó thì đừng phô
trương rùm beng mà san sẻ kinh nghiệm cho người khác. Ví dụ việc kêu gọi cộng
đồng quốc tế giúp đỡ chống bệnh SARS khiến quốc tế đánh giá cao tinh thần đó.
Việc công khai các khó khăn và thành thật hợp tác với các nước khắc phục khó
khăn là phương hướng rất đúng đắn. Việc phải làm còn nhiều như xoá bỏ dần các
lớp luyện gà chọi đi thi quốc tế, tạo phong cách trung thực trong thể thao,
loại bò hẳn những cán bộ nhiễm nặng bệnh lừa dối.
Tám là luyện tập thói quen tôn trọng quyền lựa chọn của
nhân dân, tức là tạo lập một nền dân chủ thực sự. Không nên tự coi mình là ưu việt
nhất, sáng suốt nhất- bởi tiền đề này ngăn chặn hết sự sáng tạo, óc tự chủ,
phẩm chất của con người. Anh muốn anh ưu việt thì phải chứng minh bằng thực tế.
Nếu anh yếu kém thì phải nhường chỗ cho kẻ khác không xấu hổ gì, không đố kị
gì. Việc này còn phụ thuộc vào giáo dục. Làm sao tạo ra những con ngừơi văn
minh, nhân ái. Hiện nay việc đó còn xa mới có được. Một con người tiên tiến,
văn minh, nhân ái phải có những cách xử sự tiên tiến. Trước hết đó là tính
trung dung, tránh mọi cực đoan, không chia sự vật thành các đối lập nhị phân
cực đoan kiểu tốt/xấu, hay/dở, được/thua, trung thành/phản bội…Trong thực tế
giữa các cực đó còn có cả một gam dài những sắc thái khác. Chẳng hạn giữa trung
thành với chủ nghĩa xã hội/chống chủ nghĩa xã hội còn có nhiều từng lớp khác
nhau, không nhất thiết phải trung thành hay chống đối. Phải chấp nhận cái tiêu
cực nhất thiết phải có bên cạnh cái tích cực như cái phanh hãm bên cạnh cái
tăng tốc, cực dương bên cực âm…Xoá bỏ một cực là chuyện không thể làm được mà
vô cùng tai hại. Chúng ta đã có những kinh nghiệm chua xót khi cố gắng xoá đi
một cực của các đối lập giàu/nghèo, bạn/thù, địch/ta, Đông/Tây, trung
thành/phản bội… Suy cho cùng người lãnh đạo hay cả người dân thường phải có đầu
óc thực tiễn, lấy thực tế làm cơ sở cho mọi quyết định, tránh giáo điều và a
dua theo áp lực của bé phái; lấy trực giác làm trọng, cái gì trái với cảm tính,
trái với kinh nghiệm thì phải xem xét cẩn thận.
Phương châm cuối cùng là chỉ làm cái tốt cho mọi người,
cái không tốt, dầu do thánh thần nào ra lệnh, cũng không nên tuân thủ mà làm
một cách mù quáng.
HAI
Thứ xiềng xích tàn bạo nhất hiện nay đối với đời sống
nhân dân và đời sống các doanh nghiệp là sự vòi tiền, sự nhậu nhẹt hoành hành
mà nhà nước cứ làm ngơ. Tôi đã từng học đại học và làm việc nhiều năm ở nước
ngoài. Tôi chưa bao giờ mất tiền cho các cấp hành chính hay chuyên gia nào mà
tôi liên hệ cả. Còn khi tôi được mời đến làm việc tại các cơ quan công hay tư,
họ không có gì mời tôi ngoài nước lã lấy từ vòi nước trong phòng họp. Văn hoá
của người ta là vậy, “ít đậm đà” hơn ta nhưng thật lành mạnh. Ở ta, nhậu nhẹt
và vòi vĩnh trở thành thông lệ, không có các chuyện ấy thì không làm được gì
hết. Một nghiên cứu sinh ở TP HCM cho tôi biết, anh ta đang làm luận văn tiến
sĩ với một thầy ở Hà nội. Mỗi lần vào SG, thầy điện thoại cho học viên chuẩn bị
tiếp, không chỉ ăn nhậu nhiều bữa mà còn phải tổ chức cho thầy đi chơi đây đó,
tốn kém không kể xiết. Các thầy chấm luận văn cũng vậy, không có tiền cho họ là
gay go lắm. Còn các quan chức bên trên có thói quen đi về các địa phương để
được nhậu nhẹt và kiếm tiền phong bì. Có lẽ đây là hậu quả của tính công- nông
trong giới lãnh đạo. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cán bộ có gốc công- nông rất
thích nhậu nhẹt, thích diễu hành, thích hội họp khoa trương hình thức. Ngược
lại họ dị ứng với nghiên cứu, với học tập, với ngoại ngữ. Đã đến lúc nói thẳng
ra việc ấy để chấn chỉnh tình hình.
Tôi thấy đã đến lúc cần thiết phải chốt lại một số nguyên tắc điều hành sự
sống, trong đó có cả vấn đề lãnh đạo chính trị và văn hoá, kinh tế.
Các đây ít lâu, nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng
sản, coi đó là thể chế chính trị cần tránh bằng bất kì giá nào. Chúng ta đã
từng sống dưới chế độ do Staline và Mao chỉ đường, đã từng làm những chuyện
phiền hà cho dân tộc. Sau này, bất kì ai lãnh đạo đất nước, chúng ta mong muốn
họ rút kinh nghiệm lịch sử để tuân thủ những nguyên tắc quan trọng như sau:
1. Một chủ trương chính trị nào đó gây ra việc giết hại
dù chỉ là một thường dân vô tội đều phải bị lên án. Ai đề ra chủ trương đó phải
chịu trách nhiệm, phải bị cách chức, xử lí trước pháp luật và nhà nước phải bồi
thường cho những nạn nhân.
