Friday, 29 November 2013

LS NGUYỄN VĂN ĐÀI BỊ CẢN TRỞ GẶP ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO PHÁP, NHÀ BÁO PHẠM CHÍ DŨNG BỊ CÂU LƯU (RFI, RFA, Danlambao, Nguyễn Tường Thụy)




Thụy My  -  RFI
Thứ sáu 29 Tháng Mười Một 2013

Ngay sau khi Việt Nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã liên tiếp xảy ra một số sự kiện cho thấy có vẻ như vẫn chưa có gì thay đổi đối với các nhà bất đồng chính kiến và các cây bút bình luận độc lập.

Hôm qua luật sư Nguyễn Văn Đài bị ngăn trở tiếp xúc với ông Jean-Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, và hôm nay 29/11/2013 đến lượt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ.

Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội kể lại chi tiết sự việc : 
Nghe (03:45)   : LS Nguyễn Văn Đài 29/11/2013    by Thụy My


LS Nguyễn Văn Đài : Tôi có hẹn trước với ông Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội là Jean-Philippe. Theo lịch hẹn thì khoảng 10 giờ sáng ngày 28/11 chúng tôi sẽ gặp nhau tại quán cà phê Gecko ở trên địa bàn Bách Khoa. Bởi vì từ khi tôi ra tù ngày 06/03/2011 thì hiện nay tôi vẫn đang bị quản chế, nên không thể ra khỏi khu vực của mình, và hầu hết các cuộc gặp giữa tôi với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đều trong phạm vi phường Bách Khoa.
Từ sáng sớm tôi đã biết tin là cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ các buổi gặp này. Đúng 10 giờ tôi đến và chờ ông Jean-Philippe ở đó. Khi ông tới nơi, tôi có chỉ cho ông xem những nhân viên an ninh đang quây xung quanh khu vực chúng tôi đứng, và hỏi ông có ngại khi gặp tôi không. Ông nói là không có vấn đề gì cả, tôi cũng muốn xem cơ quan an ninh Việt Nam sẽ đối xử với chúng ta như thế nào, bởi vì cuộc gặp này là hoàn toàn hợp pháp.
Rất nhiều nhân viên an ninh dùng máy điện thoại chụp ảnh chúng tôi, thì ông Bí thư thứ nhất cũng lấy điện thoại của ông ra chụp ảnh lại họ. Sau đấy chúng tôi lên trên quán ngồi nói chuyện.
Cuộc gặp mới diễn ra được chừng khoảng bảy, tám phút gì đó thì người chủ quán đến nói là trưởng công an phường Bách Khoa đã gọi điện thoại cho anh, gây sức ép với anh là phải đuổi chúng tôi đi khỏi quán. Không được bán hàng và không cho phép ngồi tại chỗ, nếu không thì quán này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Tôi nói rằng chúng tôi còn chờ một người bạn nữa tới rồi sẽ đi, chúng tôi không muốn để anh bị phiền hà. Chúng tôi ngồi thêm được ít phút nữa thì anh ta lại đến nài nỉ nói là bây giờ không đi không được, bởi vì công an gây sức ép rất lớn. Họ nói là không đi thì họ sẽ đóng cửa quán của anh ấy.
Đúng lúc đấy, ngoài tôi ra còn có anh Phạm Chí Dũng, là một blogger đồng thời là người bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở Saigon ra, cũng tham dự cuộc gặp này. Sau đấy chúng tôi đi tìm những quán khác cũng trong địa phận phường Bách Khoa để tiếp tục câu chuyện.
Khi vào một quán gần đó, mới ngồi khoảng ba, bốn phút thôi – trên đường đi thì công an và an ninh đã đi theo phía sau rồi – ngay lập tức công an nói với chủ quán là không được phép bán hàng hay phục vụ cho chúng tôi. Chúng tôi bèn trao đổi với nhau là ngồi nói chuyện thôi chứ không cần phải dùng đồ uống ở đây, và khi kết thúc cũng sẽ trả tiền cho chủ quán mặc dù họ không phục vụ.
Thế nhưng cũng chỉ được hai phút thì chị chủ quán chạy từ dưới tầng một lên tầng hai. Chị nói : « Chúng tôi không biết các anh là ai, nhưng công an họ ép chúng tôi phải đuổi các anh đi, nếu không họ sẽ phá hểt cả quán của tôi ». Và hiện giờ công an đã đến để tịch thu tất cả bàn ghế của họ ở trong quán rồi.
Chúng tôi trao đổi rất nhanh với nhau, thôi thì sẽ dời cuộc gặp này sang một thời gian thích hợp. Trong thời gian ngắn thì chúng tôi cũng đã kịp nói với nhau những vấn đề quan trọng nhất rồi, và làm quen với nhau.
Khi chúng tôi xuống thì thấy phía bên ngoài quán rất nhiều công an mặc thường phục cũng như sắc phục đang tịch thu những đồ đạc của quán đó. Sau đấy chúng tôi chia tay nhau. Ông Bí thư thứ nhất lên xe trở về sứ quán còn tôi và anh Phạm Chí Dũng quay về nhà.

