Saturday, 30 November 2013

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, November 27, 2013 2:59:10 PM

Những mâu thuẫn của một siêu cường đa nguyên

Khi chính quyền Barack Obama vội ký một tạm ước có hiệu lực trong vòng sáu tháng với Iran, nhiều nguồn dư luận đã nghĩ đến thái độ điên đảo của Hoa Kỳ, nay đánh mai đàm, hoặc sẵn sàng thỏa hiệp với kẻ thù. Mục tiêu lâu dài là để làm gì? Mà tại sao Mỹ cứ dời đổi lập trường như vậy? Trước khi nghĩ đến việc bình luận hoặc phê phán chuyện đúng sai của từng quyết định, có lẽ ta nên tìm hiểu lên ngọn ngành, về những yếu tố chi phối chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ... “Hồ Sơ Người Việt” xin làm việc đó và nhấn mạnh đến vài khác biệt lẫn tương đồng của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Lật lọng vì lý tưởng

Trong thế kỷ 20, thế giới hai lần chứng kiến sự chọn lựa ngược ngạo và khó hiểu của Hoa Kỳ với nhiều ảnh hưởng toàn cầu.

Ðó là dưới thời Franklin D. Roosevelt bên đảng Dân Chủ và thời Richard M. Nixon bên đảng Cộng Hòa khi Hoa Kỳ liên minh với chế độ ghê tởm của Josef Stalin và Mao Trạch Ðông. Liên Bang Xô Viết và Trung Cộng không chỉ là hai cường quốc đi ngược với lý tưởng mà còn là mối đe dọa chiến lược cho nước Mỹ. Mâu thuẫn về ý thức hệ và quyền lợi giữa Hoa Kỳ với hai chế độ này khiến người ta mới nói đến sự ngược ngạo, và đả kích sự lật lọng.

Ðặt lại vấn đề trong bối cảnh của thời đó, chúng ta thấy Hoa Kỳ gặp những chọn lựa bất toàn.

Nếu không liên kết với Stalin, Roosevelt phải đối đầu với Hitler, kẻ sẽ đại thắng trong Thế Chiến II. Với Nixon, vì Liên Xô đang khai thác thế yếu của Hoa Kỳ từ cuộc chiến tại Việt Nam để đảo ngược tương quan thế giới, nước Mỹ phải liên minh cùng Trung Cộng, với cái giá là bỏ rơi miền Nam nhưng để bảo vệ quyền lợi của mình ở nơi khác. Tất nhiên là các nước Ðông Âu trong tầm đạn của Liên Xô và các nước Ðông Nam Á bị Trung Cộng uy hiếp đều không hài lòng về sự chọn lựa và đổi chác mục tiêu như vậy. Ngày nay, Saudi Arabia hay Israel cũng có phản ứng tương tự khi Obama muốn hòa giải với Iran.

Nhìn ngược lên lịch sử sâu xa hơn, người ta còn thấy ra chuyện khác.

Thời Thế Chiến I, Hoa Kỳ theo chủ trương phản chiến, tránh để bị lôi vào cuộc chiến giữa các Ðế quốc Âu Châu, và chỉ tham dự tám tháng trước khi đại chiến chấm dứt. Nhưng tham dự bên phe thắng trận, để rồi thay Ðế quốc Anh thành đệ nhất cường quốc. Khi ấy rồi, người ta nói về sự khôn ngoan đến giảo hoạt của nước Mỹ dưới thời Tổng Thống Dân Chủ Woodrow Wilson. Nhưng không giải thích được vì sao lịch sử đánh giá Wilson là lãnh tụ thuộc loại lý tưởng nhất, với hoài bão phát huy dân chủ và xây dựng hòa bình toàn cầu.

Hoa Kỳ lý tưởng hay lật lọng, câu hỏi này không có giải đáp đơn giản.

Huyền thoại tự cô lập từ thời lập quốc

Hoa Kỳ là quốc gia trẻ nhất trong các cường quốc hiện đại vì mới chỉ ra đời từ hơn hai thế kỷ.

Thời lập quốc, giới lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ đã khôn khéo chọn lựa chế độ dân chủ nên Hoa Kỳ cũng là cường quốc dân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Vì yêu cầu của dân chủ là tính chất đa nguyên và kết quả của dân chủ là đa đảng, nên nước Mỹ có nhiều chọn lựa tùy từng đảng cầm quyền, hoặc tùy theo ý dân vào từng thời, được họ bầu lên.

Nhưng Hoa Kỳ cũng được thành lập như một mảnh vụn của Âu Châu khi Âu Châu đang có đại chiến giữa hai Ðế quốc Anh và Pháp. Ðế quốc Anh là đối thủ và kẻ thù của nước Mỹ, một thuộc địa cũ của Anh, và được sự hỗ trợ của Pháp trong cuộc vận động giành độc lập. Khi thành hình, Hoa Kỳ thời George Washington hay Thomas Jefferson đều có chủ trương thống nhất là giữ thế trung lập để khỏi bị vướng vào những tranh chấp quốc tế. “Quốc tế” khi ấy mới chỉ là Âu Châu.

Sau này, người ta nói đến chủ trương tự cô lập (isolationism) của Hoa Kỳ thời lập quốc.

Thời ấy, Hoa Kỳ còn yếu, cần xuất cảng nên lệ thuộc vào luồng giao dịch ngoài biển vẫn do Ðế quốc Anh kiểm soát và tranh chấp với Ðế chế Pháp của Napoléon. Sự trung lập của Mỹ vì vậy là sự khôn khéo để bảo vệ quyền lợi của mình.

Khôn ngoan hơn thế, Jefferson còn xen vào nội tình Âu Châu với đề nghị mua lại thuộc địa Pháp trên lãnh thổ Bắc Mỹ, tại New Orleans, để có một cửa khẩu khác. Và Jefferson gặp may mắn vô hạn khi Napoléon còn muốn bán cả một khu vực rộng lớn từ Louisiana lên tới lãnh thổ Gia Nã Ðại để tài trợ chiến phí với nước Anh.

Nhờ đó, lãnh thổ Hoa Kỳ đã mở rộng, có thêm nhiều ngả thông thương nằm ngoài tầm kiểm soát của Anh. Hậu quả bất ngờ là chủ trương trung lập của Mỹ vẫn chi phối cuộc chiến Anh-Pháp, theo hướng có lợi cho nước Mỹ. Nhưng thời đó, Jefferson cũng từng bị đả kích là can dự vào tranh chấp ngoại giao ở bên ngoài, tức là có thái độ đảo điên và đi ngược tinh thần “tự cô lập”!

Thời nay mà nói đến chuyện Hoa Kỳ nên tự cô lập để bảo vệ quyền lợi của mình ở bên trong, như các bậc Quốc phụ đã khuyên bảo thời Lập quốc, người ta có thể hiểu sai nước Mỹ.

Vì vị trí địa dư giữa hai đại dương lẫn quyền lợi buôn bán tỏa rộng, nước Mỹ không thể tự đóng cửa với thế giới bên ngoài. Nhưng khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì sao?

Lý tưởng Dân Chủ

Dù các nhà lập quốc nhắc nhở đời sau là tránh dây dưa vào thiên hạ sự, Hoa Kỳ lại có bản Hiến Pháp đề cao những giá trị phổ cập của toàn cầu là tự do và dân chủ, với hàm ý phổ biến lý tưởng đó cho toàn nhân loại. Ðấy là một mâu thuẫn bẩm sinh của nước Mỹ, ít nhiều mang sắc thái tôn giáo và phần nào giải thích tinh thần lẫn nỗ lực truyền giáo của Hoa Kỳ.

Từ đó và nói đến chuyện đời sau, trong dòng chính của tư tưởng chính trị lẫn ngoại giao Hoa Kỳ, ta thấy xuất hiện khuynh hướng can thiệp vì lý tưởng. Tinh thần lý tưởng của Tổng thống Wilson hay tôn chỉ gọi là “Tân Bảo Thủ” (neo-conservative) bên cánh hữu đảng Cộng Hòa lại có điểm tương đồng với chủ trương can thiệp quốc tế của cánh tả đảng Dân Chủ.

