Hà Tường
Cát / NGƯỜI VIỆT
Thursday, November 21, 2013 7:05:07 PM
Tranh
chấp giữa hai phái Hồi Giáo Sunni và Shia (hay Shi’ite khi nói về người)
hiện nay trở thành mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới, vì không
chỉ giới hạn trong vấn đề tín ngưỡng mà còn được thúc đẩy bởi những yếu tố
chính trị và lôi cuốn vào đó tất cả các dân tộc và quốc gia Trung Đông.
Lý tưởng dân chủ tự do không phải là động lực căn bản trong những biến chuyển tại các quốc gia Trung Đông như người ta có thể lầm hiểu, vì trong lịch sử lâu dài tình hình khu vực này vẫn luôn luôn chịu sự chi phối từ nhiều nguồn gốc phức tạp khác.
Hai biến cố mới xảy ra trong tuần này: vụ bạo động ở Rawalpildi, Pakistan, và vụ nổ bom tấn công vào tòa đại sứ Iran ở Beirut, Lebanon, chứng minh tính cách trầm trọng của tình thế ấy.
Sự đối đầu giữa Saudi Arabia theo Hồi Giáo Sunni và Iran theo Hồi Giáo Shia là một yếu tố chính trong cuộc nội chiến ở Syria và lôi cuốn sự can dự của các lực lượng khác từ Lebanon, Iraq cho tới al-Qaeda. Trong khi đó thì Pakistan và Afghanistan là một mặt khác của cuộc xung đột, cuộc chiến tranh “ủy nhiệm”.
Sự phân giáo trong đạo Hồi bắt đầu từ năm 632 khi Thiên Sứ Muhammad (hay Mahomet) qua đời. Tranh chấp nổi lên ngay sau đó do vấn đề ai sẽ là người kế tục đấng Tiên Tri để lãnh đạo. Abu Bakr, ông bố của Aisha – người vợ cuối cùng của Muhammad – được bầu làm caliph (nhà lãnh đạo tôn giáo) đầu tiên. Nhưng Fatimah, con gái bà vợ thứ nhất của Muhammad, cho rằng chồng mình, Ali Ibn Abi Talib, mới là người chính danh ở vị trí ấy, vì Ali vừa là em họ vừa là con rể và bố các đứa cháu của Muhammad. Nội chiến trong đạo Hồi đã xảy ra giữa nhiều phe phái và tiếp tục cho đến sau khi Ali bị ám sát năm 661.
Ngưới con thứ của Ali, Hussein bin Ali, nghĩa là cháu ngoại của Thiên Sứ Muhammad, được những người theo Ali tôn lên làm lãnh đạo. phe Shia, tới năm 680 bị phe phái Sunni phục kích giết chết trong trận chiến Karbala tại Iraq ngày nay và chặt đầu đưa về để một tháng tại Damascus, Syria. Phái Shia coi Hussein là thánh tử đạo và cho đến nay hàng năm vẫn tổ chức ngày lễ tưởng niệm thiêng liêng này, gọi tên là hội Ashura.. Trận Karbala được coi như dấu mốc phân chia giữa hai phái Hồi Giáo Sunni và Shia.
Giáo phái Sunni chiếm đa số trong dân Hồi Giáo, trên dưới 80%, ở hầu hết các nước Hồi Giáo bao gồm Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á như Indonesia, Malaysia, Pakistan. Dân Hồi Giáo Shia chiếm khoảng từ 10% đến 20%, nhiều nhất ở Iran, khoảng 70 triệu (90-95% dân số); Iraq 20 triệu (65-70%), cùng nhiều quốc gia khác nhưng đáng chú ý là Syria 4 triệu (15% dân số) và Lebanon 1.5 triệu (35% dân số) – hai quốc gia đang là trung tâm của sự xung đột đề cập tới trong bài viết này.
Cuộc tranh chấp giáo lý giữa hai phái Hồi Giáo với lịch sử đẫm máu từ 1400 năm vẫn cón tiếp tục đến nay và tăng cường trong bối cảnh xung đột chính trị nội bộ một quốc gia hay giữa các quốc gia. Tại những nước mà người Shi’ites không nắm được quyền cai trị, họ thường bị đàn áp. Đó là trường hợp khi Saddam Hussein cầm quyền ở Iraq. Cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988) ngoài những nguyên nhân khác, là cuộc xung đột giữa Hồi Giáo Sunni ở Iraq và Shia ở Iran.
Nhưng ngược lại khi người Hồi Giáo Shia nắm quyền lực thì dân Hồi Giáo Sunni lại phải chịu sự trấn áp bất công. Tổng Thống Bashar al-Assad là người Hồi Giáo Alawite, một phân chi nhỏ chỉ chiếm 12% trong Shia tức là khoảng 12% dân số Syria. Khi dân chúng nổi dậy, Iran là nước đứng về phía chính quyền của Tổng Thống al-Assad. Ngược lại Saudi Arabia cùng các nước Hồi Giáo Sunni vùng Vịnh trợ giúp tài chính và vũ khí cho phe nổi dậy. Thêm nữa Hồi Giáo Sunni ở Iraq và cả al-Qaeda cũng tham gia cuộc nội chiến chống chính quyền Syria.