Ông Nguyễn Văn Đài cho biết thêm :

LS Nguyễn Văn Đài : Tôi cũng nghe câu chuyện là Phạm Chí Dũng sáng nay có đi gặp bác Nguyễn Thanh Giang, cùng với một số bác cán bộ lão thành cách mạng có tư tưởng dân chủ, thì một số người cũng bị cơ quan an ninh bắt và câu lưu.
Lúc nãy trước khi anh Phạm Chí Dũng lên máy bay, tôi có nói chuyện với anh. Anh nói rằng họ đã lập biên bản cảnh cáo anh, vì anh đã có cuộc gặp với Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và một số người khác ở Hà Nội.
Tôi rất ngạc nhiên ! Việc công dân Việt Nam gặp nhau và chuyện hết sức bình thường. Thậm chí còn có quyền hội họp và rất nhiều quyền khác, mà tại sao cơ quan an ninh Việt Nam lại cảnh cáo công dân khi họ tiếp xúc với các công dân khác, dù luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm các công dân gặp nhau.
Không những không bị cấm, mà còn là quyền của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp, trong pháp luật cũng như Công ước quốc tế. Đó là một điều rất nực cười !
Việt Nam vừa được bầu và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đến ngày 01/01/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng không hiểu sao cơ quan an ninh lại có những hành động rất là vi phạm nhân quyền như vậy, xâm phạm trực tiếp đến quyền của người dân Việt Nam. Tôi không hiểu là khi trở thành thành viên chính thức rồi thì những chuyện gì sẽ xảy ra, người dân chúng tôi vẫn chưa biết được.

Về phần cây bút bình luận Phạm Chí Dũng sau khi được trả tự do, khi đang chờ lên máy bay trở về Saigon đã cho chúng tôi biết như sau :
Nghe (03:22)  :  Nhà báo Phạm Chí Dũng  29/11/2013 by Thụy My


Nhà báo Phạm Chí Dũng : Sáng nay, ngày 29/11 tôi có hẹn với tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang. Ông rất nhiệt tình mong tôi tới chơi, và tôi cũng muốn đến thăm, vấn an sức khỏe của ông vì lâu nay chưa có cơ hội. Tôi hy vọng được gặp ông Giang lần đầu tiên.
Sáng nay tôi đi cùng với anh Lê Quốc Quyết, là em ruột của luật sư Lê Quốc Quân. Khi chúng tôi đến theo đúng hẹn 9 giờ sáng thì đã thấy có những nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục đứng ở cửa. Họ đề nghị chúng tôi không vào. Khi chúng tôi hỏi tại sao thì họ không nói lý do, và ngay lập tức họ mời chúng tôi đến đồn công an Trung Mỗ, xã Trung Văn huyện Từ Liêm để làm việc.

