Saturday 11 May 2013

BBC VÀ RFI NHANH CHÓNG LOAN BÁO VÀ BÌNH LUẬN VỀ KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TW 7 (RFI, BBC)




Anh Vũ  -  RFI
Thứ bảy 11 Tháng Năm 2013

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin sáng nay 11/5/2013, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc sau 10 ngày làm việc và đã « hoàn thành toàn bộ chương trình » như dự kiến. Đúng như các thông tin không chính thức được tung ra từ những ngày đầu làm việc hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 2 thành viên vào Bộ Chính trị khóa XI, và một người vào Ban Bí thư.

Hai nhân vật mới được vào Bộ Chính trị là Phó thủ tướng, Ủy viên Trung ương đảng Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương đảng, Phó chủ tịch Quốc hội. Chánh văn phòng Trung ương đảng ông Trần Quốc Vượng được bầu vào Ban Bí thư Trung ương khóa 11.

Kết qủa này hòan tòan đúng như thông tin của các trang blog không chính thức, loan báo ngay hôm mùng 4/5, ngày diễn ra các cuộc bầu bán được mô tả là trong không khí cực kỳ căng thẳng của một cuộc tranh giành phe cánh nội bộ.

Bản tin của Việt Nam Thông tấn xã, được hầu hết các báo chính thức đăng lại nguyên văn, đã tóm tắt lại các vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 bao gồm : Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ; tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận ; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ; sơ kết một năm thực hiện nghị quyết xây dựng đảng ; công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo đảng cho tương lai ; ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên môi trường.

Về nội dung đổi mới hệ thống chính trị, kết luận của Hội nghị Trung ương 7 nhấn mạnh : « Hoàn thiện thể chế phải gắn liền với đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng ». Tuy khẳng định vai trò lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị Nhà nước, nhưng Trung ương đảng cũng thừa nhận trong tình hình hiện nay có « rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ đảng viên và nhân dân ». Vì vậy Hội nghị Trung ương lần này đã ra nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, nhằm củng cố lòng tin của dân chúng với chế độ.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có lẽ là nội dung được dư luận quan tâm hơn cả. Theo bản tin Thông tấn xã Việt Nam, Hội nghị Trung ương lần này không đưa ra những kết luận nào cụ thể và chỉ khẳng định lại việc « Trung ương kiên quyết, phê phán bác bỏ » các « quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch » trong những ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp.

Đối với những nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì các kết luận Hội nghị Trung ương 7 không có gì đáng ngạc nhiên và ông cho rằng sẽ không có sự chuyển biến nào sắp tới ngoài việc tăng cường tuyên truyền chính trị và thắt chặt quản lý thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết :
Nghe (04:11)  :  Tiến sĩ Nguyễn Quanq A      11/05/2013


---------------------


Cập nhật: 10:00 GMT - thứ bảy, 11 tháng 5, 2013

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI bế mạc ngày 11/5 với hai tân ủy viên Bộ Chính trị. Đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Các bài liên quan :

Thông tin về hai vị ủy viên mới thực ra đã được các mạng xã hội loan tải từ một tuần trước.

Dư luận đặc biệt chú ý tới việc hai ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương và Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, không được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị Đảng CSVN.

Vị trí trong Bộ Chính trị là điều kiện cần thiết để các ông có thể lên các chức lãnh đạo cao hơn.

Hai ông Thanh và Huệ từng được cho là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế ủy viên Bộ Chính trị.

Với ông Nhân và bà Ngân, Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN, nay có 16 ủy viên. Thông thường con số ủy viên được hướng tới là số lẻ để việc bỏ phiếu dễ dàng hơn, do vậy cũng có nhận định sẽ còn tiếp tục bổ sung thêm một vị trí Bộ Chính trị nữa trong thời gian tới.

Một chi tiết khác đáng chú ý, là ngoài ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, quân đội Việt Nam không có thêm nhân vật nào lọt vào Bộ Chính trị.
Trong quân đội hiện nay có hai nhân vật được cho là có khả năng kế nhiệm ông Thanh: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu, Thứ trưởng, và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7, có tin nói vị trí thứ ba được bầu vào Bộ Chính trị có thể là ông Ngô Xuân Lịch.

Nhưng với kết quả chính thức vừa công bố, chưa có ứng viên tiềm năng thay ông Thanh trong nhiệm kỳ tới.

Ngoài ông Nhân và bà Ngân, chỉ có một vị trí mới sau hội nghị là ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương được đưa vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Học ở Mỹ

Ông Nguyễn Thiện Nhân, 60 tuổi, đã nhận bằng thạc sĩ về Quản lý công ở Đại học Mỹ Oregon và cũng học một khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Đại học Harvard, chi tiết khiến ông nên nhân vật đặc biệt trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản.

Trước đó, theo tiểu sử, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).

Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam từ Úc, Carlyle Thayer, nhận định việc vào Bộ Chính trị có thể khiến ông trở thành ứng viên Thủ tướng tại Đại hội Đảng lần sau.

