Monday, 27 May 2013

BÁN ĐÂT BÁN RỪNG BÁN CẢ LINH HỒN (Đỗ Trường)




12:36:pm 27/05/13

Sáng nay đang còn cuộn chăn trên giường, Tiến Bọ cạnh nhà, đập cửa vực tôi dậy. Đang tơ lơ mơ ngủ bị đánh thức kể cũng hơi bực, nhưng cố giữ hòa khí, không lần sau lật khật bia rượu đâu đó, hắn ức, không đến đón về cũng mệt. Định kéo chăn ngủ tiếp, hắn xỉa tờ giấy vào mặt, vừa copy bài viết trên quechoa.vn của nhà thơ Ngô Minh đọc thì khoái, nhưng ức lên tận cổ. Tôi sẵng giọng: Ức gì? Từ trước đến nay, ông thích và chỉ đọc thơ ca Nguyễn Trọng Tạo, bây giờ ông lại đổi sang Ngô Minh, là thế quái nào? Hắn gãi đầu gãi tai, đến bài “Chúng Ta Đang Ăn Thịt Đất Nước Mình thật sự tôi thích cả Ngô Minh nữa.

Thật vậy! Chẳng riêng gì ông bạn thân Tiến Bọ thích, mà tôi đọc xong cũng sướng tỉnh cả ngủ. Cái sự thật, đất nước đang bị tùng xẻo, tàn phá để có quyền có tiền nhảy múa, xa hoa ấy như sợi dây thòng lọng thắt dần cổ đất mẹ treo ngược lên. Nhưng kẻ đang ăn thịt đất nước mình và kéo sợi dây thòng lọng ấy là ai? Vâng! Dứt khoát không phải, những thằng đang lang thang trên xứ người, những người dân thấp cổ bé họng hay Ngô Minh và những người dân mất đất mất nhà. Do vậy, đề nghị nhà thơ Ngô Minh thiến quách cái đại từ nhân xưng CHÚNG TA đi và ông điểm mặt chỉ tên rõ ràng. Chứ chung chung thế này, oan uổng lắm bác Ngô Minh ạ.

Ngày đàn ông 9 tháng 5 vừa qua ở Đức, đang nhậu nhoẹt vui vẻ, Tiến Bọ tự nhiên ôm mặt khóc hu hu cứ như lên cơn động kinh. Mọi người giật mình, sợ hãi bỏ hết cả bát đũa xuống mâm. Người giữ tay, kẻ vỗ lưng an ủi hắn. Lúc sau mới trấn tĩnh trở lại, hắn rả rích kể, ngày này, năm 1979 thằng bạn học, nhập ngũ cùng ngày, bị trúng đạn giặc Tầu, chết ngay trên tay hắn. Chiến trận đang diễn ra ác liệt, hắn và đồng đội buộc phải chôn bạn ngay Mũi Đất, Hà Tuyên. Cho đến nay, Mũi Đất vẫn bị giặc Tầu chiếm đóng, bạn hắn vẫn còn nằm lại đó. Phục viên, rồi vì miếng cơm manh áo, hắn sang Đức lao động, nhưng món nợ chưa đưa được bạn về quê, cứ canh cánh trong lòng. Mấy năm gần đây, cứ gom đủ tiền, hắn lại về nước cùng gia đình bạn xin phép Tầu để tìm mộ bạn ngay trên đất của ta. Đau lắm nhưng hắn vẫn phải cắn răng chịu đựng. Mấy chục năm đã qua, có lẽ giặc Tầu đã xúc nắm xương bạn hắn đổ đi đâu đó rồi, nhưng hắn vẫn không nản chí. Hắn phàn nàn, cũng vì đất nước, nhưng liệt sỹ cũng có thứ bậc đấy, chết chống Tầu chỉ là loại hai loại ba. Nhìn nghĩa trang liệt sỹ chống Mỹ chăm sóc, hương khói, ấm áp, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4 lại rầm rầm dựng dậy tôn vinh. Cực cho những thằng đánh giặc Tầu, hương khói, kỷ niệm cũng phải vụng trộm với nhau, cứ như là đi ăn cắp ấy.

Cả tuổi thơ gắn với quê ngoại Hà Tĩnh, nên lần nào về nước, nửa thời gian ở Quảng Bình, nửa còn lại hắn lang thang ra quê ngoại. Nhưng hắn bảo, quê ngoại bây giờ có phố, có làng của Tầu. Hôm ngược lên đầu nguồn con nước chơi, hắn bị bọn đầu trâu mặt ngựa bảo vệ không cho vào khu vực rừng người Lạ đã thuê. Ức lắm nhưng gắng nhịn, phải như mấy chục năm về trước, không nhịn được, hắn đã xơi tái mấy thằng này rồi. Mấy năm nay, vê nước, hắn chỉ đảo qua quê ngoại rồi đi ngay, nhìn bọn Tầu nghênh ngang này, lại nghĩ đến sự tàn bạo của chúng năm 1979, tức khí chịu không nổi.

Cái chuyện cho thuê rừng đầu nguồn này của nhiều tỉnh biên giới quả thật không mới, nhưng hôm nay, nghe lời kể của Tiến Bọ, không riêng tôi, nơi khóe mắt mọi người đều cay cay và bữa ăn, bữa nhậu như chùng xuống. Tôi đã quen và thân với Tiến Bọ, từ gần ba chục năm về trước, ngày bắt đầu làm chung trong lò giết heo của thành phố Leipzig. Thằng này học võ từ nhỏ, to khỏe xốc vác, lầm lì ít nói, cái gì cũng biết và làm được, duy nhất tiếng Đức không chịu học. Học cũng không vào, nó bảo thế. Là con sâu rượu, nhưng từ ngày bị máy cưa thịt thiến mất mấy ngón tay, nó từ rượu. Không hiểu hôm nay bị ma ám hay sao, nó tương liền mấy choác Wodka, hết khóc rồi cười, lại nói về đất và rừng, về linh hồn nguyên khí…Nhưng nghe có lý, khoái cái lỗ tai, mọi người đồng thanh khen nó như vậy.

Vậy đằng sau sự thuê nhượng đất rừng này là gì? Trách nhiệm chính chắc chắn không phải là lãnh đạo các tỉnh, như một số người có chức có quyền đã nói trên báo chí nhà nước. Nếu như không có dấu hiệu bật đèn xanh của người ngồi trên, có nhử kẹo, mấy ông lãnh đạo cấp tỉnh không dám tự động cho thuê rừng đầu nguồn. Nơi được cho hiểm yếu, quan trọng nhất bảo vệ anh ninh quốc gia. Sự việc động trời, nguy hại an ninh như vậy, các bác có trách nhiệm ù ù cạc cạc, chỉ làm động tác kiểm tra, báo cáo, rồi im lặng. Hỏi các cháu con nít có tin không?

Ấy thế mà, hai cháu sinh viên rải có mấy tờ truyền đơn chống Tầu, sự việc nhỏ như con muỗi, các bác biết ngay, có kết quả tức thì, vô khám.

Chẳng cần ông to bà lớn, hiền triết hay triết gia, người ít học nhất cũng thừa biết, một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Vậy tuổi trẻ là linh hồn, sinh khí của một dân tộc. Nhưng linh hồn, sinh khí ấy đang được ru bằng những tiền tài bổng lộc, danh vọng hão huyền với vũ trường trác táng, thâu đêm. Đất nước đang bị gặm nhấm dần. Phương Uyên, Nguyên Kha đang đi hun và gom lại những hào khí đó, để đốt tiếp lên ngọn lửa của cha ông thuở nào. Nhưng các cháu bị bắt, linh hồn dân tộc đã bị nhốt vào tù. Phải chăng đằng sau vụ bắt bớ, tù đày hai cháu sinh viên này, để làm vừa lòng kẻ nào đó, hay có thế lực đen tối nào đứng đằng sau?

Gỉa dụ như Phương Uyên và Nguyên Kha có sai lầm mắc vào tội chống nhà nước, với tuổi đời còn non trẻ như vậy, một quan tòa lương thiện, không bao giờ phán bản án nặng nề đến như thế. Mức án đểu này, xin các ông hãy dành cho bà hoàng dối trá, sỹ hão Lý Nhã Kỳ và mấy ông phi công rửng mỡ coi thường tính mạng mấy trăm hành khách trong chuyến bay Hong Kong Hà Nội vừa qua. Hành vi “đùa giỡn“ trên buồng lái này, có khác gì kẻ khủng bố.

Vậy là các cháu đã bị ghép vào cái tội không có thật (không có trong bộ luật nào). Một cái tội chỉ có thể xảy ở Việt Nam. Vâng! Tù tội, nhục hình dứt khoát không thể bẻ cong được sự thật, nó chỉ là hành vi của một chính quyền yếu đuối và sợ hãi.

Cái lý luận của Tiến Bọ, làm tôi sức nhớ đến câu chuyện thời gian Mỹ dội bom Miền Bắc. Chúng tôi sống ở Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định. Từ nơi ở đến trường học, chúng tôi phải đi qua cửa hàng hợp tác xã. Cửa hàng ọp ẹp, hàng hóa trống trơn, nhưng khẩu hiệu “ Chủ Tịch Hồ Chí Minh Muôn Năm“ lúc nào cũng tươi rói treo ngay trên cửa. Tầm trưa, chúng tôi tan học, cửa hàng hợp tác xã cũng đóng cửa. Dũng cùng lớp tôi, cũng là dân sơ tán, kiếm đâu đó cục gạch non, viết lên tường của cửa hàng“Chủ Tich Hồ Chí Dũng Muôn Năm“. Hắn vừa viết xong, chúng tôi đang reo hò, ông đội trưởng Nguyễn Văn Đông, thường gọi là Đảng Đông, từ đâu chạy xộc đến, nắm cổ hắn quát: Thằng phản động con, ông cho mày rũ tù. Đảng Đông xách Dũng ném vào nhà kho hợp tác xã, khóa trái cửa lại. Chúng tôi sợ, tản ra mỗi thằng một nơi. Thằng Dũng khóc thét trong kho. Lúc sau cụ phó Hoạch bố của Đảng Đông đi qua, hỏi xảy ra việc gì. Nghe chúng tôi kể lại, cụ lẩm bẩm, trẻ là mầm non của quốc gia, ai cho chúng nó quyền giam giữ trẻ con thế này. Rồi cụ đi tìm Đảng Đông bắt mở cửa, thả thằng Dũng. Đảng Đông không chịu, cụ chạy về nhà lấy cái rìu bổ củi chặt tan ổ khóa. Đảng Đông định xông vào, cụ dọa chém và chửi, đến thằng Pháp, thằng Nhật nó còn không bắt bớ, giam cầm trẻ con, chúng mày một lũ tay sai mù quáng. Rồi cụ dẫn thằng Dũng về nhà.

Mấy nay báo của nhà nước hẳn hoi nhé, không phải báo của bọn thù địch đâu, đăng tin quê hương của đồng chí anh hùng Ngô Thị Tuyển, (người trong lúc quyết tử với không quân Mỹ, đã vác một phát hai hòm đạn nặng 98 cân, gấp đôi trong lượng của mình) có gần hai ngàn người đánh bắt cá thuê cho Trung Quốc ở trên biển Đông. Chà Chà, thế này không trước thì sau, mấy ngàn ngư dân này, cũng dẫn giặc về trước trộm sau là cướp ao cá nhà mình. Người nông và ngư dân đã bị bần cùng hóa một cách tận cùng, một số buộc phải làm đạo tặc, hoặc theo đạo tặc ngoại bang. Phải nói, Việt Nam không thiếu nguồn tiền cho an sinh xã hội, nếu như có một chính quyền trong sạch. Nhưng những khoản tiền thuế kia, tiền các nước trợ giúp cũng như vay dài hạn… đã chảy vào túi riêng mấy ông tư bản đỏ và cái vòi bạch tuộc của các doanh nghiệp nhà nước.