RFI : Theo như trên mạng thì lúc đó có đến khoảng gần 50 nhân viên công an ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Thật ra lúc đó tôi không quan sát kỹ, nhưng tôi thấy trước mặt mình khoảng sáu, bảy người. Và khi đưa về đồn Trung Mỗ làm việc với tôi, có lẽ phải lên tới mười một, mười hai người.
Bộ phận an ninh làm việc với tôi ngày hôm nay tự xưng là cơ quan an ninh điều tra của công an Hà Nội, tức là PA 24. Sau đó có một người tự xưng là người của Cục Bảo vệ Chính trị 7 Bộ Công an, thì tôi mới nhớ ra Cục này cũng chính là cơ quan đã phối hợp với công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tôi vào tháng 7/2012.
Khi đến đó, một lúc sau anh Lê Quốc Quyết được cho về. Còn tôi thì phải làm việc suốt từ 9 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều. Họ hỏi rất kỹ tôi ra Hà Nội làm gì, gặp gỡ những người nào, và có ý đồ… gì không.
Tôi cũng nói rất rõ, tôi ra kỳ này có mục đích khảo sát về xã hội dân sự. Vì xã hội dân sự hiện nay theo tôi là một quan niệm khá rõ ràng, và tận dụng được những mặt mạnh của xã hội dân sự thì thể chế chỉ có tốt lên mà không yếu đi. Và tôi muốn gặp gỡ một số nhân vật để khảo sát. Đây là giai đoạn một của tôi, khảo sát những nhân vật ngoài đảng và giai đoạn hai nếu có thể được thì năm sau tôi sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến những nhân vật trong đảng về xã hội dân sự.
Mục tiêu là tôi sẽ viết một cuốn sách nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam. Theo tôi biết, cũng đã có những tín hiệu Nhà nước Việt Nam đang chủ động nghiên cứu và vận dụng xã hội dân sự vào những điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tôi cho đó là một điều rất bình thường. Và việc gặp gỡ những nhân vật này, nhân vật kia, cho dù trước đây những nhân vật đó có thể đã bị bắt, nhưng sau đó cũng không có vấn đề gì và theo tôi thấy thì những nhân vật đó cũng ôn hòa thôi.
Nhưng cuối cùng sau cuộc làm việc, cơ quan an ninh đã làm một biên bản cảnh cáo tôi, liên quan tới việc gặp gỡ những người như ông Nguyễn Thanh Giang, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân.
Thực tình cảm giác của tôi, tôi cho là việc họ làm việc và giữ tôi trong vòng sáu tiếng đồng hồ cũng là bình thường thôi. Đối với tôi đó là chuyện nho nhỏ, không đáng kể. Có điều tôi vẫn ngạc nhiên là tại sao Nhà nước Việt Nam mới được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền nhanh đến thế và hào hứng đến thế, mà lại hạn chế quyền đi lại và thăm hỏi của người dân.
Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ có thể là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, đối với trường hợp những người như tôi hoặc như luật sư Nguyễn Văn Đài và kể cả những người khác nữa, có phải là thái độ tôn trọng nhân quyền hay không.


---------------------------------------------


29-11-2013

Lúc 09 giờ sáng nay, 29/11/2013, nhà báo Phạm Chí Dũng cùng anh Lê Quốc Quyết đã bị công an Hà Nội sách nhiễu khi đến nhà riêng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để thăm và trò chuyện. Cả hai sau đó bị câu lưu tại trụ sở công an phường Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để 'làm việc'.

Được biết, ngay trong sáng cùng ngày, khu vực nhà riêng của TS Nguyễn Thanh Giang tại khu Tập thể Địa Vật lý Máy bay (Xã Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội) đã bị khoảng gần 50 công an bao vây, cô lập.

TS Nguyễn Thanh Giang cho biết, buổi gặp gỡ đã được hẹn sẵn cùng với một số người bạn do ông mời đến. Tuy nhiên, công an đã chặn ngay đầu ngõ và không cho ai ra vào.    

'9 giờ sáng hôm nay công an đến bao vây nhà tôi ghê gớm lắm. Ai đến đều bị họ đuổi về hết'.
'Từ đầu ngõ đi vào nhà tôi khoảng 60-70 mét, họ chặn xe cộ ở ngoài đó. Có người bảo vài chục công an, có người bảo 40-50 công an. Họ đứng đầy ngoài ấy.'
'Có vài người lọt được vào bên trong thì liền có 5-6 công an sắc phục, thường phục đến đứng chặn ngay trước cổng nhà tôi không cho ai vào'.
Khi anh Lê Quốc Quyết cùng nhà báo Phạm Chí Dũng đến nơi thì bị công an chặn lại sách nhiễu. Cả hai bị đưa về trụ sở CA phường Trung Văn để 'làm việc'. 

