Friday, 29 November 2013

LUẬT ĐẤT ĐAI : "SỰ KHÔN LỎI CỦA NHÀ NƯỚC" (BBC phỏng vấn TS Nguyễn Quang A)




BBC
Cập nhật: 10:23 GMT - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013

Sáng 29/11, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đất đai sửa đổi với tỷ lệ phiếu tán thành là 448 trong số 473 đại biểu tham gia, đạt gần 89,9%.

Điều 4 của luật mới quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này," báo trong nước đưa tin.
Luật mới cũng quy định định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và không quy định tầm nhìn 20 năm.
Về vấn đề thu hồi đất, luật mới tiếp tục quy định nhà nước được phép thu hồi đất để "phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong các trường hợp:
  • Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư
  • Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư
  • Thực hiện các dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận

BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS và là một trong 72 nhân sỹ trí thức ký tên trong bản kiến nghị thay đổi hiến pháp được biết đến với tên gọi Kiến nghị 72, về sự kiện này.

BBC: Ông nhận xét gì về những khác biệt cơ bản giữa Luật đất đai sửa đổi mới được thông qua, so với luật cũ?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng nó không có tiến bộ gì so với cái cũ cả.
Nó có thể có một số câu từ làm cho việc thu hồi đất chặt chẽ hơn trước một chút và giảm bớt được sự tùy tiện của chính quyền địa phương khi họ thu hồi đất và đền bù thu hồi đất.
Đấy là ở tầm câu chữ chung của Luật đất đai sửa đổi lần này.
Còn cái vấn đề mà người ta bàn luận rất nhiều trong thời gian vừa qua thì thực sự được ngã ngũ từ hôm qua, khi Quốc hội thông qua hiến pháp với nội dung đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Hiến pháp thông qua ngày hôm qua còn hợp hiến hóa cho việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Những dự án cho xã hội kinh tế như thế trong luật đất đai trước kia là quy định vi hiến so với hiến pháp năm 1992.
Dù biết đó là quy định vi hiến, hôm qua, 29/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua một hiến pháp giúp hợp hiến hóa cho điều này.

'Nhà nước khôn lỏi'

BBC: Ông nghĩ thế nào về quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý trong bối cảnh ngày nay?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đây là một sự sao chép hết sức mù quáng những sai trái của hiến Pháp Liên Xô những năm 80.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói nhà nước Việt Nam tiếp tục trốn tránh trách nhiệm chủ sở hữu thông qua Luật đất đai sửa đổi mới được Quốc hội tán thành ngày 29/11.

Khái niệm 'sở hữu toàn dân' là một khái niệm không đầy đủ.
Khái niệm 'toàn dân' là khái niệm dùng để đánh tráo một khái niệm chính xác hơn, lẽ ra phải gọi là 'sở hữu công', hoặc 'sở hữu nhà nước', có một chủ thể, một pháp nhân cụ thể, đó là chính phủ hay một UBND tỉnh nào đấy vì cơ quan đó có tư cách pháp nhân, là chủ sở hữu của một lô đất nào đó cụ thể. Có như thế mới gọi là chủ sở hữu.
Còn 'toàn dân' không thể là một khái niệm kinh tế cụ thể để thực thể đó có thể sở hữu gì cả.
Quan trọng nhất là chủ sở hữu phải tham gia vào quan hệ dân sự - mua bán chuyển nhượng quyền ở hữu của mình, và trong một số trường hợp là phải ra tòa nếu hai bên không thống nhất.
Một cá nhân, một doanh nghiệp, một tổ chức có tư cách pháp nhân, chính phủ, UBND tỉnh có thể bị kiện ra tòa. Thế nhưng toàn dân thì không ai vớ được cái ông toàn dân để đưa ra tòa.
Một đối tương mông lung như vậy, không phải là một đối tượng cụ thể nào cả mà bảo rằng nó là chủ sở hữu. Rồi nhà nước lại là đại diện để sử dụng quyền chủ sở hữu mà quản lý đất.

Thực sự là nhà nước rất khôn, trốn tránh trách nhiệm chủ sở hữu để không ai kiện được nhà nước về đất đai với tư cách là chủ sở hữu. Nhà nước lại đùn cho một ông vô hình dung gọi là 'ông toàn dân'.
Đó là một sự vô trách nhiệm của nhà nước, khôn lỏi của nhà nước, chỉ hưởng, chỉ có quyền mà không chịu trách nhiệm. Đó là một khái niệm mà không một từ xấu xa nào mô tả được.
Rất đáng tiếc đó là một khái niệm vay mượn của một chế độ mà sau khi vay mượn thì chỉ chưa đầy 10 năm sau, chế độ đó đã bị xóa sổ.
Thế mà sang thế kỷ 21, những người tự nhận là trí tuệ, đại diện của Việt Nam lại không chịu lắng nghe, để rồi nhắm mắt thông qua hiến pháp với luật quy định sở hữu toàn dân thì tôi không thể hiểu được.

'Bỏ phiếu với tư cách Đảng viên'

BBC: Nếu ông là đại biểu quốc hội có mặt trong phiên biểu quyết về Hiến pháp sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi, ông sẽ lựa chọn như thế nào? Tán thành, không tán thành, hay không biểu quyết?
TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn là không tán thành chứ làm gì có chuyện không biểu quyết.
Tất nhiên là những người không biểu quyết thì cũng tỏ thái độ của người ta. Nhưng tôi nghĩ thái độ đấy vẫn còn là thái độ lừng khừng.
Theo những gì tôi nghe được từ một số người khi họ nói ở bên ngoài thì tôi biết được số không tán thành không phải là ít.
Nhưng vì người ta phải chịu kỷ luật rất khắt khe của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ là Đảng viên và khi Lãnh đạo Đảng đã bảo rằng Đảng đã quyết định, phải chấp hành thì họ cứ như cái máy mà ấn nút thôi.
Khi họ bỏ phiếu thì họ không phải bỏ với tư cách cá nhân, mà là với tư cách là một phần của Đảng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats