Dimanche
27 janvier 2013
Ngày 23 tháng giêng năm 2013, trên
trang web của của Bộ Ngoại giao Phi (DFA), có đăng văn bản giải thích, qua hình
thức câu hỏi và trả lời, các thủ tục và nguyên nhân vì sao Phi kiện Trung Quốc
trong vấn đề tranh chấp tại biển Tây Phi. Theo văn bản này, bộ Ngoại giao Phi
đã chuyển công hàm đến tòa Đại sứ Trung quốc tại Manille vào chiều ngày
22-1-2013, cho biết Phi đã nộp hồ sơ đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ
lục VII của Công ước Quốc Tế về Biển 1982. Ngoại trưởng Albert del Rosario sau
đó họp báo và giải thích, sở dĩ Phi đã phải dùng tới giải pháp này vì đã cạn
kiệt mọi giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp hòa bình
với Trung quốc tại Biển Tây Phi (WPS).
Theo công hàm gởi Tòa và Đại sứ TQ
tại Manille, hồ sơ kiện của Phi được thành lập gồm 7 phần và 43 điều. Phần I
“Giới thiệu”, từ điều 1 đến điều 8. Phần II “Bối cảnh”, từ điều 9 đến điều 30,
được phân ra làm 4 tiểu đoạn A, B, C, D. Phần III “Nội dung kiện”, điều 31.
Phần IV “Thẩm quyền của Tòa trọng tài”, từ điều 32 đến điều 40. Phần V “Yêu cầu
chế tài”, điều 41. Phần VI “Chỉ định trọng tài”, điều 42. Phần VII “Quyền bảo
lưu”, điều 43.
Ngay từ dòng đầu tiên, điều 1, Phần I “Giới thiệu”, ta có
thể thấy tức khắc Phi muốn kiện Trung Quốc ở các điều gì. Đó là: “phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu
vực trên biển Đông và vùng đáy biển cách bờ biển gần nhứt của Trung Quốc là 870
hải lý”, vì các khu vực biển này “Trung Quốc không có quyền theo Công ước về
Luật biển 1982 (UNCLOS)” đồng thời “các vùng biển này tạo nên vùng Kinh tế độc
quyền (EEZ) và thềm lục địa của Phi”.
Điều 6, cũng trong phần I, Phi mong muốn Tòa có những phán
quyết, bao gồm 3 ý nghĩa chính:
1) yêu sách của TQ dựa trên đường 9
đoạn là không phù hợp với UNCLOS và vô giá trị;
2) xác định tình trạng pháp lý một số
cấu tạo địa chất mà Phi và Trung Quốc cùng có yêu sách chủ quyền, theo điều
121, chúng có phải là “đảo”, bãi cạn, bãi chìm hay không? Các cấu tạo này có
quyền được hưởng vùng biển rộng hơn 12 hải lý hay không?
3) tạo điều kiện cho Phi được hưởng
các quyền của mình.
Từ mong muốn được Tòa phán quyết trên 3 thỉnh nguyện ở
điều 6, phần III “Nội dung kiện” 3 thỉnh nguyện này được chi tiết hóa, trở
thành 10 điểm yêu cầu Tòa tuyên bố, tóm lược như sau:
1. Các quyền của TQ và Phi ở biển
Đông phải tuân thủ theo UNCLOS.
2. Yêu sách đường 9 đoạn của TQ là vô
giá trị.
3. Các cấu tạo lúc chìm lúc nổi,
không nằm trong lãnh hải các quốc gia ven biển, thuộc đáy biển, thì không thể
chiếm hữu, ngoại trừ cấu tạo đó nằm trên thềm lục địa của quốc gia theo phần VI
UNCLOS.
4. Các bãi Vành Khăn, Mc Kennan, Xi
Bi và Gaven là các cấu tạo chìm khi thủy triều lên, không phải là đảo theo qui
định của điều 121 UNCLOS, cũng không nằm trên thềm lục địa TQ, việc TQ chiếm
đóng có trái phép hay không và việc xây dựng trên các bãi cạn này có trái phép
hay không ?
5. Bãi Vành Khăn và McKennan thuộc
thềm lục địa của Phi theo phần VI của UNCLOS.
6. Bãi Hoàng Ngam và các đá Châu
Viên, Gạc Ma, Chữ Thập là các bãi chìm, ngoài trừ vài mỏm đá nhô trên nước khi
thủy triều lên. Chúng chỉ là « đá » theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS, vì thế
chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý. TQ đã đòi hỏi một cách phi lý quyền
mở rộng các vùng biển quá 12 hải lý tại các cấu tạo này.
7. TQ đã vi phạm luật pháp khi ngăn
cấm các tàu của Phi khai thác các vùng biển cận Hoàng Nham và đá Gạc Ma.
8. Phi có quyền về lãnh hải 12 hải
lý, ZEE 200 hải lý và thềm lục địa, theo các phần II, V và VI của UNCLOS, tính
theo đường cơ bản quần đảo của Phi.
9. TQ đã yêu sách một cách bất hợp
pháp các quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật và đã khai thác phi
pháp các tài nguyên này và cũng đã vi phạm pháp luật khi không cho Phi khai
thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa của
mình.
10. TQ đã can thiệp một cách bất hợp
pháp quyền tự do hàng hải của Phi được xác định theo UNCLOS.
