12:22:pm 28/11/13
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thở than tại Quốc hội
“Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội (CNXH) hoàn thiện ở Việt
Nam hay chưa.”
Ông Trọng là một chính trị gia, tuổi Giáp Thân, cầm
tinh con khỉ mà tinh tướng con heo. Ông khá khôn ngoan và uyển ngữ. Ông
đưa ra một câu hỏi, nhưng không để hỏi ai, và câu trả lời nằm ngay trong câu
hỏi. Ai muốn hiểu thế nào cũng được.
Lời cảm thán của ông như một tiếng thở dài gợi tôi
nhớ đến bài thơ sau:
Ông Lénine ở nước Nga
Cớ sao lại tới vườn hoa nước này?
Ông dậm chân, ông khuỳnh tay
Ông bảo chủ nghĩa xã hội xứ này còn xa
Hãy coi gương của nước Nga
Bảy mươi năm xây dựng chưa ra đếch gì
Tác giả bài thơ hẳn là một tay thuộc thế lực thù
địch. Hắn dám nhại thơ của thần đồng, dám kỳ thị Lénine. Quyền hành gì mà hắn
hỏi “Cớ sao?” Lénine là một người Nga, phàm đã là người Nga thì vào Việt Nam
không cần xin visa. Lénine có dậm chân, chỉ tay, trợn mắt, quát mắng ở vườn hoa
Hà Nội thì cũng giống như bao nhiêu người Nga khác đang làm như vậy ở bờ biển
Vũng Tàu, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Ông Trọng là tiến sỹ, viện sỹ, là một gương mặt đại
diện cho giới hàn lâm nên cách diễn đạt của ông cũng rất hàn lâm. Việt Nam bắt
đầu xây dựng CNXH từ năm 1954 đến nay đã được 60 năm. Còn những 87 năm nữa mới
hết thế kỷ này. Tổng cộng sẽ là 147 năm xây dựng CNXH mà không biết đã xong
chưa.
Tác giả bài thơ quả là một kẻ to gan dám bỏ vào
miệng Lénine một bài xẩm chợ với thứ ngôn từ của đám phàm phu tục tử.
Ông Trọng dùng chữ nghĩa của giới tinh hoa. Tác giả
bài thơ thì bỗ bã kiểu dân kẻ chợ. Hai cách thể hiện khác nhau, nhưng cùng
chung nhận thức. Con đường đến CNXH còn xa xôi, mơ hồ lắm. Chúng ta đang đi, mà
không biết đi đâu, đến đâu, không đích, không hướng, phía trước tràn ngập sương
mù, và đầy những rủi ro, cạm bẫy.
Xin bạn đọc đôi phút để tôi kể chuyện này. Lớp tôi
học ngày xưa có một thằng tên Võ. Hắn thích ngồi uống trà, bốc phét trong quán
cóc hơn là nghiêng mình bên trang sách trong thư viện. Hôm thi môn triết học
Marx – Lénine, Võ bốc thăm trúng câu: “Chủ nghĩa đế quốc là gì ?” Võ trả lời
đầy tự tin: “Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của CNXH”. Thầy hỏi thi đã
cho hắn thêm cơ hội để trả lời lại, nhưng hắn không đổi ý.
Hiển nhiên là Võ rớt, nhưng ngẫm lại thì hắn không
sai. Vài năm sau đó, khi nhà văn Lê Lựu đi thăm Mỹ về đã đưa ra một ẩn dụ đầy
ấn tượng. Khi ở Liên Xô, ông tưởng mình đang trên đất của đế quốc Mỹ. Khi ở Mỹ
thì ông lại tưởng mình đang giữa thiên đàng CNXH Liên Xô.
Tôi không có ý định đưa ra một định nghĩa về CNXH,
nhưng theo những gì tôi được học thì đó là một đất nước giàu có để giúp đỡ
người nghèo, là một quốc gia hùng mạnh để bênh đỡ kẻ yếu.
Nhìn lại những gì đang diễn ra ở biển Đông hẳn bạn
hiểu. Ai có thể đủ sức mạnh để giúp Việt Nam cắt cái lưỡi bò tham lam kia, nếu
không phải là Mỹ. Những anh bạn vàng Lào, Cuba, Angola có muốn giúp cũng không
thể làm nên cơm cháo gì.
Nhìn hậu quả của cơn bão Haiyan tàn phá miền trung
Phillipine. Ai là người đến cứu nạn nhân? Cũng là Mỹ. Chẳng thấy mặt cháu Ủn
đâu cả.
Mỹ bênh kẻ yếu. Mỹ giúp người nghèo. Mỹ đích thực là
một nước theo CNXH!
Khi tôi đang viết những dòng này thì các em học sinh
Việt Nam đang giải bài toán đố tìm ra có bao nhiêu tên ác ôn bị o du kích nhỏ
tiêu diệt. Các thi sỹ thi đua làm thơ thánh Gióng lên giời, thánh Giáp về quê.
Các bác sỹ thi đua ném xác bệnh nhân xuống sông. Các nhà tâm linh thi đua dùng
răng lợn thay cho răng liệt sỹ. Công an thi đua ép cung để đạt thành tích phá
án nhanh. Tuyên giáo thi đua tiêu diệt thế lực thù địch. Quân đội thi đua làm
thất bại diễn biến hòa bình…
Cứ thi đua kiểu này thì không theo kịp Miến Điện nói
gì đến chuyện theo kịp Mỹ. Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này
không biết đã xong chưa. Lần này ông Trọng nói đúng. Ai còn dám gọi ông là
“Trọng lú”?
27/11/2013
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment