Monday 27 May 2013

PHẢN BIỆN VỚI JONATHAN LONDON. HÂM NÓNG GIẤC MƠ LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ? (Tôn Vân Anh)




03:16:pm 26/05/13

Bài viết của ông Jonathan London trên blog của ông „Đừng giữ một giấc mơ đã chết, hãy tập trung vào hiện tại” mà sau đó được BBC đăng lại đã gây nhiều tranh cãi mà hai bài viết „Con đường nào đi tới?” và „Tôi thấy giấc mơ vẫn còn đó” của ông sau đó có vẻ chỉ làm chìm sóng gió một cách miễn cưỡng.

Tuy ông Jonathan London nói về bài viết coi cờ vàng “đã chết” là “có một số thiếu sót nghiêm trọng và nội dung bài viết đã gây buồn lòng và làm tổn thương nhiều người” nhưng tôi lại cảm thấy băn khoăn nhiều hơn an ủi.

Có hai vấn đề ông đưa ra. Một là ông xin lỗi và không muốn xúc phạm tình cảm của những ai trân trọng cờ vàng. Hai là ông vẫn duy trì quan điểm nên dẹp chuyện vẫy cờ sang một bên khi chưa lo xong chuyện thay đổi thể chế. Giữa hai vấn đề, người đọc được bồi bổ thêm kiến thức về những suy nghĩ của ông với Việt Nam.

Thứ nhất, việc phân giải bản chất của tác giả, xin lỗi và nhận lời xin lỗi hay không là việc mà tôi xin miễn bình luận, coi đây như một trong các yếu tố có thể xuất hiện trong lúc tranh luận và mỗi người trong công chúng có đặc quyền tha thứ riêng. Nhưng những yếu tố còn lại làm tôi vô cùng e ngại mà theo tôi không thể khép lại sau các bài viết của ông tiến sĩ.

Ướp sống?

Coi chuyện vẫy cờ là „chướng ngại vật” trong môi trường đấu tranh dân chủ cho Việt Nam dĩ nhiên đẩy cờ vàng ra rìa công cuộc chống đối cam go hiện nay đồng thời làm những người muốn nhận lời xin lỗi từ ông như tôi đặt thêm dấu hỏi ông xin lỗi điều gì và đang nhắn nhủ chúng tôi điều gì. Nói nôm na, ông bỗng dưng nhận thấy giấc mơ cờ vàng „chưa chết” nhưng khuyên hãy ướp mạng sống của nó trong lúc chờ thời cơ. Hỡi ơi!

Tôi có những bất đồng tương tự khi đọc các suy nghĩ của ông trong bài „Có con đường nào đi tới?”.
Xin lần lượt liệt kê.

Thời Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski từng phải bất ngờ ban lệnh thiết quân luật, chỉ trong vòng 3 năm đẩy hơn 10 ngàn người hoạt động dân chủ vào trại giam, chưa tính số nạn nhân bị thủ tiêu. Nhân mạng, tù đầy, uy hiếp…. Tất cả chỉ để ướp lạnh mọi giấc mơ. Cuối cùng thì giấc mơ thành hiện thực không chỉ đối với Ba Lan trong khi có người mong nó bị chết cóng từ lâu mà tốt nhất là đi vào quên lãng.

Nói cho cùng, nếu cứ ướp lạnh „have a dream” của Nelson Mandela thì không rõ ngày nay văn minh nhân loại nằm ở xó xỉnh nào đây.

Có quá nhiều giấc mơ thực sự sống cùng dân tộc và con người thực với trái tim biết khát khao luôn là ác mộng của độc tài. Bởi thế mà đã hơn 50 năm sau khi Đại Lai Lạt Ma rời quê lánh nạn, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải chật vật đối phó với những ước mơ của ông. Dĩ nhiên lá cờ truyền thống của Tây Tạng là biểu tượng bị cấm đoán khe khắt nhất và Trung Quốc liệt kê vô vàn lý do để biện hộ cho việc cấm đoán đó. Y như đảng cộng sản Việt Nam đang làm với cờ vàng.

Tạm thôi?

Tôi không thấy trên thế giới có học giả nào khuyên Đạt Lai Lạt Ma rời bỏ ước mơ hay giả bộ phủ nhận biểu tượng Tây Tạng để coi đó là sách lược đối với Trung Quốc dẫu sự giành giật ở Tây Tạng đang ngày một tàn nhẫn mà hậu quả tới nay là các vụ tự thiêu diễn ra gần như triền miên.

Hãy nhìn sang Tây Tạng, Miến Điện, Ba Lan… để biết không thể vừa hòa mình vào lô-gích của độc tài, vừa bài trừ tệ nạn do chính độc tài tạo ra.

Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi thà để đối phương trù dập mình, chứ không chấp thuận chùn bước dù luôn có cơ hội „chủ động tạm thôi”.

Đi ngược lại mong muốn của độc tài nghĩa là nắm bắt cơ hội duy nhất và con đường duy nhất cho chúng ta xoay đổi thế cờ. Vì thế việc học giả Jonathan London lên tiếng ủng hộ ý tưởng „tạm ngưng vẫy cờ” làm tôi vô cùng khó hiểu, nhất là khi ông tiếp tục hứa hẹn ủng hộ nhân dân Việt Nam trên con đường dân chủ hóa đất nước.

„Chúng ta”?

Ở Việt Nam, từ nay tới khi tình thế ngã ngũ, muốn hay không, sẽ luôn có hai phe: một phe ít nhiều thuộc đảng cộng sản và một phe của của xã hội ít nhiều tổn thương. Qua bài viết của tiến sĩ Jonathan London tôi được biết trong hàng ngũ đảng có „nhiều người thông minh tận tụy” và họ có những khát vọng „như tất cả chúng ta”. Tôi thật sự phát hốt và cáo lỗi xin ông đừng cho tôi vào đám „chúng ta” đó.

Tại sao việc họ „bị trói trong các thể chế còn khiếm khuyết” là điều được dĩ nhiên công nhận như một thực tế khách quan, như những bối rối trong lúc đợi chờ Gov-ba-chốp hoặc Kim Dae Jung xuất hiện tại Việt Nam? Trong khi đó „chúng tôi” phải tiếp tục chứng kiến bao phiên tòa phi lý, bao bản án phi nhân mà tác giả là „thể chế khiếm khuyết” được mông má bởi những nhân vật „thông minh tận tụy”. Tôi không thể tin và không thể chấp nhận lời nói ngọt ngào rằng nỗi uất giận và khát khao của tôi và của những người trong đảng cộng sản „cũng như nhau”. Khát vọng của những ông bố bà mẹ có con bị chế độ vùi dập, khát vọng của những người muốn tìm sự thật cho những án mạng khuất tất trong đồn công an, khát vọng của những thuyền nhân tìm tự do trên biển, khát vọng của dân oan bị cướp đoạt đất sống và khát vọng của những người „điên tiết” bởi bài viết của ông không thể đem so sánh bừa phứa với khát vọng của 3 triệu đảng viên phần lớn tồn tại được nhờ các „khiếm khuyết” vì e rằng việc so sánh này khiến ông phải xin lỗi thêm lần nữa.

Cờ lạ?

Tiến sĩ Jonathan London cho rằng có thể dung hòa giữa việc tạm ngưng vẫy cờ vàng và tạm ngưng bàn chuyện quốc kì trong hi vọng „một ngày nào đó Việt Nam sẽ có một lá cờ mà tất cả mọi người cùng chấp nhận” trong khi ông tiếp tục khuyến khích chúng tôi nhìn xem có những con đường nào đi tới.

Phải bàn luôn chuyện quốc kì cho ra nhẽ, bởi tôi thấy có xu hướng trong những bài viết và lời bình của ông J.London muốn người Việt tham vọng mang thêm một lá cờ lạ nào đó vào Việt Nam. Lại thêm một ý kiến làm tôi phải phản đối.