Giáo sư Thayer nói: "Kỹ năng chính của ông Nhân được cho là đối phó với phương Tây. Đây là nhân vật có mạng lưới liên lạc quốc tế lớn."

Nói với hãng tin Bloomberg, ông Fred Burke, Giám đốc Điều hành Công ty luật Baker & McKenzie ở TP. HCM, cho hay ông đã một số lần đi cùng ông Nhân sang Mỹ.

"Ông ấy thuyết trình bằng PowerPoint cho những người muốn đầu tư, và cách tiếp cận của ông thật xuất sắc."
"Ông ấy thuộc thế hệ mới đã tiếp xúc nhiều với quốc tế."

Đại hội Đảng gần nhất diễn ra hồi tháng Giêng 2011 và theo thông lệ, được tổ chức năm năm một lần.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, là thành viên nữ thứ hai trong Bộ Chính trị, sau bà Tòng Thị Phóng, được bầu hồi năm 2011.
Một số nhà quan sát cho rằng bà Ngân sẽ là ứng viên cho chức Chủ tịch Quốc hội khóa sau.

Các nội dung khác

Sau phiên họp kéo dài tới 10 ngày, các ủy viên Trung ương cũng bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.

Trong bài diễn văn bế mạc, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói "củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

Ông cũng kêu gọi tiếp tục đổi mới.
"Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống..."

Hội nghị 7 nhấn mạnh tầm quan trọng của dân vận, cho đó là mối liên hệ "máu thịt" mang lại sức mạnh cho Đảng Cộng sản.

Về sửa đổi Hiến pháp 1992, Trung ương Đảng CSVN cho rằng quá trình lấy ý kiến nhân dân đã diễn ra "chu đáo" và "tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân tán thành với nội dung của dự thảo" mà Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đưa ra.

"Qua đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng này, nhân dân ta một lần nữa thể hiện cao độ lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng."

Hội nghị cũng đề cập đến cái gọi là "các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch" về Hiến pháp và kiên quyết bác bỏ.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được mang ra trình kỳ họp sắp tới trong tháng Năm của Quốc hội, cho dù theo hạn định, việc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân vẫn tiếp tục tới tháng Chín.

----------------------------------------------------------

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
Cập nhật: 14:57 GMT - thứ bảy, 11 tháng 5, 2013

Một số nhà quan sát trong nước đưa ra những nhận định ban đầu về Hội nghị Trung ương 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc họp kín đã bế mạc hôm 11/5, với thông báo có thêm hai tân ủy viên Bộ Chính trị: ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Các bài liên quan :

Trao đổi với BBC từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên Ban cố vấn Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ không trúng ghế ủy viên Bộ Chính trị là "tin mừng".

"Xu hướng vừa rồi khi Ban Chấp hành Trung ương bác bỏ phương án ông Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị, riêng cá nhân tôi nhìn nhận đó là một bước phát triển đáng mừng," ông nói với BBC Việt ngữ hôm 11/5/2013.

Ông Tương Lai cáo buộc: “Nếu như ông Nguyễn Bá Thanh tiếp tục hỗ trợ quan điểm đi với Trung Quốc, thì sẽ giữ được Đảng, và giữ được chế độ, đấy là quan điểm người ta cho rằng ưu tiên, cách tư duy ấy thể hiện một cái nhìn gây phẫn nộ trong giới trí thức và trong truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cả dân tộc.”

Từ Hà Nội, luật sư đối kháng Nguyễn Văn Đài cho rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "không thuộc phe nào".
Ông nói: "Hai người này theo tôi có quan điểm trung dung, không thuộc một phe phái nào lớn ở trong Đảng. Họ được bầu bổ sung vào Bộ Chính Trị, tôi cho rằng đây là thắng lợi của nhóm lợi ích trong Đảng."
"Họ đã cố tình bầu cho những người không có vai trò gì trong cuộc chiến chống tham nhũng hay mong muốn cải cách đất nước, đây là một điều hết sức thất vọng cho toàn thể nhân dân Việt Nam."

'Thiếu kinh nghiệm'

Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng lý do mà hai lãnh đạo ở các ban Nội chính Trung ương và Kinh tế Trung ương không được bầu là vì ông Thanh thiếu kinh nghiệm lãnh đạo ở phạm vi quốc gia, còn ông Huệ chưa có kinh nghiệm ở địa phương.

Ông Doanh nói: "Vấn đề là ông Nguyễn Bá Thanh đã không kinh qua một nhiệm vụ nào ở Trung ương cả, cho nên xét về một Ủy viên Bộ Chính trị, có nhiều đồng chí trung ương cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh mới có kinh nghiệm ở địa phương chứ chưa có ở trung ương.
"Và điều nữa, có lẽ điều này mọi người đều đã biết, là trước và sau khi ra nhậm chức Trưởng Ban Nội chính ở Hà Nội, ông Nguyễn Bá Thanh đã có một số tuyên bố làm công luận hết sức chú ý, là sẽ bắt hết, sẽ hốt liền, và các tuyên bố đó có thể làm cho người này người khác có e ngại nhất định."


