Wednesday, 1 May 2013

MỘT CÔNG DÂN VIỆT NAM BỊ NGĂN CHẬN NHẬP CẢNH Ở PHI TRƯỜNG NỘI BÀI (Phạm Văn Điệp / BBC)




BBC
Cập nhật: 08:29 GMT - thứ tư, 1 tháng 5, 2013

Ông Phạm Văn Điệp, 45 tuổi, nói ông đã bị từ chối nhập cảnh ở sân bay Nội Bài cho dù vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Từ Nga, nơi ông thường trú cùng vợ con, ông Điệp nói với BBC rằng hôm 24/4 vừa qua, khi từ Moscow bay về Nội Bài, Hà Nội lúc 8 giờ sáng, ông đã bị từ chối làm thủ tục xuất nhập cảnh.

"Đến gần 9 giờ 30, đại diện Công an Xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài đến yêu cầu tôi phải quay lại máy bay để trở về Moscow."
Khi hỏi, ông Phạm Văn Điệp được trả lời rằng lý do không cho ông nhập cảnh là vì ông đã "vi phạm pháp luật Việt Nam".
Trong cuộc đôi co với nhân viên xuất nhập cảnh, thoạt tiên ông Điệp từ chối không quay lại Moscow vì "tôi là công dân Việt Nam" và không mang một quốc tịch gì khác.
Ông cũng cho rằng chỉ có Chủ tịch nước mới có thể tước quyền công dân của ông.
Thế nhưng sau đó, ông đã bị cảnh sát cơ động áp tải ra máy bay trong cùng buổi sáng.


'Chống phá Nhà nước'

Ông Phạm Văn Điệp cho BBC hay rằng cán bộ xuất nhập cảnh cáo buộc ông đã hoạt động "chống phá Nhà nước".
"Tôi cho rằng nguyên nhân họ làm như vậy là vì tôi từng tham gia đảng Dân chủ Việt Nam từ thời ở trong nước, khi ông Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng này," ông suy đoán.

Ông Điệp cũng là người viết nhiều bài về tình hình xã hội - chính trị Việt Nam, đăng trên các website ở hải ngoại mà Việt Nam cho là 'chống đối' như Đàn Chim Việt hay Dân Luận; cũng như trên blog cá nhân của mình.
Khi quay trở lại Nga, ông đã viết đơn lên Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga để khiếu nại và yêu cầu phục hồi quyền lợi hợp pháp.
"Đơn khiếu nại về việc vi phạm quyền tự do về nước của Công dân" của ông Điệp cũng yêu cầu nhà chức trách hoàn lại tiền vé đi về Việt Nam của ông.
Lá đơn được ông Phạm Văn Điệp gửi đi hôm 29/4 và hiện đang chờ phúc đáp của sứ quán.

Quê quán ở Thanh Hóa, ông Điệp sang Nga từ 1992 và làm công việc kinh doanh.
Ông cho hay từ đó tới nay ông đã về Việt Nam nhiều lần 'nhưng chỉ có lần này bị không cho nhập cảnh".

--------------------------------

Chủ nhật, ngày 28 tháng tư năm 2013


Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- tự do – hạnh phúc

ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Bang Nga

Tên tôi là Phạm văn Điệp , Công dân Việt Nam sinh ngày 12.6.1968
Nơi sinh: Quảng Tiến , Sầm Sơn , tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam
Địa chỉ tạm thời: LB Nga, Petrozavodsk, phố Drevlanka 22/1-84

