Thụy My
- RFI
Thứ năm 09 Tháng Năm 2013
Biểu tình rầm rộ ở sân vận động Kelana Jaya, ngoại ô
Kuala Lumpur tối 08/05/2013 phản đối kết quả bầu cử. REUTERS/Bazuki
Muhammad
Hôm qua 08/05/2013 có từ 50.000 đến 60.000 người Malaysia
đã tập trung tại một sân vận động ở Kuala Lumpur phản đối kết quả bầu cử hôm
Chủ nhật 5/5, bị nghi ngờ là có rất nhiều gian lận.
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước
đến nay tại Malaysia. Tuy diễn ra một cách ôn hòa, nhưng có thể gây ra nhiều
tác động lên chính trường nước này.
Theo phân tích của thông tín viên RFI Carrie Nooten từ
Kuala Lumpur, thì có ba bài học được rút ra từ cuộc biểu tình trên :
« Điều đập vào mắt trước tiên khi đến sân vận động Kelana
Jaya, là sự trẻ trung của những người tham dự cuộc mít-tinh. Có 20% cử tri lần
đầu đến tuổi được đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này, họ rất tích cực
tham gia và chú tâm đến cuộc bầu cử.
Đối với những cử tri này, thì không thể chấp nhận được
việc người ta « tước đoạt » cuộc bỏ phiếu của họ. Các nghi ngờ về gian lận bầu
cử đã cho phép thế hệ mới tạo lập được ý thức chính trị với tốc độ hết sức
nhanh chóng.
Nhận xét thứ hai là đảng Barisan Nasional đã tự bắn vào
chân mình, khi tiếp tục các bài diễn văn kích thích chia rẽ chủng tộc, chẳng
những không còn thuyết phục được công chúng mà còn khiến họ giận dữ. Liên minh
chính trị chủ chốt bị mất thêm một ít lượng cử tri truyền thống người Mã Lai.
Cuối cùng, cuộc tập họp hôm qua đã khẳng định, phe đối
lập rất đoàn kết và vững vàng. Trong sân vận động, những lá cờ của ba đảng
trong liên minh đã bay phấp phới bên nhau, khung cảnh chưa bao giờ hữu nghị đến
thế.
Ba yếu tố mới này rất đáng được chú ý, cho dù phần tiếp
theo của các sự kiện do lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim phát động có như thế nào
đi nữa ».
--------------------------------------
BBC
Cập nhật: 03:01 GMT - thứ năm, 9 tháng 5, 2013
Hàng nghìn người ủng hộ cho phe đối lập Malaysia biểu
tình phản đối kết quả bầu cử mà họ cho là trái pháp luật.
Lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim đã kêu gọi biểu tình sau điều mà ông nói là cuộc bầu cử bị
gian lận, dẫn tới chiến thắng của liên minh cầm quyền của Thủ tướng
Najib Razak.
Liên minh Quốc gia Barisan Nasional (BN) giành 133 trong số 222 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm
Chủ nhật.
Đây là kết quả tồi tệ nhất của liên minh này
trong suốt hơn 50 năm cầm quyền.
Tuy chiến thắng, nhưng liên minh này không giành
được đa số 2/3 mà họ đã luôn luôn nắm giữ từ 2008 tới nay.
BN đã cực lực bác bỏ các cáo buộc gian lận mà
phe đối lập đưa ra và nói ông Anwar đã cố tình chọn một sân vận động
nhỏ ở ngoại ô Kuala Lumpur làm nơi biểu tình với mục đích buộc người
biểu tình phải tràn ra phố.
Liên minh đối lập gồm ba đảng, được cho là thách
thức mạnh mẽ nhất từ trước tới nay cho phe cầm quyền, đã kêu gọi
kiểm lại phiếu.
Khoảng 40.000
người, nhiều người mặc trang phục đen tang tóc, đã có mặt trong cuộc
biểu tình để phản đối kết quả bầu cử.
Họ nói rằng loại mực đặc biệt sử dụng để chống
việc bầu gian lận nhiều lần lại có thể bị tẩy xóa một cách dễ
dàng và chính phủ đã huy động hàng chục nghìn cử tri đáng ngờ, có
thể là người từ nước ngoài, vào để bầu ở những hội đồng bầu cử
quan trọng nhất.
Hoa Kỳ cũng đặt câu hỏi về cách thức tổ chức
bầu cử, trong khi Nhà Trắng kêu gọi chính phủ Malaysia đáp lại các
quan ngại của phe đối lập.
Đấu tranh mạnh mẽ
Ông Anwar đã kêu gọi các ủng hộ viên của mình tụ
tập tại sân vận động Kelana Jaya vào lúc 20:30 giờ địa phương hôm thứ
Tư.
Trước đó một ngày, ông nói với hãng tin Reuters:
" Đây sẽ là khởi đầu của một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhằm
tẩy sạch đất nước này khỏi các gian lận trong bầu cử vì không có
bầu cử trung thực và công bằng thì không thể có cơ hội để đổi mới
được".
Thế nhưng Cảnh sát trưởng Quốc gia Ismail Omar được
hãng thông tấn nhà nước Bernama dẫn lời nói cuộc biểu tình trái
pháp luật vì không có giấy phép.
Ông Tian Chua, người phát ngôn cho phe đối lập, phản
bác rằng mọi việc đều đúng luật.
Ông nói trên đài truyền thanh của Úc: "Đúng ra
thì cảnh sát không có quyền cấm tụ họp trong sân vận động".
Theo ông, người dân có quyền tụ tập một cách hòa
bình nếu có sự đồng ý của chủ nhân địa điểm.
Chính phủ khẳng định cuộc bầu cử hôm 5/5 diễn ra
tự do và công bằng, và đòi phe đối lập cung cấp các bằng chứng về
gian lận.
Tuy nhiên, Viện nghiên cứu độc lập về Dân chủ và
kinh tế (Ideas) cũng như Trung tâm nghiên cứu chính sách công (CCPS) cho
rằng đã có các vi phạm "nghiêm trọng".
Hai tổ chức này ra phúc trình chung, nói cuộc bầu
cử chỉ "tự do một phần và không công bằng".
Trong số các vi phạm có các câu hỏi về chi tiêu
vận động bầu cử và tính độc lập của Ủy ban Bầu cử.
No comments:
Post a Comment