Anh Lê Quốc Quyết sau đó đã rời khỏi trụ sở CA, còn nhà báo Phạm Chí Dũng vẫn ở lại 'làm việc'. Theo dự kiến, ông Dũng sẽ đáp chuyến bay trở về Sài Gòn vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày. 

'Làm việc ngạo ngược'

TS Nguyễn Thanh Giang cho biết ông không thể lý giải nổi nguyên nhân tại sao phía CA lại có những hành vi ngăn chặn việc đón tiếp khách của gia đình ông vào sáng nay.

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt đi khi bản thân ông Giang còn chưa kịp nhìn thấy mặt khách.

'Họ làm những cái việc rất ngạo ngược. Họ đã ngạo ngược suốt bao lâu trong lịch sử đối với đất nước, đối với dân tộc cũng như đối với những cá nhân khác và đối với tôi.'
'Không phải bây giờ, bao nhiêu cuộc khám xét nhà tôi, bắt và hành hạ tôi'

'Bao nhiêu lần họ lôi tôi đến công an phường,công an quận, công an bộ đều không có lý do nào xác đáng cả, nếu có lý do xác đáng họ đã bỏ tù tôi lâu rồi.' 

'Họ cứ thích là làm', TS Nguyễn Thanh Giang nói.

Trang blog Nguyễn Tường Thụy cũng đã đưa tin về vụ việc, đồng thời cho biết: "Vào lúc 14 giờ hôm nay, tôi (NTT) gọi điện cho Phạm Chí Dũng thì không liên lạc được".

Nhà báo Phạm Chí Dũng là một cây bút nổi tiếng với nhiều bài viết về tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam. Ông từng bị bắt giam 6 tháng vì những loạt bài phơi bày sự thật về tình trạng tham nhũng và các nhóm lợi ích tại Việt Nam. Trước khi bị bắt (tháng 7/2012), ông Dũng là một cán bộ công tác tại ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM.

* Cập nhật: Nhà báo Phạm Chí Dũng đã rời khỏi trụ sở CA phường Trung Văn lúc 15 giờ chiều cùng ngày. Theo tin từ Truyền Thông Chúa Cứu Thế cho biết: cơ quan an ninh điều tra thành phố Hà Nội P24, Cục Bảo vệ chính trị VII và Bộ công an đã trực tiếp làm việc với ông Dũng tại công an Phường Trung Văn.

Ông Dũng nhận xét:
“Hôm qua ngày 28.11, tôi chứng kiến việc của Ls Nguyễn Văn Đài với ông Jean Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất về chính trị của Đại sứ quán Pháp tại quán cà phê [ở Hà Nội] đã bị chủ quán mời ra khỏi quán. Sau đó, mọi người rời sang một quán cà phê khác nhưng công an [lại tiếp tục] gây sức ép chủ quán cà phê này không tiếp mọi người. Đó là một chuyện.
Còn ngày hôm nay, tôi chỉ đến thăm và hỏi thăm sức khỏe của ông Nguyễn Thanh Giang một cách bình thường nhưng cũng không không được gặp, kể cả những người bạn của ông Giang cũng vậy và họ đã cho những người bạn của ông Giang về hết. Ngay lập tức, họ đưa tôi và anh Quyết về phường công an để làm việc.
Theo tôi, sự việc của tôi không có gì là lớn và bình thường như nhiều người khác nhưng có một vấn đề lạ. Đó là, qua hai sự việc tôi đã chứng kiến trên, cho thấy từ khi VN gia nhập vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì VN có tôn trọng đầy đủ Nhân quyền hay không. Chỉ có việc đi lại và thăm hỏi bạn bè nhưng tại sao họ lại cản trở và không cho. Như vậy, họ sẽ ngăn cản việc công dân VN thăm hỏi lẫn nhau.”