Sẽ là mị dân khi nói các dân tộc có thể đi vào tương lai mà không mang theo hành trang quá khứ. Cũng không có lá cờ nào dĩ nhiên được một thể chế dân chủ nào đó vẽ ra mà không màng tới các giá trị truyền thống vượt thời gian và phi đảng phái.

Việt Nam được thế giới biết tới như một dân tộc khác biệt tại Á Châu với màu vàng tượng trưng cho giáo lý Phật Pháp tiểu thừa. Màu vàng cũng là màu của người chủ quốc vương trên ngai vàng. Nếu có tìm thêm màu sắc của các cuộc khởi nghĩa như Trần Hưng Đạo, bà Trưng bà Triệu… thì cũng rất khó tìm ra màu đỏ. Tìm sao vàng càng bó tay. Trong trường hợp Việt Nam, màu đỏ thật sự đại diện cùng sự có mặt của phong trào cộng sản nước Nga. Kể cả „bác” Hồ cũng không giấu điều đó khi bắt chước Trung Quốc nhập nội cờ đỏ từ rất xa về Việt Nam.

Chỉ có các giá trị và truyền thống mới là điểm dựa có sức đột phá tiếp sức cho mọi thế hệ dân chủ Việt Nam, từ Hòa Thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, tới các bạn trẻ mới vào tù gần đây. Khi độc tài tưởng đã hạ bệ được „chúng ta” bằng bạo lực thì giá trị truyền thống là giá đỡ có thật và hiên ngang nhất bảo vệ sự sống dân tộc dẫu có người vẫn chưa nhận ra điều đó. Việc người Việt trưng cờ vàng không chỉ là việc nhắc nhở quá khứ hay nâng niu cảm xúc mà đang thực hiện công cuộc xây dựng tương lai bằng cách duy trì giá trị dân tộc thâu suốt. Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha hiên ngang trước tòa bởi có được sự nâng đỡ vô giá đó và trên hết thấu hiểu sức mạnh đó.

Dân chủ nhà nước yêu dân chủ ngoài luồng?

Ông Jonathan London nói vì có câu chuyện vẫy cờ mà môi trường dân chủ Việt Nam gặp „chướng ngại vật” khi ông gộp những người „thuộc bộ máy nhà nước” và những người „đối lập với nhà nước” vào cùng một khối. Tôi hoài nghi điều này bởi trên thực tế, phe nhà nước chỉ nhập cuộc dân chủ khi tình thế đã ngã ngũ hoặc đã bị dồn tới chân tường. Việc vẫy cờ màu gì trước và sau đó chỉ là một trong các cớ câu giờ.

Còn nếu xét việc vẫy cờ từ góc nhìn của những nhà hoạt động dân chủ „ngoài luồng” thì nguồn cảm hứng không bao giờ mâu thuẫn với hành động bởi họ gánh mạo hiểm quá cao. Các nhà hoạt động thấu hiểu điều gì là giá trị cần ưu tiên khi bị bài trừ. Lá cờ, nếu đã là nguồn cảm hứng, thì sẽ không thể đồng thời là chướng ngại vật trong công cuộc đeo đuổi mục đích. Nỗ lực của người Việt tị nạn trước kia cho tới Nguyễn Phương Uyên ngày nay đã chứng minh sức mạnh phi thường của sự liên kết đó.

Ngoài ra, các „chướng ngại vật”, nếu có, cũng không thành vấn đề phải giấu nhẹm. Các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam theo tôi không muốn ngoảnh mặt làm ngơ với các „chướng ngại vật” mà trước sau phải đối diện. Ngoài việc quốc kì, chúng ta còn phải tranh luật dài dài để đòi công bằng cho các thân nhân và chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, phải giải quyết được các oan ức đất đai, phải biết thành tâm tưởng nhớ boat people bỏ mạng tìm tự do, phải đòi công bằng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong khi vẫn phải đối diện với Giáo Hội Phật Giáo của nhà nước…

