Robert D.
Kaplan (2010).
“The Geography of Chinese Power: How Far Can Beijing Reach on Land and at
Sea”. Foreign Affairs, Vol. 89, No. 3 (May/June), pp. 22-41. >>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 30/06/2013
Download: Yeu
to dia ly cua quyen luc TQ.pdf
Năm 1904, nhà địa lý người Anh, Sir Halford Mackinder đã
kết thúc bài viết nổi tiếng “The Geographical Pivot of History” [“Trục địa lý
của lịch sử”] của mình bằng một liên hệ đáng ngại về trường hợp Trung Quốc. Sau
khi giải thích tại sao lục địa Á-Âu chính là trục địa chiến lược của quyền lực
thế giới, ông đã cho rằng Trung Quốc, một khi mở rộng sức mạnh của mình vượt ra
ngoài biên giới, “có thể tạo thành mối hiểm họa da vàng cho tự do của thế giới,
đơn giản vì Trung Quốc sẽ có thêm một vùng đại dương bổ sung cho nguồn tài
nguyên của lục địa rộng lớn, một lợi thế mà nước Nga không may mắn có được
trong khu vực trụ cột này.”
Tạm gác lại giọng điệu phân biệt chủng tộc, vốn khá phổ
biến trong thời kỳ đó, và cũng chưa xét đến sự hoảng loạn thường thấy mỗi khi đụng
chạm đến sự trỗi dậy của một cường quốc ngoài phương Tây, Mackinder đã nêu ra
một lập luận hợp lý: Trong khi nước Nga, một người khổng lồ khác trên lục địa
Á-Âu, xét về cơ bản đã, và vẫn đang, là một cường quốc trên đất liền với một
mặt giáp đại dương bị băng đá Bắc Cực rào chặn, thì Trung Quốc với đường bờ
biển ôn đới 9,000 dặm, nhiều cảng biển tự nhiên thuận lợi, lại là một cường
quốc lục địa lẫn hải dương. (Thực ra, trong tác phẩm của mình, Mackinder đã lo
ngại Trung Quốc một ngày nào đó sẽ thôn tính cả nước Nga). Tầm với của Trung
Quốc trải dài từ vùng Trung Á giàu khoáng sản và khí đốt đến những tuyến đường
hàng hải trên Thái Bình Dương. Sau này, trong cuốn “Democratic Ideals and
Reality” [Các lý tưởng và thực tế dân chủ], Mackinder đã dự đoán cùng với
Mỹ và Vương quốc Anh, Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn dắt thế giới bằng việc “xây
dựng một nền văn minh mới cho một phần tư nhân loại, không thực sự phương Đông,
cũng không giống phương Tây.”
Vị trí đắc địa của Trung Quốc là một lợi thế rõ ràng và
hiển nhiên đến nỗi nó thường bị bỏ qua trong những thảo luận về sự bùng nổ kinh
tế hay cách hành xử quyết liệt của quốc gia này. Nhưng yếu tố này thực sự rất
quan trọng: nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn án ngữ ở vị trí trục
trung tâm địa chính trị ngay cả khi con đường tiến lên vị thế cường quốc toàn
cầu của nước này không hoàn toàn suôn sẻ. (Chỉ số tăng trưởng GDP của Trung
Quốc vẫn đều đặn ở mức hơn 10% mỗi năm trong suốt hơn 30 năm qua, nhưng mức
tăng này chắc chắn khó có thể duy trì thêm trong 30 năm nữa.) Trung Quốc là sự
pha trộn giữa tính hiện đại hết mực mang phong cách phương Tây với một “nền văn
minh thủy lợi” (“hydraulic civilization” – một thuật ngữ do nhà sử học Karl
Wittogel đề ra, dùng để mô tả những xã hội thực hiện việc quản lý tập trung nguồn
nước tưới tiêu nông nghiệp)[1], gợi cho ta nhớ đến phương Đông cổ xưa, thời chế độ cai trị
nhờ có trong tay quyền lực tập trung có thể tuyển mộ hàng vạn dân phu xây dựng
các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chính điều này đã tạo cho Trung Quốc khả năng tăng
trưởng không ngừng nghỉ mà tất cả các nền dân chủ, với bản tính hay trì hoãn
trong các quyết định, đều không thể làm được. Khi các nhà lãnh đạo mang danh
nghĩa Cộng sản của Trung Quốc, những người kế tục di sản của 25 vương triều
trong 4.000 năm lịch sử, tiếp thu công nghệ và thực tiễn phương Tây, họ đã đưa
chúng vào một hệ thống văn hóa tinh vi và quy củ, vốn từng có nhiều kinh nghiệm
độc đáo khác nhau, trong đó có việc thiết lập các mối quan hệ mẫu quốc-chư hầu
với các quốc gia khác. Như lời của một quan chức Singapore từng nói với tôi hồi
đầu năm: “Người Trung Quốc quyến rũ anh khi họ muốn, bóp nghẹt anh khi họ cần,
và họ làm vậy một cách có hệ thống.”