Đây không còn là lời cảnh báo nữa, mà sẽ có ngày xuất hiện những đạo quân từ trong hầm Boxite, từ cánh rừng đầu nguồn, từ biển khơi ập vào nuốt chửng đất mẹ. Vâng! Từ bán đất bán rừng đến bán linh hồn có một khoảng cách rất gần.

Leipzig ngày 27-5-2013
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt
 
------------------------------------------------


23.05.2013

Cách đây vài ba năm, báo chí đưa tin làm tôi giật mình: Đến năm 2012, Việt Nam phải nhập than đá! Thế mà đến năm 2011, nước ta đã phải nhập hàng nghìn tấn than đá từ nước ngoài. Ai cũng lo, ai cũng bức xúc. Ôi thuở ấu thơ tôi được các thầy dạy: ”Việt Nam ta rừng vàng biển bạc”. Bây giờ thì sắp cạn rồi sao? 

Nhìn lại đối mới từ năm 1986 đến nay, một thực trạng đau lòng đang diễn ra khắp nơi: Chúng ta đã khai thác, buôn bán tài nguyên quốc gia một cách ồ ạt, vô tội vạ. Dường như thu nhập GDP đất nước đều do buôn bán tài nguyên mà có, còn hàng hoá sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nghĩa là từ “đổi mới” đến nay, chúng ta đang sống nhờ bán tài nguyên, chứ chẳng làm được thương hiệu gì bền vững có tầm cỡ thế giới cả. Nhìn qua Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Nhật Bản… mà thương cho đất nước mình. Người ta chẳng có nhiều tài nguyên khoáng sản, sao người ta giàu thế. Còn mình bán tài nguyên mà ăn, rồi con cháu vài thế hệ sau ăn không khí à?

Tài nguyên quốc gia do mồ hôi xướng máu bao đời giành được gồm: trời, đất, núi, nước, rừng, biển, khoáng sản và môi trường. Trong hoà bình xây dựng 30 năm nay, do ấu trĩ trong nhận thức và non kém về quản lý, chúng ta tiếp tục tàn phá tài nguyên dữ dội hơn, nặng nề hơn. Hình thế núi sông Việt Nam đang thấy đổi từng ngày, đang bị cày xới nham nhở!

20 năm qua có rất nhiều “phong trào” bán tài nguyên để “làm ngân sách” xảy ra rầm rộ. Như khai thác gỗ rừng để xuất khẩu ồ ạt. Quốc doanh khai thác xuất khẩu, “hợp tác xã” khác thác xuất khẩu, tư nhân núp bóng nhà nước khai thác, xuất khẩu… Gỗ cứ kìn kìn từ rừng miền Trung, rừng Tây Nguyên đổ về các cảng biển. Các đầu nậu gỗ, những người cấp phép khai thác gỗ, cấp quota xuất khẩu gỗ giàu lên từng ngày một. Đến khi “ngộ ra”, ban hành lệnh cấm, thì rừng đã bị “bán ăn” gần hết. Thế là lại phải “làm dự án” trồng 5 triệu hec-ta rừng gần chục năm nay vẫn không thành.

Hết rừng rồi thì bán đất rừng. Hơn 300.000 héc ta rừng đầu nguồn đã bị các tỉnh bán cho doanh nhân Trung Quốc khai thác 50 năm. Nghĩa là 50 năm, chúng muốn biến mảnh đất rừng đó thành căn cứ quân sự, lô cốt, hầm ngầm v.v… là quyền của họ. Hết nước rồi non nước ơi!

