Được đăng ngày Thứ bảy, 30
Tháng 11 2013 17:05
“…Dân tộc nào cũng thế thôi,
chỉ khác nhau ở tầng lớp trí thức. Trí thức Việt Nam đã không làm nhiệm vụ lãnh
đạo xã hội của mình mà chỉ luẩn quẩn trong những yêu cầu và kiến nghị. Họ quên
rằng tự do và phẩm giá là những điều không thể van xin để được ban phát…”
*
Thế là bản hiến pháp mới của
chế độ cộng sản đã được thông qua, bất chấp sự phản đối đồng loạt của trí thức
Việt Nam và với một đa số đặc trưng của các chế độ cộng sản: 97%. Đây là một
bản hiến pháp mới chứ không phải chỉ là "hiến pháp 1992 sửa
đổi" như đảng cộng sản gọi nó để che giấu mức độ nghiêm trọng.
So với bản dự thảo ban đầu bản
hiến pháp vừa được biểu quyết đã có một vài thay đổi.
Thay đổi quan trọng nhất là sự rút lại một thay đổi lớn được đưa ra trong
bản sơ thảo: bãi bỏ vai trò chủ đạo của quốc doanh. Điều 51 của hiến pháp mới
giữ lại công thức của hiến pháp cũ: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo";trong khi
điều 54 của bản dự thảo không có câu "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ
đạo". Như vậy thay đổi lớn nhất của bản hiến pháp vừa được biểu quyết
so với dự thảo là không thay đổi chế độ kinh tế, là giữ nguyên trạng. Tại
sao đảng cộng sản lại rút lại ý định bãi bỏ vai trò chủ đạo của quốc doanh và
mặc nhiên từ giã cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Trong
những đóng góp của trí thức Việt Nam dự định thay đổi này không những không bị
phản đối mà còn được hoan nghênh. Kẻ viết bài này đã là người duy nhất báo động
về sự nguy hiểm của việc hủy bỏ vai trò chủ đạo của quốc doanh trong hoàn cảnh
hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng vai trò chủ đạo của quốc doanh là một sự
nhảm nhí cần phải bãi bỏ, cũng như một căn bệnh cần phải chữa chạy. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi
là một thành viên chủ trương dứt khoát chọn lựa kinh tế thị trường lấy tư doanh
làm nền tảng. Bỏ quốc doanh là đúng. Tuy nhiên một lập trường đúng về
nguyên tắc chưa chắc đã thực sự đúng trong mọi trường hợp. Còn tùy thuộc ở thời
điểm, bối cảnh và người lấy quyết định. Lấy thí dụ một bệnh nhân, chữa bệnh là
đúng nhưng không phải ai cũng có thể chữa bệnh, phải có y sĩ và thuốc phù hợp.
Chúng ta đã biết kinh nghiệm Nga dưới thời Yeltsin: từ bỏ kinh tế nhà nước và
tư hữu hóa các công ty quốc doanh đã là cơ hội để đám cường hào xâu xé tài sản
quốc gia. Đó là tình trạng chắc chắn sẽ xảy ra trong thực trạng Việt Nam hiện
nay. Từ bỏ kinh tế quốc doanh là việc phải làm nhưng chỉ có thể thực hiện một
cách thận trọng dưới một chế độ dân chủ lương thiện.
Lý do khiến đảng cộng sản đã tự ý rút lại dự định bỏ vai trò chủ đạo của quốc
doanh rất có thể chỉ giản dị là vì các nhóm lợi ích trong đảng chưa đồng ý trên
sự chia chác các tổng công ty và tập đoàn quốc doanh.
Thay đổi quan trọng thứ hai so với bản dự thảo là sự tăng cường hơn nữa
quyền hạn của chủ tịch nước. So với hiến pháp cũ thì quyền hạn của chủ tịch
nước đã được gia tăng rất nhiều trong dự thảo sửa đổi. Điều 93 của dự thảo qui
định chủ tịch nước có mọi quyền hành đối nội cũng như đối ngoại, đặc biệt chủ
tịch nước "thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ
tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp
tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc
hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội
nhân dân Việt Nam".
Điều 88 trong hiến pháp vừa
được biểu quyết còn tăng cưởng hơn nữa những quyền này. Cụ thể là chủ tịch nước
không chỉ "phong hàm" các sĩ quan cấp tướng và "bổ
nhiệm" các chức vụ đứng đầu quân đội mà còn "bổ nhiệm,
miễn nhiệm, cách chức". Như vậy là theo bản hiến pháp
mới chủ tịch nước có tất cả mọi quyền hành, đồng thời cũng là vị tổng tư lệnh
toàn quyền của quân đội. Trái lại thủ tướng hầu như không còn thực quyền nào,
kể cả quyền lãnh đạo chính phủ vì: "Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quy
định. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số".
Thủ tướng cũng chỉ có một phiếu trong những quyết định của chính phủ như
mọi bộ trưởng. Việc gia tăng hơn nữa quyền hạn của chủ tịch nước cũng do
ban lãnh đạo cộng sản tự ý chứ không đáp ứng một đề nghị nào từ ngoài cả. Kẻ
duy nhất bày tỏ quan tâm đến việc tập trung quyền lực vào tay một chủ tịch nước
cũng chính là tác giả bài này.
Đây là một bước chuyển hóa quan trọng từ độc tài đảng trị sang độc tài cá
nhân trong những điều kiện hiểm nghèo cho chế độ.
Một số đông đảo trí thức đã ký
tên vào kiến nghị yêu cầu hoãn việc thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp vì dự
thảo này không chấp nhận được. Nó không những không phải là một bước tiến về
dân chủ như mọi người chờ đợi và như bối cảnh quốc quốc gia và quốc tế đòi hỏi
mà còn là một bước lùi. Nó vẫn ngoan cố khẳng định độc quyền của đảng cộng sản.
Xấc xược hơn nữa nó còn buộc các lực lượng vũ trang phải trung thành trước hết
với Đảng. Trên điểm này hiến pháp mới đã có một nhượng bộ nhỏ so với dự thảo:
điều 65 qui định: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ
quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước"thay vì: "Lực lượng vũ
trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc
và nhân dân"như trong dự thảo. Trong dự thảo ĐCSVN được đặt trước cả
tổ quốc và nhân dân, quân đội chỉ trung thành với đảng chứ không chứ không cần
biết tới nhà nước. Các lực lượng vũ trang như vậy được coi là hoàn toàn của
Đảng. Trong hiến pháp vừa được thông qua Nhà Nước đã được thêm vào như một đối
tượng trung thành của lực lượng vũ trang, dù đứng sau Đảng. Đây chỉ là một
nhượng bộ trong cách hành văn nhằm xoa dịu dư luận chứ không phải là một nhượng
bộ thực. Tổ quốc và nhân dân là những khái niệm trừu tượng, chỉ có nhà nước,
đại diện của tổ quốc và nhân dân, là có sự hiện hữu cụ thể. Đặt Đảng trước nhà nước cũng là
đặt Đảng trên tổ quốc và nhân dân. Các trí thức đã ký tên vào các kiến nghị
phải thấy rằng họ đã bị nhục mạ.
Có thể nói gì về bản hiến pháp mới này?
Điểm bị phản đối nhất trong dự
thảo vẫn được duy trì. Các lực lượng vũ trang vẫn phải tuyệt đối trung thành
với Đảng CSVN, trước cả nhà nước, nghĩa là về nội dung trước cả tổ quốc và nhân
dân như ta vừa nói. Điều này đã được bàn nhiều nhưng mức độ nghiêm trọng của nó
vẫn buộc chúng ta phải nhận định lại để nhìn thật rõ. Thế nào là một nhà nước?
Theo định nghĩa phổ cập nhà nước trong một quốc gia độc lập là thực thể có độc
quyền sử dụng bạo lực hợp pháp. Với bản hiến pháp này nhà nước Việt Nam
hiện nay không còn độc quyền này nữa, nó không còn là một nhà nước có chủ
quyền. Đảng CSVN đã tự
định nghĩa như một lực lượng chiếm đóng. Nó đã tuyên chiến với dân tộc Việt
Nam. Vậy người Việt Nam cũng phải nhìn nó như một lực lượng chiếm đóng nước
ngoài.
Nhưng tại sao Đảng CSVN lại liều lĩnh thách thức nhân dân
Việt Nam như vậy? Giả
thuyết hợp lý nhất là họ thấy bị đe dọa trước làn sóng bất mãn đang dâng lên và
muốn chuẩn bị cơ sở pháp lý để quân đội hoặc tham gia đàn áp những cuộc biểu
tình đòi dân chủ hoặc ít nhất không can thiệp khi công an đàn áp. Giả thuyết
này càng nhiều triển vọng đúng vì gần đây lực lượng công an chống biểu tình đã
được tăng cường đáng kể. Nếu đó là tính toán của ban lãnh đạo cộng sản thì họ
lầm to. Luật chỉ cao hơn hết bởi vì nó đúng; chính vì đúng mà nó mới có tác
dụng buộc kẻ mạnh, nếu không có lý, phải nhượng bộ kẻ yếu. Luật vô đạo không phải là luật
như Socrates đã nói gần hai mươi lăm thế kỷ trước. Quan điểm Mác –Lênin, theo
đó luật là dụng cụ đàn áp của kẻ thống trị, là sai hoàn toàn, sai một cách bi
đát. Chính vì thế mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ sản sinh ra những chế độ quái
thai rồi bị thế giới văn minh vất bỏ. Bản hiến pháp thô bỉ này không có giá trị, ngược lại nó còn đặt nhà
nước cộng sản trong thế bất hợp pháp. Quân đội không còn bổn phận phải
phục tùng một nhà nước như vậy nữa. Nếu một tướng lãnh đảo chính lật đổ chính
quyền này ông ta không thể bị coi là phản loạn bởi vì nhà nước này không còn là
một nhà nước nữa. Đảng cộng sản muốn dùng luật pháp để khống chế quân đội
nhưng, một cách mù quáng, họ đã chỉ phá tan cái khuôn khổ pháp lý ràng buộc
quân đội với họ.