Hai chân mạo hiểm ngã ba đường

Người Việt hiện nay đang thực sự dành vai trò thách thức đối phương qua tự do tư duy và tinh thần bất khuất. Những con đường nào cho Việt Nam ư? Bài học của những cuộc các mạng đã thành công cho thấy con đường chính nghĩa chỉ có một, nhưng ý kiến thì nhiều. Có ý kiến cho rằng có thể đặt hai chân ở hai bờ chiến tuyến để giữ vai trò khó định nghĩa như ông J.London với tờ Nhân Dân. Cũng có gợi ý khác về con đường kém vinh quang, đầy mạo hiểm ở giữa khoảng không của hai cái chân đôi khi được gọi là cây cầu hòa hợp… Không biết có tới được đích hay không nhưng chắc chắn chui qua háng chân là con đường luồn lách và cúi đầu.

Tôi không cho rằng đội ngũ dân chủ Việt Nam có xu hướng tìm giải pháp trung dung dẫu phía bên kia là đảng cộng sản đang nỗ lực vận động cho ý tưởng này.

Theo dõi hướng đi của thế hệ trước như Hòa Thượng Thích Huyền Quang, tù nhân lương tâm Trương Văn Sương, Nguyễn Hữu Cầu… và theo dõi động lực vận hành của cỗ xe dân chủ thời nay thì có thể đi tới kết luận rằng người vạch đường thấu đáo nhất là người đã gán số phận mình quyết cho cỗ xe chạy tới đích. Kẻ đứng giữa ngã ba đường tất nhiên có thể khua khoắng chướng ngại vật với dụng ý tốt nhưng e đó là hành vi vô bổ đầy mạo hiểm. Hơn nữa, khi đã thống nhất cỗ xe đang chạy là cơ hội duy nhất kéo Việt Nam rời độc tài thì chúng ta đừng phân vân mà hãy chủ động vịn tay tiếp sức. Về phía mình, tôi sẽ cố gắng dẫu tôi sinh sau 1975, từng có nhiều năm học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội và nay đang hoạt động xã hội tại Ba Lan.