Động lực trong nước của Trung Quốc làm nảy sinh những
tham vọng với thế giới bên ngoài. Các đế quốc hiếm khi xuất hiện theo dự tính
chủ quan mà thường từng bước phát triển một cách tự nhiên. Khi một quốc gia lớn
mạnh, họ sẽ nảy sinh những nhu cầu và, nghe có vẻ phi lý, là cả những nỗi sợ
hãi mới, những thứ sẽ khiến họ buộc phải bành trướng dưới nhiều hình thức. Ví
dụ như nước Mỹ, ngay cả khi chịu sự lãnh đạo của những vị tổng thống kém cỏi
nhất như Rutherford Hayes, James Garfield, Chester Arthur, Benjamin Harrison,
thì nền kinh tế nước này những năm cuối thế kỷ XIX vẫn âm thầm tăng trưởng đều
đặn. Khi có quan hệ thương mại ngày càng gắn kết với thế giới bên ngoài, Mỹ dần
phát triển những lợi ích kinh tế và chiến lược phức tạp ở những vùng đất xa
xôi. Và không ít lần, những lợi ích tại các khu vực như Nam Mỹ hay Thái Bình
Dương đã trở thành cái cớ để triển khai các hành động quân sự. Trong giai đoạn
này, Mỹ cũng bắt đầu tập trung ra thế giới bên ngoài khi các vấn đề trong nước
đã được củng cố; trận đánh lớn cuối cùng trong các cuộc Chiến tranh với người
da đỏ thực tế đã diễn ra năm 1890.
Trung Quốc ngày nay cũng đang củng cố các đường biên giới
trên đất liền và bắt đầu chuyển hướng ra bên ngoài. Những tham vọng trong chính
sách đối ngoại của Trung Quốc quyết liệt không kém của Mỹ hơn một thế kỷ trước,
nhưng lại có mục tiêu hoàn toàn khác. Trung Quốc không mang trên vai sứ mệnh
truyền bá giá trị nào khi đến với thế giới, không tìm cách phổ cập bất kỳ hệ tư
tưởng hay chế độ chính quyền nào. Thúc đẩy giá trị đạo đức trong các vấn đề
quốc tế là mục tiêu của người Mỹ, không phải của Trung Quốc. Bánh lái cho những
hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài chính là nhu cầu quốc gia về năng lượng,
quặng kim loại, và những khoảng sản chiến lược giúp đảm bảo mức sống đang ngày
một cao của một số dân khổng lồ, chiếm khoảng một phần năm tổng dân số toàn cầu
của nước này.
Để hoàn thành trọng trách này, Trung Quốc đã thiết lập
các mối quan hệ có lợi với các láng giềng xung quanh cũng như những vùng đất xa
xôi, giàu tài nguyên cần thiết để tiếp năng lượng cho sức phát triển trong
nước. Do luôn đặt lợi ích quốc gia cốt lõi – ở đây là sự tồn tại của nền kinh
tế – làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động ở nước ngoài, Trung Quốc có thể được coi
là một cường quốc thực dụng cực đoan. Người Trung Quốc tìm mọi cách tăng cường
hiện diện trên khắp các khu vực tại Châu Phi – những nơi được thiên nhiên ban
tặng nguồn dầu mỏ và khoáng sản trù phú; luôn muốn đảm bảo quyền tiếp cận các
bến cảng trên khắp Ấn Độ Dương và Biển Đông – những vùng biển kết nối thế giới
Ả rập giàu khí đốt với bờ biển Trung Quốc. Không quá kén chọn, Bắc Kinh cũng
chẳng quan tâm đến chế độ mình đang tham gia hợp tác thuộc loại nào. Điều nước này
cần là tính ổn định, không phải đạo đức như tiêu chuẩn của phương Tây. Và trong
các chế độ đó, có một số nước – như Iran, Myanmar và Sudan – đang bị cô lập và
cai trị bởi chế độ chuyên chế. Điều này đã khiến Trung Quốc, trong cuộc săn
lùng tài nguyên trên toàn thế giới, vấp phải xung đột với nước Mỹ vốn có xu
hướng truyền bá giá trị, cũng như với những quốc gia có vùng ảnh hưởng bị Trung
Quốc vô tình đụng chạm như Ấn Độ và Nga.
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là mối nguy hiểm cho sự
sống còn của các quốc gia này. Khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Trung Quốc và
Mỹ vẫn còn xa vời, và Trung Quốc chưa thể là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối
với Mỹ. Không kể đến những vấn đề như nợ, thương mại hay khí hậu ấm lên toàn
cầu…, thách thức Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ chủ yếu là về mặt địa lý. Vùng
ảnh hưởng của Trung Quốc đang dần mở rộng ở lục địa Á – Âu và Châu Phi, dù
không mang tính chất đế quốc thời thế kỷ XIX nhưng lại theo cách tinh vi hơn,
phù hợp hơn với thời đại toàn cầu hóa. Đơn giản chỉ bằng cách bảo đảm nhu cầu
kinh tế trong nước, Trung Quốc đang dần xoay chuyển cân bằng quyền lực trên
Đông bán cầu, và điều này hẳn phải khiến Mỹ hết sức quan ngại. Sẵn có vị trí
thuận lợi, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng cả trên đất liền và trên biển, từ
vùng Trung Á đến Biển Đông, từ vùng Viễn đông Nga xuống Ấn Độ Dương. Trung Quốc
là một cường quốc lục địa đang vươn dậy, và, như câu nói nổi tiếng của
Napoleon, các chính sách của các quốc gia như vậy bắt nguồn từ chính những đặc
điểm địa lý của chúng.
Hội chứng biên giới nhạy cảm
Tân Cương và Tây Tạng là hai khu vực chính trong lãnh thổ
Trung Quốc nơi cư dân bản địa luôn kháng cự sức ảnh hưởng của văn hóa Trung
Hoa. Điều này khiến hai vùng đất này trở thành tài sản mang tính đế quốc của
Bắc Kinh. Thêm vào đó, những căng thẳng sắc tộc tại những khu vực này đang làm
phức tạp hóa quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước lân cận.
“Tân Cương”, tên của tỉnh cực Tây của Trung Quốc, có
nghĩa là “biên cương mới”, dùng để chỉ vùng Turkestan rộng lớn với diện tích
gấp đôi bang Texas (Mỹ) và nằm cách xa khu lục địa trung tâm của Trung Quốc qua
Sa mạc Gobi. Trung Quốc đã là một nhà nước dưới hình thức này hay hình thức
khác từ hàng ngàn năm năm nay, nhưng chỉ đến cuối thế kỷ XIX thì Tân Cương mới
chính thức trở thành một phần của nhà nước đó. Kể từ đó, lịch sử của tỉnh này
đã “luôn chìm trong bất ổn” như lời mô tả của nhà ngoại giao người Anh Sir
Fitzroy Maclean, với những cuộc nổi loạn và nhiều giai đoạn tự trị độc lập ngắt
quãng cho tới những năm 1940. Đến năm 1949, Quân đội Giải phóng Nhân dân của
Mao Trạch Đông đã tiến vào Tân Cương, dùng vũ lực để sáp nhập tỉnh này với phần
còn lại của Trung Quốc. Nhưng trong thời gian gần đây, điển hình vào năm 1990
và một lần nữa là vào năm 2009, tộc người Uighur (Duy Ngô Nhĩ), hậu duệ của
người Turk từng thống trị Mông Cổ trong thế kỷ VII-VIII, đã nổi dậy chống lại
chính quyền Bắc Kinh.
Dân tộc Uighur có khoảng tám triệu người, chưa bằng 1%
dân số Trung Quốc, nhưng chiếm tới 45% số dân tỉnh Tân Cương. Người Hán với số
lượng áp đảo trên cả nước sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng đất thấp tại
khu vực trung tâm và vùng duyên hải ven Thái Bình Dương, trong khi những cao
nguyên khô cằn hơn ở phía Tây và Tây Nam là nơi trú ngụ lâu đời của dân tộc
thiểu số Uighur và Tây Tạng. Sự phân bố dân cư này vẫn luôn là nguồn gốc cho
những căng thẳng, bởi trong mắt Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc hiện nay cần
phải áp đặt quyền thống trị tuyệt đối lên các khu vực cao nguyên này. Để giữ
được những khu vực này, và cả nguồn dầu mỏ, khí đốt, quặng đồng và sắt dưới lòng
đất tại đây, trong nhiều thập kỷ Bắc Kinh đã đưa người Hán di cư từ khu trung
tâm sang sống cùng người bản địa. Chính quyền cũng lôi kéo quyết liệt những
nước cộng hòa độc lập của người Turk xung quanh trong khu vực Trung Á, một phần
nhằm tách biệt người Uighur Tân Cương khỏi mọi nguồn hậu thuẫn khả dĩ.
Bắc Kinh còn lôi kéo các chính phủ Trung Á với mục đích
mở rộng vùng ảnh hưởng của mình; dù biên giới Trung Quốc đã ăn sâu vào trong
lục địa Á-Âu, nhưng vẫn chưa đủ so với cơn khát tài nguyên thiên nhiên của nước
này. Thế lực của Bắc Kinh tại Trung Á thể hiện ở hai đường ống dẫn lớn sắp hoàn
thiện nối đến Tân Cương: một dùng để vận chuyển dầu mỏ từ Biển Caspi chạy dọc
qua Kazakhstan, ống còn lại để chuyển khí đốt từ Turkmenistan bắc qua
Uzbekistan và Kazakhstan. Cơn khát các nguồn tài nguyên thiên nhiên còn đồng
nghĩa với việc Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp những rủi ro lớn để bảo vệ chúng.
Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác đồng ở Nam Kabul, nằm ngay bên trong
Afghanistan đầy khói lửa, và đang để mắt tới những mỏ sắt, vàng, uranium và
những loại đá quý khác (khu vực này sở hữu một vài khu mỏ cuối cùng chưa được
khai thác của thế giới). Bắc Kinh cũng có ý định xây dựng tuyến đường bộ và ống
dẫn năng lượng xuyên Afghanistan và Pakistan, từ đó kết nối vùng ảnh hưởng đang
ngày càng mở rộng ở Trung Á với những cảng biển trên Ấn Độ Dương. Điều kiện địa
lý chiến lược của Trung Quốc sẽ được củng cố nếu Mỹ ổn định được Afghanistan.
Giống như Tân Cương, Tây Tạng có vị trí hết sức quan
trọng trong nhận thức lãnh thổ của Trung Quốc, khu vực này cũng có ảnh hưởng
không nhỏ đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Vùng cao nguyên Tây Tạng, với
địa hình đồi núi, giàu quặng đồng và sắt, chiếm một diện tích lớn lãnh thổ
Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh luôn sợ hãi viễn cảnh về
một Tây Tạng tự trị, chưa nói đến độc lập, và cũng là lý do chính quyền vội
vàng cho xây dựng đường sá và các tuyến đường sắt trên khắp khu vực. Nếu không
sở hữu Tây Tạng, Trung Quốc sẽ chỉ còn là một quốc gia nhỏ bé với phần diện
tích còn lại không đáng kể, còn Ấn Độ có thể bổ sung thêm một vùng phía bắc vào
cơ sở quyền lực lục địa của mình.
Với hơn một tỷ dân, Ấn Độ như một hàng rào vững chắc, án
ngữ một vùng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á. Điều này đã được chỉ rõ trong
tấm bản đồ “Đại Trung Hoa” trong cuốn “The Grand Chessboard” [Bàn cờ lớn] của
Zbigniew Brzezinski năm 1997. Ở một mức độ nào đó, yếu tố địa lý đã sắp đặt
Trung Quốc và Ấn Độ trở thành kỳ phùng địch thủ: là láng giềng kề cận với dân
số khổng lồ, cùng sở hữu nền văn hóa phong phú lâu đời, và đều có tranh chấp
tuyên bố chủ quyền (điển hình như khu vực Arunachal Pradesh [Nam Tây Tạng] của
Ấn Độ). Vấn đề Tây Tạng chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Ấn Độ đang cho phép chính
quyền lưu vong của Đạt Lai Lạt Ma tị nạn từ năm 1957, và theo như Daniel
Twining, ủy viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund), những
căng thẳng biên giới Ấn-Trung gần đây có thể “liên quan đến những lo ngại của
Bắc Kinh về vấn đề kế tục Đạt Lai Lạt Ma”. Vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo có khả
năng đến từ vùng vành đai văn hóa Tây Tạng, khu vực trải dài từ miền Bắc Ấn Độ,
Nepal đến Bhutan. Do đó ông có khả năng sẽ ủng hộ Ấn Độ và chống Trung Quốc
(thân Ấn bài Trung) mạnh mẽ hơn. Trong tương lai, “cuộc chơi lớn” giữa Trung
Quốc và Ấn Độ sẽ không chỉ diễn ra những khu vực này mà còn ở Bangladesh và Sri
Lanka. Vị trí địa lý của Tân Cương và Tây Tạng rơi vào trong đường biên giới
hợp pháp của Trung Quốc, nhưng dựa trên mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa chính
quyền trung ương với người bản xứ ở hai tỉnh, có thể thấy Bắc Kinh chắc chắn sẽ
không tránh khỏi thái độ chống đối khi mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài phạm
vi các khu vực nơi có người Hán chiếm đa số.
Kiểm soát từng bước
Ngay cả khi đã củng cố vùng biên cương, hình dáng của
Trung Quốc vẫn mang nét chưa được hoàn thiện và dễ bị tổn thương, như thể ai đó
đã cắt xén vài phần lãnh thổ của Đại Trung Hoa xưa kia. Đường biên giới phía
bắc của Trung Quốc bao quanh Mông Cổ, một vùng đất đai khổng lồ như từng bị xé
ra khỏi cái lưng của Trung Quốc. Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất
thế giới và giờ đây đang bị nền văn minh đô thị của người láng giềng Trung Quốc
đe dọa về mặt nhân khẩu. Từng một lần xâm chiếm thành công Ngoại Mông để dọn
đường tiến vào vùng đất trù phú, Bắc Kinh hiện nay đã sẵn sàng chờ thời cơ để
quay lại chinh phục Mông Cổ lần nữa, theo một cách khác, để thỏa cơn khát dầu
mỏ, than đá, uranium và cả những đồng cỏ hoang vu và màu mỡ. Các công ty khai
khoáng của Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm cổ phần lớn trong những tài sản dưới
lòng đất của Mông Cổ. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa thiếu kiểm soát
đã biến Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu thế giới của các mặt
hàng như aluminum, đồng, chì, niken, kẽm và quặng sắt, với mức tiêu thụ tăng từ
10% lên đến 25% thị phần kim loại thế giới kể từ cuối những năm 1990. Với Tây
Tạng, Ma Cao và Hong Kong đã nằm trong tay chính quyền trung ương, những giao
dịch của nước này với Mông Cổ sẽ trở thành thước đo để đánh giá mức độ của tham
vọng đế quốc mà Bắc Kinh đang nung nấu.
Nằm ở phía bắc Mông Cổ và giáp ranh với ba tỉnh đông bắc
Trung Quốc là khu vực Viễn Đông của Nga, vùng đất hoang vu, băng giá, có diện
tích gấp đôi Châu Âu trong khi dân cư ngày một thưa thớt. Nước Nga mở rộng biên
giới của mình đến khu vực này từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, giai đoạn Trung
Quốc còn đang suy yếu. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã trở thành cường quốc, còn ở
phía Nga, không đâu trên lãnh thổ quốc gia, quyền lực của chính quyền lại yếu
như ở một phần ba lãnh thổ nằm ở phía đông này. Ở ngay bên kia biên giới của
chưa đến 7 triệu người Nga vùng Viễn Đông (thậm chí đến năm 2015 có thể giảm
xuống còn 4.5 triệu) là hơn 100 triệu dân của ba tỉnh tiếp giáp của Trung Quốc,
nghĩa là mật độ dân số ở phía Trung Quốc cao gấp 62 lần so với phía Nga. Dòng
di dân từ Trung Quốc vẫn đang đổ sang Nga, định cư đông đúc ở thành phố trung
tâm Chita, phía Bắc Mông Cổ, và sống rải rác ở những nơi khác trong vùng. Tìm
kiếm tài nguyên là mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại Trung Quốc khắp
mọi nơi, trong khi đó vùng Viễn Đông thưa thớt của Nga lại đang sở hữu những mỏ
khí đốt, dầu mỏ, gỗ, kim cương và vàng. David Blair, phóng viên thường trú cho
tờ Daily Telegraph của London trong bài viết gần đây đã cho biết “Moscow
đang hết sức cảnh giác với số lượng lớn những người di cư Trung Quốc đổ vào khu
vực này, mang theo những công ty khai thác khoáng sản và gỗ”.
Cũng như với Mông Cổ, nỗi sợ của người Nga không phải là
một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa quân xâm lược hoặc chính thức thôn tính vùng
Viễn Đông Nga, mà là quyền lực kiểm soát của Bắc Kinh về dân cư và doanh nghiệp
đang từng bước lặng lẽ bao phủ khu vực này (trong lịch sử, Trung Quốc đã từng
có thời gian ngắn nắm giữ quyền lực tại đây trong thời kỳ nhà Thanh). Trong
thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do những tranh chấp biên giới giữa Liên Xô và Trung
Quốc, hàng trăm ngàn binh lính đã được đưa đến vùng Siberi xa xôi này và đã có
lúc cuộc đối đầu bị đẩy đến mức xung đột nóng. Đến cuối thập niên 1960, những
căng thẳng này đã làm rạn vỡ quan hệ Xô-Trung. Yếu tố địa lý gần kề có thể gây
chia rẽ Trung Quốc và Nga, bởi quan hệ đồng minh hiện nay giữa hai bên chỉ đơn
thuần bắt nguồn từ những tính toán sách lược. Điều này có thể có lợi cho Mỹ.
