Thursday, 9 May 2013

PUTIN LÀM NGƠ TRƯỚC CỬ CHỈ THIỆN CHÍ CỦA OBAMA (Yulia Latynina - The Moscow Times)





Nhất Phương dịch
09/05/2013

Danh sách Magnitsky mà chính quyền Tổng thống Obama đưa ra hôm thứ Sáu không có tác dụng. Vì chính quyền TT Obama đã bỏ bớt những quan chức Nga cần bị trừng phạt ra khỏi danh sách này, những người mà họ nghĩ có thể làm Kremlin khó chịu. Hy vọng ghi điểm với Putin bằng danh sách đen đã lược bớt này, Obama đã phái cố vấn an ninh của mình là Thomas Donilon, đến Moscow gặp Putin và những quan chức khác hôm thứ Hai.
Thay vì biết ơn hành động đó, Putin chỉ dừng lại một lúc cầm lá thư của Obama do Donilon trao cho ông ta rồi để mặc Donilon làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao hầu hết phần thời gian còn lại.

Không có gì khó chịu hơn trong cuộc sống là lịch sự nhân nhượng với những kẻ lưu manh, kẻ mà sau đó sẽ đối lại bằng thái độ thô bỉ. Washington chắc sẽ phản ứng bình thường trước hành động thô bỉ này bằng việc mở rộng bản danh sách Magnitsky như cũ bao gồm cả tên những quan chức Nga cao cấp khác.

Nhưng Kremlin có vẻ không sợ. Toàn bộ chính sách của Obama đối với Nga không khác gì cách hành xử của người tử tế đàng hoàng xin lỗi tên nát rượu trên xe bus ở Nga chỉ để ‘tránh trâu không xấu mặt nào’, để rồi chính hắn sẽ giẫm lên chân mình để khẳng định giá trị của bản thân hắn khi hắn biết rằng người tử tế sẽ không dám dùng vũ lực với hắn.

Chính quyền Obama thường xuyên hành xử một cách đàng hoàng như vậy, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, ngay sau khi các đại sứ quán Hoa Kỳ tại Cairo và Benghazi bị các nhóm bạo lực lục đốt phá mùa Thu vừa qua, Obama vẫn lên tiếng phê phán cuốn băng video làm tại Mỹ đã xúc phạm đến tình cảm của người Hồi giáo.

Đối lập với hình ảnh đó, hành vi nhún nhường của chính quyền Obama với Kremlin có vẻ là chỉ là chuyện nhỏ. Những người tử tế không hiểu được rằng một tay du côn tầm thường không bao giờ muốn thỏa hiệp và vì thế mọi nhượng bộ của người tử tế chỉ làm tên du côn thêm hung hãn. Điều này càng đúng nếu hiểu được rằng Nga không phải là tay chơi lớn trên vũ đài quốc tế và không phải là mối bận tâm lớn nhất của Washington.

Nhưng điều này không phải là duy nhất đặc biệt với Obama. Đó là đặc điểm chung của lãnh tụ của các chế độ dân chủ khi muốn làm việc với những tay độc tài. Cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier cũng sử dụng cách tiếp cận tương tự với Adolf Hitler.

Trong thực tế, những lãnh tụ độc tài luôn có nhiều lựa chọn hơn lãnh tụ ở các xã hội cởi mở vì họ không bị pháp luật hay đạo đức ràng buộc.

Cái giá phải trả cho hành vi điên khùng của kẻ độc đoán là gì? Hoàn toàn không, trong hầu hết các trường hợp.

Trong cuộc chiến ngoại giao Mỹ - Nga, Putin sẽ luôn chiến thắng cuộc chiến tâm lý trước Obama, đúng như kẻ nát rượu hung hãn cố tình giẫm lên chân người tử tế trên xe bus.

Vấn đề là ở chỗ, sau khi giẫm lên chân người tử tế, tay côn đồ nát rượu sẽ ngồi xuống tu một chai và khoác lác ba hoa với bạn bợm rượu của hắn về chiến công, còn người tử tế thì quay về văn phòng và làm việc thậm chí còn chăm chỉ hơn.

