11/30/2013 11:26:00 AM
Chính quyền cộng sản nước ta mới được vào ngồi trong
Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc; mặc dù cả thế giới biết họ vẫn liên tục vi
phạm tất cả những quyền làm người trong những năm qua. Nhưng khi biết các chính
quyền cộng sản độc tài ở Cu Ba, Trung Quốc cũng được vào ngồi trong đó, thì
chúng ta có thể hiểu.
Theo quy tắc của Liên Hiệp Quốc, Châu Á được cử 13
nước vào trong hội đồng gồm 47 nước, các nước Á Châu cứ thế thay phiên nhau,
mua bán và trao đổi lá phiếu với nhau, chính quyền nước nào cũng đến lượt được
vô ngồi trong hội đồng này, sau khi đã ký giấy cam kết sẽ thi hành các điều
khoản trong những tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
Vì vậy, nhiều người Việt trong nước thấy đây là một
cơ hội để công khai đòi hỏi chính quyền cộng sản phải tôn trọng quyền làm
người, thực hiện đúng các điều họ đã cam kết. Tại Sài Gòn, một nhóm 40 nhà trí
thức đã ký kiến nghị yêu cầu thành lập những hội đồng để thúc đẩy nhân quyền
(*). Ngoài những tên tuổi quen thuộc hay
ký tên trong các bản tuyên bố, có nhiều người tư cách đáng kính trọng mà ít khi
thấy ký kiến nghị, như nhà báo Huy Ðức và Giáo Sư Ðào Công Tiến. Họ đề nghị hãy
lập những “hội đồng nhân quyền,” lập ngay trong guồng máy nhà nước, trong các
tổ chức được nhà nước bảo trợ hoặc cho phép. Ðặc biệt họ còn đề nghị tổ chức
những nhóm bảo vệ nhân quyền của nhân dân nữa. Họ muốn các nhóm đó sẽ lo phổ
biến, truyền đạt kiến thức, tổ chức hội thảo về nhân quyền cho dân Việt Nam
hiểu; đồng thời, “cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân
quyền tại Việt Nam, dựa vào “14 điều cam kết” mà chính quyền đã ký kết khi nộp
đơn ứng cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền. Ðây là một ý kiến đáng hoan nghênh; nếu nó
được thực hiện mà không để chìm vào quên lãng như bao nhiêu sáng kiến đã đưa ra
trong mấy năm qua.
Nhưng
một nhóm phụ nữ Việt Nam còn tiến bộ hơn 40 nhà trí thức ở Sài Gòn. Họ không viết kiến nghị xin cho tổ chức những nhóm bảo vệ nhân quyền.
Chính họ đứng lên tổ chức lấy; 34 người họp lại, tự đặt lấy danh hiệu là Phụ Nữ
Nhân Quyền Việt Nam!
Những vị trong nhóm 40 nhà trí thức có tên tuổi đã
làm kiến nghị trên đây chắc chắn phải hoan nghênh sáng kiến mới này. Phải hoan
nghênh ngay lập tức và ủng hộ hết mình. Bởi vì khi đề nghị tổ chức những nhóm
bảo vệ nhân quyền của nhân dân, thì chính họ cũng là nhân dân, chứ có ai không
phải là nhân dân đâu? Toàn là những người đã trưởng thành, có trí tuệ và tin
tưởng vào giá trị của những quyền con người; chính mình là nhân dân. Tự mình tổ
chức được thì tại sao phải xin ai cho phép, hay chờ coi có ai làm giúp cho mình?
Hồi còn sống, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ đã nói một câu đầy ý nghĩa, rằng người dân
không thể xin ai ban cho tự do dân chủ mà phải tranh đấu đòi tự do dân chủ. Ông
Nguyễn Hữu Thọ hồi đó chỉ nói mà không thấy làm gì. Ông đang làm phó chủ tịch
nhà nước, tức là làm quan chứ không còn làm dân nữa; cho nên ông chỉ cổ động
người khác thôi. Bây giờ chính các bà, các cô trong nhóm Phụ Nữ Nhân Quyền Việt
Nam đang thực hiện câu nói của ông Thọ.
Cô
Huỳnh Thục Vy là một trong chín người đầu tiên vận động thành lập
Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Cô nói rằng những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền
trong nước luôn đóng vai thụ động, bị động trước những việc đàn áp của chính
quyền. “Từ nay, chị em chúng tôi muốn chủ động.” Rất nhiều người đã tự đóng vai
chủ động trong việc bảo vệ quyền làm người của họ, trong đó có hai phụ nữ nữa.
