Tuesday, 30 June 2020

ĐẠI HỘI 13 : LÀN SÓNG 'TỪ CHỨC' PHẢN ÁNH 'SỰ BẤT ỔN' NGHIÊM TRỌNG CỦA CHẾ ĐỘ ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI (TS Phạm Quý Thọ)




TS. Phạm Quý Thọ
2020-06-29

‘Từ chức’ là hiện tượng các cán bộ lãnh đạo ‘tự nguyện’ rời bỏ chức vụ, quyền hạn hiện có, được cho là ‘chuyện lạ’, ‘hiếm gặp’ trong cơ chế đặc quyền đặc lợi, nhưng gần đây hiện tượng này ‘lây lan’ từ chức vụ  cấp thấp đến cao, từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác trong nhiều địa phương phản ánh tình trạng bất ổn của chế độ.

Bản chất chế độ đặc quyền có nguồn gốc lịch sử từ nhà nước phong kiến tập quyền, trong đó hiện tượng ‘từ quan’ thường diễn ra trong giai đoạn suy vong của triều đại. Triều đại khác lên thay thế, điều chỉnh chính sách để rồi tiếp tục duy trì chế độ này theo chu kỳ thịnh – suy, mà không thay đổi về bản chất.

Ngày nay, mô hình đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện cũng dựa trên chế độ đặc quyền, đặc lợi cho các lãnh đạo đảng viên. Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường sự tha hoá quyền lực ngày càng nghiêm trọng dẫn tới suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tham nhũng… của ‘bộ phận không nhỏ’ trong giới lãnh đạo. Đảng tiến hành ‘chỉnh đốn’ nội bộ, tự kiểm soát quyền lực để duy trì chế độ, tuy nhiên bối cảnh thế giới tạo ra sự lựa chọn khác: chế độ kiểm soát quyền lực theo hướng dân chủ phù hợp với kinh tế thị trường

‘Suy thoái nghiêm trọng’

Hiện tượng ‘từ chức’, ‘từ quan’ về hình thức là quan chức tự nguyện rời bỏ với những lý do cá nhân, nhưng thực ra thường che giấu ‘sự bất đồng’ hoặc một động cơ có chủ đích, vụ lợi tuỳ bối cảnh.

Khoảng 20 năm trước có một vị vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chức do ‘bất đồng quan điểm’ trong chuyên môn được coi là 'sự kiện lịch sử', gây ‘xôn xao’ dư luận, nhưng nay trong thời kỳ bất ổn thể chế hiện tượng này đang có xu hướng ‘lây lan’, phức tạp, phản ánh tình hình suy thoái nghiêm trọng của chế độ đặc quyền, đặc biệt khi chiến dịch chống tham nhũng được thực thi quyết liệt hơn từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12, năm 2016 đến nay.

Ngày 23/6/2020 truyền thông nhà nước đưa tin, và được cơ quan Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi xác nhận rằng, dàn lãnh đạo tỉnh, gồm đương kim Bí thư và Chủ tịch tỉnh, có đơn xin ‘thôi chức, nghỉ hưu theo chế độ’. Lưu ý rằng chức bí thư tỉnh, theo cơ cấu trong đảng, là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương’ – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Ngoài ra, vị bí thư này sinh năm 1963, nghĩa là còn 3 năm nữa mới ‘phải’ về hưu theo quy định. Bản tin trên cũng cho biết rằng trước đó hai vị lãnh đạo cấp tỉnh này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì họ đã vi phạm ‘khuyết điểm nghiêm trọng’ về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hai nhiệm kỳ liên tiếp 2010 – 2015, 2015 – 2020.

Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ. Báo Chính Phủ

Việc gửi đơn xin thôi chức của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, như truyền thông bình luận, cũng ‘na ná’ như các trường hợp xảy ra trước đó không lâu, như vụ ông Võ Kim Cự - cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thay bà Thanh trong thời gian ngắn... Nhiều ý kiến cho rằng các vị này ‘từ quan’ là ‘bất đắc dĩ’, không còn sự lựa chọn khác, thậm chí để lợi dụng ‘ưu thế đặc quyền’ của chế độ đảng trị hòng mong có thể được giảm nhẹ ‘sự trừng phạt’ của Đảng. Bởi vì theo một số ‘tiền lệ’ có hình thức kỷ luật ‘cảnh cáo’, chỉ bị cắt ‘nguyên’ của chức vụ trong thời gian công tác, và ‘hạ cánh an toàn’ mà không chịu chế tài của pháp luật nhà nước.

‘Chu kỳ thịnh – suy’

Hiện tượng ‘từ quan’ trong lịch sử chế độ phong kiến tập quyền cũng ít được ghi chép tỷ mỷ. Việt Nam đã trải qua lịch sử 13 triều đại, trong đó có hai trường hợp điển hình, được ca ngợi là Chu Văn An và Nguyễn Trãi, các vị quan có công lao với chế độ, có lòng tự trọng và bản lĩnh, ‘lui về ở ẩn’ trong bối cảnh triều đình rối ren, suy đồi. Người đời sau tôn vinh họ và phê phán các ‘nguỵ vương’.

Chu Văn An được ca ngợi là vị quan liêm trực thời nhà Trần (1225-1400), đã soạn ‘Thất trảm sớ’ dâng lên vua để đề nghị chém 7  nịnh thần. Tuy nhiên, vị vua này được lịch sử ghi lại là ‘người ăn chơi, thích tửu sắc hát xướng’, bị o bế bởi cận thần bất tài để lộng hành, không biết ‘trị vì’ để xã hội lâm cảnh nhiễu nhương, dân tình đói khổ. Do ‘Thất trảm sớ’ không được thực thi, ông đã ‘lui về ở ẩn’ tại núi Phượng Hoàng, Hải Dương, sống thanh liêm và dạy học. Ngày nay tượng của ông được đặt thờ trong Văn Miếu Quốc tử giám.

Trường hợp thứ hai là Nguyễn Trãi. Ông là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, một văn thần với bài ‘Hịch tướng sĩ’ lưu danh, có nhiều đóng góp trong khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy nhiên đến thời bình, trong chính trường ‘đấu đá phức tạp’ nhà Hậu Lê, sự nghiệp của ông lúc thăng lúc giáng vì bất đồng quan điểm với một số đại thần khác, một số kế sách không được dùng. Nguyễn Trãi ‘bất đắc chí và lui về ở ẩn’ năm 1439. Ông là nhân vật lịch sử được cho là ‘oan trái’ trong vụ án Lệ Chi viên, khi bị ‘chu di tam tộc’ (chém đầu 3 họ) vì bị ghép tội giết vua Lê Thái Tông. Sau này, năm 1464, vua Lê Thánh Tông chính thức minh oan cho ông.

