Monday, 28 January 2013

HIỆP ĐỊNH PARIS : THẤT BẠI CỦA LÊ DUẪN (Pierre Asselin - BBC)




Pierre Asselin
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Honolulu
Cập nhật: 15:56 GMT - thứ hai, 28 tháng 1, 2013

Từ đầu Cuộc chiến Việt Nam mùa xuân 1965, các lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cương quyết đánh Mỹ và đồng minh “ngụy” ở Sài Gòn cho đến “chiến thắng cuối cùng”. Với Hà Nội, “chiến thắng cuối cùng” nghĩa là quân Mỹ rút lui vô điều kiện, lật đổ chế độ “phản động” ở Sài Gòn và thống nhất đất nước dưới sự cai trị của Đảng Lao Động.

Quyết tâm chiến thắng “mọi thứ”, Hà Nội thậm chí không chịu nghĩ đến khả năng có giải pháp thương lượng. Kỷ niệm cay đắng về Hội nghị Geneva 1954, cùng sự giáo điều của các lãnh đạo chủ chốt cùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khuyến khích cách nghĩ này ở Hà Nội. Theo nhiều cách, chiến lược của Hà Nội trong cuộc chiến phản ánh con người Lê Duẩn: quân sự, cứng nhắc và chống mọi đàm phán.

Chính quyền hôm nay ở Việt Nam tìm cách phổ biến quan niệm rằng trong phần lớn thời gian (1930 – ngày nay), cách mạng Việt Nam đi theo con đường của “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mặc dù điều này có thể đúng ở đôi lúc nào đó, trong phần lớn thập niên sau 1965, Hà Nội trung thành đi theo cái mà tôi gọi là “tư tưởng Lê Duẩn”. Không chấp nhận đối kháng và bất tuân, Lê Duẩn, cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, vào năm 1967-68 đã thanh trừng khoảng 300 người “xét lại”, những người đã kêu gọi thương lượng với Washington và/hoặc Sài Gòn, hoặc đi ngược đường lối cứng rắn của Đảng trong “cuộc chiến chống Mỹ”.

Từ 1965 đến giữa 1972, chiến lược của Hà Nội về căn bản không thay đổi. Lê Duẩn và các lãnh đạo còn lại tập trung nỗ lực tìm chiến thắng bằng quân sự, và để làm điều này, họ vận động càng nhiều trợ giúp vật chất từ các đồng minh và khơi dậy cảm thông từ phần còn lại của thế giới. Cuộc “đấu tranh ngoại giao” này nhằm vận động dư luận chống Mỹ can thiệp ở Đông Dương, cô lập giới hoạch định chính sách Mỹ cả trong và ngoài nước. Cả sau khi đồng ý hòa đàm ở Paris với chính quyền Lyndon Johnson năm 1968 và rồi bí mật đàm phán với Richard Nixon một năm sau, Hà Nội vẫn từ chối đàm phán nghiêm túc, và chỉ dùng cuộc họp để thăm dò dự tính của Mỹ và thúc đẩy đấu tranh ngoại giao.

Kết cục của chiến dịch xuân hè 1972 thay đổi tất cả cho Hà Nội. Giống như Mậu Thân 1968, chiến dịch 1972 nhằm giành “chiến thắng quyết định” trong năm bầu cử ở Mỹ. Nhưng cũng giống như 1968, Hà Nội không đạt được các mục tiêu quân sự. Họ không chỉ gặp các thất bại đau đớn ở miền Nam mà còn phải hứng chịu các đợt bỏ bom trở lại xuống miền Bắc. Tệ hơn nữa, Moscow và Bắc Kinh chỉ lên án nhẹ nhàng các vụ bỏ bom và tiếp tục ve vãn Washington. Vào tháng Năm, Moscow tiếp đãi Nixon như thể chẳng có gì xảy ra ở Việt Nam.

Trước các thách thức này, tháng Sáu 1972, Hà Nội có thay đổi đáng kể đầu tiên trong chiến lược: như các văn kiện chính thức nói, Hà Nội bắt đầu “đàm phán nghiêm túc” với Washington để chuyển từ “chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình”. Đến cuối tháng 10, lãnh đạo miền Bắc đạt được thỏa thuận ban đầu với Mỹ. Nhưng Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu phản đối và đòi sửa chữa lớn trước khi thông qua.

Rất muốn có một “hòa bình trong danh dự” mà với ông có nghĩa là hòa bình hậu thuẫn bởi đồng minh Việt Nam của ông, Nixon đã chấp nhận chịu đựng Thiệu – người mà rõ ràng không phải là một “con rối” – và kêu gọi Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán để chỉnh sửa thỏa thuận.

Hà Nội chấp nhận yêu cầu của Nixon, nhưng lại từ chối thừa nhận hai vấn đề quan trọng: ngôn từ dùng để định nghĩa khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Việt Nam sau lệnh ngừng bắn, và lời tựa cho thỏa thuận.

Sau nhiều lần đàm phán thiếu hiệu quả vào đầu tháng 12, các lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hoãn đàm phán, kết luận phe họ có lợi thế thời gian, và rằng họ có ít cái để mất hơn bằng cách trì hoãn, hơn là phải làm rõ hai điều trên.

Bên cạnh đó, Quốc hội mới của Hoa Kỳ đã lên kế hoạch triệu tập vào tháng Một và có nhiều khả năng sẽ ép Nixon chấm dứt cuộc chiến bằng cách từ chối chu cấp, điều sẽ khiến Nhà Trắng phải rút hết quân khỏi Việt Nam vô điều kiện.

