Thursday, 9 May 2013

NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM LO SỢ TỰ DO INTERNET (Lê Diễn Đức)




Thu, 05/09/2013 - 13:00 — ledienduc

Hôm 3/5, nhân ngày Tự do báo chí thế giới, Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp vừa ra phúc trình thường niên, một lần nữa liệt kê Việt Nam vào danh sách 5 nước “Kẻ thù của internet 2013” trên thế giới. Việt Nam vẫn ở vị trí gần cuối bảng 172/179.

Trước đó, trang web của BBC Việt Ngữ, ngày 26/04 có đăng bài "Google bác bỏ yêu cầu kiểm duyệt từ VIệt Nam", nói rằng, phái Việt Nam đề nghị gỡ bỏ các thông tin nói xấu các nhà lãnh đạo nhưng không được chấp nhận.

Ngày 3/5, báo Nhân Dân đi bài "Ai là kẻ thù của Internet?" với những ngụy biện ngây ngô, cho rằng BBC VIệt ngữ giật tít câu khách và "cố tình tranh thủ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam".

Bài báo cho hay không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều quốc gia, "trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Brazil,... thậm chí 20 nước từng gửi yêu cầu tới Google đòi xóa phiên bản video Innocence of Muslims - bộ phim được coi là nguyên nhân dẫn tới bạo lực ở Trung Ðông thời gian qua. Vì thế, qua bài báo của BBC, câu chuyện ai là kẻ thù của internet cần được làm sáng rõ".

Bộ phim "Innocence of Muslim" được sản xuất bởi Nakoula Basseley Nakoula, từng được chiếu nhiều tháng trước đó ở một nhà hát Hollywood và được phát hành trên YouTube vào tháng 6 năm 2012. Bộ phim này đã nhận được tài trợ bởi các thành viên của nhóm thiểu số thành viên của nhóm Thiên Chúa giáo Cổ Ai Cập và đã được quảng bá bởi mục sư Cơ đốc ở Florida, Terry Jones, người đã đốt Kinh Coran tại nhà thờ của ông. Trong phim này, Tiên tri Muhammad được mô tả dưới hình thức biếm họa. Bộ phim đã châm ngòi cho các vụ tấn công vào các trụ sở ngoại giao của Hoa Kỳ ở Ai Cập và Libya và các cuộc biểu tình chống Mỹ ở các quốc gia Hồi giáo.

Tuy nhiên, Google đã từ chối lời đề nghị gỡ bỏ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong ngày ngày 14 tháng 9, đã tuyên bố: “Tôi biết rằng đối với một số người thật khó mà hiểu được tại sao Hoa Kỳ không thể cấm được loại video như thế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều là, với những công nghệ hiện đại, không thể làm được điều đó. Mà cho dù có chặn được, thì đất nước chúng tôi có một truyền thống lâu dài về quyền tự do ngôn luận đã được ghi khắc trong Hiến pháp và các đạo luật của chúng tôi. Chúng ta không thể ngăn cản công dân bày tỏ quan điểm, cho dù chúng ta không đồng ý quan điểm đó”.

Như vậy, về bản chất, đề nghị gỡ bỏ này khác hoàn toàn với đề nghị kỳ cục của Việt Nam và tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton đã cho thấy rất rõ quan điểm của chính phủ Mỹ.

Ở các nước tự do, dân chủ, nói xấu hay bôi bác lãnh đạo nhà nước dường như là chuyện thường ngày, còn phê phán, chỉ trích chính sách của nhà nước là lẽ đương nhiên.

Trong bài "Tự do ngôn luận có đồng nghĩa với tự do phỉ báng lãnh đạo nhà nước?" tôi đã cho thấy tự do báo chí ở Ba Lan như thế nào. Người ta đã mỉa mai, thoá mạ Tổng thống mà chẳng hề hấn gì cả.

Bài báo Nhân Dân đã "quảng cáo" như sau:
"Khoảng mươi năm trở lại đây, Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh trên thế giới.

Báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, tổng số thuê bao băng rộng hiện nay đạt gần năm triệu, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 3,3 triệu. Tính đến tháng 11-2012, nước ta có hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58% dân số. Hiện tại 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông ở Việt Nam có kết nối để truy nhập internet băng rộng; hơn 90% các trường trung học cơ sở, bệnh viện được kết nối internet. Ða số cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, sinh viên đại học và cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp và học sinh THPT sử dụng internet.

Ðặc biệt, truyền thông điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với hàng trăm báo và tạp chí điện tử, hơn 1.200 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, 330 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, cùng một số lượng rất lớn blog cá nhân. Ðiều cần nhấn mạnh là, Việt Nam không có quy định kiểm soát thông tin cá nhân của người sử dụng internet. Vì thế, tự do internet của Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ. Hay nói cách khác, Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện với internet".

Thứ nhất, số lượng người sử dụng hoàn toàn độc lập với tự do Internet, không tỷ lệ thuận với sự tự do sử dụng. Việt Nam đã ký hiệp ước thương mại VIệt Mỹ, là thành viên của WTO, làm ăn buôn bán với các quốc gia ở mọi lục địa, không thể tự ngăn chặn mình, cô lập mình bằng cách không cho phát triển Internet, một phương tiện hữu hiệu trong thông tin nối kết toàn cầu.

Số lượng người sử dụng tăng nhanh, nhưng nhà nước VN cũng đồng thời tìm cách đánh phá các trang web có các bài viết không đúng với đường lối chính sách của ĐCSVN.

Nếu không phải là kẻ thù của Internet thì làm sao có chuyện tướng công an Vũ Hải Triều khoe khoang đánh sập 300 trang mạng xấu trong một cuộc hội nghị báo chí năm 2010?
Việc cho lực lượng tìn tặc đột nhập phá hoại các tài khoản không ưng ý đã trở nên thường xuyên và có chinh sách xuyên suốt. Mới đây nhật báo Anh Ba Sàm tiếp tục bị tấn công và một số trang "nhạy cảm" khác cũng chung số phận.

Mạng xã hội Facebook bị chặn quyết liệt, cùng với nhiều được cho là"nhạy cảm" không thể vào một cách bình thường. Người sử dụng vẫn phải sử dụng công nghệ vượt tường lửa để truy cập.

Chỉ trong thời gian rất gần đây, 40 blogger bị bắt giữ, tù đày. Các trang viết của họ trên mạng là tư liệu, chứng cớ chính thức của toà án cho việc kết tội tuỳ tiện theo điều 88 "chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Chính phủ nước nào cũng tìm cách kiểm soát Internet, nhưng kiểm tra để ngăn chặn khủng bố và các tệ nạn xã hội bị pháp luật cấm như nạn tình dục trẻ em, buôn người, v.v. khác với việc kiểm soát thông tin và trấn áp người viết về các đề tài xã hội, phê phán chính sách của chính phủ, đặc biệt là các bài viết chỉ bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hoà.

Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF nói:
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam có nghĩa vụ phải cho phép công dân thực thi các quyền tự do này vì đó là các quyền căn bản của con người được cả thế giới công nhận và tôn trọng”.
Blogger Người Buôn gió (Bùi Thanh Hiếu), một người thường xuyên bị công an, an ninh sách nhiễu vì các bài viết trên mạng, từ Weimar, nước Đức, nơi anh được mời qua học tập, viết:
“Hôm nay tôi ở đây, tôi không có cảm giác cần phải khóa cửa nhà và chú ý xóa những gì mình viết trên máy tính, không phải lo ngày mai mình có thể bị bắt, bị triệu tập, bị công an gọi lên về chuyện mình có viết bài hay viết blog gì không. Riêng điều ấy đã là một điểm khác biệt rất lớn mà những người viết blog trong nước ngày đêm mong muốn có được để viết lên những tác phẩm đủ độ chính chắn theo ý họ. Tôi mong muốn những người viết blog, viết báo tự do ở Việt Nam như tôi có được một môi trường tốt, một môi trường tự do báo chí để họ thỏa sức sáng tác”.

Còn ông Phạm Minh Hoàng, người đã phải lãnh án tù vì các bài viết nói lên quan điểm cá nhân trên trang blog Phan Kiến Quốc, bị Hà Nội cho là “tuyên truyền chống phá nhà nước”, bày tỏ:
“Điều tôi muốn nói với mọi người là mọi người đã biết đến Việt Nam như một nước từng đau khổ vì chiến tranh, nhưng đừng quên rằng Việt Nam của chúng tôi ngày nay vẫn còn đang quằn quại trước sự đe dọa, sự thiếu tự do thông tin, tự do ngôn luận, và tự do báo chí. Chúng tôi mong ước rằng tất cả nhà báo trên thế giới, những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới hãy lưu tâm đến vấn đề này và hãy tiếp tục hỗ trợ chúng tôi tranh đấu, hỗ trợ thúc đẩy các chính phủ trên thế giới lưu tâm để tình trạng tại Việt Nam càng ngày càng được cải thiện hơn”.

Cho nên bài viết của báo Nhân Dân là thái độ cả vú lấp miệng em, hay là vừa ăn cườp vừa la làng.

Nỗ lực đánh phá, ngăn chặn các trang mạng lề trái, triệt hạ các trang mạng đăng tải nội dung thông tin phản kháng đảng và nhà nước, xây dựng đội ngũ đông đảo "dư luận viên", "chuyên gia bút chiến" trên mạng, xâm nhập mạng xã hội để định huớng dư luận, chứng tỏ mặc dù Internet chưa tiếp cận được rộng rãi tới vùng nông thôn, nhưng nhà nước Việt Nam xem nó là một mặt trận không khoan nhượng.

Trong bài "Hạn chế không gian mạng ở Việt Nam" (bản dịch của của Huỳnh Thục Vy) viết: "Tháng Tư năm 1012, nhà cầm quyền đã đưa ra dự thảo nghị định về “quản lý, cung cấp và sử dụng các dịch vụ internet và thông tin mạng”, cấm việc “lợi dụng internet” để chống chính quyền. Theo nghị định này, các blogger sẽ bị yêu cầu đưa tên thật và thông tin liên hệ; nghị định cũng đòi hỏi các trang web phải được nhà nước cấp phép, và bắt các nhà cung cấp dịch vụ internet phải trình thông tin khách hàng cho công an khi được yêu cầu".

Rõ ràng ĐCSVN lo sợ tự do Internet và đích thực là "hung thần của Internet".

© 2013 Lê Diễn Đức- RFA Blog




No comments:

Post a Comment

View My Stats