Fransis Fukuyama, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của Hoa Kỳ, trong nghiên cứu mới đây có nhận định rằng, chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử từ chế độ phong kiến tập quyền. Điểm tương đồng chủ yếu của chúng là duy trì chế độ đặc quyền để cai trị và quyền lực tập trung cao độ, dưới thời phong kiến vào các vị vua, chúa hay hoàng đế, và thời nay là lãnh tụ tối cao của đảng cộng sản. Trong thời kỳ đầu của chế độ cộng sản các vị lãnh tụ thường cai trị suốt đời, cho đến chết. Quan lại trong bộ máy cai tri đòi hỏi phải trung thành và phục tùng tuyệt đối. Bởi vậy, hiện tượng từ quan, từ bỏ ‘ân huệ, đặc quyền’ là hiếm gặp, hơn thế có thể bị nghi ngờ về động cơ và bị giám sát.

Cả hai kiểu chế độ như vậy, về cơ bản đều vận hành theo chu kỳ thịnh – suy tuỳ thuộc vào ‘sự anh minh’ của các vị vua hay ‘hồng và chuyên’ của lãnh tụ cộng sản. chế độ phong kiến tập quyền trước kia không có sự lựa chọn, bởi vậy triều đại này khi suy vong sẽ thay thế triều đại khác tạo nên chu kỳ trong lịch sử hàng ngàn năm tồn tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh chế độ phong kiến bị thay thế bởi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn, chế độ cộng sản đã có thể có sự lựa chọn khác khi buộc phải ‘mở cửa và cải cách’, chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

‘Sự lựa chọn’

Mô hình Liên Xô đã sụp đổ gần 30 năm trước. Trung Quốc, Việt Nam… tiếp tục duy trì chế độ toàn trị bằng cách ‘mở cửa’ với thế giới để đón nhận vốn đầu tư nước ngoài và ‘cải cách’ thể chế kinh tế theo hướng thị trường. Thành công trong tăng trưởng kinh tế là ‘cứu cánh’ cho tính chính danh của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo kiểu mô hình Trung Quốc cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ của ‘quan chức’ trong chế độ đặc quyền, và Mikhail Gorbachov là tội đồ. Mỗi khi thể chế bất ổn thì sự ‘chỉnh đốn’ nội bộ được tăng cường, mà chiến dịch chống tham nhũng ‘không vùng cấm’ là giải pháp ‘cực chẳng đã’ để quyền lực được tập trung cao hơn. Ngoài ra, bất kỳ sự chống đối nào từ bên dưới hay phe phái đều bị đàn áp. Tính chất chuyên chế là ‘bùa hộ mệnh’ để kiểm soát quyền lực tha hoá và duy trì chế độ theo chu kỳ thịnh – suy.

Tuy nhiên, mâu thuẫn đã diễn ra ngày càng gay gắt giữa quá trình tập trung quyền lực như một đặc tính của chế độ đặc quyền và quá trình phân cấp, phân quyền cho các địa phương, sự tự chủ của các chủ thể kinh tế và cá nhân xuất phát từ các nguyên tắc vận hành của thị trường. Hậu quả là quyền lực bị tha hoá nghiêm trọng, trục lợi, tham nhũng lan rộng. Trong bối cảnh này chế độ đảng cộng sản toàn trị đề cao các biện pháp ‘tự kiểm soát’ quyền lực trong khi trên thế giới, trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển có chế độ dân chủ, theo đó quyền lực được kiểm soát dựa trên thể chế tam quyền phân lập, hệ thống pháp quyền, xã hội dân sự và đề cao quyền con người.

Đại hội 13 tới đây sẽ bàn thảo về nỗ lực ‘chỉnh đốn đảng’ để ‘đảng và nhà nước cùng mạnh’, thực chất vẫn là duy trì chu kỳ thịnh – suy của mô hình toàn trị dựa vào tập trung quyền lực và trừng phạt quan chức suy thoái. Sự lựa chọn ‘cơ chế kiểm soát quyền lực’ bằng chế độ dân chủ vẫn là thách thức trong tương lai gần.

---------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





BIỂN ĐÔNG : VÌ SAO ASEAN ĐỔI LẬP TRƯỜNG? (Hiếu Chân / Người Việt)




Hiếu Chân/Người Việt
Jun 30, 2020

Trong một diễn biến bất ngờ, các quốc gia trong Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) vừa đưa ra một tuyên bố chung đáng chú ý, rằng mọi tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông (theo cách gọi của Việt Nam, trong khi Trung Quốc gọi là Biển Nam Hải) phải được giải quyết trên căn bản Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hội Nghị Cấp Cao ASEAN kỳ 36 tại Hà Nội họp trực tuyến hôm 26 Tháng Sáu, 2020, để tránh dịch COVID-19. (Hình: Luong Thai Linh/POOL/AFP via Getty Images

UNCLOS là một hiệp định quốc tế xác định quyền của các quốc gia đối với các đại dương và biển, phân định ranh giới các vùng biển gọi là vùng đặc quyền kinh tế mà quốc gia ven biển được độc quyền khai thác hải sản và tài nguyên dầu khí.

“Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là căn bản quyết định việc phân định chủ quyền biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và những quyền lợi hợp pháp khác về khu vực biển,” tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN (trực tuyến) viết.

“UNCLOS đặt ra khung pháp lý mà tất cả các hoạt động ở đại dương và biển phải tuân thủ,” tuyên bố chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam – nước chủ tịch ASEAN năm 2020 – phát hành hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Sáu, khẳng định thêm.

Đáng chú ý đây là lần đầu tiên ASEAN công khai và dứt khoát xác định UNCLOS là nền tảng pháp lý duy nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Tuyên bố này khẳng định lập trường của ASEAN là giải quyết xung đột bằng công pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Lập trường này của ASEAN phản ánh chính xác quan điểm của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc hiện có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với năm nước ASEAN Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei; Đài Loan cũng có tranh chấp nhưng không là thành viên ASEAN. Bản đồ “đường lưỡi bò chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra như là ranh giới trên biển của Trung Quốc bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia này, là nguyên nhân dẫn tới các cuộc xung đột triền miên suốt mấy chục năm nay.

Lập trường của Trung Quốc là xung đột trên Biển Đông phải được giải quyết bằng thương lượng song phương giữa Bắc Kinh với từng nước có tranh chấp, không chấp nhận đàm phán đa phương và phản đối vai trò của các quốc gia bên ngoài khu vực như Hoa Kỳ.

Bắc Kinh cho rằng, đàm phán song phương trong phòng kín, mặt đối mặt, Trung Quốc với tư thế một cường quốc về kinh tế và quân sự sẽ dễ bề o ép đối thủ phải nhân nhượng. Và trong thực tế, Trung Quốc đã thành công phần nào khi đàm phán song phương với Philippines về “gác tranh chấp, cùng khai thác” dẫn tới việc Phi mất cụm đảo Scarborough về tay Trung Quốc.

Về sự tham gia của Hoa Kỳ tại Biển Đông, ngay từ năm 2010 trong một hội nghị ASEAN tại Hà Nội, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố thẳng với Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Từ đó đến nay Mỹ liên tục thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông (FONOP) mà Trung Quốc không còn dám công khai phản bác sự tham gia của Mỹ dù vẫn bóng gió lên án “các thế lực bên ngoài gây bất ổn cho khu vực.”

