Dương Danh Huy
và Phạm Thanh Vân
(BBC)
Cập nhật: 14:00 GMT - thứ năm, 24 tháng 1, 2013
Các tranh chấp
liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough và Biển Đông đã tồn tại
từ lâu, nhưng việc Philippines khởi kiện Trung Quốc trước một Tòa Trọng tài
được thiết lập theo UNCLOS là lần đầu tiên một nước khởi kiện một nước khác
trước trọng tài quốc tế.
Vì thủ tục giải
quyết tranh chấp của UNCLOS không giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo, và vì
Trung Quốc đã bảo lưu không chấp nhận thủ tục này cho tranh chấp phân định
biển, câu hỏi trước tiên là Tòa có thể phán quyết gì về hồ sơ của Philippines
không?
Chìa khóa của
Philippines để khắc phục sự trốn tránh luật pháp của Trung Quốc là thiết kế hồ
sơ sao cho Tòa không phải giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo, mà cũng không
phải phân định biển.
Việc đưa tranh chấp ra tòa là một
bước tiến cho việc sử dụng luật quốc tế mà Việt Nam có thể rút kinh nghiệm. Nỗ lực của Philippines để khắc phục
sự trốn tránh luật pháp của Trung Quốc là một sự sáng tạo mà Việt Nam cũng có
thể rút kinh nghiệm.
Nhưng hồ sơ của
Philippines có thể vượt qua được sự trốn tránh luật pháp đó hay không, và Tòa
có thẩm quyền để, hay có đồng ý, phán quyết như Philippines mong muốn hay
không, thì còn là câu hỏi.
Tuân thủ UNCLOS
Thông báo khởi
kiện của Philippines đưa ra 13 điểm, bao gồm yêu cầu Tòa phán quyết rằng các
yêu sách của Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS, nhằm cản trở lập luận dựa trên
“quyền lịch sử” mà Trung Quốc có thể toan dùng, và những điểm chính sau.
Philippines là nước đầu tiên trong
ASEAN kiện Trung Quốc
Điểm 2: Các yêu sách biển của TQ đựa trên
đường lưỡi bò là không phù hợp với UNCLOS và không có giá trị
Điểm yếu của
Philippines ở đây là Trung Quốc chưa hề tuyên bố chính thức rằng các yêu sách
biển của họ ở Biển Đông là dựa trên đường lưỡi bò.
Trung Quốc có
thể tuyên bố rằng các yêu sách biển của họ là dựa trên UNCLOS, dựa trên quan
điểm các đảo, hay một số đảo, thuộc Hoàng Sa, Trường Sa được hưởng đầy đủ các
cơ chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Tòa có sẽ cho rằng không
có đảo nào được hưởng cơ chế EEZ? Khả năng đó là thấp. Tòa có sẽ cho rằng EEZ
của các đảo này không thể vươn ra đến vị trí của các “yêu sách biển của TQ đựa
trên đường lưỡi bò”?
Tòa có thể làm
điều đó cho đoạn đường lưỡi bò trong khu vực Scarborough-Luzon, cách Hoàng Sa,
Trường Sa hơn 200 hải lý. Nhưng cho các khu vực khác gần hai quần đảo này hơn
thì không chắc là Tòa có thẩm quyền để làm điều đó, hay sẽ đồng ý. Tuy nhiên,
nếu Trung Quốc dùng lập luận này thì lập luận dựa trên “quyền lịch sử” sẽ bị loại
bỏ.
Như vậy, điểm
này có thể được Tòa công nhận và vô hiệu hóa đường lưỡi bò trong khu vực
Scarborough-Luzon, nhưng không chắc được Tòa công nhận cho những khu vực khác.
Các nghị sỹ Philippines thăm dân
chúng trên đảo Hy Vọng (Pagasa) thuộc quần đảo Trường Sa
Dù sao đi nữa,
điểm này có khả năng làm sáng tỏ về cơ sở của các yêu sách biển của Trung Quốc,
và có thể là một cái bẫy để triệt tiêu khả năng Trung Quốc dùng lập luận dựa
trên “quyền lịch sử”.
Điểm 4: Đá Vành Khăn (Mischief) và đá Ken
Nan (McKennan) không phải là đảo mà là một phần của thềm lục địa của
Philippines
Điểm 6: Đá Ga Ven (Gaven) và đá Xu Bi (Subi)
không phải là đảo và không nằm trên thềm lục địa của Trung Quốc, và vì vậy xây
cất của Trung Quốc tại đó là bất hợp pháp
Toà có thể công
nhận là đá Vành Khăn, Ken Nan, Ga Ven, Xu Bi không phải là đảo (nếu sự thật là
đá Ken Nan và Ga Ven là thấp hơn mức thủy triều cao).
Nhưng để công
nhận là đá Vành Khăn, Ken Nan là một phần của thềm lục địa của Philippines, hay
xây cất của Trung Quốc tại đá Ga Ven, Xu Bi là bất hợp pháp, Tòa phải cho rằng
những đảo như Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc và Trường Sa Lớn không có EEZ, hay EEZ
của các đảo này không vươn ra đến các đá trên. Không chắc Tòa sẽ làm điều thứ
nhất, và không chắc Tòa có thẩm quyền để làm điều thứ nhì.
Hai điều này có
ảnh hưởng đến Việt Nam. Việt Nam phải xác định đá Ken Nan và Ga Ven có cao hơn
mức thủy triều cao hay không, và quyết định quần đảo Trường Sa có EEZ vươn ra
đến bốn đá này hay không. Nếu có, Việt Nam phải yêu cầu Tòa cho mình can thiệp.