2. Không được phép tước đoạt, dầu với danh nghĩa nào, tài
sản của nhân dân như ruộng đất, nhà cửa, phương tiện đi lại, trâu bò vv.Chỉ
được quyền tịch thu của cải vì thi hành án.
3. Bất kì ai lãnh đạo cũng phải lấy sự tiến bộ làm chuẩn,
không dưới danh nghĩa nào để hạn chế sự tiến bộ. Trong những nhân tố tạo nên sự
tiến bộ có tự do cá nhân, quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và
nam nữ bình đẳng. Nhà nước phải thế tục (không có màu sắc tôn giáo), của toàn
dân không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Nhà nước không để một tôn giáo nào lên
trên các tôn giáo khác. Bộ văn hoá qui định những lễ nghi phú hợp với nguyên
tắc trung tính của chính phủ. Hiện nay, các vị lãnh đạo có thói quen thắp hương
vái lạy ở các tượng đài liệt sĩ hay các nơi rhờ cúng. Họ không nhận ra rằng làm
như vậy là lấy việc thờ cúng tổ tiên – trên cơ sở Nho và Lão – làm tôn giáo chủ
đạo trong đời sống. Đáng ra họ chỉ đứng nghiêm thực hiện một phút mặc niệm là
đủ, vì đó là điều mà mọi tôn giáo đều chấp nhận.
4. Xây dựng nhà nước pháp quyền lành mạnh nhưng đồng thời
lấy sự khoan dung làm phương châm xử thế. Hiện nay tuy đã muộn nhưng việc hoà
hợp dân tộc vẫn còn là nghĩa vụ hàng đầu của các nhà lãnh đạo, là thước đo lòng
yêu nước của họ. Sau 1975, nhầm tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi hoàn
toàn trên trái đất, các nhà lãnh đạo Việt Nam không cần hoà giải dân tộc nữa,
muốn thực thi đấu tranh giai cấp toàn diện ngay. Nước ta đã bỏ lỡ cơ hội quí
giá mà phải ba mươi năm sau mới thấy ra.
5. Từ bỏ mọi giáo điều, mọi lí thuyết không phù hợp với
lòng dân. Chỉ thực hiện điều gì mà con tim cảm nhận là có ích cho dân, cho
nước.
6. Vững tin vào sự mở cửa thông thoáng trong quan hệ quốc
tế. Việc hội nhập quốc tế, việc từ bỏ tham vọng đấu tranh giải phóng loài người
theo kiểu Lê Nin phải dứt khoát và thành thực. Hội nhập và làm bạn với toàn thế
giới chỉ có lợi chứ không có hại gì hết. Sự bế quan tỏa cảng, sự cảnh giác
chống người nước ngoài, việc kì thị chủng tộc đều là biểu hiện của chế độ lạc
hậu, lỗi thời.
7. Tìm cách xoá bỏ tất cả những hình thức bạo lực trong
đời sống chính trị xã hội. Thay những cuộc hội nghị vô bổ bằng những điều tra
xã hội học, những trao đổi ý kiến thẳng thắn trên các phương tiện thông tin đại
chúng, đặc biệt là các quan chức phải đàm thoại thường xuyên trên mạng với cánh
trẻ.
BA. Một sự kiện khác rất nhỏ nhưng phân tích tín hiệu học
cho thấy tầm tư duy của lãnh đạo miền Bắc đối với khái niệm dân tộc hình thành
qua lịch sử chiến đấu như thế nào. Sau khi hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973,
một phái đoàn quân sự VNDCCH, tức là miền Bắc, đồn trú tại sân bay Tân Sơn
Nhất. Vào dịp Tết năm 1974, mặc dầu khó khăn về phương tiện, trung ương quyết
tâm đưa một cành đào Hà nội vào cho phái đoàn vui Tết và để cho phe Sài gòn và
Mỹ thấy đào Hà nội đẹp như thế nào. Việc đưa cành đào Hà nội vào Nam coi như
một việc quốc gia hệ trọng và niềm tự hào về cành đào là cần phát huy triệt để.
Hồi đó khi nghe các vị tuyên huấn hào hứng nói chuyện về
cành đào trong các buổi báo cáo thời sự ở Hà nội, tôi không khỏi giật mình vì
tính chất nghiêm trọng của sự việc. Những người chủ trương đưa cành đào vào Nam
bây giờ chỉ thấy mỗi một việc: họ đại diện cho lực lượng tiền đồn xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc, họ sẽ dùng cành đào đè bẹp cành mai. Thắng lợi tương lai sẽ là
thắng lợi của xã hội chủ nghĩa miền Bắc đối với miền Nam tư sản. Nếu tôi là
trưởng phái đoàn đóng tại Tân sơn Nhất, vào dịp Tết, tôi ra chợ Bến Thành mua
một cành mai, hay cành đào nếu có đem về nhà vui tết. Tôi là người Việt thì ăn
tết nơi nào cũng là trên đất Việt, cành mai hay cành đào đều được cả. “Tư duy
cành đào” đã thể hiện bản chất của nó sau ngày giải phóng trong tất cả các lĩnh
vực kinh tế chính trị xã hội.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác
giả
……………………..
*Mượn tên bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
No comments:
Post a Comment