Trung Quốc là một nước ký kết công ước UNCLOS nhưng trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh luôn đưa ra cái gọi là “quyền lịch sử” (historic rights), nói rằng tổ tiên của họ từ ngàn xưa đã đi lại, thám hiểm, khai phá các quần đảo ở Biển Đông do đó Trung Quốc có chủ quyền với các quần đảo này còn các nước khác là kẻ xâm chiếm.

Lập luận “quyền lịch sử” này đã bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế PCA tại Hòa Lan, thành lập theo UNCLOS 1982, bác bỏ trong phán quyết Tháng Bảy, 2016, theo vụ kiện của chính phủ Philippines. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và cũng không chấp hành phán quyết của PCA mà Bắc Kinh coi là “giả mạo.”

Đối đầu với một Trung Quốc vừa mạnh, vừa hung hăng và bất chấp lẽ phải, ASEAN đôi lúc đã tỏ ra tuyệt vọng, nhất là trong vài năm gần đây khi Bắc Kinh liên tục bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, quấy rối và dọa nạt các nước láng giềng, từ đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tới quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tính toán chiến lược của khu vực. Trung Quốc lợi dụng các nước đang bận rộn chống dịch để đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm và đe dọa, gây phẫn nộ trong các nước láng giềng. Đại dịch cũng cho mọi người thấy bộ mặt thật của đảng Cộng Sản Trung Quốc sau những lời lẽ dối trá hão huyền.

Hoa Kỳ chẳng những không bị tê liệt vì đại dịch như Trung Quốc tưởng mà gần đây lại đẩy mạnh hoạt động tuần tra, tập trận của hải quân ngay trong vùng Biển Đông. Lần đầu tiên, người ta thấy có tới ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ tụ hội về một vùng biển phía Nam Philippines với số phi cơ trên ba mẫu hạm nhiều hơn và mạnh hơn không lực của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Việt Nam, với tư cách chủ tịch của ASEAN năm nay đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ba nhà ngoại giao ASEAN ẩn danh nói với hãng tin AP rằng tuyên bố chung ASEAN năm nay đánh dấu sự củng cố quan trọng khẳng định của khối này về thượng tôn pháp luật ở một khu vực tranh chấp được coi là điểm nóng của Châu Á. Giáo Sư Carl Thayer ở Đại Học Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, một chuyên gia về Việt Nam rất nổi tiếng trên thế giới, nhận định tuyên bố chung của ASEAN “là sự phủ định căn bản yêu sách của Trung Quốc” và thể hiện “một bước thay đổi quan trọng trong lập trường của ASEAN.”

Chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã thất vọng với thái độ nhũn nhặn của ASEAN trước Trung Quốc, đã nhanh chóng hoan nghênh tuyên bố của ASEAN. Trong một tweet ngày 29 Tháng Sáu, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: “Hoa Kỳ hoan nghênh sự nhấn mạnh của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS. Trung Quốc không thể được cho phép coi Biển Đông như là đế quốc hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm có thêm tiếng nói về chủ đề này.”

Hồi đầu tháng này, Đại Sứ Kelly Clark, trưởng Phái Đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã gửi công hàm phản bác đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông “không phù hợp với luật pháp quốc tế.” Các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia cũng đã lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc với nội dung gần giống tuyên bố của bà đại sứ Mỹ.
Trên Biển Đông, các quân cờ đã bắt đầu di động, mở ra cơ hội cho các nước nhỏ đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Việt Nam có tận dụng được luồng gió mới để đứng lên phản bác Trung Quốc, bảo vệ các quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông và giữ gìn giang sơn của tổ tiên để lại hay không, hãy chờ xem! [qd]





BẮC KINH BỊ TỐ TRIỆT SẢN CƯỠNG BỨC NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ (Minh Anh - RFI)




Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 30/06/2020 - 15:43

Trung Quốc tiến hành một chính sách kiểm soát sinh sản bằng cách ép buộc triệt sản nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đây là nội dung của một nghiên cứu do quỹ Jamestown Foundation của Mỹ thực hiện, được công bố ngày 29/06/2020.

Ảnh tư liệu chụp ngày 11/09/2019. Một phụ nữ sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. AFP/Archivos

Căn cứ vào các tài liệu hành chính tham khảo được và qua trao đổi với nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz nhận thấy con số sinh nở của người Duy Ngô Nhĩ sụt giảm rất mạnh từ năm 2016. Nhiều phụ nữ cho biết bị ép triệt sản nếu không muốn bị gởi đến các trại cải huấn. Việc đặt vòng tránh thai dường như cũng đã được áp đặt cho nhiều người khác.

Trong báo cáo do Jamestown Foundation công bố, nhà nghiên cứu Adrian Zenz viết rằng Trung Quốc dường như sử dụng chính sách kiểm soát sinh sản cưỡng chế tại vùng Tân Cương trong khuôn khổ của một « chiến lược khống chế sắc tộc rộng lớn ».

Ngay sau công bố của Jamestown Foundation - một quỹ nghiên cứu của Mỹ có trụ sở tại Washington, tự nhận có trọng trách « cung cấp thông tin và đào tạo các nhà ra quyết sách » - chính quyền Washington lên án Bắc Kinh và yêu cầu « chấm dứt ngay lập tức những hành động lạm dụng phi nhân cách ».

Bị giới truyền thông chất vấn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên hôm qua đã bác bỏ những cáo buộc « vô căn cứ », đồng thời khẳng định Tân Cương kể từ giờ là « ổn định và hài hòa ».

AFP nhắc lại thời gian gần đây Washington và nhiều nước phương Tây, cũng như nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo Bắc Kinh đã giam cầm trái phép gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trong những trại cải tạo.

Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận con số trên và khẳng định đấy chỉ là các trung tâm dạy nghề, để giúp đỡ người dân tìm kiếm việc làm và tránh xa các thành phần cực đoan và khủng bố.

------------ 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN



----------------------------------------------------------
.
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 30/06/2020 - 12:54

Sinh thái trở thành lực lượng chính trị số một ở các thành phố lớn, cử tri vắng mặt kỷ lục, nhiều thành trì truyền thống đổi chủ, đó là ba cuộc động đất trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Pháp ngày chủ nhật được tất cả các báo khai thác. Thời sự quốc tế, nổi bật nhất, là phát pháo khai hỏa của Liên minh các nghị sĩ vì Trung Quốc, tố cáo chính sách triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Một gia đình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc.( Ảnh tư liệu năm 2009) AFP - PETER PARKS

Nước Pháp một màu kim cương xanh

Thời sự Pháp, một "làn sóng xanh" tràn ngập các trang báo với dự báo tổng thống Macron phải theo con đường sinh thái vì không có cách nào khác, ý dân đã muốn như thế.