Bán hết rừng đến bán khoáng sản dầu thô, than đá, cát, quặng ti-tan, quang a-pa-tít, quặng vàng… Nghe thông tin báo chí về việc xuất khẩu than lậu ở Quảng Ninh mà choáng váng. Trữ lượng than của ta ở Quảng Ninh có được bao lăm mà hô hào thành tích “khai thác và xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước”?; rồi quản lý yếu kém để cho hàng trăm công ty “ma” xuất khẩu than lậu một lúc hàng trăm tàu. Sao coi tài nguyên quốc gia “như vỏ hến” vậy?

Người bán gỗ, bán than, thì có kẻ lại bán núi, bán đất ruộng làm giàu. Xem ra bán núi bán đất dễ giàu có hơn. Trong những chuyến đi thực tế ở vùng Đông Bắc hay Thanh Hóa, Ninh Bình…, tôi thấy nhiều ngọn núi bị san bằng trơ trọi, để khai thác đá sản xuất xi măng, đá xây dựng. Bây gìờ tỉnh nào cũng hai ba nhà máy xi măng, hàng chục công trường khái thác đá hàng ngày ra sức san phá núi. Có tỉnh bán luôn cả ngọn núi cho nước ngoài làm xi măng, không chỉ bán phần dương mà còn bán cả phần âm tới 30 mét sâu, nghĩa là 50 năm sau, núi thành hồ ! Hình sông thế núi Việt Nam ngàn đời hũng vĩ, bây giờ đang bị xẻ thịt nham nhở. Liệu con cháu tương lai sẽ sống như thế nào, có còn hình dung ra nước non Việt tươi đẹp xưa nữa không, khi mà quanh chúng núi non bị gậm nhấm, thân thể Tổ Quốc ghẻ lở, xác xơ? Tài nguyên của mình, nước ngoài đến khai thác rồi chế biến thành sản phẩm xuất khẩu của họ, trong lúc hình hài non sông bị xâm hại. “Bán núi” để ăn như thế có đau núi quá không?

“Bán đất” mới là cuộc tỉ thí vói tương lai khủng khiếp nhất. Tỉnh nào cũng có vài ba Khu công nghiệp, nhưng chẳng làm ra sản phẩm xuất khẩu nào có thương hiệu cả vì máy móc lạc hậu, bán trong nước cũng chẳng ai mua . Tỉnh nào cũng có ba bốn sân golf. Rồi dự án mở rộng đô thị lên gấp đôi gấp ba, dự án khu biệt thự,… đang làm cho đất nông nghiệp, đất trồng lúa trong cả nước, đất trồng cây ăn trái ở Nam Bộ đang thu hẹp với tốc độ chóng mặt. mỗi năm có từ 73.000- 120.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, bị chuyển đổi. Mở rộng đô thị thì đất ruộng thành đất thành phố, bán với giá cao hơn. Đua nhau mà ăn chia, lấn chiếm, đẩy nông dân ra khởi mảnh đất ngàn đời sinh sống của họ. Thế là khẩu hiệu của “dân cày có ruộng” thành ký ức lịch sử.

Vì mục tiêu tăng GDP, tăng thu ngân sách, các tỉnh đang thi nhau bán đất nông nghiệp một cách vô tội vạ. Mất đất, chỉ nông dân và nhà nước là thua thiệt. Ruộng mình đó, đất mình đó, bỗng nhiên bị mất trắng tay. Tiền đền bù giá bèo không đủ mua đất mới để xây nhà, nói chi đến làm ăn sinh sống.
Hết bán rừng, than, ti-tan, đá, người ta con bán cả bô-xit Tây Nguyên, thứ mà cách đây mấy chục năm, khối Comicom (Khối kinh tế các nước XHCN) đã ngăn không cho khai thác, họ sợ làm hư hỏng môi trường và văn hóa Tây Nguyên. Nhưng bây giờ thì bất cần tương lai Tây Nguyên, bất cần hàng ngàn trí thức tâm huyết với đất nước kịch liệt phản đối, họ vẫn khai thác Các nhà chiến lược quân sự thường nói: ”Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương”. Chao ôi, từ việc bán tài nguyên đến “bán nước” chỉ còn một khoảng cách mong manh như sợi chỉ!

