18-5-2013
Chị, với cương vị phó chủ tịch nước, có những lúc thấy
chị phát biểu hay đi thăm thú chỗ này, chỗ kia, tôi lại giật mình. Hình như chị
chưa hiểu đúng vị trí của mình, hay chính xác hơn, chức “ Phó chủ tịch nước” là
việc làm quá sức.
Ai đời, đến tận bây giờ, đến đứa trẻ con, nó chỉ một lần
ra nước ngoài, nhất là những nước tư bản tiên tiến, đều hiểu rằng, có lẽ phải
đến một trăm năm nữa, nước ta may ra mới tiến gần kịp các nước đó về tất cả các
lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội. Chẳng thế, không biết gia đình chị có thế không
? Chứ bất cứ gia đình nào ở trên lãnh thổ Việt Nam, có điều kiện kinh tế một
chút, đều mong muốn gửi con cái của họ sang các nước tư bản lớn để học tập, lập
nghiệp. Còn nói đến thành tựu khoa học kỹ thuật của các nước tư bản lớn, với
chị, nguyên hiệu trưởng một trường đại học, chắc rõ hơn tôi, họ hơn chúng ta
rất nhiều… Thôi, tôi không liệt kê nữa, ấy vậy có lần chị phát biểu “ Dân chủ
nước ta hơn gấp triệu lần dân chủ tư bản”.
Chị phát biểu như thế thì quá nguy!
Nước ta lấy gì mà so sánh với các tư bản lớn. Sở dĩ các
nước tư bản lớn có nền kinh tế phát triển vượt bậc vì các nước đó có nền dân
chủ đúng nghĩa làm nền tảng. Họ có luật pháp nghiêm minh, từ tổng thống, thủ
tướng, bộ trưởng,,, dính vào tham nhũng đều phải ra trước tòa, trả lời những
câu hỏi mà công luận đòi hỏi. Không hề có chuyện “ xử lý nội bộ”, “xét thành
tích để chiếu cố” hay như “chờ ý kiến của trên” hoặc “ chưa có sự chỉ đạo của
thường vụ”… Người dân các nước tư bản, họ được quyền biểu tình, ra báo, xuất
bản tư nhân, quyền tự do bỏ phiếu bầu những vị lãnh đạo mà mình biết mặt, biết
tên, chứ không phải như ở ở ta, mà chị là đại biểu quốc hội rõ nhất, người dân
đi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội, có khi không biết người đó là ai?
Mới sơ qua như thế, thì thấy rằng, với cương vị phó chủ
tịch nước, thường hiểu là người có trình độ, có hiểu biết, vậy chị phát biểu
một câu cũ mèm, hay nói cách đây hơn ba chục năm, một nhận thức hết sức ấu trĩ,
lạc hậu khi nước ta lúc đó bị bưng bít thông tin. Một câu nói rất sai lầm cả lý
luận và thực tiễn, người dân không phục chị, trong đó có tôi và tôi càng thấy
đảng đã đặt chị không đúng vị trí cần có của một người lãnh đạo.
Đến vừa rồi, nhân đại lễ đền Hùng, một ngày quốc lễ,
người dân cả nước hướng về đền Hùng mà vái vọng, người đi dự lễ, nhất là quan
khách, họ ăn mặc lịch sự, có người còn khăn đóng, áo dài… thể hiện sự thành
kính với tổ tiên thì chị đến đền Hùng mặc áo cộc tay, quần âu… coi như đây là
cuộc thăm viếng bình thường.
Thế là chị không hiểu vị trí của chị rồi.
Về chức bên chính quyền, trong cả nước, chị chỉ đứng sau
một người, còn đứng trên muôn triệu con người. Người dân nhìn chị không chỉ đơn
thuần là một vị lãnh đạo, mà đó là hình ảnh của một nước, từng tự hào có truyền
thống văn minh, lịch sự, gia giáo. Thế mà, đường đường là một phó chủ tịch
nước, chị ăn mặc như vậy, như một sự coi thường tiên tổ để thắp hương, vái lạy
trước bàn thờ ông bà. Người dân sẽ nghĩ thế nào, khi chị rao giảng về “ đạo đức
lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa”.
…Mới chỉ một vài việc như vậy, tôi nghĩ rằng, chị không
biết mình đang đứng ở vị trí nào, nhất là trong lòng người dân, để hành đạo,
giúp đời!!!