Đâu là những hiện tượng bất ngờ trong cuộc bầu cử địa phương tại Pháp ngày hôm qua ? Macron trả lời những đòi hỏi của làn sóng xanh, tựa của Le Figaro. Le Monde điểm qua một số sự kiện tiêu biểu sau cuộc bầu cử: Làn sóng xanh tràn ngập các đô thị, cử tri vắng mặt kỷ lục 60%, đảng cực hữu chỉ chiếm được Perpignan, một thành phố trên 100.000 dân, đảng Xã Hội ghi một số bàn thắng vẻ vang, nhưng bị chiến tích của phong trào sinh thái phủ bóng.

Hàng loạt thành phố, thành trì của hai phe tả hữu rơi vào tay liên minh EELV, Sinh Thái Châu Âu-đảng Xanh. Đảng cộng sản Pháp đã èo uột lại mất thêm căn cứ địa Saint Denis, với gần 400.000 dân ở ngoại ô bắc Paris. Theo bình luận của Le Figaro, tổng thống Pháp sẽ nương theo thế đang lên của phong trào chống biến đổi khí hậu, bật đèn xanh cho chính sách môi trường ở hai năm cuối nhiệm kỳ.

Ông chấp nhận gần như toàn bộ 149 đề nghị của nhóm 150 công dân về môi trường. Tổng thống phải nghe theo công luận, tức cử tri, không những vì lý do chính trị, mà cũng vì thực tế đòi hỏi: tình trạng biến đổi khí hậu đã trở thành khẩn cấp, không thể phủ nhận.

Cùng chủ đề này, La Croix và Les Echos sử dụng cùng một tấm ảnh tổng thống Macron với nắm tay cương quyết, trong buổi tiếp xúc với nhóm công dân 150 người trên sân cỏ Điện Elysée hôm thứ hai, một ngày sau bầu cử. Nhật báo kinh tế dành nhiều trang để giới thiệu các thành viên của phong trào sinh thái còn vô danh đối với đại đa số người Pháp vừa đắc cử thị trưởng các thành phố lớn.

Cũng dưới bức ảnh này, nhật báo Công giáo kêu gọi tổng thống Pháp hướng về sinh thái theo yêu cầu của tập thể 150 công dân dấn thân. Đã đến lúc hành động, đó là tựa của bài xã luận. Hành động theo hướng sinh thái về ý nghĩa chính trị là quẹo sang trái, vì trong một bài phóng sự dài, nhật báo Công Giáo cho biết phong trào sinh thái đang chiếm trung tâm cánh tả tại Pháp.

Cũng rất "xanh", với 9 trang bài vở, Libération đưa bức ảnh cặp tổng thống-thủ tướng đi dạo, chuyện trò trong một khu rừng thưa kèm theo lời chú: Trên đường truy lùng kim cương xanh. Theo Libération, chiến thắng của liên minh sinh thái là chiến thắng của tư tưởng. Nhưng có tư tưởng không chưa đủ, cần phải có nghị lực thi hành. Vấn đề là giới chính trị gia Pháp thiếu nghị lực.

Người đưa ra nhận định khiêu khích này chính là Pierre Hurmic, một khuôn mặt trẻ gần như vô danh trên chính trường Pháp, nhưng lại ghi bàn thắng lịch sử, chiếm được chiếc ghế thị trưởng Bordeaux, một thành trì của phe hữu trong suốt 75 năm.

Trung Quốc: Nhà tù khổng lồ và triệt sản phụ nữ Duy ngô Nhĩ

Về thời sự quốc tế, chính sách trấn áp của Trung Quốc, triệt sản phụ nữ Tân Cương và gây căng thẳng tại Hồng Kông chiếm các trang báo lớn của Le Monde, Les Echos, La Croix.

Le Monde dành hai cột giới thiệu hoạt động đầu tiên của các nhà lập pháp Tây phương, cấp quốc gia và cấp nghị viện Châu Âu trong hiệp hội mang tên Liên Minh Nghị sĩ vì Trung Quốc IPPC. Vừa được thành lập vào ngày 05/06/2020 trong bối cảnh quốc tế phân tâm vì đại dịch Covid-19, Liên minh, với hơn 100 nghị sĩ, dân biểu của 15 nước Châu Âu, chọn mục tiêu nhạy cảm nhất để bắn phát pháo đầu: Chính sách triệt sản của Trung Quốc tại Tân Cương.

Kể từ hôm nay 30/06. các nghị sĩ, dân biểu thành viên cùng phát động chiến dịch đánh động công luận ở nước mình quan tâm đến Tân Cương. Chiến dịch dựa theo bản báo cáo của nhà nghiên cứu người Đức Adrien Zens, công bố hôm 29/06, đưa ra ánh sáng chính sách kiểm soát sinh sản ở Tân Cương, thi hành từ bốn năm nay, song song với chính sách cưỡng bách cải tạo tập thể.

Trong khi tại Hoa lục, đảng Cộng sản Trung Quốc nới lỏng chính sách một con đối với người Hán, thì tại Tân Cương, 11,5 triệu dân Duy Ngô Nhĩ bị kiểm soát gắt gao hơn bao giờ hết. Triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ là hồ sơ thứ hai tố cáo Trung Quốc đàn áp tại Tân Cương. Hồ sơ thứ nhất là các trại tập trung giam cầm cải tạo hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ , cũng do nhà nghiên cứu Adrien Zens sưu tập (New York Times phổ biến hồi tháng 11/2019).

Bắc Kinh phản ứng lại bằng lá bài dân tộc chủ nghĩa bài xích Tây phương: "Thời gian đã thay đổi, Trung Quốc ngày nay không để bị (Tây phương) dọa nạt như hồi đầu thế kỷ 20".

Hồng Kông: Bắc Kinh đổ dầu vào lửa

Trong khi đó tại Hồng Kông, không khí ngột ngạt vì sắp đến ngày 01 tháng 07, ngày mà vào năm 1997 Anh Quốc trao trả thuộc địa lại cho Trung Quốc. Phóng viên của Les Echos cho biết Bắc Kinh giả điếc trước những lời cảnh báo của quốc tế khăng khăng muốn áp đặt luật an ninh của Trung Quốc mà không ai rõ nội dung.

Ngay giới thẩm phán, luật sư Hồng Kông cũng không rõ chính xác là như thế nào đằng sau những cụm từ "chống ly khai, chống khủng bố,chống khuynh đảo, chống móc ngoặt với nước ngoài, chống can thiệp của ngoại bang..."

Cùng đề tài, La Croix dành một trang báo phân tích vì sao Bắc Kinh lo sợ đến mức phải buộc 7 triệu dân Hồng Kông tuân thủ luật an ninh Trung Quốc. Thái độ độc đoán này chỉ đưa đến hai hệ quả: đổ thêm dầu vào lửa vào ngày 01/07 và nguy cơ đàn áp đẩm máu.

Afghanistan: Tình báo quân đội Nga  GRU thuê Taliban ám sát lính Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bị cáo buộc bao che cho Matxcơva. Vụ tai tiếng lần này khá nghiêm trọng: CIA biết tình báo Nga thuê taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan, nhưng Nhà Trắng im lặng .