Nước là loại tài nguyên quý giá cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hiện nay tất cả các con sông đều “đang chết dần” vì ô nhiễm do chất thải công nghiệp, bệnh viện chưa qua xử lý đều thải trực tiếp ra sông. Mạch nước ngầm đang xuống thấp chưa từng có do khai vô tội vạ. Rồi “phong trào” phát triển thuỷ điện tùm lum làm cho mực nước ở đồng bằng giảm xuống. Đến cả sông Hồng cũng cạn trơ đi bộ qua được. Có tỉnh làm đến hàng chục nhà máy thuỷ điện. Được điện thì mất lúa vì đất đai khô cằn không có nước tưới, bị sa mạc hoá không trồng lúa, trồng màu được. Muốn phát điện thì mực nước tích ở hồ phải cao hơn mực nước chết. 

Ví dụ Hồ thuỷ điện Hoà Bình bình thường mực nước cao 115 mét. Mực nước chết cao 80 mét. Nghĩa là để có điện, phải tích nước cao hơn 80 mét. Cái lượng “nước chết” cao 80 mét ấy chứa hàng tỷ mét khối không thể đổ về những cánh đồng lúa được, thì ruộng khô hạn là phải! Mùa lũ, nhà máy điện xả lũ để bảo vệ đập, thế là không chỉ xóm làng mà cả xá cũng ngập chìm trong nước. Làm thủy điện vô tội vạ cũng là một cách “ăn tài nguyên nước” qua dự án đầu tư. Không “ăn” dự án thì các quan huyện, quan tỉnh, quan trung ương tiền đâu mà làm nhà lầu, mua xe hơi, sống cuộc sống giàu sang phú quý, cho con đi học các trường nổi tiếng thế giới như Ha-vớt, Sóc-bon?

Bộ Chính Trị và Chính phủ là người chịu trách nhiệm chính trong việc khai thác tài nguyên vô tội vạ . Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương phải có một chiến lược khai thác tài nguyên lâu dài và chỉ đạo thực hiện thật quyết liệt mới mong không bắn đại bác vào tương lai. Chúng tôi đề nghị:

- Kiểm kê lại tài nguyên đất nước để có kế hoạch bảo vệ. Quy hoạch chi tiết ngay các vùng đất nông nghiệp lâu dài, vùng núi non hung vĩ, và cấm tiệt việc khai thác bừa bãi.

- Phải dừng ngay các dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên vì với sự án này, người Trung Quốc không cần bô-xít, cái mà họ cần là địa bàn Tây Nguyên, đó là điều mà nhiều trí thức lớn đã phân tích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thư cảnh báo. Phải thu hồi các diện tích đất rừng bị bán cho nước ngoài, dù phải bồi thường hợp đồng, vì chúng đang đe dọa đến vận mạng, sự sống còn của đất nước.

- Hạn chế tối đa, kiểm tra chặt chẽ các dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực khai thác tài nguyên (như xi măng, quặng ti tan, và các loại khoáng vật khác), khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao như công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để làm giàu cho đất nước. Chúng ta phải hướng nền kinh tế theo cách làm của Nhật Bản, Singapor, Hồng Kong, những nước ít tài nguyên nhưng biết cách làm giàu bằng trí tuệ.

Ôi, giá mà tiếng kêu của tôi đến được tai những người đang cầm vận mệnh đất nước trong tay?

Ngô Minh




No comments:

Post a Comment

View My Stats