Khí từ đá phiến (shale) sản xuất ở Mỹ đã bắt đầu làm giảm giá gas thế giới. Chỉ trong một vài năm tới, Mỹ sẽ sản xuất đủ dầu từ đá phiến và hoàn toàn không phụ thuộc dầu nhập khẩu. Nhưng từ nay tới đó, Kremlin vẫn tiếp tục nói xấu Mỹ và tiếp tục lạnh nhạt với các cố vấn an ninh của Obama.

17 /4/ 2013
Y.L.

* Yulia Latynina phụ trách mục Trao đổi của đài Tiếng vọng Moscow (Ekho Moskvy)
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

****

CẤM QUAN CHỨC NGA “VI PHẠM NHÂN QUYỀN”
7/12/2012 16:47 GMT

Thượng viện Mỹ thông qua luật mang tên luật sư nhân quyền Nga để trừng phạt quan chức Nga bị coi là vi phạm nhân quyền.

Luật mang tên ông Sergei Magnitsky, người bị chết trong đồn công an Nga hồi 2009, đã được thông qua hôm 6/12/2012 và sẽ buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama có biện pháp với quan chức Nga.
Nếu ai trong số họ bị coi là vi phạm quyền con người thì sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản riêng của họ nếu có tại Hoa Kỳ cũng bị phong tỏa.

Theo BBC Tiếng Nga tại London, sự kiện này đang gây ra cuộc tranh luận trên mạng tại Nga và người ta cũng hỏi đây có phải là cách giới lập pháp Mỹ muốn dùng để nhắm vào quan chức những nước khác nữa trong tương lai.

Vụ án Magnitsky
Sau khi phát hiện ra một vụ lừa đảo cấp nhà nước trị giá chừng 200 triệu USD liên quan đến các quan chức thuế Nga, bản thân ông Magnitsky bị bắt “vì trốn thuế”.
Giới vận động tại Nga và ở nước ngoài, chẳng hạn như ông Bill Bowder, người cùng làm việc với ông Sergei Magnitsky trong công ty Hermitage Capital Management (HCM) nói vị luật sư trẻ “đã bị công an tra tấn”.
Nhà chức trách Nga thì nói ông Magnitsky “chết vì trụy tim và hậu quả của viêm tụy”.
Giới y tế đến nhà tù để khám nghiệm xác ông Magnitsky cho hay ông chết “ít nhất là một giờ trước thời gian quan chức trại giam thông báo”.
Chỉ hai giờ trước khi ông qua đời, nhân chứng trong tù còn nói rằng thấy ông Magnitsky “đi lại bình thường”.

Hồi tháng 7/2011, cuộc điều tra theo yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền do Tổng thống khi đó, ông Dmitry Medvedev ra lệnh thực hiện, đã quy tội cho hai quan chức an ninh và cảnh sát Nga, Oleg Silchenko và Ivan Prokopenko về “lờ là trách nhiệm” dẫn tới cái chết của nạn nhân.
Vụ án Magnitsky, luật sư chống tham nhũng qua đời hồi tháng 11/2009 khi mới 37 tuổi, trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống tham nhũng và lạm quyền ở Nga.

Jackson - Vanik và tự do đi lại
Luật Magnitsky nhắc lại quy định trong tu chính án Jackson – Vanik từ 1974 để buộc chính quyền Mỹ phải có biện pháp trừng phạt quan chức Nga “vi phạm nhân quyền”.
Tu chính án Jackson–Vanik hồi đó được thông qua, mang tên hai dân biểu Mỹ, buộc bên hành pháp ràng buộc tự do thương mại với Liên Xô và nhiều nước Đông Âu cộng sản với yêu cầu tôn trọng nhân quyền, gồm quyền tự do xuất nhập cảnh.
Cụ thể, luật này chống lại thói cưỡng ép lấy tiền của công dân Liên Xô gốc Do Thái, điều mà Moscow thường làm, để đổi lại quyền cho họ di dân sang các nước phương Tây.
Nhưng luật Jackson – Vanik không nêu cụ thể sắc dân nào được hưởng sự bảo trợ này của Hoa Kỳ nên trở thành luật chung áp dụng với mọi công dân Liên Xô, yêu cầu chính quyền tôn trọng tự do đi lại của dân.