Qua bản hiến pháp này có lẽ ban
lãnh đạo cộng sản đã muốn tập trung quyền lực vào một chủ tịch nước, có mọi
triển vọng sẽ kiêm luôn chức tổng bí thư đảng theo mô hình Trung Quốc, để chấm
dứt một tình trạng phân tán quyền lực - giữa tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ
tướng - đang làm tê liệt chế độ. Nhưng nếu quả như vậy thì họ cũng lầm
to. Sự phân tán quyền lực hiện nay không phải ngẫu nhiên mà có, nó là hậu quả
của tình trạng mất lý tưởng và đạo đức trong đảng. Bộ máy sàng lọc của đảng vì
thế đã loại bỏ hết những người có nhân cách và chỉ để lại những cấp lãnh đạo mờ
nhạt, cơ hội và thủ đoạn, thấp bé về cả cả đạo đức lẫn trí tuệ, không ai đủ bản
lãnh và uy tín để đoàn kết toàn đảng. Phân tán quyền lực là hậu quả tất nhiên.
Tình trạng phân tán quyền lực này tuy gây bế tắc nhưng cũng đã giúp chế độ tồn
tại, vì nó cho phép các phe phái trong đảng thỏa hiệp để chia chác quyền lực và
quyền lợi. Cả Nông Đức Mạnh lẫn Nguyễn Phú Trọng đều đã được chọn làm tổng bí
thư đảng như là giải pháp thỏa hiệp, không phải vì họ tài giỏi mà chính vì họ
không có bản lãnh và do đó không đe dọa ai. Sự thỏa hiệp này sẽ không thể có
được nữa khi tất cả quyền lực tập trung vào một người. Các phe phái bị đặt vào
thế hoặc được tất cả hoặc mất hết, kể cả an ninh cá nhân. Không ai có thể
nhường ai. Cuộc đấu đá sẽ rất dữ dội và có thể làm vỡ tan cả đảng lẫn chế độ.
Khó thể tưởng
tượng rằng những người lãnh đạo cộng sản có thể mù quáng đến nỗi không nhìn
thấy nguy cơ này. Vậy tại sao họ vẫn sửa đổi hiến pháp như vậy? Phải chăng là
vì trong một lúc nào đó tất cả các phe phái đều đã chủ quan cho rằng mình sẽ
giành được phần thắng rồi cùng lâm vào thế lỡ phóng lao? Khó tin. Giả thuyết có
xác xuất lớn hơn nhiều là họ đã sửa đổi hiến pháp do áp lực của Trung Quốc để
thiết lập mô hình Trung Quốc tại Việt Nam và người chủ tịch nước kiêm tổng bí
thư sẽ là người do Trung Quốc chỉ định và hỗ trợ. Như thế vấn đề người chủ tịch
nước được giải quyết nhưng chủ quyền Việt Nam không còn. Chúng ta không thể
chấp nhận viễn ảnh này.