Theo Le Figaro, vụ việc do New York Times tiết lộ, đang làm Nhà Trắng bối rối và gây chấn động tại Mỹ. Trước tiên, New York Times cho biết tình báo Mỹ có được tin mật là GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga, chính xác nữa là đơn vị 29155, chi tiền hậu hĩnh cho chiến binh hồi giáo Taliban ám sát binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

Tin này đã được thông báo cho Nhà Trắng, nhưng Tổng tư lệnh tối cao án binh bất động. Tổng thống Donald Trump chối là không hay biết, không được thông báo gì cả. Phó tổng thống Mike Pence cũng thế. Bực tức vì Nhà Trắng không phản ứng, một nhân vật sau hậu trường tiết lộ tin này với New York Times.

Theo CIA, cơ quan tình báo quân đội Nga GRU muốn trả thù vụ không quân Mỹ oanh kích giết chết hàng trăm lính đánh thuê Nga ở Syria vào ngày 07/02/2018.

Tại Nghị Viện, thượng nghị sĩ Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đồng loạt yêu cầu hành pháp giải thích.

Cuối cùng, trở lại thời sự Pháp, tin được báo chí khai thác khá tận tình là vụ xử vợ chồng cựu thủ tướng François Fillon về tội danh biển thủ công quỹ và việc làm giả. Bản án công bố hôm qua phạt cựu thủ tướng 5 năm tù, gồm 2 năm tù giam, 3 năm tù treo và phạt 10 năm cấm ứng cử. Vợ của ông bị 5 năm tù treo, không kể mỗi người bị phạt 375.000 euro. Cả hai đã chống án ngay lập tức.

----

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN









BÁO ĐỘNG ĐỎ KINH TẾ TOÀN CẦU SUY SỤP (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 30/06/2020 - 12:10

Thế giới đang đứng trước một cuộc « khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo », « đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi » và dịch Covid-19 đẩy toàn cầu vào một môi trường « đầy bất trắc ».

Từ Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020 và 2021.

Tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi khai mạc hội nghị ASEAN trực tuyến đã không mấy lạc quan khi tuyên bố đại dịch đã làm tiêu tan những thành tích tăng trưởng mà các nước trong vùng Đông Nam Á đã tích lũy được trong nhiều năm.

Virus corona tai hại hơn Lehman Brothers

« Covid-19 cuốn trôi 12.000 tỷ đô la của cải trên thế giới ». IMF trong báo cáo công bố hôm 24/06/2020 báo động virus corona tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu. GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9 % so với hồi năm 2019. Để so sánh, vẫn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chỉ ra rằng, trong trận đại hồng thủy tài chính hồi năm tháng 9/2008 với vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ, chỉ có 0,1 % GDP toàn cầu tan biến.

Khác biệt quan trọng giữa vụ ngân hàng Mỹ phá sản và đại dịch Covid-19 lần này là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới hồi 2008/2009 đã không bị « hỏng » hay « đóng băng » cùng một lúc như dưới tác động của virus corona.

Nhìn vào những cột trụ kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ « may mắn » với dự báo tăng trưởng đang từ 6,9 năm ngoái rơi xuống còn 1 % dưới tác động của một loại siêu vi chủng mới xuất phát từ Vũ Hán. Trong khi đó, từ Mỹ đến châu Âu hay Nhật Bản, GDP không tăng mà lại giảm.

Tăng trưởng của Hoa Kỳ là âm 8 % trong năm nay. Tổng sảm phẩm nội địa tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm hơn 10 %. Pháp bị nặng hơn so với mức trung bình của euro zone (-12,5 %).

Trước IMF hơn một chục ngày, báo cáo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, trụ sở tại Paris, đã đưa ra những kết luận tương tự : Pháp là một trong những quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất về mặt kinh tế. Tổng sản phẩm nội địa của Pháp giảm 11,4 % trong năm nay, với điều kiện Paris tránh được « làn sóng thứ hai » của Covid-19.
6 % GDP của 37 nước thành viên OCDE có nguy cơ bị « bốc hơi » vì virus corona và tệ hơn nữa là nếu dịch tái phát, để rồi một phần các sinh hoạt lại bị « đóng cửa » như hồi mùa xuân vừa qua, thiệt hại ước tính sẽ lên tới 7,6 %.

Trả lời trên kênh truyền hình France 24 kinh tế trưởng tại OCDE Laurence Boonegiải thích, các dự báo đều bi quan bởi thế giới đang đứng trước nhiều ẩn số : đầu tiên hết là ẩn số chung quanh siêu vi SARS-CoV-2. Chính vì vậy mà Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế đã phác họa ra hai kịch bản khác nhau :

"Có hai điểm nổi bật : thứ nhất là khủng hoảng chúng ta đang trải qua lớn gấp đôi so với biến cố hồi 2008-2009 và thứ nhì, đây là lần đầu tiên toàn cầu bị tấn công cùng lúc, không một khu vực nào được yên ổn. Chúng ta đang đứng trước nhiều bất trắc, cho nên tổ chức OCDE lập ra hai kịch bản để tìm cách đối phó hiệu quả nhất".

Vắc-xin, điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế như xưa ?

Trong 60 năm hoạt động, OCDE lần đầu tiên ghi nhận trong thời bình mà nhân loại lại bị « nghèo đi » và Covid-19 gây trở ngại cho tiến trình « hội nhập kinh tế của thế giới », kèm theo đó là những tác động tai hại về mặt xã hội. Mức đo lường đầu tiên là nạn thất nghiệp. Khủng hoảng về y tế lần này đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 10 % trong vòng vài tuần lễ. Với tại Anh Quốc hay Pháp, OCDE dự phóng sẽ có đến 15 % dân số trong tuổi lao động bị gạt ra ngoài. Tại Tây Ban Nha, 1 người trong tuổi lao động trên 5 không có việc làm.

Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của tổ chức OCDE cho biết tiếp :

"Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả, là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng chúng ta vẫn chưa có vác-xin, chưa có thuốc trị virus corona. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch. Tôi muốn nói đến ngành du lịch và tất cả những dịch vụ liên quan, như nhà hàng, khách sạn, các bảo tàng, các địa điểm giải trí, các chương trình lễ hội, các sự kiện thể thao ...

Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp. Đây chính là những lĩnh vực cần được chính phủ hỗ trợ. Sự giúp đỡ đó phải đi theo hai hướng : một là giúp các công ty bị nạn tái cơ cấu lại và có thể là chuyển hướng hoạt động ; và hai là tạo điều kiện cho người thất nghiệp dễ hội nhập trở lại vào thị trường lao động. Tuy nhiêu cả hai hướng đi này đều đòi hỏi thời gian và chắc chắn là giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ rất đau đớn. Thời gian tới đây sẽ không đơn giản chút nào.

