Friday 29 November 2013

LÀM SAO ĐỐI PHÓ VỚI NGHỊ ĐỊNH 174/2013/NĐ-CP ? (Phạm Lê Vương Các)




Posted by Phạm Lê Vương Các on 02:05  28/11/2013

Theo điều 88 BLHS mức án dành cho hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước có thể lãnh án đến 20 năm tù. Nhưng giờ đây Nghị định 174/2013/NĐ-CP lại quy định cho hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước có thể bị xử phạt hành chính đến mức tối đa 100 triệu đồng.

Như vậy có thể nhận ra rằng, xu hướng trong tương lai là nhà cầm quyền sẽ áp dụng Nghị định 174/2013/NĐ-CP thay thế cho điều 88 để "xử lý" những nhà bất đồng, đối kháng.

Lý giải cho vấn đề này có thể nói rằng, sau một thời gian dài áp dụng điều 88,  "Việt Nam đã biến thành nhà tù lớn thứ hai dành cho giới blogger, sau Trung Quốc" (theo báo cáo RSF), nhưng nhà cầm quyền không những không ngăn chặn được làn sóng bất đồng, đối kháng đang ngày càng lan rộng, mà nhà cầm quyền đã phải gánh chịu những thiệt hại to lớn trong việc thiết lập ban giao quốc tế, xây dựng hình ảnh, cũng như tạo dựng lòng tin dư luận trong và ngoài nước...

Chỉ tính riêng một vài cá nhân đơn lẻ bị xử lý theo điều 88 như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Phương Uyên... thì trong tất cả những vụ xử lý này, nhà cầm quyền đã.. "mất nhiều hơn là được".

Đứng về góc độ kinh tế, giữa lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn, ngân sách đang dần cạn kiệt thì việc bỏ tù những nhà bất đồng, đối kháng không những không mang lại hiệu quả, mà còn phải "tốn cơm" và tốn phí cho việc gia tăng nhân sự giam giữ.

Chính vì thế,100 triệu đồng xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ là nguồn bổ sung quý giá cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, cũng như qua đó sẽ "đánh" các nhà bất đồng, đối kháng về mặt "cơm, áo, gạo, tiền" góp phần gián tiếp làm lung lay ý chí của họ.

Qua đó có thể thấy, giới đấu tranh trong tương lai sẽ ít phải đối mặt với việc "nhập kho" như trước đây nữa, nhưng sẽ phải đối mặt với việc "sạch túi" từ nhà cầm quyền.

Vì thế, tranh thủ trước ngày 15/1/2014 là ngày mà Nghị định 174/2013/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, những nhà đấu tranh, nếu có tài sản riêng thì nên chuyển qua cho những người thân trong gia đình đứng tên giữ giùm, tạo cho mình thành một "con người vô sản" về mặt pháp lý để tránh việc bị "moi tiền".

Về nguyên tắc của xử phạt hành chính, nếu người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành theo thời hạn quy định, thì việc cưỡng chế sẽ được tiến hành. 

Việc cưỡng chế dễ thực hiện nhất là khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng, nếu tài khoản trong ngân hàng không có đồng nào hoặc không đủ thì người bị xử phạt sẽ bị kê biên phần tài sản (tịch thu giá trị tương ứng) để nhà nước đem ra bán đấu giá nhằm lấy tiền xử phạt.

Nếu cá nhân các nhà đấu tranh không có có bất kỳ một tài sản có giá trị nào, thì hãy nhe răng cười trừ.

Nhưng đôi khi có ngày cũng phải "mếu" một chút, vì có dịp nào đó, khi tới hải quan làm thủ tục xuất cảnh, mà nhà nước chợt nhớ ra "việc lúc trước" và "đòi nợ", thì hãy xem như đó là việc xui rủi của mình.



No comments:

Post a Comment

View My Stats