Thursday, 28 November 2013

TƯƠNG QUAN GIỮA MÔ HÌNH CHÍNH THỂ & PHÁT TRIỂN QUỐC GIA (Huỳnh Trọng Hiếu)




27.11.2013

Mới đây, Bắc Kinh vừa công bố một chương trình “cải cách sâu rộng” liên quan đến các vấn đề kinh tế và xã hội. Những hạng mục mà chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch thực thi giúp chúng ta xác nhận một cách chắn chắn hơn về tính chất nghiêm trọng của những bất ổn kinh tế và biến động chính trị - xã hội đang diễn ra tại quốc gia này.

Xuất phát từ tình hình an ninh thế giới và khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang ngầm chứa nhiều bất ổn, có nguy cơ dẫn đến những cuộc xung đột võ lực trên quy mô lớn khiến chính quyền Trung Quốc ngày càng chú trọng hơn đến các vấn đề trị an nội chính. Thông qua các cải cách mới mẻ này, Tập Cận Bình cùng giới lãnh đạo chóp bu muốn nhanh chóng ổn định tình hình chính trị quốc nội và kiện toàn bộ máy nhà nước để tập trung toàn lực giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Cùng nhìn lại lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ sau năm 1949. Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản đem chủ thuyết Mác-xít thay thế cho văn hóa truyền thống phong kiến Trung Hoa. Họ chối bỏ, thậm chí hủy hoại chủ thuyết Khổng giáo và áp đặt chủ thuyết Duy vật của Mác để biển đổi toàn bộ nền văn hóa, chính trị và kinh tế của Trung Hoa với ảo tưởng sẽ đưa dân tộc Hán trở thành một dân tộc vĩ đại.

Sau gần ba thập niên áp dụng chủ nghĩa Mác-xít vào quản lý nhà nước, nền văn hóa truyền thống tồn tại hàng ngàn năm bị tàn phá, xã hội trở nên điên đảo, kinh tế ngày càng khánh tận khiến Trung Hoa từ một cường quốc trở thành một quốc gia nghèo đói.

Mục tiêu cải cách của Đặng

Sớm nhận thấy nguyên nhân của những bất ổn kinh tế trong học thuyết Mác-xít, Đặng Tiểu Bình cùng với một số thành phần trong đảng quyết định đi vào cải tổ, biến nền kinh tế Trung Quốc từ một nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế tư bản. Mục tiêu của Đặng không ngoài điều gì khác hơn là khôi phục trật tự xã hội, đưa nền kinh tế Trung Quốc đến chỗ phồn thịnh, xiển dương văn hóa Khổng giáo.

Mặc dù những cải tổ của Đặng đưa đất nước đi theo con đường hiện đại hóa như các quốc gia Phương Tây nhưng Đặng cùng giới lãnh đạo từ chối mọi thay đổi chính trị. Có nhiều nguyên nhân khiến Đặng Tiểu Bình không đi theo mô hình dân chủ Phương Tây (hiện đại hóa nhưng không Tây phương hóa). Trong đó, ông tiếp tục duy trì ở Trung Quốc một chính quyền trung ương mạnh để trấn áp những quốc gia đòi tự trị với mục tiêu bảo tồn một lãnh thổ Trung Hoa toàn vẹn.

Những chính sách mà Đặng theo đuổi là để khôi phục và xây dựng nền văn minh Trung Hoa, khuếch trương chủ nghĩa Dân tộc đại Hán. Những tưởng thay đổi kinh tế có thể giải quyết được rốt ráo mọi vấn nạn quốc gia do quá khứ phong kiến và thời kỳ Cộng sản Mao để lại. Ông ta không nhìn thấy được mô hình chính thể Mác-xít là một trở ngại to lớn đối với sự phát triển quốc gia. Cho đến lúc chết, Đặng vẫn tin chắc rằng mô hình chính trị  Mác-xít cộng với một nền kinh tế tư bản sẽ đưa đất nước Trung Quốc trở thành một đại cường.

Trung Hoa ngày nay, sau hơn ba thập niên cải cách kinh tế, đang phải đối mặt với những thách thức mới. Những thách thức to lớn ngày hôm nay bắt nguồn từ sự sai lầm trong việc lựa chọn mô hình chính thể. Đặng Tiểu Bình đã không đủ sáng suốt cũng như quyền lực để thực hiện những nước đi cần thiết, có thể giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến mọi bất ổn.

Nền kinh tế tư bản chịu sự điều phối và can thiệp của nhà nước đã lộ rõ nhiều nguy cơ dẫn đến khủng hoảng và đổ vỡ. Việc chú trọng quá mức vào phát triển kinh tế dẫn đến sự hủy hoại môi sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Quản lý xã hội đáng lẽ ra phải được cân nhắc một cách khoa học bằng việc xây dựng các thành phần xã hội dựa trên sự bình đẳng. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã dùng đến sức mạnh võ lực để kiềm chế những xáo trộn thay cho hành động điều hòa các xung đột một cách tự nhiên.

Các quan chức nhà nước ngày càng giàu có nhờ tham nhũng và lạm quyền. Bộ máy nhà nước tổ chức không đồng bộ và thiếu minh bạch, các phe phái trong đảng tranh chấp quyền lực dẫn đến sự thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao và đối nội. Điều quan trọng nhất là chính quyền Trung Quốc đánh mất niềm tin trong dân chúng. Sự cộng hưởng của những bất ổn vừa kể sẽ trở thành nhân tố cốt lõi làm suy yếu nhà nước Trung Hoa.

Dân chủ và những biện pháp cải cách của Tập?

Thảm nạn của đất nước Trung Hoa ngày nay là hệ lụy tất yếu của việc áp dụng chủ nghĩa Mác-xít phi khoa học vào mô hình quản lý xã hội. Bị thôi thúc bởi những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, Tập Cận Bình đề ra những biện pháp cải cách tình thế để đối phó với bất ổn. Những nổ lực mà Tập Cần Bình cùng giới lãnh đạo hiện nay đang thực hiện chỉ mang lại kết quả nhất thời, nó không đủ hiệu năng để làm cho đất nước Trung Hoa trở nên hài hòa và bền vững hơn.

Một thiết chế dân chủ mới là mô hình lý tưởng để giải quyết mọi bất ổn chính trị - kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Chính thể dân chủ tự thân có khả năng hoàn chỉnh một cách tự nhiên mà không bị sự áp đặt duy ý chí của bất kỳ thế lực nào. Bên cạnh đó, sự minh bạch trong mọi hoạt động chính trị, cơ chế kiểm soát và kiềm chế nhau trong các cơ quan công quyền, và một nền tảng luật pháp nghiêm minh cũng là điều kiện tối quan trọng để vận hành hữu hiệu bộ máy chính phủ.

Một ví dụ gần gũi để chúng ta dễ nhận biết tầm quan trọng của mô hình chính thể đối với quản lý quốc gia. Singapore và Đài Loan là hai tiểu quốc có đa số dân là người Hán, hai tiểu quốc này đã chứng minh hùng hồn cho khả năng quản lý kinh tế, chính trị, xã hội bền vững bằng thiết chế dân chủ. Trên đất nước này, đời sống dân chúng hạnh phúc, người dân được tôn trọng vì họ là chủ nhân của đất nước. Ở những quốc gia như thế, tinh thần dân tộc không cần kích động bằng thủ đoạn chính trị cũng sẽ hình thành một cách tự nhiên.

Trước những diễn biến quốc tế  khó tiên đoán, giờ đây chính quyền Bắc Kinh đang ra sức kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan để phục vụ cho những mưu đồ chính trị bên trong. Sẽ vô cùng khó khăn để thực hiện thành công chương trình này vì một thời gian dài, chính quyền đã đánh mất sự tin tưởng của dân chúng. Trong cuộc đối đầu với các cường quốc trên thế giới, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn đơn độc vì không nhận được sự ủng hộ từ nhân dân Trung Hoa. Những cải cách mà chính quyền vừa đưa ra sẽ không giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Cách duy nhất là đảng Cộng sản phải hủy bỏ hệ thống chính trị Mác-xít mới đáp ứng được nhu cầu mà thực tế đòi hỏi.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



1 comment:

View My Stats