Tan biến những nỗ lực của ASEAN

Nhìn sang châu Á, theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhóm 5 nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vốn rất năng động sẽ trông thấy GDP bị giảm đi mất 2 %.

« Tăng trưởng bị suy yếu, đà phục hồi chậm chạp » là đánh giá của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) trong báo cáo được cập nhật hồi tháng 6/2020, GDP tại các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương đang từ 5,4 % năm 2019  rơi xuống còn 0, 1% trong năm nay.Mới hai tháng trước đó, ADB còn tự tin cho rằng GDP của các nước trong vùng vẫn giữ được ở mức hơn 2 %.

ADB cũng lưu ý rằng, đối với các quốc gia mà ngành du lịch đem về một nguồn thu nhập lớn, các nền kinh tế càng tập trung vào các dịch vụ giải trí, nhà hàng ... tác động của Covid-19 càng « tai hại hơn ».

Câu hỏi cuối cùng là cần phải làm những gì để thoát ra khỏi bức tranh kinh tế ảm đạm đó ? Họp báo tại Manila hôm 20/05/2020, nhà kinh tế trưởng Ngân Hàng Phát Triển Châu Á Yasuyuki Sawada cho rằng « hơn bao giờ hết chính phủ cần can thiệp để hạn chế những tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội ». Tuy nhiên, chính sách can thiệp đó phải đi theo các hướng nào ? Nhà kinh tế trưởng Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển OCDE, bà Laurence Boone phần nào vừa trả lời cho câu hỏi này đồng thời bà cho rằng virus corona đã để lại ít nhất là ba bài học quý giá : 

“Đã có nhiều mối căng thẳng trong trao đổi mậu dịch trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Chúng ta đã thấy chính những rào cản thuế quan đã đặt ra nhiều vấn đề, thí dụ như thiếu hụt loại giấy để sản xuất khẩu trang y tế. Chuỗi sản xuất của thế giới đã thực sự trong thế bị động. Chúng ta bắt buộc phải tự hỏi cần làm những gì để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Theo tôi, chúng ta có thể rút ra được ba bài học chính, đó là thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh đế một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng.

Bài học thứ hai là chúng ta đã ỷ lại và lơ là với việc tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Bài học thứ ba là đối với một số lĩnh vực, chúng ta cần có những nhà máy và đơn vị sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay trong khối Liên Hiệp Châu Âu.

Bất luận là Âu hay Á, việc cả thế giới đã lần lượt và ít nhiều phải tạm đóng cửa các sinh hoạt trong một thời gian đã để lại những vết hằn và những món nợ khổng lồ. Hoạt động trong một số lĩnh vực, như trong ngành hàng không, khó có thể trở lại như xưa, cho tới khi nào giới y khoa tìm ra được thuốc trị và vắc-xin ngừa virus corona.

Trước mắt, cả IMF lẫn OCDE đều không loại trừ kịch bản đen tối nhất đó là dịch Covid-19 tái phát.

***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN









CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO BÁ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC (Trịnh Hữu Tiên)




Trịnh Hữu Tiên
2020-06-28

Thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh địa vị nước lớn của Trung Quốc và thúc đẩy "chính sách ngoại giao bá quyền đặc sắc Trung Quốc" để tận dụng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy "giấc mơ phục hưng dân tộc vĩ đại Trung Hoa".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019 - Reuters

Chính sách ngoại giao bá quyền của Tập Cận Bình là một công cụ để đạt được "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông đã tuyên bố với người dân Trung Quốc khi nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. Chủ đề trung tâm của "Giấc mộng Trung Hoa" là ý tưởng về sự phục hưng của Trung Quốc và sự chấn hưng dân tộc để đưa Trung Quốc trở lại ánh hào quang là trung tâm toàn cầu mà họ từng được hưởng khi đế quốc Trung Hoa thống nhất và sáp nhập các khu vực rộng lớn vào lãnh thổ của mình. "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình đã đạt được sự cộng hưởng toàn cầu bằng "hai mục tiêu trăm năm". Để đạt được mục tiêu năm 2021, Trung Quốc sẽ phải trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hoặc vượt qua Mỹ. Sức mạnh kinh tế mới có này sẽ giúp định hình sự phân chia quyền lực chiến lược và địa chính trị toàn cầu. Đạt được mục tiêu năm 2049 đồng nghĩa với việc khôi phục địa vị đứng đầu khu vực của Trung Quốc và cuối cùng khiến Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới.

Về bản chất, "Giấc mộng Trung Hoa" là giấc mơ nước lớn nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và tác động đến chính trị cũng như an ninh toàn cầu. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Đại hội Đảng lần thứ XIX vào tháng 10/2017, trong khi Trung Quốc nổi lên dưới thời Mao Trạch Đông và trở nên giàu có hoặc thịnh vượng dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì mục tiêu của Trung Quốc trong thời đại mới là trở nên hùng mạnh. Trung Quốc chưa bao giờ ở gần hơn với trung tâm vũ đài toàn cầu hay với việc giành lại được địa vị là một cường quốc chủ yếu và có tiếng nói trên toàn thế giới hơn bây giờ.

Tăng cường ngoại giao pháo hạm

"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình cũng đề cập đến một quân đội hùng mạnh. Chỉ một tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã lên một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tuần tra vùng biển ở Biển Đông và nói với các thủy thủ rằng "Giấc mộng Trung Hoa" là "giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Và đối với quân đội, đó là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh. Để thực hiện sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa, chúng ta phải đảm bảo một quốc gia thịnh vượng có quân đội hùng mạnh".

Duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019 Reuters

Lưu Minh Phúc, tác giả cuốn sách Giấc mộng Trung Hoa đã cho rằng : "Một nước giàu có mà không có một quân đội mạnh là một cường quốc không an toàn, luôn gặp khó khăn và không thể tồn tại lâu dài. Chỉ khi trở thành một cường quốc quân sự, Trung Quốc mới có thể duy trì an ninh của mình một cách hiệu quả. Quân đội của Trung Quốc phải mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào để không một nước nào có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết tâm tìm kiếm cả sự thịnh vượng lẫn sức mạnh, công khai bác bỏ mô hình của Nhật Bản vốn chủ yếu tập trung vào việc mang lại sự thịnh vượng. Các chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân (PLA) vui mừng tán thành giấc mơ về một quân đội hùng mạnh vì điều đó đồng nghĩa với việc đảm bảo gia tăng chi tiêu quốc phòng để tài trợ cho các vũ khí đắt tiền như tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục tăng chi tiêu quân sự quốc gia ngay cả khi tăng trưởng kinh tế trì trệ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Từ bỏ chính sách ngoại giao "giấu mình chờ thời"

Chính sách ngoại giao bá quyền đánh dấu việc chính thức tuyên bố rõ ràng một cách tiếp cận mang tính hành động hơn đối với quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, áp dụng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc vào nghị trình chính sách đối ngoại đầy tham vọng. Từ bỏ chính sách "giấu mình chờ thời", sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã thúc đẩy một chính sách ngoại giao chủ động hơn, phù hợp với những kỳ vọng về chủ nghĩa dân tộc và sự tự khẳng định mình của Trung Quốc. Thay vì làm theo phương châm "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc hiện đang nhắc nhở phương Tây về tuyên bố cứng rắn của Đặng Tiểu Bình : "Mọi người không nên mong đợi Trung Quốc phải nuốt những quả đắng làm phương hại những lợi ích của mình".

