Việt Nguyên
(theo
Stephen Hawking, Michio Kaku và NASA)
August 10, 2019
Từ thành phố không gian Houston tôi đến thủ đô Hoa
Thịnh Đốn vào tuần lễ giữa Tháng Bảy mang theo thời tiết nóng của Houston. Một
Hoa Thịnh Đốn với tình người và tình bạn, những người bạn già đã khiến tôi bước
vào tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn thấy mình còn trẻ và ở vào tuổi hứng xã giao
đi tìm những người bạn mới.
Cựu Đại Sứ Bùi Diễm năm nay 96, qua email đôi khi nhắc
tôi thăm ông già 96 sau khi tôi đi thăm thầy tôi – Giáo Sư Trần Ngọc Ninh 97 tuổi!
Ở tuổi 96, ông vẫn tráng kiện về tinh thần lẫn thể xác với cụ bà 91 tuổi lúc
nào cũng đi bên cạnh cuộc đời. Gặp ông, tôi nhớ lại bao kỷ niệm thoáng chốc hơn
nữa thế kỷ, nhìn ông như một trang sử lật qua bao thời đại. Chín mươi sáu tuổi
ông vẫn “ưu thời mẫn thế” vẫn theo kịp những trang sách giấy và trên máy điện tử.
Ông vui mỗi lần tôi đến thăm ngược lại tôi xem ông như một tấm gương sáng trong
cuộc đời.
Ông bạn già Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng đã trên 80 tuổi,
một ông anh lớn đã đem đến cho tôi kiến thức và những ngày vui mỗi lần tôi đến
thủ đô, mỗi người có một cái nhìn khác nhau về cuộc đời, đối xử với nhau như
“tân khách.” Ông anh lớn đã mở cho tôi những cuốn sách ngoài khía cạnh y khoa.
Một tuần lễ ở thủ đô tôi nhờ vậy được thêm nhiều bạn già đã vứt khỏi trên vai
những gánh nặng và những tước vị, Bác Sĩ Giang, Dược Sĩ Thịnh, Chánh Án Thành,
Bác Sĩ Thuấn, Sĩ Quan Hải Quân Toàn, những người vào tuổi bát tuần.
Một tuần ở Hoa Thịnh Đốn, thiếu hoa anh đào nhưng
bên đường và ngoài vườn vẫn đầy hoa. Những bông hoa đẹp khiến tôi nhớ lại câu
thơ của người bạn Tô Thùy Yên “Cám ơn hoa đã vì ta nở” và thầm cám ơn cuộc đời
với những người bạn thân. Gặp các bạn già không còn câu nệ hình thức nhưng đôi
khi trong những lần đàm thoại với người già thiếu những giác quan như mắt và
tai, tôi lại có cảm tưởng như đang ở cung trăng nói chuyện trời trăng mây nước,
chỉ vì không nghe rõ hay vì văn hóa khi nhìn qua bàn bên cạnh trong quán cà phê
những người bản xứ nói chuyện bao giờ cũng nói nhỏ hơn người Việt?
Tuần lễ tôi lên thăm thủ đô cũng là tuần lễ kỷ niệm
50 năm phi thuyền Apollo 11 lên mặt trăng ngày 20 Tháng Bảy, 1969, lúc 11 giờ
đêm ở Mỹ, 500 triệu người trên thế giới được xem truyền hình trực tiếp cảnh
Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước xuống mặt trăng trong khi Michael Collins điều
khiển phi thuyền ngoài quỹ đạo.
Phi hành gia Neil
Armstrong cắm cờ Mỹ trên mặt trăng. (Hình: NASA/Newsmakers)
Bước chân của Armstrong và Aldrin để lại với lời
Neil Armstrong “Một bước nhỏ của người là một bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại.”
Hai mươi hai kg đá mặt trăng đem về, lá cờ Hoa Kỳ được để lại cùng tấm bảng
“Chúng tôi đến đây vì Hòa Bình của tất cả nhân loại.”