Trước khi chủ nghĩa cộng sản tan rã, điều từng được gọi là “thuế di dân” khá phổ biến thời cộng sản ở Đông Âu, điều tương tự như các vụ ‘thu vàng bán bãi’ ở Việt Nam để cho đi vượt biên sau 1975.
Việt Nam và Trung Quốc từng bị ràng buộc bởi luật Jackson - Vanik vì không cho công dân của họ tự do xuất nhập cảnh.
Lần đầu tiên, Tổng thống Clinton đã đưa ra điều khoản miễn áp dụng (waiver) với quy định của luật Jackson – Vanik liên quan tới Việt Nam năm 1989.
Sau đó, ông làm tiếp vào các năm 1999 và 2000. Còn Tổng thống George W Bush ký văn bản tương tự năm 2001.
Chỉ đến khi Washington và Hà Nội ký hiệp định mậu dịch song phương 2001 thì vấn đề này mới không được nói đến.

Nguồn: bbc.co.uk

****

MOSCOW MỞ VỤ XỬ LUẬT SƯ QUÁ CỐ
Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Các nhà hoạt động nhân quyền đã lớn tiếng chỉ trích vụ gây ra cái chết của Sergei Magnitsky

Luật sư Nga, ông Sergei Magnitsky dù đã qua đời mấy năm rồi vẫn sẽ ‘bị đưa ra tòa’ trong vụ xử gây ra nhiều điều tiếng liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Ông Magnitsky, làm kiểm toán cho một công ty luật, đã bị bắt năm 2008 và chết trong khi bị công an giam giữ năm 2009 ở tuổi 37.
Cái chết của ông gây ra bất đồng ngoại giao giữa Nga và Hoa Kỳ về các vụ bạo hành trong nhà tù và cách thức nước Nga chống tham nhũng.
Bản thân ông Magnitsky là người truy tìm những vụ tham nhũng, trốn thuế trong các quan chức Nga nhưng lại sẽ bị buộc tội ‘tham nhũng, trốn thuế’.

Hồi năm ngoái, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky, theo đó đưa các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vào danh sách đen.
Để đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cấm người Mỹ nhận con nuôi là trẻ mồ côi Nga.
Người ta tin rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Xô viết cũng như lịch sử nước Nga, một bị cáo bị đem ra xét xử sau khi chết.

Tham nhũng và chống tham nhũng
Ông Magnitsky đại diện cho Quỹ Quản lý Hermitage Capital Management (HCM) có trụ sở chính tại London. Ông đã phát hiện ra điều mà ông mô tả là một mạng lưới tham nhũng liên quan tới các quan chức thuế của Nga, trong đó có cả vụ được cho là đánh cắp hơn 200 triệu đô la.
Sau khi báo cáo cho giới chức, ông đã bị bắt giữ với lý do bị nghi hỗ trợ lách luật để trốn thuế.

Vụ án Magnitsky đã gây ra mâu thuẫn giữa Nga và Hoa Kỳ

Quan chức quản lý quỹ, Bill Browder, người sinh ra tại Mỹ và hiện đang điều hành Hermitage Capital, đã có các nỗ lực tại Hoa Kỳ nhằm gây áp lực lên Nga trong vụ Magnitsky.
Ông Browder là một nhà đầu tư lớn tại Nga, trước khi ông Magnitsky bị bắt.
Hồi tháng 12, tòa án Nga đã tha bổng một bác sỹ của nhà tù, người bị cáo buộc là đã phạm lỗi cẩu thả trong cái chết của ông Magnitsky.

