Friday 31 January 2014

KHÍ XUÂN HÀ NỘI (Tor Favorik)




Tor Farovik

Phan Ba trích dịch từ “In Buddhas Gärten” ["Trong những vườn hoa của Đức Phật"]
Tháng Một 31, 2014

Hà Nội là thành phố châu Á mà tôi yêu thích nhất. Tôi nghĩ điều này có liên quan tới nhiều việc nhỏ. Với tất cả những cái cửa sổ đó, những hàng lan can và ban công, với những ngõ hẻm chật hẹp và mái ngói rêu phong, những cái sân sau và không biết bao nhiêu là góc nhỏ có hoa hồng đủ mọi màu sắc đang nở rộ. Màu vàng ở đây có nhiều sắc đến mức tôi ngây ngất: vàng đất son, vàng lòng đỏ trứng, vàng mặt trời, vàng chanh, vàng mù tạc, vàng mật ong, vàng hổ phách, …

Hà Nội nằm cạnh bờ sông Hồng từ hơn một ngàn năm nay. Khi người Pháp xông lên đất liền vào năm 1882, họ nhìn thấy một thành phố thương mại với 120.000 người dân. Nhiều nhà là nhà sàn và quay mặt tiền xuống sông nước. Nằm ở phía sau đó là khu phố cổ tiêu biểu với nhà ở, phố mua bán, cửa hàng, dinh thự, đền thờ và tường thành của nó. “Rất đáng tiếc là Hà Nội không giống như ý thích của chúng tôi. Truyền bá văn minh cho sự lộn xộn này sẽ là một công việc cực nhọc”, một sĩ quan người Pháp tường thuật lại. Thủ đô tương lai của Đông Dương thuộc Pháp cần phải phản ánh tầm vóc to lớn của Pháp, “đẹp mắt” và mang lại cho người dân “một ấn tượng quyết định về thanh danh của quyền lực thuộc địa”. Và vì thế mà 36 phố phường của khu phố cổ được phép tiếp tục tồn tại.

Người Pháp đã biến mất, và xe ủi đất đang kêu ầm ầm ở rìa thành phố. Ít ra thì cũng có cái gì đó đang được tiến hành. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là nhiều thứ vẫn không bị động chạm đến. Chắc vì cho tới nay người ta đơn giản là không có tiền để làm mất đi vẻ đẹp của thành phố, cướp đi tính cá nhân của nó và làm cho nó trở thành một thành phố lớn xám xịt, vươn lên trởi cao và hiện đại. Đã xảy ra như thế với Bangkok, Singapore và Hongkong, rồi với Bắc Kinh và Thượng Hải thì như thế nào? Chẳng bao lâu nữa, quá khứ của những thành phố này cũng sẽ bị san phẳng. Nhưng Hà Nội xưa cũ vẫn tuyệt vọng bám chặt vào cuộc sống, và những người già quanh hồ Hoàn Kiếm trông giống như di tích của một thời đã biến mất. Trước lúc mặt trời mọc rất lâu, họ lê bước đi xuyên qua màn sương buổi sớm mai, có những người phải chống gậy, chậm chạp và ngần ngừ, như thể họ chưa từng bước một bước chân đi trước đó. Vài người nhìn trông giống như nhà thơ hay triết gia, với bộ râu dài, mắt kính tròn và ánh mắt xa xôi. Những người khác lại gân guốc và có chân vòng kiềng; ánh mắt của họ minh chứng cho một sự chịu đựng nhiều thập kỷ liển. Họ đã có tham gia trận đánh Điện Biên Phủ không? Họ có đào địa đạo Vịnh Mốc không? Họ có chuyên chở vũ kí và gạo trên con đường mòn Hồ Chí Minh không? Họ có phải là những người đã bắn rơi John McCain không?

Chỉ có một vài nước là phải chịu đựng nhiều hơn Việt Nam. 2000 năm mà trong đó chiến tranh nối tiếp chiến tranh, phần lớn chống Trung Quốc, sau này chống người Pháp và người Mỹ. Hàng triệu người đã bị giết chết, và dọc theo Quốc lộ 1, mạch máu chính của đất nước này, những ngôi mộ nằm kế tiếp nhau bất tận. Nhưng bây giờ hòa bình đã trở lại. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước đã thống nhất, khi những chiếc xe tăng của Bắc Việt Nam phá vỡ hàng rào của dinh Tổng Thống trong Sài Gòn, thủ đô của miền Nam. Vài phút sau đó, ngọn cờ đỏ đã tung bay trên nóc dinh, và trước khi cái ngày đó qua đi, người dân được thông báo rằng bắt đầu ngay từ bây giờ họ sống trong thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng cuộc sống cũng không phải là nhẹ nhàng cả trong hòa bình. Những người không chạy trốn phải dự tính trước với những biện pháp trừng phạt của chính quyền Cộng sản không nhân nhượng. Kinh tế tư nhân bị cấm, hàng triệu cửa hàng nhỏ phải đóng cửa. Cuộc sống trong Sài Gòn, một trong những thành phố sống động nhất ở châu Á, đã lụi tàn hầu như chỉ qua một đêm. Mãi đến năm 1986, sau nhiều năm đói ăn và nghèo nàn, Đảng mới tiến hành một bước ngoặc. Được gợi ý bởi Perestroika của Gorbachev, những người Cộng sản Việt Nam tung ra câu khẩu hiệu riêng của họ, đổi mới.

Hiện giờ, sự đổi mới đã kéo dài hai mươi năm và Việt Nam đang trải qua một mùa Xuân mới. Tăng trưởng kinh tế hiện nay là khoảng 8% và “Honda Dream” đã trở thành hiện thực cho hàng triệu người. Nó tạm thời vẫn còn lăn trên hai bánh, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm hai bánh. Hàng hóa đổ ra trên lề đường từ những lổ hỗng toang hoác trong những dãy nhà. Thời của những bát cơm chỉ đầy phân nữa đã qua rồi, và Nông Đức Mạnh, tổng bí thư của Đảng Cộng sản, tuyên bố rằng Việt Nam đang sắp sửa giải phóng mình ra khỏi thể chế của một nước đang phát triển: “Mục đích của chúng ta là rời bỏi câu lạc bộ của những nước đang phát triển cho tới năm 2010.”

Tất cả những điều đấy nghe có vẻ mang nhiều hứa hẹn. Nhưng những người già nói gì, những người đi dạo trong sương mù buổi sáng? Vài người trong số họ đã ngồi xuống những băng ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm và lặng lẽ nhìn xuống làn nước xanh rêu. Một người già với chiếc mũ bêrê màu xanh và mái tóc bạc dài bắt chuyện với tôi.
“Mời ông ngồi xuống đây! Vâng, cứ ngồi xuống! Ông là người Mỹ à?”
“Không, tôi đến từ Na Uy.”
“Na uy? Dầu và khí đốt!”
Ông ấy đưa danh thiếp của ông ấy cho tôi bằng cả hai tay, lịch sự và hình thức, như thể đấy là một món quà tặng cá nhân. Tôi đã gặp một giáo sư kinh tế về hưu.
“Dầu và khí đốt, dầu và khí đốt. Thời gian tốt đẹp cho Na Uy.”
“Tôi thấy ở đây cũng đang đi lên đấy chứ.”
“Vâng …”, ông ấy ngần ngừ trả lời. “Nhưng ngày xưa có lẽ đã tốt hơn.”
“Khi nào?”
“Trong thế kỷ mười sáu.”
“Trong thế kỷ mười sáu?”

Vào sáng ngày hôm sau, cũng ở băng ghế đó, cũng vào giờ đó. Ông giáo sư đến bằng xe đạp và đã mang theo một quyển sách có một bài thơ 500 năm tuổi. Nó tên là “Phụng thành xuân sắc” và là của Nguyễn Giản Thanh. Ông giáo sư ca ngợi nó hết lời và muốn đọc cho tôi nghe bằng tiếng Việt, rồi bằng tiếng Pháp.

Ngao từ chia cực
Phụng đã xây thành,
Sum một chốn y quan lễ nhạc,
Vầy một nơi văn vật thanh danh.
Trời đượm khí xuân, sắc tươi tốt khắp hòa thế giới,
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột thần kinh.

Bài thơ gồm nhiều đoạn mà cuối cùng chấm dứt bằng:
Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức.

“Thế kỷ mười sáu là thời kỳ rực rỡ của chúng tôi”, ông giáo sư nói, sau khi gập quyển sách lại.
Rồi ông ấy bắt đầu kể cho tôi nghe về triều Lê, kéo dài 360 năm, từ 1428 đến 1788. Lê Lợi, người thành lập triều đại này, dẫn đầu những nhóm kháng chiến Việt Nam, sau khi phần phía Bắc của đất nước bị một đạo quân Trung Quốc chiếm đóng. Vào thời này, triều Minh đang cai trị ở Trung Quốc, và vị hoàng đế xem đấy như là nhiệm vụ thiêng  liêng của ông ấy, khai hóa cho người Việt man rợ.

Cả một thời gian dài trông có vẻ như đạo quân xâm lược Trung Quốc sẽ chiến thắng, thế nhưng rồi có một điều kỳ diệu đã xảy ra: từ ở dưới cái hồ đang ở trước mặt của chúng tôi bất thình lình có một con rùa vàng nổi lên và giao cho Lê Lợi một thanh kiếm thần. Thanh kiếm này mang lại cho người Việt sức mạnh tới mức để họ có thể đuổi người Trung Quốc ra khỏi nước. Khi chiến tranh đã qua đi, vị hoàng đế bơi thuyền ra hồ với thanh kiếm. Con rùa lại nổi lên mặt nước, lấy thanh kiếm và biến mất dưới làm nước sâu. Một huyền thoại thật mạnh mẽ mà vị giáo sư đã mô tả nó sinh động giống như ông ấy đã nhìn thấy mọi việc bằng chính mắt mình.

“Hoàn Kiếm”, ông ấy giải thích cho tôi, có nghĩa là hồ của thanh kiếm được hoàn trả lại.” Sau một vài giây, ông ấy thêm vào đấy: “Tất nhiên, bây giờ thì chúng tôi sống không tệ, nhưng lẽ ra là còn có thể tốt hơn nhiều lắm.”

“Cần phải thay đổi điều gì?”

“Những người tài ở chỗ chúng tôi thì không có ảnh hưởng. Những người lính là để đánh trận, những người tài là để lãnh đạo đất nước. Ông có hiểu không?”

Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, các vị trí quan trọng thường được các anh hùng của cuộc cách mạng chiếm giữ. Nhưng họ không được đào tạo chuyên môn tốt, và phần lớn trong số họ chẳng hiểu biết gì về quản lý hay kinh tế cả. Vì thế mà các chính phủ đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Những nghị quyết Đảng được nhất trí thông qua không hề quan tâm đến các quy tắc cơ bản về kinh tế, trong khi người dân phải thực hiện những điều kỳ diệu thật sự. Phần lớn giới tinh hoa được xem là không phù hợp chính trị và đã vào tù hay vào trại cải tạo.

Tor Farovik, sinh năm 1948 ở Leka, Na Uy, là tác giả, sử gia và nhà báo. Ông có trên 25 năm kinh nghiệm làm báo ở nước ngoài và ngoài những việc khác là thông tín viên nước ngoài cho Đài truyền hình Na Uy. Ông đã được tặng thưởng Giải Văn học Brage cho quyển Ấn Độ và ngàn gương mặt của đất nước này, năm 2003, một lần nữa ông được tặng giải thưởng này cho quyển du ký về Trung Quốc.

Đọc những bài khác về Việt Nam ở trang Quê hương Việt Nam




No comments:

Post a Comment

View My Stats