Về nguy cơ Nixon leo thang chiến tranh, Hà Nội cũng đã cho là khá nghiêm trọng, nhưng không đủ nghiêm trọng để khiến họ phải trở nên mềm mỏng hơn trên bàn đám phán.

Như xảy ra nhiều lần trong Chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích của Tòa Bạch Ốc ở Việt Nam. Đợt đánh bom Giáng sinh ở Hà Nội và Hải Phòng gây chấn động tâm lý cho Hà Ni, chưa kể thiệt hại vật chất. Vài ngày sau khi Hà Nội cam kết trở lại bàn thương lượng và Nixon tạm dừng đánh bom, hội đàm mở lại ở Paris.

Sự thực tế của Hà Nội, việc họ muốn kết thúc đàm phán, chấm dứt chạm súng, thể hiện rõ qua sự sẵn lòng có những nhượng bộ mới, nhất là ngôn ngữ về tình trạng khu phi quân sự sau khi ngừng bắn. Nếu Hà Nội đã có những nhượng bộ này ngay từ đầu tháng 12, cuộc đánh bom Giáng sinh đã tránh được.

Ngày 27/1/1973, Washington, Sài Gòn, Hà Nội và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ký Hiệp định Paris. Thỏa thuận chấm dứt “cuộc chiến chống Mỹ” nhưng không quyết định tương lai Việt Nam.

Đánh giá Hiệp định Paris
Hà Nội công khai ca ngợi Hiệp định Paris là một “chiến thắng vĩ đại.” Nếu chúng ta bàn về vấn đề người thắng, kẻ thua, rõ ràng hiệp định này là một chiến thắng cho Washington hơn là Hà Nội.

Nếu nhìn nhận tình hình Việt Nam vào năm 1972-73, các điều khoản Hiệp định lẽ ra phải có lợi hơn cho Hà Nội.
Thế nhưng cuối cùng, các điều khoản của Hiệp định Paris lại có lợi cho Washington hơn nhiều so với Hà Nội.

Phải thừa nhận hiệp định này đã bắt Hoa Kỳ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, thế nhưng quân Mỹ cũng đã bắt đầu rút trước đó; Nixon đã tiến hành rút quân từ năm 1969!

Bên cạnh việc mở đường cho tù nhân Mỹ được quay về, Hiệp định lại cho phép Mỹ được tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Sài Gòn - nơi chính quyền ông Thiệu vẫn ngự trị, cùng với một số lượng các sỹ quan cố vấn.

Quan trọng hơn hết, Hiệp định đã áp đặt hàng loạt hạn chế lên phía Hà Nội và kết thúc bằng sự chấm dứt viện trợ quân sự của Sô Viết và Trung Quốc cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhìn lại, thật đáng kinh ngạc khi Nixon đạt được thỏa thuận ngoại giao vào năm 1973, khi gần như không còn quân Mỹ ở Nam Việt Nam (23.500), dù là một sự thỏa hiệp ngoại giao không hoàn hảo. Đây là điều mà cả ông và Johnson không đạt được khi hơn nửa triệu quân Mỹ còn ở Việt Nam.

Chỉ cần nhìn vào thực tế như vậy cũng thấy quyết định của Hà Nội ký vào Hiệp định Paris chứng minh sự mệt mỏi trước chiến tranh và sự thất bại của ý thc h Lê Dun vn định hình chiến lược ca phe Cng sn trong chiến tranh.

Tại sao một bên đã từng từ chối đàm phán nghiêm túc và ký thỏa thuận với Washington, giờ lại bất ngờ đổi ý vào năm 1973 nếu như không phải đã kiệt sức, thậm chí cảm thấy, dù trong một khoảnh khắc, đang thua?

Hòa bình cay đắng
Hà Nội chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, đó là điều chắc chắn, tuy nhiên họ cũng không thắng dựa trên các điều khoản của mình, là thắng một cách vô điều kiện.

Chiến thắng của Hà Nội là một chiến thắng trả bằng cái giá đắt, không phải là một chiến thắng vẹn toàn mà những lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là Lê Duẩn, đã mường tượng khi cuộc chiến bắt đầu.

Để đạt được sự “giải phóng” hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước dưới một quốc kỳ, Hà Nội đã phải vi phạm Hiệp định Paris – thỏa thuận đã giúp cho cả Lê Đức Thọ và Kissinger, hai đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, nhận giải Nobel Hòa bình.

Việc vi phạm Hiệp định Paris, điều mà phía Mỹ ít nhất đã cố gắng tôn trọng ở mức độ không đưa quân trở lại miền Nam, đã phá vỡ hình ảnh nạn nhân của chiến tranh chỉ muốn độc lập và hòa bình mà phe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng lên hơn một thập niên qua.

Điều đó, cùng với những tình huống khác, đã làm giảm sự đáng tin của Hà Nội trong mắt thế giới, và một phần nào đó giải thích tại sao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại bị quốc tế bỏ rơi hồi năm 1980.

Hiệp định Paris không phải là một “thắng lợi vĩ đại” của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng và cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, phó giáo sư lịch sử ở Đại học Hawaii Pacific, Honolulu. Ông là tác giả cuốn A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement (North Carolina, 2002). Tác phẩm thứ hai của ông, Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965, sắp được nhà xuất bản Đại học California ấn hành.







1 comment:

View My Stats