Ngày 23 tháng 4 năm 2013 tôi có di chuyến bay từ Liên bang Nga về Việt Nam và đến sân bay Nội Bài Hà Nội lúc 8 giờ 20 ngày 24 tháng 4 năm 2013. Tại nơi kiểm tra Hộ chiếu, cán bộ Kiểm tra đã không làm thủ tục nhập cảnh cho tôi mà dẫn tôi sang chỗ khác ngồi chờ. Đến gần 9 giờ 30 . đại diện Công an xuất nhập cảnh Sân bay Nội Bài đến yêu cầu tôi phải quay lại máy bay để trở về Moscow. Tôi đòi họ cho biết cơ sở để họ buộc tôi quay trở sang Moscow . Họ đưa cho tôi 1 Bản xử lý vi phạm hành chính tự họ soạn ra, trong đó có ghi rằng: Họ dùng điều 8 Pháp lệnh về cư trú, đi lại và xuất nhập cảnh của người nước ngoài để xử lý như vậy với tôi. Tôi không đồng ý vì tôi cho rằng Bản xử lý đó không hợp lệ đối với tôi vì tôi không phải là người nước ngoài , mà tôi là Công dân Việt Nam . Chính trong Bản xử lý cũng ghi Phạm văn Điệp là Công dân Việt Nam. Sau đó Đại diện Công an xuất nhập cảnh Sân bay Nội Bài giằng lấy Bản xử lý vi phạm hành chính, xé nó trước mặt tôi và giục cảnh sát cơ động lôi tôi về phía đi ra máy bay và sau đó bẻ tay, cưỡng chế tôi, đẩy tôi vào tận bên trong máy bay để máy bay cất cánh về Moscow. Tôi cho rằng họ không có cơ sở pháp lý gì trục xuất công dân Việt Nam sang nước khác là Liên Bang Nga. Họ đã vi phạm quyền trở về nước Việt Nam của tôi. Công an xuất nhập cảnh Sân bay Nội Bài nói với tôi rằng : Muốn khiếu nại thì sang Nga và gửi đơn cho Đại sứ quán Việt Nam.

- Căn cứ vào Công ước Quốc tế về quyền chính trị và dân sự 1966 điều 12:
4) Không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình.
- Căn cứ vào Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 Điều 13:
1) Ai cũng có quyền hồi hương.
Tôi cho rằng phía Công an Xuất nhập cảnh Bộ Công an Việt Nam đã vi phạm quyền trở về nước của tôi và phải chịu bồi thường cho tôi những khoản sau:
1. Gía trị vé máy bay Moscow-Hanoi-Moscow cho mục đích chuyến đi về VN cho công việc của mình là 23923 rup.
2. Gía trị vé xe Petrozavosk-Moscow-Ptrozavodsk là 3600 rúp
3. Gía trị Metro-express là 640 rúp
4. Thiệt hại tinh thần không dự được lễ phong Tiên Chỉ ( là sắc phong cho người cao tuổi nhất trong làng) cho bố tôi được tổ chức ngày 28 tháng 4 năm 2013 với giá trị tùy theo nhìn nhận của cơ quan xem xét .
5. Thiệt hại về tình thần khi không được dự các buổi giao lưu với các Công dân tự do về các chủ đề góp ý xây dựng Hiến pháp Việt Nam được tổ chức từ 05.05.2013 tại các thành phố ở Việt Nam với giá trị tùy theo nhìn nhận của cơ quan xem xét

Vậy tôi viết đơn này kính mong Đại sứ quán xem xét và giải quyết phục hồi quyền lợi hợp pháp cho tôi.

Người viết đơn

Công dân Việt Nam Phạm văn Điệp
Tel: +79114039999




Thứ sáu, ngày 26 tháng tư năm 2013

Thật là uất ức khi tôi là người Việt Nam, có một quốc tịch duy nhất là Việt Nam và chưa từng xin rời bỏ quốc tịch hay xin nhận quốc tịch khác. Vậy mà ngày 24 tháng Tư 2013 Công An Việt Nam đã dùng vũ lực ngăn cản không cho tôi ở Việt Nam và họ đã ép cưỡng chế tôi ra máy bay chở sang Nga. Nếu mọi người nghe kỹ thì còn thấy được một số lời nói của Cảnh sát cơ động còn đáng buồn hơn nữa, họ đáng tuổi con em tôi, thà họ cứ lặng lẽ làm theo lệnh của kẻ khác chứ vô cớ với những lời nói hoàn toàn thiếu suy nghĩ, hỗn láo thì không tương ứng với ngành nghề này.Tôi mong muốn mọi người hãy giúp tôi giành lại Tổ quốc và đất nước của mình.






No comments:

Post a Comment

View My Stats