Wednesday, 1 May 2013

CÒN MỘT VĨ TUYẾN 17 TRONG TÂM THỨC ? (Nguyễn Hồng Kiên)




1-5-2013

VÂNG, THƯA NHÀ CHỊ PHẠM TƯỜNG VÂN , NĂM 1982 (TRÒN 08 NĂM SAU 30/4/1975) NHÀ CHÁU LẦN ĐẦU TIÊN VƯỢT VĨ TUYẾN 17 TRÊN THỰC TẾ, VÀO NAM CÔNG TÁC.

Trong đầu nhà cháu HẰN IN những điều được dạy dỗ từ bé, về BỌN NGỤY, bọn tay sai đế quốc, tư bản.

Rồi nhà cháu gặp, làm việc cùng những công chức 'lưu dung'. Họ ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử khép nép... Một thằng học trò vừa ra trường như nhà cháu mà cũng luôn được gọi bằng anh, xưng là em, dù họ nhiều tuổi hơn nhiều, trải đời hơn nhiều, có kiến thức hơn nhiều...

"Vì anh ở Hà Nội vào", sau này đã hơi quen, hỏi, họ trả nhời thế.

Nhưng như đã vừa nói: Các anh, các chú ấy rõ ràng CÔNG CHỨC hơn các cán bộ văn hóa từ Bắc vào (và ở các tỉnh phía Bắc; từ đây xin gọi tắt là các CÁN BỘ) mà cháu từng cùng làm việc. Họ'công chức' đến mức hỏi gì cũng có thể trả nhời cho nhà cháu khá ngọn ngành.Điều gì chưa nói rõ cho nhà cháu được, họ hẹn về nhà đọc sách, tra cứu lại, rồi sẽ trả lời sau.

(Chuyện đó khác hẳn với các CÁN BỘ. Đã không biết, nhưng rất hay rao giảng... chính trị. Các bác này chỉ PHỤC THIỆN khi ngồi bên bàn nhậu. Lúc 'tưng' rồi mới thú thật: "Chuyện mày hỏi tao biết... éo đâu. Mà mày còn hỏi tao, tao biết hỏi ai ?")

Tự nhiên, rất tự nhiên thôi, nảy ra trong nhà cháu sự so sánh về TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA của CÔNG CHỨC và CÁN BỘ, của đồng nghiệp 'Ta' và 'Ngụy'.

Rồi nhà cháu gặp, SỐNG cùng những người 'lính ngụy' thứ thiệt.

Nhà cháu nhấn mạnh chữ sống, vì từng suýt chết. Trong một đợt khai quật khảo cổ phục vụ trùng tu các đền-tháp Champa ở miền Trung, có bác nhặt lên đưa cho nhà cháu một 'hiện vật' vàng vàng, hình trụ, dài khoảng 5cm. Vừa nhận ra đó là một quả đạn cũ thì một bác khác giằng lấy, ném vụt ra thật xa. Bùm, tiếng nổ của quả đạn làm câu định quát: "Bác làm gì thế?" tắc luôn trong cổ họng nhà cháu. Bác ấy quay đít về chỗ đang làm, vứt lại 1 câu ngắn tủn: "Đạn M79 !". Tối ấy ngồi nhậu mới biết bác ấy là lính 'ngụy' XỊN và biết có loại đạn xoay đủ vòng mới nổ.

Nhà cháu còn từng ăn ở trong nhiều gia đình có cả 'ngụy' và 'cách mạng'. Có nhà anh em không nhìn mặt nhau. Nhiều nhà CHỊU ĐỰNG nhau. Nhưng có một số ít nhà sống rất AN HÒA.

Từ tôn trọng, kính trọng các đồng nghiệp CÔNG CHỨC, nhà cháu bắt đầu vượt qua VĨ TUYẾN 17 của sự giáo dục.

Vậy mà rồi cũng PHẢI MẤT 2 NĂM NỮA (TRÒN 10 NĂM), nhà cháu mới TỰ vượt qua VĨ TUYẾN 17 của tâm thức.

Trước Tết vừa rồi, nhà cháu đi xem vở "Âm binh" của "bọ" Vinh.

Nhà cháu đã khóc khi người mẹ túm ngực cả 'Quốc gia' lẫn 'Việt cộng' quát hỏi: - Đạn bên nào làm chết con tao?