Khi Neil Armstrong trở về trái đất, ông quên những
gì ông đã nói (quả như người trên cung trăng rớt xuống!). Được nghe lại chính
tiếng nói ông mới nhớ lại rằng ông đã quên một chữ “một bước nhỏ của một (a)
người…” khi đặt chân xuống “Đại Dương yên lặng” (danh từ do Armstrong đặt ra
trước khi Apollo 11 bay).
Bước nhảy vọt vĩ đại xảy ra trong thời kỳ Chiến
Tranh Lạnh năm 1969, vịnh con heo ở Cuba, biểu tình Stonewall ở Nữu Ước của
phong trào đồng tình luyến ái, phong trào chống chiến tranh Việt Nam lên cao với
John Lennon Beatles “give peace a chance,” cho Hòa Bình một cơ hội chấm dứt chiến
tranh Việt Nam, “Yesterday,” “Hey Jude” những bài nổi tiếng đi vào lòng dân Mỹ.
Trong khi đó Nga và Trung Cộng cũng như Việt Cộng
sau 30 Tháng Tư, 1975, đã tuyên truyền trong các lớp học tập chính trị “Một bước
lớn” là một sự nói láo vĩ đại (one giant lie) của chính quyền Hoa Kỳ, lá cờ
trên mặt trăng và bước chân trên mặt trăng là sự dàn cảnh trên ti vi. Về sau mới
biết Bill Kaysing nhân viên hãng Rocketdyne năm 1956 đã tung tin fake news năm
1976: “Chúng ta không bao giờ lên mặt trăng” (tin này vẫn còn trên YouTube).
Chương trình không gian với Apollo 11 thành công là
một đóng góp của tất cả công dân Mỹ, tượng trưng tinh thần tiên phong lập quốc
của người Mỹ, tinh thần người Mỹ sẽ là người đầu tiên và đứng trên tất cả các
quốc gia từ kinh tế đến khoa học.
Người Trung Hoa phát minh ra thuốc súng nhưng chỉ
dùng để bắn pháo bông và ngồi làm thơ mơ đến Hằng Nga. Nhà văn tiểu thuyết khoa
học giả tưởng Pháp Jules Verne năm 1865 trong truyện “Từ Trái Đất Đến Mặt
Trăng” đã tiên đoán gần như đúng 100%, người Mỹ (Yankees) đi trước Nga sẽ bắn
phi thuyền lên mặt trăng từ Florida mất bốn ngày, dùng sức mạnh của thuốc súng.
Ông viết đúng về quỹ đạo về khoảng cách giữa trái đất
và mặt trăng, ông tả về mặt trăng dựa trên tài liệu quan sát của kỹ sư người
Scottland James Masnayth. Robert Goddard, kỹ sư người Mỹ là cha đẻ hỏa tiễn,
người thành phố Worcester, Massachusetts, mê đọc sách từ nhỏ và làm những cuộc
thí nghiệm áp dụng định luật Newton vào hỏa tiễn dùng nhiên liệu lỏng. Năm
1926, hỏa tiễn cao 41 ft bay được 2.5 giây, rớt xuống 184 ft trên cánh đồng
cải bị báo New York Times chế nhạo. Năm 1969, Apollo 11 đáp xuống mặt trăng tờ
New York Times đã viết bài xin lỗi nhưng ông Goddard chết năm 1945 không nghe
được tiếng xin lỗi!
Sau Goddard là kỹ sư Nga Tsiolkowsky người mê đọc
Jules Verne. Năm 1944 Von Braun đảng viên Đức Quốc Xã, cha đẻ hỏa tiễn V2 cao
46 ft, vận tốc 3,580 dặm một giờ, nặng 27,000 lbs là hỏa tiễn đầu tiên với tốc
độ gấp ba lần tiếng động phá bức tường âm thanh. Cuối năm 1944, V2 đã giết
9,000 người Anh và Bỉ cùng với 12,000 nô lệ trong các trại tập trung cải tạo,
hơn 3,000 hỏa tiễn V2 đã phóng qua Anh.
Năm 1945, Von Braun bị bắt làm tù binh, đầu hàng Mỹ
nhưng không bị xử tội phạm chiến tranh, trung thành với đất nước mới. V2 trở
thành căn bản của hỏa tiễn Redstone của Hải Quân và bộ binh Hoa Kỳ. Lỡ cơ hội
thập niên 1920 và 30 với hỏa tiễn Roddard nay Hoa Kỳ có cơ hội hỏa tiễn V2
nhưng thập niên 1950 không chú trọng vào không gian, chính quyền để Von Braun về
dạy học và cộng tác với truyền hình Walt Disney trong khi Nga chế tạo hỏa tiễn
với Sergei Koroley dựa trên kỹ thuật V2.
Stalin và Krushchev ngày 5 Tháng Mười, 1957, đã cho
phóng phi thuyền Spunik lên không gian, bay quanh Hoa Kỳ bốn lần, gây cơn shock
cho người Mỹ. Báo chí Hoa Kỳ chế nhạo dùng những chữ Flopnick, Kaputnik khi hai
tháng sau đó hỏa tiễn Vanguard thất bại, dân Mỹ nhìn thấy trên ti vi, bốn tháng
sau hỏa tiễn Vanguard 2 lại rớt. Ám ảnh Xô Viết sẽ bỏ bom Hoa Kỳ từ ngoài quỹ đạo
đánh thức các chính trị gia hai đảng.
Năm 1957, Spunik 2 đem con chó Laika lên quỹ đạo,
năm 1960 Spunik 5 đưa chó lên quỹ đạo và về lại an toàn trên mặt đất. Chương
trình không gian Xô Viết thành công rực rỡ khi Yurin Gararin trên phi thuyền
bay quanh trái đất năm 1961.
Lòng yêu nước đã đánh thức Hoa Kỳ, Tổng Thống Dwight
D. Eisenhower quan tâm đến khoa học thành lập cơ quan không gian NASA. Hệ thống
giáo dục Hoa Kỳ chú trọng về khoa học. Sinh viên xem vật lý, hóa học gia hay
khoa học gia không gian là bổn phận công dân. Thượng nghị sĩ trẻ tuổi John F.
Kennedy, cùng quê Worcester, Massachusetts, với kỹ sư Robert H. Goddard, chỉ
trích Tổng Thống Eisenhower thua kém Xô Viết về chương trình hỏa tiễn, kêu gọi
Hoa Kỳ gởi người lên mặt trăng cuối thập niên 1960.
Thập niên 1960, Tổng Thống John F. Kennedy phải đối
phó với Xô Viết trong thời Chiến Tranh Lạnh và những vấn đề nội bộ từ kỳ thị da
màu, giáo dục, cùng chiến tranh Việt Nam. Đảng Cộng Hòa chủ trương phải mạnh về
quân sự để đối phó với Xô Viết, chỉ trích chương trình không gian, nghi ngờ Tổng
Thống Kennedy cộng tác với Xô Viết, yếu về quân sự khi ông mời Krushchev cộng
tác chương trình không gian.
Ngay cả Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson lúc đầu
cũng chống Tổng Thống Kennedy về chương trình không gian. Tổng Thống Kennedy chủ
trương mạnh về quân sự nhưng đồng thời giáo dục và khoa học cũng phải mạnh để
xây dựng xã hội tiến bộ. Francis Bacon, triết gia, nói: “Kiến thức là sức mạnh”
nhưng Tổng Thống Kennedy nói: “Óc tưởng tượng và tò mò là sức mạnh” cho khoa học
và giáo dục. Người sát cánh với Tổng Thống Kennedy là Wernher von Braun, ông
tin tưởng tuyệt đối vào nhà bác học không hề nghi ngờ về quá khứ Đức Quốc Xã.
Vì Chiến Tranh Lạnh, Tổng Thống Kennedy tuyên truyền
Hoa Kỳ đi sau Xô Viết về số hỏa tiễn liên lục địa ICBM, nhưng thật ra khi ông
nhậm chức năm 1961 Hoa Kỳ đã có số hỏa tiễn ICBM nhiều hơn và mạnh hơn Xô Viết.
Ngày 12 Tháng Tư, 1961, Yuri Gagarin là người Nga đầu tiên lên không gian, năm
ngày sau xảy ra biến cố vịnh con heo ở Cuba, ba ngày sau Hoa Kỳ qua mặt Xô Viết,
gởi phòng thí nghiệm lên không gian, bay quanh mặt trăng, hỏa tiễn đáp xuống mặt
trăng rồi bay về trái đất.
Chú trọng vào chương trình không gian và Chiến Tranh
Lạnh với Xô Viết, ông tổng thống Hoa Kỳ – người đã tuyên bố nơi nào có áp bức
thiếu tự do Hoa Kỳ sẽ can thiệp bắt đầu giải quyết chiến tranh Việt Nam. Hồi ký
nhà ngoại giao lão thành Richard Holbrooke đã cho thấy Tổng Thống Kennedy quyết
định phủi tay khi thế giới chứng kiến cảnh Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu
và bà Ngô Đình Nhu tuyên bố “Barbecue Monk” là câu đưa đến quyết định của Tổng
Thống Kennedy.
Chương trình không gian của Hoa Kỳ vào thập niên
1960 lúc đầu đã cho thấy kỳ thị chủng tộc. Khi Tổng Thống Eisenhower thành lập
NASA, chương trình Mercury chọn bảy phi hành gia quân sự không có người da đen
dù lúc ấy mục sư Martin Luther King và phong trào dân quyền được Tổng Thống
Kennedy ủng hộ. Nhưng nhân tài sau đó được tuyển chọn với khoa học gia thiểu số.
Phi hành gia Edwin E. Aldrin, Jr., bước xuống mặt
trăng từ phi thuyền Apollo 11 vào ngày 20 Tháng Bảy, 1969. Bức hình này do phi
hành gia Neil A. Armstrong, chỉ huy tàu Apollo 11 chụp. (Hình: NASA/Newsmakers)
Trong “Hidden Figures” sau thành phim của William
Morrow đã cho thấy bóng dáng các nữ khoa học gia da đen đằng sau sự thành công
của NASA. Phi hành gia John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo năm 1962
trong chương trình Mercury 6, Friendship 7, khi chuẩn bị đáp xuống địa cầu đã
không tin vào hệ thống điện toán IBM 7090 của trung tâm không gian Greenbelt,
Maryland. Ông chỉ tin vào Katherine Johnson, nữ khoa học gia 44 tuổi người da
đen, thiên tài toán học về quỹ đạo, làm tính bằng tay kiểm chứng kết quả, mới
chịu đáp Friendship 7 xuống.
Năm 1963 sau khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Tổng
Thống Johnson nhất định tiếp tục chương trình không gian với thành phố không
gian Johnson Space Center ở Clear Lake City, Houston. Năm 1966 trong khi chiến
tranh Việt Nam bước vào giai đoạn gia tăng với chiến tranh lạnh Hoa Kỳ-Xô Viết,
ngân quỹ NASA chiếm đến 5.5%, từ $4 tỷ lên đến $25 tỷ với 400,000 chuyên gia, kỹ
sư, nhân viên các hãng công tư. Từ Mercury qua Gemini đến Apollo. Von Braun được
gọi trở lại giúp chế tạo hỏa tiễn lớn nhất Saturn V cao hơn tượng Nữ Thần Tự
Do, mang được 310,000 lbs vào quỹ đạo 75,000 mile thoát khỏi sức hút qủa đất.
Ngày 20 Tháng Bảy, 1969, Tổng Thống Richard Nixon đọc
diễn văn chúc mừng phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống mặt trăng. Khi Tổng Thống
Nixon và Cố Vấn Henry Kissinger cầm cờ vẫy chào phi hành đoàn trên chiếc trực
thăng đáp trên hàng không mẫu hạm USS Horne, người Mỹ nghe lời Tổng Thống
Kennedy vang vọng “chúng ta sẽ gởi người lên mặt trăng 240,000 dặm xa mặt đất từ
trạm kiểm soát không gian Houston với hỏa tiễn cao 300 ft vận tốc 25,000
mile/giờ.” Bài diễn văn đọc ở vận động trường Đại Học Rice Houston hồi Tháng
Chín, 1962, với 40,000 người ủng hộ, háo hức. Chương trình không gian là vũ khí
hữu hiệu của Chiến Tranh Lạnh chứng tỏ Hoa Kỳ có sức mạnh siêu việt về quân sự,
giáo dục, khoa học và kỹ thuật trên hẳn Xô Viết về mọi mặt.
Với sức mạnh kinh tế gấp hai lần Xô Viết nhưng sau
chương trình Apollo, Tổng Thống Nixon chấm dứt chương trình thám hiểm mặt trăng
đế đối phó với chiến tranh Việt Nam và chiến tranh chống nghèo đói ở Mỹ. Năm
1972, 100,000 nhân viên NASA và các hãng liên hệ bị thất nghiệp trong đó có cả
ông Von Braun.
Kinh tế quyết định tất cả từ giáo dục, khoa học đến
kỹ thuật. Thập niên 1980, sau chiến tranh Việt Nam, chương trình không gian đổi
qua chương trình Space Shuttle năm 1981, phi thuyền con thoi đậu trên trạm
không gian quốc tế (ISS). Phí tổn cao, mỗi lần bay tốn $1 tỷ, phí tổn gửi hành
lý lên không gian $40,000/lb. Sau các chuyến Challenger và Columbia với 14 phi
hành gia chết, công chúng phản ứng kêu gọi chính quyền ngưng chương trình. Năm
2011, chính quyền Tổng Thống Barack Obama hủy chương trình không gian (phi thuyền
con thoi, thám hiểm mặt trăng và Hỏa Tinh). Phi hành gia Mỹ đi “quá giang” trên
phi thuyền Nga!
Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chương trình không
gian công và tư trở lại với ý tưởng mới, quỹ mới và năng lực mới. Giấc mơ thám
hiểm không gian vẫn còn nguyên vẹn trong thời đại vàng son mới. Kinh tế phồn thịnh,
NASA hồi sinh, quỹ không gian tư đến từ thung lũng điện tử.
Ngày 8 Tháng Mười, 2015, NASA loan báo chương trình
dài hạn gởi phi hành gia lên Hỏa Tinh. Mặt trăng như trạm không gian từ đó bước
chân đi khắp các hành tinh và thiên thạch. Hệ thống hỏa tiễn mới với viên ORION
dự tính bay ngang qua mặt trăng đến năm 2010. Hệ thống không giống phi thuyền
con thoi mà giống hỏa tiễn Saturn V và Apollo chở phi hành đoàn không chở hành
lý.
Orion với phi hành đoàn từ bốn đến sáu người khác với
Apollo chỉ có ba phi hành gia. Tỷ phú Jeff Bezos, công ty Amazon với Blue
Origin chế tạo hỏa tiễn mới, New Shepard (theo tên phi hành gia Alan Sheprd) chở
du khách như du thuyền, phóng lên từ Van Horn Texas, đậu trên mặt trăng bằng
dù. Tổn phí khoảng $200,000 mỗi người. Các hỏa tiễn khác như New Glenn (dựa
theo tên John Glenn) đang được chế tạo và đến New Amstrong mạnh hơn.
Tổng Thống Donald Trump trong bài diễn văn Lễ Độc Lập
Hoa Kỳ 2019 tuyên bố Hoa Kỳ sẽ là người đầu tiên đặt chân lên hỏa tinh. Tỷ phú
Elon Musk (công ty Pay Pal và Tesla) mê điện toán và hỏa tiễn, từ Nam Phi qua
Canada, đến Hoa Kỳ tốt nghiệp Đại Học Stanford năm 1995, với Space X cách mạng
kỹ thuật hỏa tiễn, giảm tốn kém, du hành với Space X Falcon năm 2012. Đầu năm
2017 hỏa tiễn mạnh hơn có thể sử dụng lại sau khi bay, ông Musk dự định bay lên
Mars với phi hành đoàn trước cả NASA. Giấc mơ của Elon Musk là sẽ được chết
trên Hỏa Tinh.
Boeing đang trục trặc vì phi cơ 737 nay đang có hợp
đồng với NASA tạo hỏa tiễn SLS chở 130 tấn trong khi Falcon của Musk chỉ chở 64
tấn nhưng giá Falcon rẻ hơn.
Âu Châu, Nhật, Ấn, Nga, Trung Quốc cũng đang thi đua
phóng phi thuyền lên mặt trăng nhắm đến Hỏa Tinh năm 2040-2060.
Mặt trăng sẽ là căn cứ thám hiểm thường trực của
NASA. Trên mặt trăng đầu thập niên 1990, nước đá đã được tìm thấy một lượng lớn
ở phía Nam. Mặt trăng sẽ như trạm xăng với Oxygen, Hydrogen. Một nhóm ở thung
lũng điện tử nhắm đến khai thác nước đá và các chất đất hiếm và platinium cần
thiết cho kỹ nghệ điện tử tránh được nạn Trung Quốc độc quyền đất hiếm hiện thời
(97% đất hiếm của thế giới).
Năm 1967 Hoa Kỳ và Xô Viết ký hiệp định đồng ý không
để quốc gia nào độc quyền chiếm các thiên thể, hành tinh. Hiệp định vẫn có hiệu
quả nhưng hiệp định không đề cập đến tư nhân làm chủ đất hành tinh. Sống trên mặt
trăng con người phải đối diện với nguy hiểm ung thư vì chất phóng xạ cao. Sống
trên Hỏa Tinh ngoài chất phóng xạ còn bụi bặm, không khí độc CO, áp suất bằng
1% trái đất, nhìn lên Hỏa Tinh đầy bụi đỏ, phi hành gia dễ bị ngộp, máu sôi lên
nhanh hơn trên trái đất. Một ngày Hỏa Tinh bằng một ngày trên trái đất, trọng lực
Hỏa Tinh chỉ bằng 40% trọng lực trái đất, phi hành gia, giống như khi lên mặt
trăng phải thể dục nhiều hơn để bắp thịt không bị teo.
Để tạo ra vườn Eden trên Hỏa Tinh, NASA dùng Utah là
nơi nghiên cứu vì môi trường gần giống để tạo cây cối, sa mạc và súc vật. Phi
hành gia được huấn luyện ở đây với người tình nguyện từ năm 2001.
Chương trình lên Hỏa Tinh là chương trình “hậu sự”
cho nhân loại. Phi thuyền Apollo ngoài hình ảnh mặt trăng được gởi về còn cho
thấy bức hình quý giá về địa cầu xanh biếc với bầu khí quyển và đại dương. Quả
địa cầu xanh biếc ấy có ngày cũng sẽ biến mất. Tất cả rừng, cây, thiên nhiên và
loài người một ngày sẽ biến mất với xác suất 99%. Trái đất đã trải qua năm lần
diệt chủng. Nhân loại đang đối diện với lần diệt chủng thứ 6, núi lửa đang nằm
yên dưới Yellow Stone Park có thể bùng nổ, xé mặt đất, hơi độc bốc đầy khí quyển
con người ngộp thở chết. Sáu triệu rưỡi năm trước, thiên thạch giết loài khủng
long, đá rộng 6 mile rớt xuống Yucatan Mexico phá lủng cả vùng. Đại họa xảy ra
gần như mỗi 700,000 năm.
Bước đến thế kỷ 22 ngoài chương trình lên Hỏa Tinh,
vườn địa đàng trên quả đất cũng cần các kỹ thuật tiến bộ về sinh hóa, thông
minh nhân tạo, Nanotech… giống như phim Star Trek II nếu con người còn đủ nhân
tính để tránh chiến tranh nguyên tử có thể xảy đến cho nhân loại trong thế kỷ
21.
(Việt
Nguyên, theo Stephen Hawking, Michio Kaku và NASA)
No comments:
Post a Comment