Nhân danh đạo đức, nước Mỹ có thể can thiệp vào thiên hạ sự bằng giải pháp quân sự. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng về an ninh và đối ngoại hiện nay trong Nội các Obama thuộc chủ trương này. Ða số còn trẻ, thộc phái nữ, và có kinh nghiệm mà họ gọi là bất nhẫn về những thảm kịch tại Âu Châu và Phi Châu nên muốn Hoa Kỳ phải có thái độ và hành động.
Cuộc tranh luận gần đây về vụ Syria cho thấy mâu thuẫn đó.

Khác biệt nhỏ là xu hướng Tân Bảo Thủ châm thêm yếu tố quyền lợi: vì các nước dân chủ ít gây chiến với nhau, việc phát huy dân chủ có góp phần giải trừ rủi ro xung đột và đẩy lui mối nguy khủng bố cho nên là điều có lợi cho nước Mỹ. Chi tiết nên chú ý mà giới truyền thông có khi lại bỏ qua, là các chiến lược gia Tân Bảo Thủ đều xuất phát là trí thức thiên tả và thất vọng với xu hướng phản chiến của đảng Dân Chủ.

Nhìn xa hơn thế, tinh thần gọi là chống cộng của Tổng thống John Kennedy, một trí thức Dân Chủ, cũng xuất phát từ lý tưởng tự do dân chủ của nước Mỹ. Câu nói nổi tiếng của ông là “Ðừng hỏi đất nước này đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho đất nước này” chỉ là một danh ngôn gốc Ấn Ðộ, nhưng lời danh ngôn kia mới là tuyên ngôn giải phóng: “Hãy để mọi quốc gia trên thế giới này biết, cho dù họ muốn tốt hay muốn xấu cho chúng ta, là chúng ta sẽ trả mọi giá, chịu mọi gánh nặng, hứng mọi khổ cực để hỗ trợ mọi nước bạn chống mọi kẻ thù, nhằm bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do.”

Sau đó, nếu Hoa Kỳ có tuột tay và buông rơi lý tưởng thì đấy là chuyện khác.

Bảo thủ để bảo vệ quyền lợi

Ðối lập với thành phần lý tưởng này, có những người cho là Hoa Kỳ phải triệt để bảo vệ quyền lợi của mình. Với họ, chủ nghĩa ái quốc là chủ nghĩa triệt để can thiệp. Ða số thành phần này nằm bên đảng Cộng Hòa nên người ta mới có ấn tượng là phe Cộng Hòa có tinh thần chủ chiến, thậm chí hiếu chiến, và coi chuyện an ninh là ưu tiên chiến lược.

Khi quyền lợi hay an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa thì việc bảo vệ quyền lợi là bài toán chiến lược, nó vượt lên mọi tính toán khác, kể cả nỗi ưu tư về uy tín của nước Mỹ dưới con mắt người khác. Vụ khủng bố 9-11 khiến xu hướng này quy tụ được hậu thuẫn của hầu hết mọi người, trừ phe phản chiến bên phía cực tả, để mở ra cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Các nhân vật như Phó Tổng Thống Dick Cheney hay Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld có thể là đại diện cho khuynh hướng bảo thủ ấy. Ðằng sau, họ có hậu thuẫn của phe Tân Bảo Thủ lẫn xu hướng can thiệp quốc tế vì lý do nhân đạo của đảng Dân Chủ. Những người chủ trương tự cô lập cũng nhập cuộc và ủng hộ một cuộc chiến bắt buộc, nhưng có chính nghĩa.

Hậu quả bi thảm tại cả hai chiến trường đó là một vấn đề chiến lược hay chiến thuật (nằm ngoài đề tài này) nhưng dẫn tới phản ứng ngược. Ðó là hoàn toàn triệt thoái khỏi Iraq mà bất kể tới hậu quả là chuyện đã xảy ra. Chuyện đang xảy ra nên cũng gây tranh luận là có nên để lại vài ngàn quân tại Afghanistan nữa hay không?

