Wednesday 22 May 2013

TẠI SAO HỌC SINH VIỆT NAM GHÉT MÔN SỬ ? (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Cập nhật lần cuối ngày Thứ tư, 22 Tháng 5 2013 08:46

Ngày 10/05/2013, hàng trăm chuyên gia trong giới sử học từ ba miền đất nước đã về Hà Nội tham dự buổi Hội thảo chuyên gia về sách giáo khoa lịch sử sau năm 2015, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển sử học và Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP HCM tổ chức.

Chương trình nghị sự tập trung vào chủ đề sách giáo khoa lịch sử đang được giảng dạy trong các trường phổ thông : nội dung, biên soạn, chương trình giảng dạy, nguyên nhân làm học sinh sợ môn sử… do 19 chuyên gia về môn sử trình bày. Phần lớn những phát biểu tập trung vào những chủ đề như cần làm rõ vị thế của môn lịch sử trước khi bàn đến chuyện cải cách môn học, vì nếu không coi lịch sử là môn học cơ bản, bắt buộc thì dù có đổi mới chương trình và sách giáo khoa như thế nào đi nữa cũng khó thuyết phục học sinh thích môn lịch sử.

Khai mạc buổi hội thảo, ông Phan Huy Lê, giáo sư nói chừng nào môn sử chưa xác lập đúng vị thế thì chừng đó vẫn còn có những chuyện xé đề cương sử môn lịch sử của học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Hiền (Sài Gòn). Phát biểu này cho thấy vị thế của môn lịch sử hiện nay đang bị xã hội xem nhẹ.

Suốt buổi hội thảo, các chuyên gia khẳng định "môn học Lịch sử là một trong những môn không bao giờ được xem nhẹ, bất kể trong hoàn cảnh nào và trong thời đại nào, lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó". Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, học sinh chán học môn sử vì hình thức và nội dung của sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông hiện nay không hấp dẫn và không được cập nhật những kiến thức mới. Cụ thể, hình minh họa trong sách giáo khoa lịch sử chỉ có hai loại bản đồ và ảnh vừa xấu vừa ít, hình ảnh mờ, nhòe, không diễn tả được nội dung, đem lại sự khó chịu, phản cảm cho người đọc, còn lại là những trang chữ dày đặc.
Nhiều ý kiến nói rằng có nhiều chỗ trong sách tác giả đưa khái niệm để thay thế cho sự kiện, đưa lý thuyết chung để thay thế cho thực tiễn lịch sử làm học sinh chán học, đây không những có lỗi của người lớn mà còn cả hệ thống, Bộ giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sự sa sút của môn lịch sử trong nhà trường hiện nay.

Những đề tài được các chuyên gia mổ xẻ nhiều nhất là xác định vị trí, cấu trúc nội dung của sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông. Chương trình lịch sử phải được cấu trúc dưới dạng câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết dân gian, các nhân vật lịch sử cùng biến tích, công trạng và tài năng của họ, các địa danh lịch sử và văn hóa từ đất liền tới hải đảo.

Theo giáo sư Phan Huy Lê,việc thống nhất sách giáo khoachưa phải là chất lượng lịch sử ở giáo dục phổ thông, vì còn cả một loạt chương trình, nhân tố liên quan mật thiết tới nhau.Chương trình môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông đang thiếu và cũng đang thừa : thừa những cái không cần thiết và thiếu những cái rất căn bản, nên mục tiêu giáo dục và yêu cầu môn lịch sử như thế nào cần được làm rõ. Chính vì thế, môn Lịch sử đang là một trong những môn bị coi thường nhất trong nền giáo dục phổ thông. Để phục hồi chỗ đứng của môn Lịch sử, cần phải chọn ra những phương pháp hữu hiệu nhất. Cấu trúc của môn Lịch sử hiện nay chủ yếu theo hướng đồng tâm từ cấp một, cấp hai, cấp ba và đại học đã đến lúc phải chấm dứt.

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết ở cấp I, chương trình chưa nên bố trí dạy lịch sử mà chủ nên dùng là chuyện kể lịch sửvàkhông nên lẫn lộn giữa chuyện kể lịch sử với các câu chuyện gắn với lãnh thổ và chủ quyền. Cấp II có thể học thông sử, cấp III học chuyên đề.