Từ 10 điểm trong nội dung kiện, Phi
yêu cầu Tòa phán quyết ở 13 điểm, theo như điều 41 phần V “Yêu cầu chế tài”.
Đối chiếu hai phần “Nội dung kiện” và “Yêu cầu chế tài”, ta thấy ở điểm 5, 6,
7, 8, 9 thực ra là các điểm thứ tự 4, 5, 6, 7 trong phần “nội dung kiện”. Như
thế là từ “Nội dung” đến “Yêu cầu chế tài” không có điều gì mâu thuẩn.
Về 3 ý nghĩa chính ở điều 6, phần I:
Ý nghĩa 1: yêu sách của TQ dựa trên
đường 9 đoạn là không phù hợp với UNCLOS và vô giá trị. Ý nghĩa này được đặt ở
thứ tự ưu tiên 2 trong phần “Nội dung”, cùng thứ tự trong phần “Yêu cầu chế
tài”.
Ý nghĩa 2: Về tình trạng pháp lý một
số cấu tạo địa chất mà Phi và Trung Quốc cùng có yêu sách chủ quyền, theo điều
121, chúng có phải là “đảo”, bãi cạn, bãi chìm hay không? Các cấu tạo này có
quyền được hưởng vùng biển rộng hơn 12 hải lý hay không?
Ý nghĩa này được ghi lại qua các điểm
3, 4, 5, 6 trong phần “Nội dung kiện”, sau đó qua các điểm 4, 5, 6, 7, 8 trong
phần “Yêu cầu chế tài”.
Ý nghĩa 3: tạo điều kiện cho Phi được
hưởng các quyền của mình. Ý nghĩa này được ghi ở các điểm 1, 7, 8, 10 trong
phần “Nội dung kiện” và các điểm 1, 10, 12 trong phần “Yêu cầu chế tài”.
Ta thấy, toàn bộ 10 điểm trong nội
dung kiện (điều 31), cũng như ở 13 điểm khiếu nại (điều 41), Phi không nhắc lại
yêu cầu đã nói ở điều 6 (điểm 2).
Đó là các cấu tạo địa chất mà Phi và
Trung Quốc cùng có yêu sách chủ quyền. Chúng có phải là các “đảo” theo điều 121
của UNCLOS hay không ?
Các cấu tạo địa chất mà Phi và Trung
Quốc cùng có yêu sách chủ quyền bao gồm tất cả các cấu tạo địa chất được giới
hạn trong vùng mà Phi đã hoạch định Kalayan, theo đa giác được xác định bằng
các tọa độ:
7° 40’ Bắc – 116° 00’ Ðông
7° 40’ Bắc – 112° 10’ Ðông
9° 00’ Bắc – 112° 10’ Ðông
12° 00’ Bắc – 118° 00’ Ðông
10° 00’ Bắc – 118° 00’ Ðông.
Trong đa giác này, ta thấy có các đảo
hiện do Phi kiểm soát : Song Tử Ðông, đảo Dừa, Thị Tứ, Bình Nguyên, Vĩnh Viễn,
Loại Ta…
Việc thiếu sót này là do cố ý hay không cố ý ?
Tranh chấp ở Trường Sa phức tạp là do
các điểm mờ pháp lý đến từ điều 121 định nghĩa về đảo của UNCLOS.
Theo định nghĩa : 1/ Ðảo là một dải
đất tự nhiên, có nước bao bọc chung quanh và không bị nước phủ lúc thủy triều
lên. 2/ Một đảo có hải phận, vùng tiếp cận, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục
địa riêng như trên đất liền, ngoại trừ điều kiện ghi dưới phần. 3/ Những bãi đá
(cồn đá) mà người ta không thể sinh sống, hoặc không có một nền kinh tế tự tại
thì không có vùng kinh tế độc quyền cũng như không có thềm lục địa.
Các đảo ở Trường Sa, một số đảo có
người sinh sống, và dựa theo điều kiện khoa học hôm nay, có thể có một nền kinh
tế tự túc. Như vậy chúng có thể được xem là đảo. Nhưng nhiều chuyên gia về Biển
trên thế giới thì cho rằng các đảo này chỉ là đảo đá.
Nguyên nhân bất đồng là vấn đề các
đảo này có thể có hiệu lực về lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa
hay không ? Có thì là bao nhiêu ?
Việc sơ sót này của Phi (nếu do sơ
ý), đã bỏ qua một dịp tốt để Tòa trọng tài cho ý kiến về tình trạng pháp lý của
các “đảo” thuộc Trường Sa, nhằm chấm dứt một điểm mờ pháp lý, từ lâu là nguồn
cội của những tranh chấp của các nước trong khu vực.
Việc giảng giải các điều ước của
UNCLOS hoàn toàn nằm trong thẩm quyền Tòa trọng tài.
Nếu là một sơ sót, Phi cần nhanh
chóng bổ túc hồ sơ, như đã bảo lưu ở điều 43.
Publié par Nhan Tuan Truong
à 01:49
---------------------------------------
PHILIPPINES KIỆN TRUNG
QUỐC
PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC : LỢI ÍCH &
KINH NGHIỆM NÀO CHO PHÍA VIỆT nAM ? (Trương Nhân Tuấn) 26-1-2013
VIỆT
NAM HỌC GÌ TỪ VỤ PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC ? (Dương Danh Huy & Phạm Thanh
Vân - BBC) 24-1-2013
No comments:
Post a Comment