25 tháng 5 năm 2013, Warszawa
© Tôn Vân Anh
© Đàn Chim Việt
 

Nguyễn Quang Duy says:
CỜ VÀNG CHỐNG CỘNG QUÁ KHỨ HAY TƯƠNG LAI?
Nguyễn Quang Duy
Ngày 16/5/2013, tòa án Long An khép án mười sáu năm tù và sáu năm quản chế, hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Trước phiên tòa, hai bạn trẻ với những lập luận vững chắc đã phản đối các tội bị khép: phổ biến cờ vàng, chống đảng Cộng sản và thả truyền đơn chống Trung Quốc.
Khi dư luận còn bàng hòang vì bản án và ngưỡng phục chí khí hai bạn trẻ, thì diễn đàn BBC cho đăng bài ‘Đừng giữ một giấc mơ đã chết’ của Tiến sĩ Jonathan London. Tác giả là một nhà kinh tế chính trị học, chuyên về Việt Nam và hiện đang dạy ở Đại học Hong Kong.
Một mặt tác giả đồng tình với dư luận công khai phản đối bản án. Mặt khác tác giả lại biểu lộ bất đồng với hai người trẻ. Ông cho rằng cờ vàng là lá cờ của quá khứ và việc sử dụng cờ vàng không phải là con đường hứa hẹn nhất cho một Việt Nam mới.
Bài viết vừa chủ quan, vừa thiếu thông tin nên lập luận đâm ra thiếu chặt chẽ. Bài viết lại được phổ biến vào một thời điểm vô cùng tế nhị đảng Cộng sản vừa khép án nặng nề hai bạn trẻ yêu nước. Chính vì thế bài viết đã nhận được rất nhiều góp ý phản đối.
Sau đó vài hôm, ngày 20-5-2013, trên diễn đàn BBC tác giả đã viết bài ‘Có những con đường nào đi tới?’ nhằm phân bua cùng độc giả. Điều đáng tiếc tác giả vẫn tiếp tục chủ quan và chưa nhận ra con đường Việt Nam đang tới.
Là một người Hoa Kỳ, lớn lên trong nền giáo dục tự do và lại là một nhà khoa học, một người như thế lẽ ra nên bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao cờ vàng lại chỉ được vinh danh tại một số quốc gia ở Mỹ châu, Úc châu và Âu châu?” Khi đặt được câu hỏi như thế ông sẽ có ngay câu trả lời vì Việt Nam chưa có tự do.
Từ đó ông sẽ hiểu thêm rằng người Việt tự do sống rải rác khắp nơi trên thế giới có quá nhiều khác biệt, nhưng chỉ có một điểm chung. Điểm chung của họ chính là lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của tự do. Vì thế họ luôn bảo vệ và sẵn sàng vinh danh khi có điều kiện.
Còn với ngừơi Việt trong nước không chỉ đã mất tự do, mà luật pháp Việt Nam cũng chỉ là công cụ của đảng cầm quyền. Trong phiên tòa quan điểm Luật sư Hà Huy Sơn về việc Nguyễn Phương Uyên phổ biến cờ vàng như sau: “Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào cấm vẽ, dán cờ vàng ba sọc đỏ tại nơi công cộng.” Quan điểm này xác nhận tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Ông London còn cho biết ông cảm nhận sẽ có thay đổi chính trị xẩy ra trong vòng 5 năm tới. Nếu ông cảm nhận chỉ thay đổi một phần của thể chế chính trị, trong đó có việc cải cách luật pháp thì ông nên cổ vũ cho cho quan điểm của Luật sư Hà Huy Sơn. Ông cũng nên ủng hộ hành động dán và phổ biến cờ vàng của hai sinh viên. Hay ít ra ông London không nên kêu gọi người khác gát chuyện cờ vàng vì mỗi người đều có quyền tự do chọn con đường cho mình. Tìm hiểu và tôn trọng chính kiến của người khác chính là nguyên tắc căn bản của tự do và dân chủ. Có như thế mọi người mới có thể đi chung đường.
Nếu ông London cổ vũ thay đổi thể chế chính trị, từ một thể chế cộng sản sang một thể chế tự do thì dấu hiệu của một thể chế tự do chính là việc lá cờ vàng ba sọc đỏ được tự do tung bay khắp ba miền đất nước.
Trong thời đại truyền thông tòan cầu, lá cờ vàng càng ngày càng được nhiều người trẻ biết đến. Họ tìm hiểu vì lịch sử lá cờ gắn liền cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập và thống nhất đất nước và vì là biểu tượng của tự do. Tuổi trẻ tìm hiểu và công nhận cờ vàng vì yêu nước và yêu tự do.