Nhiều ý kiến khác cho rằng sách giáo khoa lịch sử quá gò bó, từ chương trình, số trang đến chương mục, nặng về cung cấp kiến thức nhưng yếu kém về bồi dưỡng năng lực cho học sinh. Do đó, sách giáo, khoa phải khoa học, trung thực và khách quan, cập nhật được những thành tựu mới nhất, trên cơ sở đó chọn lọc những mục tiêu, đổi mới quan điểm. Môn Lịch sử gắn với năng lực với phẩm chất của con người, người học phải có kĩ năng vì hiện nay nhiều học sinh không biết đọc bản đồ không biết biết phân tích ảnh, do đó tư duy sử học kém. Thêm vào đó nên qui định tuổi thọ của sách giáo khoa là 5 năm, cứ 5 năm phải cập nhật hóa lại các sách giáo khoa sử. Cập nhật không phải là viết lại sách mà bổ sung, trình bày những tri thức cho lớp trẻ.

Một vấn đề khác được nêu ra là từ sinh viên sư phạm đến giáo viên phổ thông chính thức đều không được tiếp cận chương trình giáo khoa. Vì thế họ đương nhiên coi trọng sách giáo khoa hơn chương trình và dựa vào sách giáo khoa để dạy chứ không phải dựa vào chương trình. Chính vì vậy có nhiều đề nghị không nên bàn nhiều về thực trạng dạy học sử vốn rất bất cập hiện nay mà chỉ tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản như : Quan niệm về sách giáo khoa thế nào ? Vì sao sách giáo khoa các nước phát triển dày tới hàng trăm trang nhưng học sinh lại học rất nhẹ nhàng còn sách giáo khoa phổ thông môn Lịch sử của Việt Nam tuy mỏng nhưng học sinh lại cực kỳ quá tải ? Phân bổ môn lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông thế nào? Cấu trúc sách giáo khoa lịch sử, bố cục, cách trình bày thế nào, tổ chức biên soạn ra sao ? v.v.
Ông Nghiêm Đình Vỳ, chủ tịch hội đồng bộ môn lịch sử của Bộ giáo dục và đào tạo cho rằng SGK phổ thông môn lịch sử hiện nay gần như "đi tóm tắt lịch sử của người lớn cho học sinh học" nên không gây hứng thú, ngược lại khiến học sinh bị áp lực nặng khi phải thi sử. Một giáo sư khác, ông Nguyễn Ngọc Dung nói nên thay đổi tư duy khi viết sách giáo khoa lịch sử cho học sinh phổ thông theo kiểu ta thắng, địch thua, cứ xã hội chủ nghĩa là phải thành công tốt đẹp cả, chủ nghĩa tư bản là xấu, lờ đi những ưu việt của nó… Rồi theo khuôn mẫu "nguyên nhân, diễn biến, kết quả…" với hàng lô sự kiện lịch sử, con số. Sách giáo khoa như thế tương thích với phương pháp dạy học đọc - chép hiện nay.

Có người bạo dạng hơn đề nghị nên cho cho học sinh được tham gia quá trình biên soạn vì tiếng nói của học sinh có thể làm thay đổi những "lối mòn tư duy" trong biên soạn sách giáo khoa đến gần với thực tế. Tài liệu lịch sử là cần thiết. Tuy nhiên để học sinh hứng thú người thầy cần có phương pháp dạy học tích cực : giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu, phát biểu chính kiến, nhận thức của mình về bài học lịch sử và đặc biệt sự kiện đó xảy ra ở đâu, thời gian nào, ai lãnh đạo và có ý nghĩa thực tiễn, kết quả như thế nào. Cần tăng cường thuyết trình, sử dụng bản đồ, giáo cụ trực quan trong giảng dạy.

Nói chung, những chuyên gia về sử Việt Nam chỉ loanh quanh trong việc giảng dạy môn Sử nhưng không ai dám đề cập đến yếu tố chính trị bàng bạc trong khắp dữ kiện lịch sử, câu văn và câu kết của mỗi bài học lịch sử, ở đâu cũng có đấu tranh giai cấp, cái gì của phong kiến và tư bản đều xấu, v.v. Muốn học sinh yếu thích môn Sử, những người biên soạn phải nắm bắt một sự thật rất giản dị : phải thành thật với chính mình, cái gì đúng thí nói đúng, cái gì sai thì dám nói sai. Những hành động mang lại hậu quả xấu cho đất nước thì phải thẳng thắng phê bình. Mục đích chính của môn Lịch sử là giáo dục học sinh biết đâu là đất nước.

Nguyễn Văn Huy


No comments:

Post a Comment

View My Stats