Vào những năm 1970, chính quyền Nixon đã từng lợi dụng mối bất hòa giữa Bắc
Kinh và Moscow để đặt quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Trong tương lai, khi
Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn hơn, sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ bắt tay
với Nga thành một khối đồng minh chiến lược nhằm tạo thế cân bằng với “Vương
quốc trung tâm”.
Phương Nam hứa hẹn
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang dần lan rộng xuống
phía Đông Nam. Thực ra, do các quốc gia Đông Nam Á đều không mạnh nên đây là
khu vực kháng cự yếu nhất trước sự trỗi dậy của một Đại Trung Hoa. Về địa lý,
Trung Quốc gần như không gặp cản trở nào với Việt Nam, Lào, Thái Lan và
Myanmar. Trung tâm ảnh hưởng tự nhiên của vùng Sông Mekong, nơi kết nối tất cả
các nước Đông Dương bằng đường bộ và đường sông, là Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân
Nam của Trung Quốc.
Quốc gia có diện tích lớn nhất trên vùng lục địa của Đông
Nam Á là Myanmar. Nếu như Pakistan được ví là Balkans của Châu Á do luôn có
nguy cơ bị chia cắt lãnh thổ, thì Myanmar lại giống như nước Bỉ thời đầu thế kỷ
XX khi luôn đứng trước mối đe dọa xâm lược từ những nước láng giếng hùng mạnh
hơn. Giống như Mông Cổ, miền Viễn Đông Nga và những vùng lãnh thổ giáp khu vực
biên giới Trung Quốc, Myanmar cũng là một quốc gia yếu với nguồn tài nguyên thiên
nhiên phong phú mà Trung Quốc đang thèm khát. Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh
tranh phát triển cảng nước sâu ở Sittwe, nằm trên bờ biển Ấn Độ Dương của
Myanmar, với cùng một hy vọng trong tương lai sẽ có thể xây dựng đường ống dẫn
ga nối vào từ các mỏ khai thác ngoài khơi vịnh Bengal.
Với cả khu vực nói chung, Bắc Kinh đang áp dụng chiến
thuật “chia để trị” (divide-and-conquer) trong một số lĩnh vực. Trong quá khứ,
Trung Quốc đã đàm phán riêng rẽ với từng thành viên trong ASEAN (Hiệp hội các
Quốc gia Đông Nam Á) thay vì với tất cả các quốc gia theo tư cách một khối
chung. Ngay cả hiệp định thành lập khu vực tự do thương mại chính thức với
ASEAN gần đây cũng cho thấy cách thức Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng để phát
triển những mối quan hệ có lợi với những người láng giềng phía nam. Quốc gia
này sử dụng ASEAN như một thị trường tiêu thụ những mặt hàng giá trị cao sản
xuất trong nước đồng thời mua lại từ đây những sản phẩm nông nghiệp giá rẻ.
Điều này đã mang về cho Trung Quốc thặng dư thương mại, trong khi biến các nước
ASEAN dần trở thành bãi phế thải cho những sản phẩm công nghiệp sản xuất bởi
nhân công giá rẻ của Trung Quốc.
Thực tế này đang diễn ra trong tình cảnh quốc gia hùng
mạnh một thời Thái Lan, sau những rung chuyển do biến cố chính trị nội bộ gần đây,
đang ngày càng mờ nhạt trong vai trò mỏ neo của khu vực và đối trọng cố hữu của
Trung Quốc tại đây. Hoàng gia Thái, với vị vua già yếu, đã không đủ sức đóng
vai lực lượng duy trì ổn định như trước kia, trong khi giới quân sự Thái Lan
đang bị tư tưởng bè phái thống trị. (Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác quân sự
song phương với Thái Lan đồng thời xây dựng những mối quan hệ tương tự với các
nước Đông Nam Á khác, trong khi Mỹ ngày càng lơ là các cuộc tập trận trong khu
vực để dồn sức cho các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.) Ở phía nam Thái Lan,
cả Malaysia và Singapore đều chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển đổi dân chủ đầy
thách thức khi những nhà lãnh đạo khai quốc công thần đầy quyền lực trước đây,
Mahathir bin Mohamad và Lý Quang Diệu, rời khỏi sân khấu chính trị. Malaysia
ngày càng dấn sâu vào cái bóng kinh tế của Trung Quốc, cùng lúc dân số gốc Hoa
tại đây cảm thấy bị đe dọa bởi người Malay Hồi giáo chiếm đa số. Singapore dù
dân số hầu hết là người gốc Hoa nhưng chính phủ cũng đang lo ngại bị biến thành
một nước chư hầu của Trung Quốc. Do đó, từ nhiều năm nay, đảo quốc này đã không
ngừng chăm chút cho mối quan hệ về huấn luyện quân sự với Đài Loan. Lý Quang
Diệu còn từng công khai thúc giục Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực cả về quân sự
lẫn ngoại giao. Về phần mình, Indonesia cũng đang bị mắc kẹt trong tình thế
giữa một bên vẫn cần sự hiện diện của hải quân Mỹ để cản chân Trung Quốc, nhưng
mặt khác lại lo sợ sẽ khiến phần còn lại của thế giới Hồi giáo nổi giận khi
nước này có biểu hiện là đồng minh của Mỹ. Trước tình cảnh quyền lực của Mỹ tại
Đông Nam Á đã bước qua thời hoàng kim, còn Trung Quốc đang trỗi dậy ngày một
mạnh mẽ, các thành viên trong khu vực đang cùng bắt tay hợp tác chặt chẽ hơn
nhằm làm suy yếu chiến lược “chia để trị”. Điển hình như Indonesia, Malaysia và
Singapore đã liên kết thành một nhóm chống cướp biển. Các quốc gia này càng tự
lực cánh sinh bao nhiêu, mối đe dọa từ quyền lực nổi lên của Trung Quốc đối với
họ sẽ càng ít bấy nhiêu.