Trên thực tế, các phiên tòa chính trị đều được dựng lên cho có hình thức. Còn bản án chính trị đều được “Đảng” quyết định từ bên trên, từ bên trong và từ trước. Trong phiên tòa hai sinh viên nêu rõ quan điểm họ chống lại đảng Cộng sản. Ông London và dư luận công khai biểu lộ không đồng ý với bản án. Như vậy ông London và dư luận đang chống lại bản án. Chống lại quyết định bản án, không khác gì chống lại đảng Cộng sản. Mọi người đều có quyền chống lại những quyết định sai trái của những người cầm quyền. Đây là quyền tự do cơ bản của con người.
Trước tòa hai sinh viên công khai tuyên bố chống lại đảng Cộng sản, là một hiện tượng chứng tỏ sự trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam. Hai sinh viên chống lại đảng Cộng sản vì tệ nạn tham nhũng của các quan chức cộng sản, và vì hành động xâm phạm chủ quyền và tàn sát ngư dân Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng. Vì yêu nước họ chống lại đảng Cộng sản.
Bản án đảng Cộng sản khép cho hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha chính là một bản án chống lại những quan điểm chính trị của thời đại. Kinh tế tự do phải song hành với chính trị tự do, là một tiến sĩ dạy kinh tế chính trị, ông London chắc đã rõ điều này.
Bởi thế kết án hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha chứng tỏ đảng Cộng sản đang đi ngược lại nguyện vọng của giới trẻ, đang đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, đang đi ngược lại xu hướng tự do và dân chủ của nhân lọai.
Trong bài viết “Có những con đường nào đi tới?”, sau một hồi phân bua tác giả London nhận xét: “Rõ ràng, ngày 16/5 là một bước thụt lùi khá xa cho Việt Nam.” Nhận xét như thế là đồng nghĩa giữa đảng Cộng sản và đất nước Việt Nam. Một đồng nghĩa lại được chính hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bằng hành động giải thích cho mọi người sự khác biệt.
Trên các diễn đàn, đại đa số các bài viết và ý kiến đều đồng tình và thuận lợi cho hai bạn trẻ. Ngày 16-5-2013 như thế phải nhận xét là một bước tiến mới của những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Mặc dù xuất phát từ nhiều khuynh hướng khác nhau họ đồng tình phản đối bản án khép cho hai sinh viên yếu nước. Điều này cho thấy thời điểm hội tụ của mọi khuynh hướng muốn thay đổi chính trị đã và đang bắt đầu.
Ngày 16-5-2013, phải nói là một bước thụt lùi khá xa của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó chỉ thấy đảng Cộng sản đang chống lại đòi hỏi phải thay đổi chính trị.
Tại sao đảng Cộng sản phải chống lại thay đổi chính trị? Vì đảng Cộng sản cho rằng thay đổi là tự sát. Nhưng việc đảng Cộng sản đang chống lại chiều tiến hóa của dân tộc, của nhân lọai, rồi cuối cùng cũng như các thể chế độc tài khác, đảng Cộng sản sẽ bị đào thải.
Sau Hội Nghị 4, ngày 29/12/2011 trên báo Quân Đội Nhân Dân, ông Lê Khả Phiêu cho biết tình trạng của đảng Cộng sản bấy lâu nay là “tồn tại trong suy thoái”. Tình trạng tồn tại trong suy thoái chính trị lại càng ngày càng bộc lộ và cho thấy không còn cách cứu chữa.
Ngược lại đòi hỏi tự do dân chủ, đòi hỏi tôn trọng nhân quyền càng ngày càng bộc lộ nhất là trong giới trẻ. Tuổi trẻ là tương lai. Đảng Cộng sản đang đi vào quá khứ. Tự do là tương lai. Cộng sản là quá khứ.
Bất chấp các hình phạt nặng nề, ngày 30-4-2013 Tuổi Trẻ Yêu Nước Long An lại cho dán cờ vàng và cho phổ biến rộng rãi trên Facebook, trên các diễn đàn trong và ngòai nước. Các bạn Tuổi Trẻ Yêu Nước đã nhìn nhận cờ vàng là dấu hiệu của một thể chế tự do.
Chỉ dưới một thể chế thực sự tự do, lá cờ vàng ba sọc đỏ lại được tự do tung bay khắp ba miền đất nước. Cờ vàng lá cờ của tương lai, lá cờ của Việt Nam tự do.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
23/5/2013