Sự kiện một bản hiến pháp vừa
thách đố nhân dân vừa tạo nguy cơ ngoại thuộc được một "quốc hội" gần
500 người có ăn học và có phương tiện thông tin thông qua mà không có một phiếu
chống nào sẽ phải khiến nhiều thế hệ mai sau tự hỏi trí thức Việt Nam năm 2013
là hạng người gì. Đã chỉ có bảy người không bỏ phiếu, họ tỏ ra còn có chút liêm
sỉ dù vẫn chưa đủ can đảm để làm người, nghĩa là lên tiếng chống lại. Nhưng cái
đa số lỗ mãng 97% này không những không chứng tỏ sự bền chắc của chế độ mà trái
lại còn phơi bày sự chao đảo của nó. Trong vài năm gần đây, chính do sự phân
hóa trong nội bộ đảng mà các "đại biểu quốc hội" đã phần nào được thả
lỏng và ta đã thấy họ đã có những ý kiến rất khác nhau trên nhiều vấn đề, như
Đường sắt Cao tốc, Bôxit Tây Nguyên v.v. Đó là hậu quả tự nhiên của tình trạng
thiếu hụt tư tưởng và lý luận của Đảng. Như vậy trên một vấn đề nghiêm trọng
như hiến pháp sự chia rẽ càng phải lớn hơn, nhất là bản hiến pháp này lại sai
và nguy hiểm một cách quá lộ liễu. Số "đại biểu" không thuận phải rất
cao. Đa số 97% chỉ có thể là kết quả của một sự ép buộc thô bạo. Đừng quên một
sự kiện rất không bình thường. Kỳ họp quốc hội này được thông báo là có mục
đích chính là thảo luận về sửa đổi hiến pháp nhưng chỉ vài ngày sau vấn đề sửa
đổi hiến pháp không còn được thảo luận nữa, thay vào đó là những đề tài như nợ
xấu, lạm phát, luật xây dựng, luật bảo vệ mội trường, bảo hiểm y tế, hôn nhân
và gia đình, phòng chống tham nhũng, qui chế sĩ quan v.v. Hiến pháp mới được
đem biểu quyết không tranh cãi và ngay sau đó kỳ họp quốc hội kết thúc, sớm một
ngày so với dự trù. Tình trạng kỳ cục này chỉ có thể giải thích là ban lãnh đạo
đảng thấy rằng nếu cho thảo luận sẽ rối loạn và nếu cho biểu quyết như thường
lệ thì bản hiến pháp mới sẽ không được thông qua; họ đã bắt buộc các "đại
biểu" phải im mồm và bỏ phiếu thuận nếu không muốn bị trừng phạt nặng, và
các "đại biểu" đã run sợ. Cũng nên nhớ là một "đại biểu quốc
hội" có thể bị đuổi khỏi quốc hội bất cứ lúc nào, và sau đó mất hết mọi
bảo đảm của qui chế đại biểu, khi bị đánh giá một cách mơ hồ là "không
còn xứng đáng" theo điều 7 của hiến pháp, trước cũng như sau khi sửa
đổi.
Cần nhấn mạnh một lần nữa là bản hiến pháp vừa được thông
qua không phải là "hiến pháp 1992 sửa đổi" mà là một hiến pháp mới. Nó thay đổi cả bản
chất của chế độ lẫn chế độ chính trị. Nó khẳng định Đảng Cộng Sản Việt Nam là
một lực lượng chiếm đóng. Nó là một cóp nhặt của mô hình Trung Quốc và đặt đất
nước ta trước nguy cơ mất chủ quyền thực sự. Nó tuyên chiến với dân tộc Việt
Nam và nhục mạ trí thức Việt Nam.
Chúng ta phải ứng xử thế nào?
Trước hết phải tự hỏi tại sao nhóm người cầm đầu đảng cộng sản lại có thể
xấc xược đến như thế? Phải chăng họ xấc xược chỉ vì chúng ta quá nhu nhược? Đặt
câu hỏi cũng là đã trả lời. Nhưng ai nhu nhược? Dân tộc nào cũng thế thôi, chỉ
khác nhau ở tầng lớp trí thức. Trí thức Việt Nam đã không làm nhiệm vụ lãnh đạo
xã hội của mình mà chỉ luẩn quẩn trong những yêu cầu và kiến nghị. Họ quên rằng
tự do và phẩm giá là những điều không thể van xin để được ban phát.
Đảng Cộng Sản Việt Nam qua bản
hiến pháp này đã tự khẳng định như một lực lượng chiếm đóng. Thái độ duy nhất
đúng trước một lực lượng chiếm đóng là chống lại một cách quả quyết và dứt
khoát. Mọi nhân nhượng và hợp tác đều không chính đáng.
Đừng vội hỏi chúng ta có thể
làm gì trong hoàn cảnh hiện nay để rồi chỉ nhìn thấy khó khăn và trở ngại. Hãy
có quyết tâm đã rồi chúng ta sẽ thảo luận. Một điều chắc chắn là tuyệt đại đa
số nhân dân Việt Nam chống lại đảng cộng sản sau khi nó đã hiện nguyên hình của
một lực lượng chiếm đóng và đại đa số đảng viên cộng sản cũng không muốn tham
gia một lực lượng chiếm đóng. Điều cũng chắc chắn không kém là chúng ta có thể
giành thắng lợi mà không cần dùng tới bạo lực. Các tập hợp của Gandhi tại Ấn Độ
và Mandela tại Nam Phi đã đánh bại được những lực lượng chiếm đóng nước ngoài
hung bạo hơn nhiều bằng những phương thức thuần túy bất bạo động.
Nguyễn Gia Kiểng
(11/2013)
(11/2013)
No comments:
Post a Comment