Nhưng vừa rồi, ngày 14/5 phát biểu tại phiên họp thường
vụ Quốc hội, chị đã nói được những điều mà nhân dân thấy, chỉ có những người
lãnh đạo có khi “ thấy” nhưng cố tình nhắm mắt như “ không thấy”: “ Tôi thấy
nguy cơ lắm rồi các đồng chị ạ!” để nói về thực trạng kinh tế hiện nay của nước
ta. Chị cũng phân tích nhiều điều “ trúng phóc” của một nền kinh tế, mà như nhiều
nhà kinh tế nhận xét “ đang gặp khủng hoảng , chưa tìm thấy lối ra”. Chị còn
chỉ rõ những nguyên nhân gây ra nên bế tắc của một nền kinh tế mất sự định
hướng, rối loạn về sự chỉ đạo…
Tôi đọc bài phát biểu của chị, mới nhận ra rằng, chỉ có
thể một người làm kinh tế, hiểu kinh tế mới phát biểu được như vậy ( tại đây) và lý lịch của chị ( tại đây), cũng rõ ràng, chuyên nghiên cứu về kinh tế, mới có
thể nói những điều chuyên ngành mình nắm.
Cũng qua sự việc này, tôi đã nhìn chị với sự thông cảm
lớn. Giá như … cứ để chị làm công việc giảng dạy kinh tế của một trường đại
học, hoặc như yên vị ở một chức hiệu trưởng trường đại học thương mại, biết đâu
nước ta lại có một cán bộ giảng dạy đại học giỏi, đào tạo ra nhiều chuyên gia
kinh tế giúp ích cho nước nhà, hoặc giả như sẽ là một hiệu trưởng, giáo sư có uy
tín biết nâng cao vị thế một trường đại học kinh tế có vị trí trong khu vực,
tương lai không xa là một trường đại học được xếp hạng trong các trường đại học
nổi tiếng thế giới. Nhưng đảng lại bố trí cho chị một chức vụ tưởng là “ quan
trọng” lớn hơn chức vụ chị từng nắm, nhưng mọi người nhìn vào chức vụ đó, lại
thấy, nó mang tính “hiếu hỷ” là chính, một việc mình không chuyên sâu, không
phù hợp mà người ta bắt nói phải như thế, đi đứng phải như thế… làm sao không
có lúc chị sai lầm.
Cũng qua việc này, tôi cũng thấy rằng, sai lầm lớn nhất
của một số vị lãnh đạo nước mình hiện nay là không biết vị trí mình đang đứng ở
đâu trong lòng người dân.
Có vị chỉ là một nhà lý luận đơn thuần, thủ đoạn không
biết, ấu trĩ về nhìn nhận thời cuộc, tài không có, được bố trí vào vị trí lãnh
đạo, không biết mình đang đứng ở đâu mà dám tuyên bố thế này, thế kia rồi đến
khi thực hiện không ra đầu, ra đũa, lúng ta, lúng túng, rối như canh hẹ, chỉ tổ
làm cho lòng người chán ngán, sân khấu chính trị ở Việt Nam, cũng vì thế mà rã
như chợ chiều hết phiên. Giá như… cứ để ông ấy viết những bài báo lý luận có
khi hay, vì đó là chuyên môn sâu của ông. Những bài báo đó giúp cho người đọc
có chỗ để so sánh sự khác biệt giữa lý luận và thực tiễn để biết ai thắng, ai
thua.
Hay như có vị, đảng cử ra lãnh đạo kinh tế, mà không
chuyên sâu kinh tế như chị, lại có máu tham, thừa thủ đoạn đục khoét… thì làm
sao kinh tế đất nước không đi vào hồi bi bét…
Một bài báo nhỏ, thực ra, tôi chỉ ao ước, nước ta có một
hiến pháp tân tiến phù hợp với xu thế thời đại, một cuộc bầu cử thật dân chủ,
tự do, để cho dân được thỏa mái lựa chọn, bầu ra các vị lãnh đạo như các nước
tư bản lớn, tiên tiến. Tất lúc đó sẽ có những vị lãnh đạo tài giỏi, được đặt
đúng vị trí của mình, phát huy hết khả năng, không có những sai lầm, ấu trĩ như
chị đã mắc phải.
Và cũng chỉ như vậy, tôi tin người dân sẽ không để chị
làm một chức vụ lớn hơn, mà chị tự thấy không phù hợp, có khi lại hủy hoại
thanh danh của mình. Lúc đó, chị vẫn yên vị một tiến sỹ kinh tế giảng bài giỏi,
được mọi người kính nể, một hiệu trưởng tốt của một trường đại học danh tiếng
mà sinh viên tự hào.
Hãy trở về đúng vị trí phù hợp với khả năng của mình, chị
Doan ạ!
No comments:
Post a Comment