Hồi Giáo Shia chỉ chiếm 35% dân Lebanon và là thành phần bị trị. Hoàn cảnh xã hội ấy tạo điều kiện cho nhóm thiểu số quá khích Hezbollah phát triển và trở thánh một tổ chức khủng bố có lực lượng đáng kể nhận sự trợ giúp của Iran. Nhóm này cũng can dự vào nội chiến Syria đứng về phía chính quyền trong khi dân Hồi Giáo Sunni ở Lebanon ủng hộ phe nổi dậy. Xung khắc giữa các phe ở Lebanon có lẽ là lý do đưa tới sự bất bình thể hiện qua vụ nổ bom tự sát đánh vào tòa đại sứ Iran ở Beirut mới đây. Một nhóm có liên hệ với al-Quada nhận đã gây ra vụ này, làm ít nhất 23 người chết trong số có một tùy viên ngoại giao Iran.
Cũng nên lưu ý rằng chỉ trước vụ nổ bom ở Beirut, Ngoại Trưởng Iran Javad Zarif trong một cuộc phỏng vấn, đã nhìn nhận rằng xung đột Hồi Giáo Sunni-Shia là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Không chỉ trong cuộc nội chiến Syria, xung đột giữa hai giáo phái ở Iraq đã làm hơn 6,000 người thiệt mạng trong năm 2013. Tại Pakistan, hành động bạo lực chóng Shia cũng đã gia tăng đáng kể. Tại Ai Cập, chính quyền quân sự đàn áp đẫm máu Muslim Brotherhood, tổ chức Hồi Giáo thân Iran.
Tất cả những sự kiện ấy cho thấy tính cách phức tạp của tình hình Trung Đông. Riêng trong cuộc nội chiến Syria, người ta thấy có sự tham gia của những tổ chức khủng bố Hồi Giáo vào cả hai phía. Nếu Nga đã biện hộ cho hành động bênh vực chính quyền al-Assad và không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến với lý do không thể trợ lực khủng bố thì lập luận ấy cũng không phải là sai. Robert Fisk, ký giả thướng trú của tờ báo Anh The Independent ở Trung Đông, đưa ra lời cảnh cáo các nhà lãnh đạo Tây Phương là phải lưu ý tới khía cạnh cực đoan quá khích trong cuộc nội chiến đó. Ông cũng nhắc nhở rằng không thể hy vọng là xung khắc từ 1400 năm trong nội bộ Hồi Giáo, ngày nay có thể dàn xếp trong một sớm một chiều.
Nhưng như đã từng thấy xảy ra nhiều lần qua lịch sử, tình thế phức tạp ấy có thể làm nảy sinh ra những chuyện trớ trêu, chẳng hạn như hai nước thù nghịch có thể một lúc nào đó trở thành đồng minh, và ngược lại. Chẳng hạn Israel với Saudi Arabia và các vương quốc Hồi Giáo vùng Vịnh dường như đang càng ngày càng tìm thấy ở nhau những điểm chung. Họ đều nhìn thấy Iran là một mối đe dọa chung cho toàn khu vực và ít nhiều không tán thành đường lối tiếp cận cởi mở dùng ngoại giao của Hoa Kỳ đối với vấn đề quốc gia Hồi Giáo này phát triển nguyên tử. Ngạn ngữ “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta” có thể đang được thể hiện trong trường hợp này.
Sau vụ đánh bom khủng bố ở Beirut, bộ ngoại giao Iran nói là có sự tiếp tay của tình báo Israel. Còn Syria và Hezbollah thì hướng sự nghi ngờ về Saudi Arabia, vương quốc cùng với Qatar là hai nước yểm trợ mạnh mẽ nhất cho quân nổi dậy ở Syria. Thông tấn xã chính thức của vương quốc, Saudi Press Agency, đưa ra một tuyên cáo cực lực bác bỏ một tin tức loan tải trên tờ Sunday Times ở London rằng Israel và Saudi Arabia đang hợp tác chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự vào Iran nếu giải pháp ngoại giao thất bại trong việc buộc Iran cắt giảm chương trình phát triển vũ khí nguyên tử.
Cả hai phái Hồi Giáo đều chống Israel, mặc dầu Hồi Giáo Shia không coi Jerusalem là thánh địa, có nghĩa là sự chống đối có thể ít mạnh mẽ hơn. Nhưng trong thế chính trị hiện đại, hai phái đều muốn đoạt danh nghĩa chính thống về tôn giáo và muốn là những thành phần thánh chiến kiên quyết chống Do Thái, cho nên Israel không thể đặt hy vọng về hòa bình với bất cứ phái nào trong khi xung đột giữa họ vẫn là một thực tế khác. (HC)
No comments:
Post a Comment