Nhà cháu đã khóc khi không ít khán giả (toàn khách mời, vì không bán vé) đã cười ầm, khi người mẹ vừa mất đứa con ấy vén ngực áo vắt sữa vào miệng 'ông Việt cộng'...

Nhà cháu đã mất 10 năm mới HIỂU không có Địch-Ngụy, chỉ có "máu đỏ da vàng", nên hiểu chuyện HÒA HỢP DÂN TỘC không phải chuyện NÓI mà thành, tranh luận mà đạt...

Mỗi người Việt Nam NÊN/CẦN/PHẢI tự trải nghiệm trong một tâm thế chân thành của tình đồng bào ruột thịt, không vấn vướng chút "màu sắc chính trị" nào thì mới mong có HÒA HỢP.
38 năm có thể là dài, nhưng vẫn có thể là ngắn.

Nhưng thật ĐAU, khi "Vừa rồi trên mạng rộ lên một phong trào nhuộm đỏ Facebook được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều công chức lề phải ở tuổi trung niên, đưa đến những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa hai bên, khiến dòng Bến Hải năm xưa lại sôi sùng sục." (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/04/130430_17th_parallel_phamtuongvan.shtml) (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/04/130430_17th_parallel_phamtuongvan.shtml) (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/04/130430_17th_parallel_phamtuongvan.shtml)

Facebook Nguyễn Hồng Kiên


-------------------------------------------------------------------

Phạm Tường Vân
Gửi tới BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 04:08 GMT - thứ ba, 30 tháng 4, 2013

Đâu là sự khác nhau khi viết những tác phẩm về chiến tranh ngày hôm qua và những cuộc chiến mới xảy ra hôm nay? Và nhân tố hoà bình sẽ nằm ở đâu trong những tác phẩm ấy? Đến khi nào những câu chuyện hôm qua trở nên chán ngắt?

Chúng tôi vẫn hỏi nhau như vậy, khi bàn chuyện viết.

Lê Quý Dương, đạo diễn sân khấu thế hệ 6x từng chia sẻ một ám ảnh: năm anh 4 tuổi, B52 dội xuống Khâm Thiên, sát nhà anh có bà già câm điếc sống một mình. mỗi khi có còi báo động thì phải chạy qua gọi cụ. Lần ấy Dương bận lo cho mấy đứa em vì bố mẹ đi vắng, không kịp chạy sang, khi còi báo yên anh trồi lên cũng là lúc chứng kiến căn nhà của bà cụ chỉ còn là đống gạch vụn.
Món nợ ấy chuyển thành sự câm lặng nơi anh mỗi khi hồi ức chiến tranh trào lên. Anh mang sự câm lặng ấy vào tác phẩm, những vở kịch không lời thời anh du học Úc từng khiến khán giả bản xứ lặng đi giây lát.

Sau Dương vài năm, tôi sinh ra ngay miệng hố bom, giây phút chào đời của tôi đánh dấu bằng tiếng còi báo động. Mẹ tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật kể rằng khi ấy, tất cả xuống hầm hết, lũ trẻ sơ sinh, vài đứa chưa được đánh số ở một hầm khác.
Khi lên, họ phát cho mỗi bà mẹ một đứa như phát bánh mì. Mẹ tôi chẳng có thời gian lẫn điều kiện để kiểm tra xem tôi có thực là con ruột của bà không.
Một buổi trưa, mẹ tôi từ nhà máy về, chạy ào vào nhà, làm đổ kềnh cả cái xe đạp vừa dựng. Bà ôm lấy chúng tôi khóc òa: Hòa bình rồi! Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Có hàng ngàn đứa trẻ sinh ra trong năm này mang cái tên Hòa Bình, chúng không còn phải biết đến đạn bom và hầm trú ẩn.


30 tháng 4 màu gì?