Phát biểu tại Hội nghị công tác trung ương về ngoại giao láng giềng hồi tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh "những điểm nổi bật, thúc đẩy những thay đổi theo thời gian, hành động chủ động hơn" trong các vấn đề quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo sau khi nhậm chức tại kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) khóa XII vào tháng 3/2014 đã sử dụng từ "chủ động gây ấn tượng" để mô tả cách tiếp cận ngoại giao của ban lãnh đạo mới, để thế giới biết đến các giải pháp và tiếng nói của Trung Quốc. Cho dù ưu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là kinh tế, nhưng một phần đáng kể trong Báo cáo Chính phủ của ông tại Đại hội được dành cho các vấn đề đối ngoại và quân sự. Đưa ra lý do cần đạt được bước nhảy vọt trong việc hiện đại hóa quốc phòng, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu bật tham vọng của Trung Quốc là trở thành một cường quốc biển hùng mạnh với mục tiêu tương ứng là bảo vệ các quyền hàng hải của Trung Quốc. Nhắc lại giấc mơ của Tập Cận Bình về một quân đội hùng mạnh, ông đã đi xa đến mức nói rằng "chúng ta phải thường xuyên và tăng cường chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh bảo vệ biên giới đất liền, trên không và trên biển".

Trong khi Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, thì cam kết của Trung Quốc được quyết định bởi sự thích nghi của bên ngoài với lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc và dựa trên sự nhân nhượng lẫn nhau. Trung Quốc sẽ bảo vệ mạnh mẽ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình cho dù họ vẫn tuyên bố hướng tới sự phát triển hòa bình là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các cam kết của Bắc Kinh về phát triển hòa bình sẽ không ngăn cản họ hành động mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình. Do đó, thông lệ chính sách đối ngoại của Trung Quốc nghiêng nhiều hơn về "tư tưởng then chốt". Thiết lập các ranh giới đỏ mà các nước khác không thể vượt qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thắn hơn khi nói với các nước khác rằng Trung Quốc không thể dung thứ cho việc xâm phạm những lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.

Thống trị khu vực

Hơn nữa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát triển một khái niệm mới về "khu vực láng giềng rộng lớn hơn" mà phản ánh sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc xây dựng các mạng lưới gồm các nước không thuộc phương Tây lấy cảm hứng từ Trung Quốc nhằm thu hút các nước đang phát triển vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Khu vực láng giềng rộng lớn hơn vươn ra bên ngoài vành đai địa lý xung quanh Trung Quốc bao gồm Tây Á, Nam Thái Bình Dương và khu vực Âu-Á, cho thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng lợi ích khi chuyển mình từ một cường quốc khu vực thành một cường quốc toàn cầu. Chính sách ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình nhằm mục đích giành lại sự vĩ đại toàn cầu của Trung Quốc và qua thời gian, tự đặt mình vào vị thế một cường quốc ưu việt, không chỉ ở Châu Á mà cả trên vũ đài thế giới. Nền tảng quan trọng nhất của ông là sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được đưa ra năm 2013. Thông qua các thỏa thuận hợp tác với 125 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác để tăng cường kết nối ở một khu vực rộng lớn trên thế giới. Sáng kiến này nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, vốn tập trung vào tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. BRI đã trở thành một đặc trưng của chính sách ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và theo đuổi lợi ích an ninh của Trung Quốc ở khu vực láng giềng rộng lớn hơn.

Trong trường hợp này, việc Bắc Kinh nhấn mạnh khu vực láng giềng rộng lớn hơn không chỉ phản ánh nhận thức về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với Trung Quốc mà còn nhận thức về các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực đối với khát vọng sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là ưu thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Hành xử như một nước lớn phô trương sức mạnh điển hình để thách thức địa vị đứng đầu của Mỹ, Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy Mỹ ra khỏi khu vực láng giềng, hoặc chí ít là giảm ảnh hưởng của nước này, để đạt được sự thống trị trong khu vực. Được biết đến ở Trung Quốc như là chiến thuật cắt từng lớp, Trung Quốc tin rằng việc từng bước giảm bớt ảnh hưởng của khuôn khổ liên minh của Mỹ tất yếu sẽ khiến cường quốc này bị cô lập và thất bại. Theo quan điểm của một nhà quan sát, logic đơn giản là vị thế của Mỹ ở Châu Á dựa trên mạng lưới các liên minh và quan hệ đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, và nền tảng của các liên minh và quan hệ đối tác này là bạn bè ở Châu Á của Mỹ tin tưởng rằng Mỹ có thể và sẵn sàng bảo vệ họ. Làm suy yếu các mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở khu vực và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để làm suy yếu cấu trúc đồng minh do Mỹ thống trị trong khu vực.

Giành ưu thế trong các tranh chấp biển

Chính sách ngoại giao bá quyền của Tập Cận Bình làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng do Trung Quốc ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh trong các tranh chấp trên biển. Do tin rằng một số nước láng giềng của Trung Quốc đã lợi dụng sự tự kiềm chế trước đây của nước này để nắm quyền kiểm soát các đảo tranh chấp, Bắc Kinh đã lựa chọn cách tiếp cận ngày càng quyết đoán và thực sự quyết liệt trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Nhóm các đảo thuộc đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông Reuters

Gây sức ép ngày càng lớn để buộc Nhật Bản phải thừa nhận rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát từ những năm 1970 nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, là đang bị tranh chấp, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên năm 2010 bằng việc đưa các tàu đánh cá đến lãnh hải do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Động thái này đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi các tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản chặn một tàu cá của Trung Quốc vào ngày 7/9/2010. Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh cưỡng ép và buộc Chính phủ Nhật Bản phải tuân thủ các điều khoản giải quyết của họ. Sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 10/9/2012, Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động tuần tra thường xuyên xung quanh các lãnh hải mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhằm thách thức quyền kiểm soát trên thực tế quần đảo này của Nhật Bản. Một bài bình luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo nói rằng các nhiệm vụ tuần tra đã trở thành hành động thường xuyên mà Nhật Bản phải học cách làm quen. Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như vậy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hợp pháp của mình. "Trung Quốc cần kiên trì và có đủ ý chí và sức mạnh để kiên trì".

