Saturday 30 November 2013

CỘNG ĐỒNG MẠNG KHÔNG QUAN TÂM MỨC PHẠT MỚI THEO NGHỊ ĐỊNH 174 (BBC Tiếng Việt)




Cập nhật: 14:19 GMT - thứ bảy, 30 tháng 11, 2013

Cộng đồng mạng và giới vận động cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam sẽ không lùi bước và 'không quan tâm' tới mức phạt mới mà chính quyền mới quy định áp dụng với mạng xã hội ở Việt Nam, theo nhận định của một blogger và nhà quan sát từ Sài Gòn.
Chính phủ Việt Nam vừa ra nghị định trong đó quy định mức phạt hành chính cao nhất lên đến 100 triệu đồng cho tội 'chống phá nhà nước' trên mạng xã hội, các báo trong nước đưa tin.

Trao đổi với BBC hôm 29/11, nhà báo, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, bình luận: "Tôi có hỏi một số người, thì họ gần như không quan tâm tới mức phạt 100 triệu."

Ông nói thêm: "Nghị định 72 lúc đầu đã làm nhiều bloggers hoang mang, nhưng về sau không thấy gì cả, và thực sự không phát huy tác dụng gì cả, ít nhất là tới thời điểm này.
"Và điều đó cũng cho thấy là việc đưa ra nghị định mới như thế này với mức phạt dù là 100 triệu (VNĐ), thậm chí là trên 100 triệu, thì giới bloggers có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý nhiều lắm."

Nghị định 174/2013/NĐ-CP, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1 năm sau, quy định khoản phạt hành chính từ "70 đến 100 triệu đồng" đối với "các hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN, phá hoại khối đại đoàn kết .. tuyên truyền kích động chiến tranh, bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động".

Mức phạt này cũng áp dụng đối với các hành vi "xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm anh hùng dân tộc ..."

Đối tượng bị áp dụng mức phạt tài chính này là những trường hợp bị cho là có những 'vi phạm' nói trên, nhưng "chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự", theo báo trong nước.

Bên cạnh đó, Nghị định 174 còn quy định các "trang thông tin điện tử và mạng xã hội không có máy chủ đặt ở Việt Nam để "cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước " sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Các mạng xã hội hoạt động không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, nội dung nghị định viết.

Việc "đưa hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia" và đăng thông tin "không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam" trên mạng xã hội cũng sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Phản ứng truyền thông

Hãng tin AFP trong tin đăng ngày 28/11 nhận định Nghị định 174 sẽ "tiếp tục thu hẹp không gian của sự biểu đạt trên mạng tại một đất nước vốn đã bị liệt vào dạng "kẻ thù của Internet" bởi tổ chức Phóng viên Không biên giới."

Trong khi đó, Reuters trong tin ngày 27/11 gọi đây là "thủ thuật mới nhất trong chiến dịch đàn áp với quy mô ngày càng lớn đối với giới bất đồng chính kiến của lãnh đạo cộng sản".
"Nghị định mới sử dụng những từ ngữ mơ hồ và không quy định rõ bình luận như thế nào thì có thể bị quy thành tội hình sự hoặc bị xử lý hành chính," Reuters bình luận.

Reuters cũng dẫn lời blogger Nguyễn Lân Thắng, một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, cho rằng nghị định mới sẽ gặp phải phản ứng giận dữ từ những người sử dụng mạng xã hội.
"Làm sao chính phủ có thể bị lật đổ bởi việc bình luận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội?" ông Thắng nói.

'An ninh muốn biết tôi ra Hà Nội làm gì?'
Ông Phạm Chí Dũng thuật lại việc bị an ninh tạm giữ ở Hà Nội và bình luận về việc vì sao Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm thứ Sáu:
"Ở Việt Nam bây giờ phải xem xem như thế nào, phải xét lại những điều luật như là điều 258, điều 88..., xem thế nào là chống đối nhà nước,
"Phải xem lại bởi vì những điều luật đó nếu không cẩn thận, rất dễ bị lạm dụng, và ít nhất khi bị lạm dụng thì người ta có thể phản biện, và mức phạt không nhỏ, tới 100 triệu là không nhỏ."

Blogger này cho rằng nhà nước cần xem lại mức phạt được cho là tới 100 triệu đồng này, cũng như là nghị đinh 72 cũng như nghị định vừa được bổ sung với quy định mới cho mạng xã hội vừa mới ban hành.

Hồi tháng Bảy năm nay, chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Nghị định này, vốn đã có hiệu lực từ ngày 1/9/2013 và quy định các trang web cá nhân hoặc trang do cá nhân lập ra trên các mạng xã hội không được phép "cung cấp thông tin tổng hợp", cũng đã bị nhiều tổ chức và truyền thông quốc tế lên tiếng chỉ trích.

Các bài liên quan


No comments:

Post a Comment

View My Stats