Ông Magnitsky bị viêm tụy, nhưng cuộc điều tra do Hội đồng nhân quyền, vốn hoạt động dưới quyền của tổng thống trước, Dmitry Medvedev, đã kết luận rằng ông đã bị đánh đập nghiêm trọng và không được điều trị y tế.
Hiện đã có một số bình luận trên báo tiếng Anh và Nga cho rằng vụ 'xử người đã chết' là chuyện 'bi hài' của nền tư pháp Nga thời đại Putin.

Nguồn: bbc.co.uk

****

MỸ CÔNG BỐ “DANH SÁCH ĐEN” CÁC QUAN CHỨC NGA
13/04/2013 - 13:21

(Dân trí) - Trong động thái khiến Nga bất bình, Mỹ hôm qua đã công bố danh sách gồm chủ yếu các quan chức Nga bị cấm vào Mỹ với lý do họ đã lạm dụng nhân quyền.
Nga trước đó đã phản đối Mỹ công khai danh tính của 18 người Nga bị cấm vào nước Mỹ và cảnh báo động thái sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối mối quan hệ giữa hai nước.
Mỹ đáp áp đặt lệnh cấm sau khi luật sư Nga Sergei Magnitsky chết trong thời gian bị giam giữ vào năm 2009. Ban đầu khoảng 350 cái tên đã được các chính trị gia Mỹ đưa ra. Danh sách cuối cùng gồm những người ở Nga, Ukraine, Azerbaijan và Uzbekistan. Trong số đó có 16 người có liên quan đến vụ Magnitsky.
Danh sách của Mỹ gồm các quan chức thuế, các sỹ quan cảnh sát đã giam giữ Magnitsky sau khi vị luật sư này cáo buộc họ tham nhũng.

Magnitsky đã bị bắt vào năm 2008 vì bị cáo buộc trốn thuế, sau khi luật sư này cáo buộc giới chức cảnh sát Nga ăn cắp 230 triệu USD của nhà nước bằng cách ăn bớt thuế. Gia đình Magnitsky cho rằng ông đã bị đánh đập và không được chữa trị khi bị giam giữ.
Năm 2012, Washington đã thông qua luật Magnitsky, cấm các quan chức Nga nhập cảnh vào Mỹ vì cáo buộc họ liên quan đến cái chết của Magnitsky. Song khi đó, danh tính của những người bị cấm được giữ bí mật.
Trong động thái đáp trả, Tổng thống Nga Putin cũng đã ký luật cấm người Mỹ nhận trẻ mồ côi Nga làm con nuôi.
Và gần đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra một danh sách đen những quan chức Mỹ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Các nguồn tin cho hay, biện pháp trả đũa sẽ “cân xứng” và sẽ được đưa ra vào ngày hôm nay.
“Sự xuất hiện của bất kỳ danh sách nào cũng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực tới mối quan hệ Mỹ-Nga”, người phát ngôn của Tổng thống Putin cho biết với báo giới.
Những người bị nằm trong “danh sách đen” của Mỹ đã bị phong tỏa tài khoản ở Mỹ và đã bị cho vào danh sách những người bị từ chối cấp visa. Một số quốc gia châu Âu cũng thực hiện biện pháp tương tự.
Người phát ngôn của Tổng thống Putin cho rằng, mặc dù Nga không hài lòng trước động thái của Mỹ, nhưng hợp tác giữa hai nước vẫn tiếp tục, bởi “vẫn có rất nhiều mặt có thể phát triển hơn nữa”.

Theo BBC, “nhức nhối” này giữa Nga và Mỹ sẽ phủ bóng xuống chuyến công du Nga của cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, ông Tom Donilon, người dự kiến sẽ có các cuộc họp cấp cao tại Nga vào ngày thứ Hai tới.
Song giới phân tích cũng cho rằng, việc một số quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Putin được loại khỏi danh sách của Mỹ, như quan chức cảnh sát hàng đầu Alexander Bastrykin, cho thấy chính quyền Obama đã quyết định không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị với Nga.

Phan Anh
Theo BBC

Nguồn: dantri.com.vn

Được đăng bởibauxitevnvào lúc08:18



No comments:

Post a Comment

View My Stats