Về lục quân
Trung Á, Mông Cổ, vùng Viễn Đông Nga và Đông Nam Á là
những khu vực ảnh hưởng tự nhiên của Trung Quốc. Nhưng những vùng biên giới
chính trị ở đây lại không thể thay đổi. Trong khi đó, tình hình trên bán đảo
Triều Tiên lại là một câu chuyện khác: về cơ bản, bản đồ Trung Quốc bị cắt cụt
ngay tại khu vực này, và biên giới chính trị của bán đảo không quá khó để thay
đổi.
Chế độ biệt lập của Bắc Triều Tiên vốn không ổn định từ
trong gốc rễ, và sự sụp đổ của nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Với địa
thế vươn ra từ Mãn Châu, bán đảo Triều Tiên kiểm soát toàn bộ giao thông hàng
hải ra vào đông bắc Trung Quốc. Tất nhiên không ai thực sự tin rằng Trung Quốc
sẽ thôn tính bất cứ phần nào của bán đảo Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn luôn
cảm thấy bất tiện khi bị lãnh thổ của quốc gia khác nằm chắn lối ở đó, nhất là
phía bắc. Và mặc dù ủng hộ chế độ Stalin của Kim Jong Il, Trung Quốc cũng lên
sẵn những kế hoạch cho tương lai thời hậu cầm quyền của Kim. Bắc Kinh mong muốn
cuối cùng có thể đưa hàng ngàn người đào ngũ đang cư ngụ tại Trung Quốc về lại
Bắc Triều Tiên để xây dựng nền tảng chính trị thuận lợi cho công cuộc chiếm
quyền kiểm soát kinh tế từng bước của Bắc Kinh đối với khu vực sông Tumen [Đồ
Môn]. Đây là ngã ba tự nhiên giữa Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga, đồng thời
cũng là nơi có các cảng biển tốt nối với Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Vì lẽ này, có lẽ Bắc Kinh sẽ muốn chứng kiến một Bắc
Triều Tiên độc tài phát triển hiện đại hơn nữa, để từ đó tạo thành một vùng đệm
an toàn ngăn cách Trung Quốc với nền dân chủ hưng thịnh và năng động của Hàn
Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi bán đảo Triều Tiên tái thống nhất, Trung Quốc vẫn
được lợi. Dù một Triều Tiên thống nhất sẽ trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn và giữ
thái độ thù địch đối với cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, hai kẻ thù đã từng tìm
cách xâm lược nước này trong quá khứ, nhưng thái độ thù địch của Triều Tiên với
Nhật Bản nặng nề hơn rất nhiều so với phía Trung Quốc. (Nhật đã chiếm đóng bán
đảo từ năm 1910 đến 1945, và đến nay Seoul và Tokyo vẫn còn tranh chấp chủ
quyền trên quần đảo Tokdo/Takeshima). Quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ khăng
khít hơn so với Nhật Bản bởi nếu thống nhất, Triều Tiên sẽ gần như chắc chắn
nằm dưới quyền điều hành của Seoul, trong khi hiện nay Trung Quốc đã là đối tác
thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Cuối cùng, khi đã xích lại gần hơn với Bắc
Kinh và xa rời Nhật Bản, nước Triều Tiên thống nhất sẽ chẳng có lý do gì để
tiếp tục giữ chân quân Mỹ trong lãnh thổ của mình. Hay nói cách khác, không khó
để nhìn ra viễn cảnh một Triều Tiên trong vòng tay của Đại Trung Hoa và thời kỳ
hiện diện của bộ binh Mỹ ở Đông Bắc Á sẽ dần đi đến hồi kết.
Ví dụ trên bán đảo Triều Tiên đã cho thấy biên giới đất
liền của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội tiềm năng hơn là mối đe dọa. Như
Mackinder đã kết luận, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển thành một cường quốc
cả trên biển và đất liền, ít nhất sẽ đủ sức làm lu mờ Nga tại khu vực lục địa
Á-Âu. Nhà khoa học chính trị John Mearsheimer từng viết trong cuốn “The
Tragedy of Great Power Politics” [Bi kịch của chính trị cường quốc]: “Những
quốc gia nguy hiểm nhất trong hệ thống quốc tế là những cường quốc lục địa có
trong tay lực lượng quân đội khổng lồ.” Đây có thể là nguyên nhân chúng ta phải
e ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi quốc gia này đang ngày càng trở thành
một cường quốc lục địa. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ khớp với mô tả của
Mearsheimer một phần, vì dù quân đội quốc gia sở hữu đến 1.6 triệu binh lính,
lực lượng này vẫn khó có thể phát triển được khả năng viễn chinh trong những
năm tới. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) từng ứng phó với trận động đất Tứ Xuyên
2008, giải quyết vụ bạo động sắc tộc gần đây ở Tây Tạng và Tân Cương và cả
thách thức an ninh từ Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, theo Abraham Denmark,
thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới [Center for a New American Security], những
thành quả trên chỉ cho thấy PLA đủ khả năng di chuyển lực lượng trong phạm vi
đại lục Trung Quốc, chứ vẫn chưa thể vận chuyển quân nhu và các loại vũ khí
thiết bị hạng nặng ở một mức độ cần thiết cho các cuộc triển khai quân sự [ở
nước ngoài]. Nhưng đạt được khả năng này hay không có lẽ cũng không quan trọng,
vì dù sao việc PLA vượt qua biên giới Trung Quốc cũng khó có thể xảy ra trừ
trường hợp có tính toán sai lầm (nếu có thêm một cuộc chiến tranh khác với Ấn
Độ) hoặc khi cần lấp chỗ trống (nếu chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ). Trung Quốc
vẫn có thể lấp đầy các khoảng trống quyền lực ở những vùng biên giới tiếp giáp
bằng những biện pháp dân số và đầu tư doanh nghiệp mà không cần dùng đến một
lực lượng bộ binh viễn chinh theo sau bảo vệ.
Sức mạnh chưa từng thấy trên đất liền của Trung Quốc phần
nào nhờ công đóng góp của các nhà ngoại giao, những người những năm gần đây
luôn phải làm việc không ngửng nghỉ để giải quyết hàng loạt tranh chấp biên
giới với các nước cộng hòa Trung Á, Nga và những láng giềng khác (Ấn Độ là một
ngoại lệ đáng chú ý). Tầm quan trọng của sự thay đổi này là rõ ràng. Đã không
còn thời kỳ một quân đội hùng hậu luôn ngấp nghé Mãn Châu; trong thời kỳ chiến
tranh Lạnh, sự hiện diện đáng ngại này đã buộc Mao phải đổ dồn ngân sách quốc
phòng của Trung Quốc cho lực lượng bộ binh và sao lãng hải quân. Vạn Lý Trường
Thành là một bằng chứng cho lịch sử luôn phải vật lộn với những cuộc xâm lược
trên đất liền dưới nhiều hình thức của Trung Quốc từ thời xa xưa. Nhưng giờ đây
tất cả đã là quá khứ.
Dần vững vàng trên biển
Nhờ tình hình thuận lợi trên đất liền, Trung Quốc giờ đây
có thể tự do tập trung xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu. Nếu như với
các quốc gia nhỏ ven biển và các đảo quốc theo đuổi phát triển sức mạnh trên
biển là điều tất yếu thì làm như vậy lại là một điều xa xỉ đối với những cường
quốc lục địa lâu năm như Trung Quốc. Riêng trường hợp Trung Quốc, xa xỉ phẩm
này có thể không quá khó đạt được khi địa hình bờ biển cũng thuận lợi không kém
so với đất liền. Phần lãnh thổ của nước này chiếm hầu hết đường bờ biển Đông Á
trong cả vùng ôn đới và nhiệt đới của Thái Bình Dương và biên giới phía nam
Trung Quốc cũng đủ gần với Ấn Độ Dương để có thể kết nối với nhau bằng những
tuyến đường bộ và ống dẫn nhiên liệu trong tương lai. Trong thế kỷ XXI, Trung
Quốc sẽ mở rộng quyền lực cứng của mình ra thế giới bên ngoài chủ yếu bằng lực
lượng hải quân.
Tuy nhiên, quốc gia này phải đối diện với một môi trường
trên biển chông gai hơn nhiều so với trên đất liền. Hải quân Trung Quốc gần như
không nhìn thấy được nhiều triển vọng nào khác ngoài những khó khăn trong khu
vực mà nước này gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, gồm bán đảo Triều Tiên, đảo Kuril,
Nhật Bản (bao gồm quần đảo Ryukyu), Đài Loan, Philippines, Indonesia, và
Australia. Ngoại trừ Australia, tất cả những địa điểm còn lại đều có nguy cơ
trở thành ngòi nổ xung đột. Đến nay, Trung Quốc đã bị vướng vào nhiều tranh
chấp về chủ quyền ở những vùng đáy đại dương giàu năng lượng ở biển Hoa Đông và
Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), cụ thể là với Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku,
với Philippines và Việt Nam ở Trường Sa. Những tranh chấp này tuy có thể giúp
Bắc Kinh kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước, nhưng với các nhà chiến lược
hải quân, viễn cảnh trên biển này lại không mấy sáng sủa. Như mô tả của James
Holmes và Toshi Yoshihara từ Học viện Hải chiến Hoa Kỳ [US Naval War College],
chuỗi đảo thứ nhất là một dạng “Vạn Lý Trường Thành ngược”, tức là giống như
một vòng vây hiệu quả của các đồng minh Mỹ, với mỗi bên đóng vai trò như một
tháp canh giám sát và thậm chí có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với Thái
Bình Dương.
Phản ứng của Trung Quốc trước cảm giác bị giam hãm này
đôi khi rất quyết liệt. Sức mạnh trên biển thường ôn hòa hơn so với trên bộ,
bởi hải quân không thể một mình xâm chiếm những vùng rộng lớn và nhiệm vụ phải
đảm nhận không đơn thuần là chiến đấu (ví dụ như bảo vệ hoạt động giao thương).