Năm 1995, tôi có dịp đến Quảng Trị -Thừa Thiên. Ngay sau chuyến đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, tôi gặp một bà mẹ anh hùng trong một ngôi làng bờ bắc sông Bến Hải mà số liệt sĩ gần bằng số hộ dân đang cư trú.
Bà mẹ liệt sĩ đã mất chồng và hai con cho hai cuộc chiến, côi cút trong căn chòi ọp ẹp với một con heo ốm nhom.
Cát trắng không một chút màu mỡ nhưng giấu bên dưới nhiều phế liệu, nguồn thu nhập chính của dân trong vùng. Lâu lâu, một tiếng nổ vang trời lấy đi sinh mạng hay một phần cơ thể, một đứa trẻ ở độ tuổi đi học.
Trong ý thức của tôi, cuộc chiến đã thêm màu trắng, của cát, của hàng trăm ngàn bia mộ trong nghĩa trang Trường Sơn và trên mái đầu bạc, trong ánh mắt đục thủy tinh thể của những người mẹ già không còn xúc cảm kia.

Từ 1996, tôi chuyển vào Sài Gòn. Những người bạn trí thức miền Nam dần dần pha thêm cho cuộc chiến trong tôi một màu sắc khác: màu tối của những nòng súng chúc xuống đất, những bộ quân phục cởi vội vứt bên vệ đường và những đôi mắt khép của bên thất trận. Và tôi biết với họ, nó chưa bao giờ kết thúc.

Công bằng mà nói, đối với nhiều người miền Nam, ngày 30 tháng 4, vừa là nỗi đau nhưng cũng vứa chan chứa niềm vui kết thúc chiến tranh, kết thúc cảnh "đại bác đêm đêm dội về thành phố", kết thúc cảnh các cô gái đi làm, đi học đều mang vài trái chanh trong túi để đối phó với hơi lựu đạn cay của cảnh sát đi giải tán những cuộc biểu tình phản chiến diễn ra như cơm bữa trên đường phố.
Khi nơi họ sống chính là chiến trường thì chiến tranh là bất đắc dĩ, là phi nhân, rất đáng kinh sợ.

Bà ngoại tôi là Phật tử tại gia, khi cậu tôi bỏ dở đại học Bách khoa Hà Nội để vào chiến trường miền Nam, bà tôi chỉ nhất tâm cầu nguyện không có viên đạn nào từ súng của con mình bắn ra làm phương hại đến một ai. Ông chú ruột có mặt trong đoàn quân giải phóng, sau 30/4 được giữ lại trường sĩ quan Thủ Đức làm công tác đào tạo nhưng ông nội tôi nhất quyết phản đối. Ông bảo: “đã bảo là đánh đuổi đế quốc, Mỹ cút rồi thì về nhà, giao lại cho người dân, thế mới là chính nghĩa!”

Men say chiến thắng của cậu và chú tôi không kéo dài bao lâu vì sau đó họ đều phải tập trung học nốt chương trình đại học và lo toan mưu sinh. 30 tháng 4 hằng năm họ tụ tập bạn bè lại uống vài vại bia với lạc rang, ôn lại mấy lần chết hụt.
30 tháng 4 của 4x, và 5x màu ly bia hơi sủi bọt.
Giới công chức bạn bè 6x, 7x, 8x của tôi nhiều năm nay đều xem 30/4 với 1/5 là chuỗi nghỉ dài, họ tranh thủ về quê, đi picnic, xông xênh hơn thì đi du lịch nước ngoài.
30 tháng 4 của họ mang màu những tấm vé.


Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?
Nhưng dường như vẫn có một dòng Bến Hải chảy trong tâm thức chúng ta, giữa công chức miền Nam và miền Bắc, giữa những người làm cho công ty nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân so với các công chức nhà nước.
Vừa rồi trên mạng rộ lên một phong trào nhuộm đỏ Facebook được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều công chức lề phải ở tuổi trung niên, đưa đến những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa hai bên, khiến dòng Bến Hải năm xưa lại sôi sùng sục.

Vì sao chiến thắng 30 tháng 4 vẫn khiến những người ở bờ Bắc phấn khích đến thế? Câu hỏi đặt ra là nếu họ có đầy đủ thông tin, họ có ứng xử khác đi không?

Vì sao họ có thể bắt tay làm ăn với người Mỹ mà 38 năm rồi vẫn không quên được “tội ác của Mỹ-Ngụy”? Vì sao họ khao khát “làm bạn với các nước”, mong mỏi xóa bỏ cấm vận, đổ ra đường chào đón Tổng thống Mỹ mà lại ngồi mãi trên yên cương với vòng hoa chiến thắng để khoét sâu thêm nỗi đau và khoảng cách khó xóa với chính đồng bào mình - những kẻ ngã ngựa, dù chiến tranh đã kết thúc lâu lắm rồi?