--------------------------------------------------


29/11/2013

Sáng nay thứ 6 ngày 29.11.2013, Lê Quốc Quyết (em trai Lê Quốc Quân) đưa nhà báo Phạm Chí Dũng (từ Sài Gòn mới ra Hà Nội đầu tuần nay) đến thăm bác Nguyễn Thanh Giang.
Khi tới cổng nhà bác Nguyễn Thanh Giang đã có rất nhiều công an chực sẵn. Họ “mời” anh Dũng về trụ sở công an phường Trung Văn (quận Thanh Xuân) làm việc.
Phạm Chí Dũng và Lê Quốc Quyết lên xe về đồn khi chưa kịp vào nhà bác Nguyễn Thanh Giang.
Sau đó Lê Quốc Quyết ra về đi công việc.
Thông tin này do Lê Quốc Quyết cung cấp.
Vào lúc 14 giờ hôm nay, tôi (NTT) gọi điện cho Phạm Chí Dũng thì không liên lạc được.
Được biết, theo kế hoạch, Phạm Chí Dũng sẽ ra sân bay để đi chuyến bay lúc 6 giờ chiều nay vào Sài Gòn.
29/11/2013
NTT

-------------------------------

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-11-29

9 giờ sáng ngày 29/11 anh Lê Quốc Quyết (em trai LS Lê Quốc Quân) cùng TS Phạm Chí Dũng chuẩn bị đến thăm TS Nguyễn Thanh Giang thì bị nhiều chục công an bố ráp và bắt giữ.
Để biết nguyên nhân của vụ việc, mời quí vị nghe cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với ông Nguyễn Thanh Giang, trước hết ông Giang cho biết lý do có cuộc gặp mặt của ông với TS Phạm Chí Dũng:

TS Thanh Giang: Cách đây 2 hôm, nhà báo, nhà văn, TS Phạm Chí Dũng từ trong Sài Gòn ra có gọi điện thoại cho tôi và có hẹn 9 giờ sáng hôm nay đến thăm tôi. Lâu nay tôi cũng được biết tiếng, nhưng chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ, tôi đã đọc bài của anh Phạm Chí Dũng rất nhiều và tôi rất quý kiến thức của anh ấy về kinh tế cũng như các nhận định xã hội và anh ấy lại là một lớp trẻ so với chúng tôi. Cho nên, tôi cũng thông báo mời một số bạn bè của tôi ở Hà Nội tới để trò chuyện cùng anh Phạm Chí Dũng.
Không ngờ, 9 giờ sáng, một lực lượng công an khá lớn phải đến vài chục người có xe cộ bao vây quanh nhà tôi và chặn ở đầu ngõ cách nhà tôi khoảng 60 mét, tất cả mọi người đều bị đuổi về. Người nằn nì cũng không được ở, người cáu bực, cãi cọ, lý sự với họ, mấy ông già cáu quá, quát mắng công an, nhưng họ cũng lì ra, không giải thích gì cả và nói hôm nay không được vào, đuổi về tất cả. Có một vài người lọt vào được đến nhà tôi thì bị 5-6 công an duyệt, người nhà tôi ra thì bị cấm không được mở cổng. Lúc tôi ra mở cổng ra, mời cả mấy anh em công an cùng các bác vào trong nhà xơi nước, chứ đứng ngoài rùm beng rồi mang tiếng tôi với hàng xóm. Nhưng họ không vào và cũng không cho ai vào cả, họ bắt mọi người về. Mọi người được ra về, riêng anh Lê Quốc Quyết là em Lê Quốc Quân cùng với anh Dũng thì bị bắt lên đồn công an ở cách nhà tôi hơn 1 cây số.

Bắt người không lý do

Vũ Hoàng: Thưa ông Giang, lực lượng công an cảnh sát có nói lý do vì sao họ bắt giữ anh Quyết và anh Dũng không ạ?
TS Nguyễn Thanh Giang: Cho đến bây giờ cũng không hiểu vì sao, cách đây khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ tôi có gọi được điện thoại cho anh Phạm Chí Dũng thì được biết là sau khi lên đấy, họ chỉ hỏi qua loa một số câu và họ thả anh Lê Quốc Quyết. Còn anh Phạm Chí Dũng thì bị giữ đến 3 giờ chiều để thẩm vấn nhiều chuyện suốt 6 tiếng đồng hồ, anh Phạm Chí Dũng nói là quá sức mệt mỏi. Tôi hỏi là họ hỏi những gì, họ hỏi nhiều chuyện, nhưng cuối cùng chốt lại họ đưa ra một quyết định cảnh cáo là anh Phạm Chí Dũng không được gặp 3 đối tượng: Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân. Họ đưa ra một quyết định cảnh cáo như vậy và anh Phạm Chí Dũng hỏi họ vì sao thì họ cũng không đưa ra một lời giải thích vì sao cả. Điều đó hoàn toàn vô lý vì anh Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân thì đang thụ án tù, chứ còn tôi đi với cách mạng suốt từ nửa thế kỷ trước, cho đến bây giờ, tôi chưa hề bị một cái án nào cả, không những thế, trong suốt cuộc đời làm công tác tôi cũng chưa bao giờ bị kỷ luật hay cảnh cáo gì cả, tôi làm ăn rất tử tế, tham nhũng dứt khoát là không. Những đóng góp của tôi đối với đất nước cũng không phải là nhỏ. Tôi không có khuyết điểm gì cả, mà mọi người coi tôi như một đối tượng đen xấu của xã hội, không cho tôi tiếp xúc với ai cả và không ai được tiếp xúc với tôi, thì điều đó hết sức vô lý.
Họ vừa nói họ thông qua Hiến pháp, họ thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng, Đảng có quyền lãnh đạo, nhưng Đảng phải sống theo Hiến pháp, pháp luật. Họ làm việc này là hoàn toàn vô lý, hoàn toàn chà đạp lên Hiến pháp, pháp luật, rồi họ vào Hội đồng nhân quyền LHQ thế mà họ chà đạp lên quyền sống của tôi. Tôi là ông già gần 80 tuổi rồi, tôi cũng cần có bạn bè, cũng cần được giao lưu với anh em, họ tước quyền sống tối thiểu của tôi thì hỏi rằng họ có xứng đáng là Ủy viên của Hội đồng LHQ không.

Vũ Hoàng: Xin được hỏi ông là trong những thông tin chúng tôi nhận được thì có nói là công an có khoảng 50 người đến bố ráp, lúc đó, ông Giang có chứng kiến được việc công an bắt người không?
TS Nguyễn Thanh Giang: Họ vây ráp cách nhà tôi từ đầu ngõ, cách nhà tôi chừng 60-70 mét, tôi cũng không ra được đến ngoài, tôi chỉ ở trong nhà thôi. Khi tôi mở cổng, tôi cũng không được bước ra và mọi người cũng không được cho vào, thành thử những gì xảy ra ngoài đó tôi cũng không được biết, chỉ có mấy ông già mô tả lại cho tôi, họ đông lắm, mấy cậu công an nhỏ tuổi, đáng tuổi con tuổi cháu nhưng nói rất hỗn xược, khăng khăng đẩy mấy ông ấy ra ngoài và không thèm giải thích điều gì cả.

Vũ Hoàng: Khi ông Thanh Giang nói là mời mấy người bạn tới thì ông có biết là bao nhiêu người bạn được mời tới không ạ?
TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi mời dây chuyền, tôi nhắn một vài người, để rồi họ nhắn lan rộng ra, thành ra tôi cũng chưa biết là đến bây giờ có bao nhiêu người bị đuổi về và có ai bị giam giữ nữa không thì tôi cũng không biết.

Vũ Hoàng: Vâng, xin được hỏi ông Giang câu cuối là khi ông nói ông liên lạc được với anh Phạm Chí Dũng có nghĩa là anh Phạm Chí Dũng đã được thả rồi hay vẫn còn đang bị tạm giữ?
TS Nguyễn Thanh Giang: Anh ấy được thả rồi và anh Phạm Chí Dũng đang phải ra sân bay để trở về Sài Gòn.

Vũ Hoàng: Cám ơn TS Giang rất nhiều ạ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats