Saturday, 30 November 2013

"VÙNG PHÒNG KHÔNG" - SAI LẦM CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC (Người Việt)




Wednesday, November 27, 2013 4:43:28 PM

HOA KỲ (NV) - Cuối tuần qua, Trung Quốc tuyên bố một “khu vực phòng không” (ADIZ) mới, có hiệu lực vào lúc 10 giờ sáng thứ Ba, 23 tháng Mười Một, 2013. Khu vực này bao phủ một phần lớn ngoài khơi vùng biển đang tranh chấp giữa các nước Á Châu.
Khu vực phòng không này nằm trong vùng Biển Đông, kéo dài khoảng 900 km từ Bắc xuống Nam, theo một bản đồ do Trung Quốc công bố, trong đó bao gồm cả quần đảo Senkaku.

Vùng “không phận phòng thủ” của Trung Quốc trên máy điện toán thuộc Bộ Quốc Phòng Trung Quốc. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/178025-KhuVucPhongKhong-4.jpg

Mặc cho Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra những lời giải thích bài bản, rằng đây là hành động phòng vệ để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ trên vùng trời của họ, hành động này được xem là tạo thêm áp lực lên cuộc tranh trấp biển đảo trên quần đảo Senkaku với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng cảnh báo, tất cả máy bay bay qua khu vực phòng không này phải thông báo lý lịch và tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.
Việc làm của Trung Quốc lập tức tạo ra nhiều phản ứng của nhiều nước trên thế giới.
Hoa Kỳ, dĩ nhiên thách thức ngay khu vực phòng không này bằng cách cho quân đội Mỹ đưa hai chiếc oanh tạc cơ B-52 không vũ trang bay vào vùng này, mà không thèm thông báo cho Trung Quốc.
Trung Quốc tuy không gây trở ngại này cho hai chiếc oanh tạc cơ của Mỹ, nhưng sau đó nói rằng họ “theo dõi toàn bộ chuyến bay” của các máy bay đó và kịp thời nhận dạng.
Trong khi đó, qua một tuyên bố ngày 25/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phản đối kịch liệt hành động của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “Nhật Bản sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền.”
Quan trọng hơn, các chuyên viên phân tích và quan sát tình hình thế giới cho rằng đây là hành động "không khôn ngoan" của Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Á Châu vụ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, DC, nhận định là quyết định của Trung Quốc tạo ảnh hưởng bất lợi cho chính họ trong khu vực.
Trong khi đó, ông Michael Mazza, một thành viên của viện nghiên cứu tại American Enterprise Institute, lên tiếng cảnh báo, sự kiện này sẽ tạo ra nhiều diễn tiến khiến Trung Quốc sau này có thể sẽ hối hận.
Theo ông Mazza, Trung Quốc có thể sẽ hối hận không chỉ vì việc tuyên bố khu vực phòng không mới tạo thêm nguy cơ có những đụng chạm nẩy lửa ở Biển Đông, mà là có những ảnh hưởng chính sách lâu dài của những nước liên quan.

Láng giềng bực mình

Chuyên gia nghiên cứu Mazza cho rằng, trước hết khu vực phòng không tạo ra những “mâu thuẫn không cần có với Đài Loan và Nam Hàn,” tạo một nếp nhăn vào quan hệ đang phẳng lặng tại một eo biển đang ổn định, vì hiện Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của đảo Senkaku (được gọi là Diaoyutai ở Đài Loan), và giờ đây Đài Loan có khu vực phòng không chồng chéo với Trung Quốc.
Trong bối cảnh quan hệ hiện đang rất ấm áp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, theo Mazza thì khu vực phòng không mới của Trung Quốc còn đáng ngạc nhiên hơn. Gần đây Nam Hàn có những tranh cãi kịch liệt với Nhật Bản, và Bắc Kinh chính là thủ phạm khơi lên ngọn lửa căng thẳng đó.
Khu vực phòng không mới của Trung Quốc chồng chéo với khu vực phòng không của Nam Hàn, vì bao phủ cả vùng tranh chấp Socotra Rock (mà cả hai nước tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình), và có thể kéo dài quá gần đến quần đảo Jeju, nơi Nam Hàn đang thiết lập một căn cứ hải quân lớn. Chỉ trong một lời tuyên bố ngắn ngủi, Bắc Kinh vô tình nhắc nhở Seoul rằng Nam Hàn có nhiều điểm chung với Nhật Bản hơn nước này muốn thừa nhận.

Hoa Kỳ có thể xét lại?

Nguy hiểm hơn, vẫn theo nghiên cứu gia Mazza, thay vì để yên cho Washington ở trạng thái e ngại không muốn dính vào tranh chấp Biển Đông, khu vực phòng không mới của Trung Quốc được xem là một thách thức với việc Hoa Kỳ hỗ trợ Nhật Bản, và quyền tự do hoạt động của Hoa Kỳ trong không phận quốc tế trên vùng biển đầy tranh chấp này.
Những ai nghi ngờ lập luận của Michael Mazza, chỉ cần phân tích kỹ những lời tuyên bố của cả Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, thì sẽ thấy sự thật.
Bày tỏ sự quan ngại của mình, Ngoại trưởng John Kerry mô tả việc Trung Quốc tuyên bố khu vực phòng không mới như một sự "leo thang" và "hành động đơn phương" nhằm mục đích "thay đổi hiện trạng" khu vực.
Trong khi đó, mô tả hành động của Trung Quốc là "gây bất ổn," Hagel cảm thấy cần phải khẳng định rằng việc thiết lập khu vực phòng không "sẽ không ảnh hưởng gì đến việc Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực" và "tái khẳng định" "Điều V của Hiệp ước Quốc phòng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ áp dụng cả lên quần đảo Senkaku."
Nhìn xa hơn, nhiều phân tích gia cho rằng tình hình thậm chí còn có thể trở nên tệ hại hơn cho Trung Quốc nếu hành động này dẫn đến việc Hoa Kỳ xét lại vị trí đứng ngoài tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vị trí mà từ trước đến nay Hoa Thịnh Đốn hết sức cố gắng duy trì.

Trong tuyên bố của mình, Kerry lưu ý Trung Quốc: "Chúng tôi không hỗ trợ những nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào áp dụng thủ tục khu vực phòng không của mình cho máy bay nước ngoài không có ý định nhập không phận quốc gia của họ."
Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị: Nếu máy bay Mỹ hoạt động trong vùng lân cận của quần đảo Senkaku, và từ chối yêu cầu phải thông báo lý lịch của Trung Quốc, thì hành động này có được xem là một sự ngầm phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này không?
Đối với Nhật Bản, chính sách của Mỹ liên quan đến quần đảo Senkaku trước đến giờ hơi khó hiểu: Hoa Kỳ một mặt công nhận quyền quản trị của Nhật Bản trên các hòn đảo ở quần đảo Senkaku, nhưng không có ý kiến gì về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng lại xem việc bảo vệ những hòn đảo này là một nghĩa vụ hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Lập luận bênh vực cho việc duy trì chính sách mơ hồ này đang yếu dần. Một chính quyền Obama hiện đang ngày càng mệt mỏi trước những thách thức của Trung Quốc, có thể sẽ phải tìm cách để cho Trung Quốc biết một cách rõ ràng rằng liên minh Mỹ-Nhật là một một điều không thể lay chuyển.
Thật ra không ai có thể biết chính xác tại sao Trung Quốc đi đến quyết định được xem là có vẻ đánh giá sai lầm về phản ứng của thế giới.
Tuy còn quá sớm để kết luận, đa số giới quan sát đồng ý với nhau rằng khu vực phòng không mới của Trung Quốc có thể là một sai lầm chiến lược, một động thái gây nhiều bất lợi cho chính họ, và gây hậu quả lâu dài trong sự ổn định tình hình ở Châu Á. (H.G.)


No comments:

Post a Comment

View My Stats