Điểm 8: Bãi cạn Scarborough, đá Gạc Ma
(Johnson), Châu Viên (Cuateron) và Chữ Thập (Fiery Cross) là đá, không được
hưởng cơ chế EEZ cách các đá này hơn 12 hải lý, và việc Trung Quốc đòi biển
cách các đá này hơn 12 hải lý một cách bất hợp pháp
Rất có thể là
Tòa sẽ công nhận rằng bãi cạn Scarborough, đá Gạc Ma (nơi Trung Quốc tàn sát
binh lính Việt Nam năm 1988), Châu Viên và Chữ Thập là đá và không có EEZ.
Nếu vậy, Tòa sẽ
công nhận rằng việc Trung Quốc đòi biển cách Scarbrough hơn 12 hải lý là bất
hợp pháp.
Nhưng để công
nhận rằng việc Trung Quốc đòi biển cách đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập hơn 12
hải lý cũng là bất hợp pháp, Tòa phải cho rằng những đảo như Ba Bình, Thị Tứ,
Bến Lạc và Trường Sa Lớn không có EEZ, hay EEZ của các đảo này không vươn ra
đến các đá trên. Không chắc Tòa sẽ làm điều thứ nhất, và không chắc Tòa có thẩm
quyền để làm điều thứ nhì.
Công an Việt
Nam giải tán người biểu tình ở Hà Nội đòi chủ quyền biển đảo
Việt Nam phải
xác định rằng đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập có được hưởng cơ chế EEZ hay
không. Nếu cho là có, Việt Nam phải yêu cầu Tòa cho mình can thiệp để khẳng định
quyền lợi.
Điểm 9: Trung Quốc không được cấm
Philippines khai thác tài nguyên trong vùng nước lân cận với bãi cạn
Scarborough và đá Gạc Ma, cũng như phải chấm dứt các hoạt động không phù hợp
với Công ước trong vùng kế cận những bãi cạn và đá này
Philippines
không nói rõ khái niệm "vùng nước lân cận" và vùng “kế cận” là gì.
Nếu đó là lãnh hải 12 hải lý thì Tòa sẽ không có thẩm quyền để cho rằng bãi cạn
Scarborough và đá Gạc Ma là của nước nào, và sẽ không thể công nhận điểm này.
Điểm 10: Philippines được hưởng 12 hải lý
lãnh hải, 200 hải lý EEZ cùng với thềm lục địa tính từ đường cơ sở quần đảo
Nếu không có
chồng lấn thì sẽ không có vấn đề gì cản trở Philippines được hưởng các vùng
biển trên. Nhưng thực tế là EEZ và thềm lục địa của Philippines có chồng lấn
với lãnh hải 12 hải lý của các đảo, đá Trường Sa. Nếu quần đảo Trường Sa có đảo
có EEZ thì sẽ có thêm chồng lấn với EEZ của các đảo này.
Để công nhận là
Philippines được hưởng các vùng biển trên mà không có chồng lấn với EEZ thuộc
Trường Sa, Tòa phải cho rằng những đảo như Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc và Trường
Sa Lớn không có EEZ. Không chắc Tòa sẽ làm điều đó.
Việt Nam phải
quyết định đảo nào của quần đảo Trường Sa có EEZ, và nếu có đảo có EEZ thì Việt
Nam phải yêu cầu Tòa cho mình can thiệp để bảo vệ EEZ đó.
Câu hỏi tiếp
Philippines đã
thách Trung Quốc ra một trọng tài quốc tế từ năm 2011. Sau khi Trung Quốc không
hưởng ứng, Philippines đã tuyên bố sẽ đơn phương đưa quan điểm của mình ra một
Tòa Trọng Tài của UNCLOS, và cuối cùng họ cũng đã làm điều đó.
Đó là một bước tiến quan trọng cho việc thật sự sử dụng luật quốc tế cho
các tranh chấp tại Biển Đông, thay vì chỉ nói xuông về luật quốc tế. Hành động của Philippines cho thấy họ không bị trói buộc vào đàm phán với
Trung Quốc.
Khi Trung Quốc
không thực tâm đàm phán, Philippines sẵn sàng yêu cầu một trọng tài quốc tế
phân xử. Đó là những điều Việt Nam cần rút kinh nghiệm.
Thế nhưng, theo
tuyên bố khởi kiện thì hồ sơ của Philippines có vẻ yếu trong nhiều điểm, trừ
cho vùng EEZ trong khu vực Scarborough-Luzon. Có thể là chiến thắng pháp lý trong
khu vực đó là tạm đủ cho Philippines.
Có thể là mục
đích của Philippines là làm sáng tỏ về các yêu sách của Trung Quốc và để triệt
tiêu những lập luận dựa trên “quyền lịch sử” mà Trung Quốc có thể toan dùng,
nhằm sẽ tấn công tiếp trong tương lai. Nhưng như thế cũng đem lại nhiều rủi ro.
Trung Quốc sẽ lợi dụng mỗi điểm của Philippines không được Tòa công nhận để
tuyên tuyền tối đa cho các yêu sách của họ.
Ngoài ra, theo
thông báo khởi kiện thì hồ sơ của Philippines có thể ảnh hưởng đến quyền lợi
của Việt Nam, tùy theo Việt Nam xác định quyền lợi của mình bao gồm những gì.
Vì vậy, hành
động của Philippines đặt Việt Nam vào vị trí phải xác định quyền lợi và yêu
sách của mình bao gồm những gì, để có thể quyết định phải phản ứng thế nào, thí
dụ như yêu cầu Tòa cho mình can thiệp.
Không rõ Việt
Nam có sẵn sàng để xác định về quyền lợi và yêu sách của mình chưa, nhưng việc
xác định đó không phải là điều xấu, và không sớm thì muộn Việt Nam cũng phải
làm.
Bài thể hiện
quan điểm của hai tác giả, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
---------------------------------------
No comments:
Post a Comment