Mẹ con Bà Phạm Thị Lài đã khỏa thân để ra đứng giữa mảnh đất đang bị
chính quyền cướp chiếm giao cho nhà đầu tư khai thác. Họ đau đớn sau khi chồng
bà phải tự tử vì không giữ được mảnh đất sinh nhai. Bà Ðặng Thị Kim Liêng
đã tự thiêu khi quyền sống, quyền cư trú bị xâm phạm chỉ vì cô con gái bà là Tạ
Phong Tần chống Trung Cộng xâm lăng và bị đàn áp. Ông Ðoàn Văn Vươn tự
mình bảo vệ đất đai và công lý cho gia đình mình, dù phải bạo động, khi bị đám
tham quan chiếm đoạt. Các bà Phạm Thị Lài, Ðặng Thị Kim Liêng không có khả năng
dùng chất nổ, nhưng họ chứng tỏ tinh thần bất khuất không khác gì. Nếu tất cả
mọi người dân Việt Nam đều can đảm, không chịu khuất phục như hai bà, thì chắc
chắn nước ta không lo sẽ bị nước láng giếng phương Bắc bắt nạt mãi.
Người Việt Nam không quên rằng những cuộc khởi nghĩa
đầu tiên “chống Trung Quốc xâm lược” đều do phụ nữ lãnh đạo. Hai Bà Trưng ở Mê
Linh cầm đầu cuộc dấy binh kéo theo 65 thành cùng nổi dậy chống quân Hán. Hai
thế kỷ sau, bà Triệu Thị Trinh ở Cửu Chân được quân và dân suy tôn là Bà Vua,
lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Hai Bà Trưng và Bà Triệu là những phụ
nữ dưới 30 tuổi; riêng Bà Triệu tuổi mới ngoài 20. Các cô Huỳnh Thục Vy, Lê
Thị Công Nhân, Trịnh Kim Tiến cũng bắt đầu biết tranh đấu cho quyền làm
người vào lớp tuổi đó. Các nữ tướng của Hai Bà Trưng ngày nay còn được dân thờ
làm thần trong các làng, thần phả ghi lại sự tích cho biết đa số họ còn trẻ
dưới 20 tuổi; trẻ hơn cả cô Nguyễn Phương Uyên.
Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào vai trò đứng
đầu sóng ngọn gió của 35 người phụ nữ mới thành lập Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam.
Họ đủ trí sáng suốt, thông minh, và thừa can đảm để lãnh đạo công cuộc tranh
đấu cho quyền làm người của dân Việt Nam.
Bà
Dương Thị Tân, vợ của nhà báo tự do Ðiếu Cày đang bị tù, đã nhắn
với các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc, qua một nhân viên Tòa Ðại Sứ Úc tại Hà
Nội, bà nói rằng: “Quý vị biết Việt Nam có một hồ
sơ nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội Ðồng Nhân
Quyền Liên Hiệp Quốc thì quý vị phải chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Từ
nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt Nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt
Nam, bị sách nhiễu hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội Ðồng Nhân
Quyền Liên Hiệp Quốc.” Câu nói này cần được dịch sang đủ các ngôn
ngữ trên thế giới để phổ biến.
Cô Huỳnh Thục Vy biết sẽ phải vận dụng các phương
pháp đấu tranh như thế nào. Trước hết là phải quảng bá cho thế giới biết tổ
chức mới này. Cô nói: “Chúng tôi đã có những
kênh liên lạc cần thiết với các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ Nhân quyền
quốc tế, với các tòa đại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với giới truyền
thông và các nhà ngoại giao là việc vô cùng quan trọng.” Vận động ngoại
giao quan trọng thật. Bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam không sợ dân chúng
mà chỉ sợ dư luận thế giới tạo áp lực cắt bớt viện trợ hoặc đầu tư. Dùng công
an chó săn đánh đập, bắt bớ người dân thì dễ, nhưng không thể đánh hay bắt
những người cho tiền hoặc đem tiền đến nước ta làm ăn! Nếu thiếu viện trợ và bị
giới đầu tư tẩy chay thì công cuộc kiếm tiền, làm giầu cho gia đình các quan
chức sẽ bị đình trệ!
Khác với 40 nhà trí thức Sài Gòn chỉ
viết kiến nghị xin lập ra các hội đồng nhân quyền mà không nói rõ các hội đồng
này phải làm gì nếu chính quyền không tôn trọng quyền làm người của dân; 35 phụ
nữ biết công việc của họ là phải làm gì. Và họ nêu lên những việc rất cụ thể và
hữu ích.
Cô Huỳnh Thục Vy nói đến những việc làm như: “Trợ
giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người bị đàn áp là việc tiếp theo.
Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các
nhà ngoại giao các quốc gia tự do tạo áp lực chính quyền trả tự do cho người bị
bắt.”
Những công việc trên đây là việc chung của tất cả
mọi người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Cộng sản ở bên Nga,
bên Tàu đều phải hỗ trợ những nhà tranh đấu đòi dân chủ tự do ở trong nước và
gia đình họ. Phải tạo dư luận trên trường ngoại giao khắp thế giới để đòi chính
quyền cộng sản tôn trọng những điều họ cam kết khi xin vào ngồi trong Hội Ðồng
Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Vì
vậy, chúng ta cần nhiệt liệt hưởng ứng những người đang đi tiên phong, Phụ Nữ
Nhân Quyền Việt Nam. Họ là những bà Aung San Suu Kyi của nước Việt Nam.
----------------