Do đó, người ta hẳn đã trông chờ Trung Quốc sẽ ôn hòa như những quốc gia biển
trước đó, điển hình là Venice, Anh, hay Mỹ, và cũng như các nước này, sẽ tự
quan tâm hàng đầu tới việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống hàng hải, bao gồm cả
lưu thông thương mại tự do. Nhưng Trung Quốc lại không tự tin đến như vậy. Do
vẫn chưa là một cường quốc biển vững vàng, quốc gia này nhìn nhận đại dương
dưới góc nhìn lãnh thổ, ngay từ cách gọi “chuỗi đảo thứ nhất” và “chuỗi đảo thứ
hai” (gồm các vùng lãnh thổ Guam và quần đảo Bắc Mariana của Mỹ) đã cho thấy
người Trung Quốc coi đây là những không gian đảo mở rộng của lãnh thổ Trung
Quốc rộng lớn. Với cách tính toán theo kiểu “tổng tất cả bằng không” như vậy
với những vùng biển gần kề, các nhà chỉ huy hải quân Trung Quốc đang cho thấy
dấu hiệu đi theo học thuyết hiếu chiến của chiến lược gia hải quân Mỹ thời kỳ
đầu thế kỷ XX Alfred Thayer Mahan về ủng hộ kiểm soát biển và các cuộc chiến
mang tính quyết định. Tuy nhiên, họ vẫn chưa sở hữu lực lượng hải quân đủ mạnh
để áp dụng học thuyết này, và hệ quả của sự chênh lệch giữa tham vọng và tiềm
lực là một số sự cố vụng về trong vài năm gần đây. Vào tháng 10/2006, một tàu
ngầm Trung Quốc bám theo tàu USS Kitty Hawk và sau đó nổi lên trong tầm
bắn ngư lôi của tàu Mỹ. Vào tháng 11/2007, tàu Trung Quốc đã từ chối cho đội
tàu sân bay Kitty Hawk tiến vào Cảng Victoria khi tàu này đang tìm nơi
neo đậu tránh biển động và thời tiết xấu. (Dù vậy Kitty Hawk có ghé thăm
Hong Kong năm 2010). Đến tháng 3/2009, một nhóm nhỏ tàu hải quân của PLA đã đe
dọa tàu thăm dò của Mỹ USNS Impeccable khi tàu này đang hoạt động công
khai bên ngoài ranh giới lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc ở Biển Đông, chặn
đường tàu và làm động tác giả đâm tàu. Đây là những hành động không phải của
một cường quốc chín chắn, mà mới chỉ của một cường quốc chưa trưởng thành.
Thái độ hung hăng trên biển của Trung Quốc cũng được thể
hiện qua những hợp đồng mua vũ khí. Bắc Kinh đang phát triển khả năng bất đối
xứng với mục tiêu ngăn chặn Hải quân Mỹ tiến vào Biển Hoa Đông và những vùng
biển ven Trung Quốc. Trung Quốc đã hiện đại hóa hạm đội tàu khu trục của mình
và có kế hoạch sở hữu một hoặc hai chiếc tàu sân bay nhưng sẽ chưa thể có được
tất cả các loại tàu chiến. Thay vào đó, nước này đã tập trung vào xây dựng các
chủng loại mới của tàu ngầm thông thường, tàu ngầm tấn công hạt nhân và thậm
chí tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Theo Seth Cropsey, nguyên trợ lý thứ trưởng Hải
quân Mỹ, và Ronald O’Rourke thuộc Bộ phận nghiên cứu thuộc Quốc hội, trong vòng
15 năm tới, Trung Quốc có thể sở hữu một lực lượng tàu ngầm lớn hơn của Hải
quân Hoa Kỳ, vốn hiện đang có 75 tàu ngầm đang được triển khai. Không những
vậy, Cropsey cho rằng, hải quân Trung Quốc có kế hoạch sử dụng các loại radar
tầm xa, vệ tinh, mạng lưới định vị sóng âm dưới đáy biển, và các hoạt động
chiến tranh mạng nhằm phục vụ các tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM). Mục tiêu
cuối cùng của những tiến bộ công nghệ này song song với sự phát triển nhanh
chóng của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc là nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận dễ
dàng của Hải quân Hoa Kỳ vào những khu vực quan trọng phía Tây Thái Bình Dương.
Để thúc đẩy nỗ lực kiểm soát các vùng nước tại Eo biển
Đài Loan và biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng đang cải thiện khả năng tác chiến
mìn của mình, mua sắm các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Nga, và triển
khai khoảng 1.500 tên lửa đất đối không dọc bờ biển. Thêm vào đó, song song với
việc đặt hệ thống cáp quang dưới lòng đất và dịch chuyển các lực lượng phòng
thủ vào sâu trong lục địa phía Tây nhằm tránh tầm bắn tên lửa hải quân của
những kẻ thù tiềm tàng, Trung Quốc còn đang phát triển một chiến lược tấn công
nhằm tiêu diệt các tàu sân bay, biểu tượng sức mạnh của Mỹ.
Tất nhiên, Trung Quốc trong tương lai gần sẽ không tấn
công tàu sân bay Mỹ, và nước này vẫn còn một con đường dài phía trước nếu muốn
trực diện thách thức sức mạnh quân sự Hoa Kỳ. Nhưng mục tiêu của Trung Quốc là
phát triển những năng lực này dọc đường bờ biển nhằm dập tắt ý định của Hải quân
Hoa Kỳ tiếp cận theo ý muốn vào khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và bờ biển
Trung Quốc. Vì khả năng định hình hành vi của đối thủ là yêu cầu cốt lõi của
quyền lực, đây sẽ là bằng chứng cho thấy một Đại Trung Hoa đang được hiện thực
hóa trên biển giống như trên đất liền.
Yếu tố Đài Loan
Sự bất an trên biển
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Yeu
to dia ly cua quyen luc TQ.pdf
[1] Theo Karl Wittogel, bất cứ một nền văn minh nào có hệ thống
nông nghiệp đều dựa vào cấu trúc thủy lợi rộng lớn do chính quyền điều hành độc
quyền. Việc cung cấp nước đầy đủ (cho tưới tiêu) và khả năng bảo vệ mùa màng
(khỏi lũ lụt) mang lại quyền lực tuyệt đối cho chính quyền đối với nền kinh tế
và từ đó là cả xã hội nông nghiệp). Cụm từ này dùng để nói về các nền văn minh
như Ai Cập, Lương Hà, Trung Hoa…, để phân biệt với phương Tây – ND.