Trúc Bạch says:
Cám ơn bài viết của Tôn Vân Anh !
Tại Sao Phải Cố Thủ Mầu Cờ Vàng ?
Qua bài viết phản biện lại lập luận của Jonathan London này của Tôn Vân Anh, tôi xin phép ĐCV được nhắc lại những ý kiến mà tôi đã đăng trên trang ABS trong hai bài (1) : “Tôi Thấy Giấc Mơ Vẫn Còn Đó” của Jonathan London viết để phản bác lại bài viết bị xuyên tạc bởi Lê Võ Hoài Ân (báo Nhân Dân) và bài (2) : “Cờ Đỏ, Cờ Vàng và Hòa Giải” Của nhà báo Huy Đức .
Jonathan London viết :
“Qua những trao đổi, thăm dò, tôi hiểu được giấc mơ của đại đa số người dân vẫn quý lá cờ vàng, không phải là để hướng về một thời đã xa, mà chính là hướng tới một tương lai tốt hơn bây giờ. Một tương lai mà dân tộc Việt Nam không bị coi là trẻ con như không có đầu óc, không bị đàn áp vì ý tưởng của họ, và không bị ngăn chặn tham gia đời sống chính trị trong cơ quan công quyền, bằng chế độ pháp quyền thực sự.”
- Ông Jonnathan London đúng ở điểm này ! Chúng tôi trân trong lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cũng không phải để khóc thương cho một miền Nam ngập ngụa máu và nước mắt mà những người CSVN – với sự giúp đỡ tận tình và hào sảng của Quốc Tế CS – đã (phóng tay) tiến hành một cuộc giải phóng bằng “bạo lực cách mạng”, khốc liệt trong xuốt 20 năm ,….
- Chúng tôi dương cao Cờ Vàng cũng không phải để hoài niệm về một phần đất nước bị qua phân,…nhưng chình là để hướng về một tương lai, cái ngày mà dân tộc Việt vĩnh viễn không còn bị coi là một Phiên Quốc của Trung Hoa, không còn bị coi là cùng chung màu cờ, cùng chung lý tưởng hay cùng “chung một Biển Đông” như lời bài hát “Việt Nam Trung Hoa” của Đỗ Nhuận.
- Với quyết tâm thoát khỏi ảnh hưởng của Đại Hán, tiền nhân Việt đã nghĩ ra chữ Nôm – còn gọi là Quốc âm hay Quốc Ngữ – vì tin rằng độc lập về ngôn ngữ thì sẽ độc lập về dân tộc.
Nhưng dù sao thì Chữ Nôm cũng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cấu trúc từ chữ Hán, cho nên – khi vị Cố Đạo Bá Đa Lộc nghĩ ra cách viết tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh – vừa đơn giản, vừa dễ học, vừa dễ viết – nhưng quan trọng hơn, là nó đạt yêu cầu hoàn toàn tách biệt hẳn với Hán Tự của người Trung Hoa
Do đó mà thứ “chữ Việt mới” này đã nhanh chóng trở thành :
“Quốc Ngữ chữ nước Ta
Con cái nhà đều phải học !”
Dân tộc Lạc Việt may mắn khi có được chữ viết hoàn toàn khác với chữ Hán, trong khi những dân tộc khác trong Bách Việt, vì dùng chung chữ Hán nên đã bị Hán Hóa một cách triệt để – dù tiếng nói của các dân tộc này – cho đến nay – vẫn khắc với tiếng nói của người Hán.
Cùng với ý nghĩa trên, người Việt Quốc Gia tin rằng – việc cố giữ mầu Cờ Vàng là hành động thiết thực nhất để nước Việt không bị đồng hóa bởi màu cờ Đỏ của Trung Công…;
Do đó mà, cho dù ở thế yếu – không có chính quyền và mang danh “vô tổ quốc” – nhưng người Quốc Gia vẫn phải “cố thủ” lá cờ Màu Vàng như cố thủ một tiền đồn cuối cùng của dân tộc (*)
Có thể suy nghĩ trên của người Quốc Gia là đơn thuần, nhưng hoàn toàn thuần khiết, bởi vì không có gì thuần khiết hơn là ý chí bảo vệ tổ quốc thoát khỏi nạn Hán Hóa đang càng ngày càng đến gần .
Mong rằng việc người Việt ngày nay cố thủ màu Cờ Vàng cho “tách bạch” hẳn với màu Cờ Đỏ của Trung cộng, cũng như tiền nhân của họ “cố thủ” chữ Nôm cho “tách bạch”, cho khác hằn với thứ chữ Hán của người Tầu … , chung cuộc cũng sẽ gặp kỳ ngộ như dân tộc Việt có được “kỳ ngộ” với chữ Quốc Ngữ hoàn toàn khác hẳn với Hán Tự của người Tầu ngày nay .
(*) Cả hai thời đệ Nhất và đệ nhị Công Hòa, đều thẳng thừng từ chối lời đề nghị lập quan hệ bình thường với Trung Cộng…ngay cả trong những ngày cuối cùng của VNCH, chính quyền đang hấp hối của T.T.Trần Văn Hương – cũng cương quyết bác bỏ lời để nghị “giúp đỡ” của Trung Cộng để chống lại CSVN .


No comments:

Post a Comment

View My Stats