Trí não con người có một chức năng quái quỷ là hoàn toàn đóng chặt cửa với tất cả những gì nó không muốn. Trong trường hợp này, phải chăng họ cần cảm giác chiến thắng để vực dậy niềm tin cho một cuộc chiến khác, cuộc chiến chống lại sự tụt hậu, suy thoái trong kinh tế - văn hóa - giáo dục – đạo đức mà họ đang dự phần và đang trào dâng dự cảm thua cuộc?

Tôi cũng có một câu chuyện để kể với bên không thắng cuộc:

Có một người lính miền Bắc, sau chiến tranh tiếp quản một căn biệt thự của một sĩ quan VNCH, chiến lợi phẩm của anh là chiếc bàn viết bằng sắt. Không ai biết trong đó đã được gài lại một món quà cho bên thắng cuộc mà chỉ cần mở ngăn kéo ra là phát nổ.
Nhưng người nhận món quà đó không phải người lính giải phóng mà là đứa con gái nhỏ lẫm chẫm biết đi. Vụ nổ không đủ sức cướp đi sinh mạng cô bé nhưng biến em thành người tàn phế, mù hai mắt, cụt hai tay. Tuyết – một nữ sinh giỏi, đầy nghị lực, niềm tự hào của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Sài Gòn đã “quyết toán” món nợ của hai bên như thế.
Đây là câu chuyện có thật về một cô gái hiện sống bên Mỹ với một người chồng Mỹ sau một đám cưới cổ tích tốn không ít giấy mực của cánh báo chí. Nếu bạn muốn biết thực hư cứ đến giở lại hồ sơ của trường này.

Tôi cũng muốn hỏi những người bờ Nam con sông: như vậy đã đủ chưa, để khép lại một mối cừu thù?
Khi một phóng viên Mỹ hỏi về thái độ đối với người Mỹ sau hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nhiều người Nhật lớn tuổi đã đáp lại anh ta: "Cám ơn các anh đã buộc chúng tôi dừng lại."

Thống tướng Douglas MacArthur – người đã cầm quân đánh bại quân Nhật và chỉ huy lực lượng chiếm đóng nước Nhật hậu chiến – chính là một trong những người được nhân dân Nhật ghi ơn cho đến ngày nay vì đã giúp họ cải cách ruộng đất, soạn Hiến pháp, thành lập một nền dân chủ để họ trở thành một quốc gia siêu cường.
Sau Thế chiến II, một số người dân Nhật đã tôn kính treo hình ông – người từng đánh bại họ.

Nghĩa trang Quốc gia Arlington của Hoa Kỳ là nơi an nghỉ của hàng ngàn binh sĩ thuộc cả hai phe Nam Bắc đã tử trận trong cuộc Nội chiến 1865.

Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát của Đại học Hebrew Jerusalem cho thấy 61% người Do Thái 'hài lòng' (satisfied) với thái độ nhận trách nhiệm của người Đức về cuộc diệt chủng năm xưa, 80% dân Israel cảm thấy quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn bình thường.

Người Việt nghĩ gì về thái độ của những dân tộc ấy đối với cựu thù trong chiến tranh của họ?
Cá nhân tôi nhìn nhận: một đại gia đình trải qua 38 năm dằng dặc mà huynh đệ vẫn còn chưa dứt chuyện thắng thua, thì đó là một gia đình có vấn đề về nhận thức.

Một dân tộc đau yếu khiến người ta không khỏi hoài nghi khả năng thích ứng của nó trong kỷ nguyên tiếp theo. Liệu chúng ta có đủ năng lực để cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới, sẵn sàng đối đầu với những cuộc chiến của kỷ nguyên số và siêu vi trùng ngàn lần phức tạp hơn?

38 năm đủ để những đứa trẻ mang tên Hòa Bình hay Thống Nhất năm xưa sinh ra những đứa con tuổi teen hôm nay, biết tư duy như một công dân toàn cầu, giỏi công nghệ, chiếm lĩnh các mạng xã hội để đặt cho người lớn những câu hỏi nhức nhối.
Và với chúng, câu chuyện hôm qua nhất thiết phải được kể theo lối mới.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, một nhà văn, nhà báo sống tại TP Hồ Chí Minh.




No comments:

Post a Comment

View My Stats