Để tỏ rõ lập trường ngày càng cứng rắn của mình, tháng 11/2013, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp cũng như phần lớn biển Hoa Đông, bao gồm cả đá Socotra (còn được gọi là Ieodo hoặc Parangdo) do Hàn Quốc kiểm soát nhưng được Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là đá Suyan. Trong khi lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh gây nhiều quan ngại bên ngoài Trung Quốc, một nhà quan sát chỉ ra rằng nhiều nhà phân tích Trung Quốc tin rằng việc Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng tỏ rõ "tư tưởng then chốt" của mình, tức là những giới hạn mà Chính phủ Trung Quốc có thể chấp nhận, thực sự đã làm giảm những bất ổn chiến lược xung quanh các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ngăn xảy ra tình trạng các nước khác đánh giá sai ý định của Trung Quốc và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Ở biển Đông, từ lâu Trung Quốc đã thực hiện chiến lược trì hoãn có đặc trưng là sự mơ hồ chiến lược. Họ tránh chính thức nêu rõ phạm vi, ý nghĩa, bản chất và các cơ sở pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền của mình, cụ thể là về ý nghĩa của đường chữ U hoặc các quyền của họ trong đường biên giới này. Chiến lược mơ hồ của Bắc Kinh nhằm mục đích để không gian cho các tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng của họ và ngăn các bên yêu sách khác đưa ra các tuyên bố chủ quyền chống lại để buộc Trung Quốc làm rõ lập trường của mình.

Tuy vậy, Trung Quốc đã chuyển từ sự mơ hồ chiến lược sang sự minh bạch vào năm 2012 khi bắt đầu mở rộng mạnh mẽ các hoạt động chấp pháp trên biển bằng việc thường xuyên cử các tàu tuần tra để hộ tống các đội tàu đánh cá, va chạm với các tàu của Việt Nam và Philippines. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra quyết định rất tự đắc về việc mở rộng quy mô cải tạo đất và xây dựng các cơ sở trên và xung quanh các đảo tranh chấp, trong đó có các cảng mà có thể cho tàu chiến neo đậu, đường băng và nhà chứa máy bay và radar phục vụ cho mục đích quân sự. Dù cho một số nước yêu sách ở Đông Nam Á cũng tiến hành cải tạo đất, nhưng những hoạt động này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những hoạt động của Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở rộng và tăng cường sự kiểm soát trên biển Đông bằng việc xây dựng các đảo lớn hơn nhiều với tốc độ nhanh hơn nhiều, biến các đảo nhỏ thành đảo nhân tạo có các phương tiện quân sự được triển khai ở vùng biển bị tranh chấp. Các phương tiện này đã củng cố lập trường của Trung Quốc trong việc khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình và áp đảo các lực lượng quân sự của bất kỳ bên tham gia nào khác ở biển Đông. Vì lý do này, Tập Cận Bình đã ca ngợi việc xây dựng đảo ở biển Đông là "điểm nhấn trong 5 năm đầu cầm quyền của ông" tại Đại hội Đảng XIX.

Phán quyết Biển Đông năm 2016

Tức giận việc không có các giải pháp thay thế khả thi để ngăn chặn các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, Philippines đã đệ trình Thông báo và tuyên bố lập trường tại Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) vào tháng 1/2013 để tìm kiếm một phán quyến liệu một số cấu trúc địa hình nhất định trong vùng biển tranh chấp có được xác định theo định nghĩa pháp lý về các đảo và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với tài nguyên cá và khoáng sản hay không. Ngày 12/7/2016, Tòa án ra phán quyết ủng hộ Philippines rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý" để đòi các quyền lịch sử ở các khu vực nằm trong "đường 9 đoạn" của nước này và tất cả các cấu trúc địa hình ở biển Nam Trung Hoa hoặc là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoặc là các bãi đá vốn không thể là nơi con người có thể sinh sống hoặc diễn ra các hoạt động kinh tế.

Đáp lại, Tập Cận Bình đã mô tả phán quyết này "chỉ là một mảnh giấy lộn". Khi tòa án quốc tế ra phán quyết ủng hộ các đệ trình của Chính phủ Philippines, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng, tuyên bố "4 không" : không tham gia, không công nhận quyền tài phán của hội đồng trọng tài, không chấp nhận và không thi hành phán quyết. Hơn nữa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trình bày cái gọi là "3 điểm bất hợp pháp" - khởi xướng phiên tòa một cách bất hợp pháp, thành lập tòa án một cách bất hợp pháp và phán quyết bất hợp pháp của tòa trọng tài - để tuyên bố rằng tòa án thiếu thẩm quyền xét xử, thiên vị, và không có cơ sở pháp lý.

Trong vụ này, cho dù tại thời điểm đó, phán quyết này được một số người coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi để khiến tất cả các bên liên quan hiểu rõ tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trong việc thiết lập một trật tự dựa trên quy tắc cho các đại dương và biển, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ công nhận phán quyết này vì một nước lớn không công nhận quyền tài phán của các thể chế khác cũng không từ bỏ yêu sách lãnh thổ của mình vì sức ép quốc tế. Việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trỗi dậy và thực thi bá quyền nước lớn.

Việt Nam phải làm gì ?

Các hành động ép buộc của Trung Quốc đối với các quốc gia tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông được nhìn nhận rộng rãi là một phép thử cho các tham vọng nước lớn của nước này. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc lo sợ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về tương lai chung trong bối cảnh "Giấc mộng Trung Hoa" khôi phục vinh quang của đế quốc Trung Hoa, gợi lại trật tự Trung Quốc thời xa xưa, trong đó đế quốc Trung Hoa thống trị phần lớn Đông Á. Sự kết nối trong dự án của Tập Cận Bình ngày càng rõ mục đích là để khôi phục trở lại Con đường tơ lụa cổ đại khi Trung Quốc là một đế quốc.

Cho dù người Trung Quốc không còn nói về những nước láng giềng như những kẻ man rợ, nhưng họ vẫn tiếp tục có thái độ trịch thượng đối với những nước này. Trật tự do Trung Quốc thống trị có mối liên kết chặt chẽ với việc hình thành các mối quan hệ thứ bậc. Theo quan điểm này, một số chuyên gia đã nói rằng việc Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với bối cảnh quốc tế có thể biến "Giấc mộng Trung Hoa" thành một cơn ác mộng đối với nhiều nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Với "Giấc mộng Trung Hoa" và chính sách ngoại giao bá quyền như vậy, sẽ có những tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam. Các tác động này vừa mang lại những cơ hội, nhưng cũng mang lại các nguy cơ mà nguy cơ còn lớn hơn cơ hội, đặc biệt nguy cơ về an ninh chủ quyền quốc gia về biển đảo, thách thức về sự phụ thuộc về kinh tế, tạo ra sự phụ thuộc về chính trị. Trước bối cảnh này, Việt Nam cần điều chỉnh, xác định rõ cách thức ứng phó với chiến lược toàn cầu, khu vực cũng như chính sách ngoại giao bá quyền của Trung Quốc. Để có thể đối mặt với sự trỗi dậy, lớn mạnh của Trung Quốc, Việt Nam cần xác định rõ ràng mục tiêu của mình là phải đảm bảo an ninh quốc gia, không ngừng phát triển, tạo thế và lực đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, khôn khéo đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong ứng xử với Trung Quốc.

--------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do






View My Stats