Một kết cuộc khác còn có hậu quả lâu dài hơn. Khuynh hướng ái quốc và bảo vệ quyền lợi bằng mọi giá đã bỏ qua cái giá rất lớn về ngân sách. Ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ thường tăng mạnh dưới thời Cộng Hòa, nhưng từ năm 2001, nước Mỹ lao vào hai cuộc chiến mà không tăng thuế để tài trợ chiến phí, với tinh thần rất Kennedy là “chúng ta sẽ trả mọi giá, chịu mọi gánh nặng, hứng mọi khổ cực để hỗ trợ mọi nước bạn chống mọi kẻ thù”...

Kết quả sau cùng là phản ứng tự cô lập...

Chủ hòa và tự cô lập

Ngay bên đảng Cộng Hòa, trong thành phần tự xưng là ái quốc cũng có người tin rằng yêu nước Mỹ là hãy làm sao để nước Mỹ khỏi bị vướng vào chuyện thiên hạ. Ðó là những người bảo thủ về kinh tế với tinh thần phát huy tự do tuyệt đối, nhưng tự cô lập về ngoại giao với lý luận là bảo vệ sự toàn vẹn và an ninh trong lãnh thổ. Nghịch lý ở đây, khuynh hướng tự cô lập về ngoại giao trong đảng Cộng Hòa có những điểm tương đồng với thành phần phản chiến bên phe cực tả của đảng Dân Chủ!

Cựu dân biểu Texas là Ron Paul và con trai là Nghị Sĩ Rand Paul là khuôn mặt tiêu biểu cho khuynh hướng này. Ron Paul có quần chúng riêng và cực đoan đến độ ly khai khỏi đảng Cộng Hòa để đứng cùng phe Libertarian là Tự Do Tuyệt Ðối, y như Ross Perot hay Pat Buchanan hơn 20 năm trước.

Họ lý luận rằng nhân mạng và tài nguyên Hoa Kỳ là những gì quá quý báu để bị hao tốn vào chuyện khác ở xa và nếu nước Mỹ quyết liệt chống trả mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ và quyền lợi của mình thì cũng triệt để tránh xa những vụ phiêu lưu mạo hiểm ở xứ khác. Trong tinh thần đó, họ ủng hộ việc triệt thoái khỏi Iraq và Afghanistan, đồng ý với chuyện hòa giải với Iran tại Trung Ðông và còn cho rằng Mỹ không nên gây mâu thuẫn với Trung Quốc để bảo vệ quyền ợi của các nước Ðông Á.

Ít ai trong đảng Cộng Hòa lại bộc bạch quan điểm có thể hẹp hòi ích kỷ như vậy, nhưng lối suy nghĩ này vẫn có chút ít ảnh hưởng trong đảng và được sự biểu đồng tình của nhiều phụ nữ cùng phe phản chiến hay chủ hòa bên đảng Dân Chủ.

Khi Tổng Thống Obama đắc cử năm 2008, ông đem lại hy vọng triệt thoái cho thành phần chủ hòa, phản chiến và tự cô lập. Ông còn được hậu thuẫn của những người chủ trương ưu tiên giải quyết các bài toán kinh tế và xã hội bên trong nước Mỹ theo tinh thần can thiệp hoặc bao cấp, tùy cách gọi. Và những mâu thuẫn về đối ngoại trong đảng Cộng Hòa có đem lại lợi thế đáng kể trong hai cuộc bầu cử 2008 và 2012.

Nhưng chính ông cũng gặp nhiều mâu thuẫn về đối ngoại bên trong đảng Dân Chủ và điều ấy sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Kết luận ở đây là gì?

Hoa Kỳ là quốc gia quá phức tạp để lằn ranh Dân Chủ-Cộng Hòa có thể là tiêu chuẩn có giá trị về chuyện đúng, sai, tiến bộ hay phản động, v.v... Ða số báo chí thông ngôn lại không biết vậy.

Ða số truyền thông Mỹ theo xu hướng thiên tả và trí thức một chút thì nói ra quan điểm “tân bảo thủ” hay can thiệp vì lý do nhân đạo. Nếu cứ tin vào đó thì sẽ lại hiểu lầm, rồi ngợi ca hay đả kích đối sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Sau một thập niên tham chiến đến phá sản, nước Mỹ đang thay đổi, nên sẽ lại có nhiều đổi thay mang tính chất ngược ngạo và lật lọng. Chúng ta nên đợi chờ chuyện này...



No comments:

Post a Comment

View My Stats