Giữa việc Đảng bổ sung nhân sự cao cấp ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư và biến đổi, chuyển biến trên thị trường, kinh tế trong nước, Tiến sỹ Doanh nói ông không thấy có liên hệ gì rõ rệt giữa hai vấn đề, vì theo ông kinh tế thị trường không chịu chi phối quyết định nào từ những bàn cãi về phê và tự phê.

'Bưng bít thông tin'

Một người khác, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, phê phán cách thức mà Trung ương và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản tổ chức Hội nghị Trung ương 7 lần này cũng như các sự kiện chính trị, Đại hội, hội nghị BCH Trung ương quan trọng hàng đầu khác từ trước.

Ông nói: "Lẽ ra với tư cách một Đảng chính trị có tư cách rất lớn trong cuộc sống chính trị của đất nước, thì bất kỳ đảng chính trị nào cũng phải hoạt động một cách công khai, một cách minh bạch."
"Và cái kiểu mà vẫn bưng bít thông tin, tạo ra một sự thống nhất giả tạo và để cho người bên ngoài thấy như một cái hộp đen, và thực sự không biết rằng bên trong hộp đen đó thế nào, thì đấy là một điều rất đáng suy ngẫm và cần thay đổi triệt để."

Về cung cách Đảng họp các Hội nghị trung ương, hôm thứ Bảy, luật sư Nguyễn Văn Đài cững chỉ trích Đảng vẫn còn "giữ bí mật" với nhân dân và đây là một điểm mà người dân cần nhận thức để thay đổi.
Ông nói: "Từ khi đảng nắm được quyền lãnh đạo từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở trên toàn bộ đất nước, thì mọi hội nghị hay cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đều rất bí mật,
"Chỉ những bài phát biểu khai mạc và bế mạc được truyền hình trực tiếp cho người dân biết, còn toàn bộ những cuộc tranh luận hay các cuộc đấu đá diễn ra trong nội bộ của họ thì người dân không được biết, tất cả những gì dân biết, chỉ qua những tin đồn."

Ông Đài cho rằng điều này hoàn toàn trái ngược với điều Đảng Cộng sản nói với người dân là dân có quyền kiểm tra, giám sát tất cả những gì mà Đảng làm, hay các quy định quyền giám sát của người dân đối với Chính quyền và Đảng cầm quyền.

"Quyền lực thực sự vẫn nằm hoàn toàn trong tay hai trăm ủy viên trung ương, trong đó 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết. Họ quyết định mọi vấn đề của đất nước và người dân Việt Nam chỉ có nghĩa vụ chấp hành," ông nói với BBC.

Hôm 11/5, Báo Điện tử của Đảng Cộng sản đưa tin: "Sáng 11/5, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra."

"Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị," trang thông tin điện tử của Đảng cho hay.

TS. Lê Đăng Doanh nói về:

-----------------------------------------------------------------

TTX Vỉa Hè Ba Sàm cho biết:

Một hiện tượng lạ và đau buồn cho ngày hôm qua, đúng lúc kết thúc Hội nghị TƯ7, lại là một ngày đặc biệt nhiều tai nạn thảm khốc chết người trên khắp cả nước.

Chỉ trong 2-3 tiếng đồng hồ buổi sáng, liên tục xảy ra hai vụ tai nạn giao thông thảm khốc, tại Long An – chết 6 người và tại Bình Thuận chết 7 người. Mới sáng nay, VTV cho biết tối qua Quảng Ninh có một tai nạn giao thông làm 2 người chết. Vậy là ngay trong “Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ”, 3 tai nạn giao thông thảm khốc chết 15 người. Lao Cai mưa lũ quét làm 4 người chết. Ngoài ra, còn có một vụ lật thuyền trên hồ thủy điện Hòa Bình làm 20 người suýt chết. Quảng Nam 7 ngư dân bị nạn trên biển, rất may đã cứu được. Trước đó 1 ngày, tại Sơn La, đá lăn chết một cháu bé, Quảng Trị mưa lũ liên tiếp gây thiệt hại tại 4 xã, Đắk Lắk hai vợ chồng mua cháo cho con, trên đường về, chỉ vì bị một bánh đà xe máy cày văng ra mà chết thảm. - Ba Sàm

---------------------------

TIN LIÊN QUAN :






1 comment:

  1. tưởng thế nào chứ! bọn BBC và bọn RFI là hai tổ chức nước ngoài, hai tổ chức này hoạt động núp bóng thôi, thực chất là có thế lực phía sau dật dây mà, chúng toàn đưa tin láo thôi, đưa tin xuyên tạc sự thật về các vấn đề của Việt Nam, hay là chúng nói quá lên, làm nghiêm trọng vấn đề, do đó không thể tin được!

    ReplyDelete

View My Stats