Thursday, 16 May 2013

GIA ĐÌNH, BẢN ÁN & TUỔI TRẺ (VRNs)




VRNs
Đăng bởi lúc 2:26 Sáng 17/05/13

VRNs (17.05.2013) – Sài Gòn – Thản nhiên, dấn thân và nhói đau trong lòng là cảm nhận tôi có được khi gặp anh Linh, chị Nhung, bố mẹ nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, và chị Liên, em Như, em Uy, mẹ, chị và anh của sinh viên Đinh Nguyên Kha.

Khi Kha và Uyên bị bắt, tháng 10.2012, chị Nguyễn Thị Nhung cùng với anh Linh đã nhanh chóng thông tin sự việc con của mình bị bắt cóc, rồi bị vu cho đủ thứ tội, hoàn toàn không có căn cứ pháp luật đến các hãng thông tấn báo chí Việt ngữ của người Việt và quốc tế, không bị nhà cầm quyền cộng sản khống chế. Còn chị Nguyễn Thị Kim Liên thì cẩn thận hơn, e dè hơn với việc cung cấp thông tin về Kha và gia đình cho quảng đại quần chúng biết, vì sợ như thế sẽ hại cho con nhiều hơn là lợi. Tâm trạng này, chính chị Liên nói với tôi khi nhận ra ở nơi Kha, vào lúc gặp lần đầu sau hơn 7 tháng bị bắt giam, 15.05.2013.

Chị nói: “Kha nó bị đe dọa nhiều nên sợ. Nó nói với tui công an bảo má quậy quá, con sẽ bị nhốt lâu, vì con mà anh con sạt nghiệp”. Chị không trách con, nhưng thương con, và tội cho con đã bị người ta dùng má và anh để khống chế, để lừa và lung lay chọn lựa.

Nếu khởi đầu chỉ gia đình Phương Uyên sớm đồng điệu với chọn lựa của con cái mình, thì với phiên xử sơ thẩm hôm qua, cả gia đình chị Liên cũng đã đồng hành với con của mình. Trong thâm tâm của người mẹ, tôi cảm nhận, chị Liên muốn con mình hiên ngang hơn nữa. Bố Kha im lặng, ít nói, nhưng khôg một chút nao núng vì bản án nặng nề cho con mình. em Như, chị lớn của Kha nói với tôi: “Mọi người ít biết con, vì con ở hậu phương”. Em Uy thì ngay từ đầu đã đồng hành với em Kha, và chấp nhận vì em Kha, đóng cửa công ty, để công an không có “tóc” mà nắm, có muốn khống chế cũng không làm được.

Hai ông bố của hai gia đình điềm đạm, ít nói. Tôi hỏi anh có buồn không, anh Linh nói: “Không buồn! Tôi theo dõi phiên tòa từ bên ngoài, tôi thấy mọi người đón nhận và yêu mến con tôi”. Tôi không có cơ hội hỏi chuyện ba của Kha, nhưng nhìn trên khuôn mặt ông, tôi không thấy chút buồn phiền.

Uy, Như và cậu của Uyên thản nhiên và thích thú với cách em/cháu mình trả lời với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Uy nói: “Thằng Kha và con Uyên nói quá trời. Chủ tọa hỏi một câu, tụi nó trả lời ba câu. Họ cứ phải nhắc không được nói những câu không hỏi. Họ sợ Kha và Uyên nói rõ sự việc, nói rõ nội dung các tờ rơi, và ý nghĩa của việc học sử thật sự, và nhất là chuyện phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa”.

Tôi nhớ lại, những năm sau 1975, mỗi lần nghe có ai đó phạm đến tội gọi là “chính trị” thì ai cũng sợ, và lúc đó thái độ “khôn ngoan nhất” là đồng tỏ thái độ lên án theo đúng khuôn mẫu của nhà cầm quyền. Ngay người nhà của những nạn nhân này cũng sẵn sàng lên án họ gay gắt, không thua nhà nước chút nào. Tình trạng này kéo dài đến khoảng năm 1985.

Sau năm 1985, khi nghe ai phạm tội chính trị thì đa số thấy người đó đáng tội nhiều, nhưng cũng có chút đáng thương, chắc là ngông cuồng hay khùng khùng gì chăng. Gia đình cũng nhận người thân mình phạm tội, nhưng không lên án, vì “nó/con/cháu/cha/chồng/vợ” phạm tội với nhà nước chứ có phạm tội với mình đâu. Tình trạng này kéo dài thêm 10 năm nữa.

Đến sau năm 1995, có một sự thay đổi suy nghĩ rộng trong cộng đồng. Khi nghe ai phạm các tội chính trị thì những người trưởng thành về lý trí và tâm lý cho rằng “hơi sớm, chưa đến thời cơ”, chứ không còn xem đó là tội nữa. Gia đình thì hoàn toàn không xem người thân của mình là tội phạm nữa, mà chỉ xem người nhà mình “sinh ra không đúng thời”.

Đến năm 2005, tức 10 năm sau, thì nhận thức và tình cảm của người dân khác rất nhiều. Trên internet bắt đầu bàn với nhau đủ thứ chuyện, từ cờ vàng cờ đỏ cho đến ông nào đá ông nào, hoặc ông lớn nào đáng tội. Rồi những bằng chứng đưa ra, chẳng để thuyết phục ai, cũng chẳng buộc ai phải đọc, nhưng rồi ai đọc cũng biết. Trừ công an. Một trung tá công an, ngay sau sự kiện Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt bị đài truyền hình cắt xén phát biểu, và vu khống nói với tôi: “Vụ ông Kiệt làm sao?” Tôi hỏi lại, em đã đọc nguyên văn bài phát biểu của ngài chưa? Tôi gọi em với ông trung tá này, vì khi em ở tuổi mới lớn, em thường theo chúng tôi để học kỹ năng sinh hoạt ngoài trời. Em trả lời: “có nghe, ở trên các trang mạng phản động có, nhưng không dám lên đọc, lỡ bị phát hiện là chết”.

Tức là người nào bị kết án tội chính trị thì dân tìm hiểu về người đó, thậm chí có người nghiên cứu về người đó xem tầm vóc của họ thế nào. Cái sợ hãi chỉ còn chút bên ngoài, để đối phó với công an mà thôi.

Đặc biệt là sau mùa hè biểu tình, năm 2011, thì tội phạm chính trị đối với nhà cầm quyền và các tay chân thuộc hạ vẫn rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều. Nhưng đối với dân thì đó là tội do nhà nước độc tài, đảng trị đặt ra để áp đặt trên những người bất đồng chính kiến, những người không muốn “ngửa tay xin ơn” của đảng mà thôi. Thậm chí những người đó được rất đông người tán đồng ủng hộ như tiến sĩ luật Cù Huy hà Vũ, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Đài, luật sư Quân.

Còn đối với gia đình của những nạn nhân đó, thì họ luôn khẳng định công khai là người nhà của mình đúng, không có gì sai. Những khẩu hiệu “Tự do cho người vô tội” được in trên áo mặc, và trên nhiều chất liệu khác để cầm trên tay. Phiên xử sơ thẩm các thanh niên Nghệ An, làn sóng người ủng hộ rất lớn. So với Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Trỗi trước kia thì số người ủng hộ công khai đông gắp trăm lần.

Chị Nhung, anh Linh nói về con của mình: “Là người mẹ sinh ra Phương Uyên, tôi rất mãn nguyện và hãnh diện về con của tôi. Con tôi xứng đáng với những gì đã làm. Tôi hạnh phúc vì con tôi”.

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ từng người trong gia đình, tôi cũng thoáng nhận ra đôi lúc họ cũng nhói đau trong lòng. Có thể họ tự trách mình đã không gần con cái, nên khi con cái lâm vào nguy cảnh, con cái lại sợ cha mẹ không cảm thông đủ. Hoặc họ cảm thấy mình quá nhỏ nhoi với lực lượng công an đông như kiến, không thể làm gì tốt hơn cho con. Hoặc cũng có thể họ đau vì cả xã hội đã quá biết quá rõ nhà cầm quyền đang đẩy tuổi trẻ vào đường cùng, báo trước tương lai của một dân tộc bị mất linh khí Lạc Hồng, mà vẫn còn cố “ngậm miệng ăn tiền”.

Nhưng không sao, với phát biểu tại tòa án nhân dân tỉnh Long An sáng hôm qua, 16.05.2013: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm” (Nguyễn Phương Uyên), và “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội” (Đinh Nguyên Kha), thì dù người lớn có im lặng để lòng yêu nước và trách nhiệm với quốc gia bị bào mòn vì món lợi hời hay một chút cơ hội rút rỉa tài sản của dân, giới trẻ cũng sẽ hành động.

Hơn 7 tháng qua, người trẻ đã mong đợi ngày hôm nay, và từ lúc lời của hai sinh viên trẻ này được hai bà mẹ công bố, những người lớn thành tâm thiện chí đã “bỏ nón” cúi chào, còn giới trẻ thì như được thêm thuốc tăng lực để chọn lựa và dấn thân.

Tại sao mình không thể là Phương Uyên hay Nguyên Kha?



No comments:

Post a Comment

View My Stats