Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết cho BBCVietnamese.com từ
Canada
Cập nhật: 03:54 GMT -
thứ sáu, 29 tháng 11, 2013
Lúc 9:53:09 sáng ngày
28/11/2013, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua
bản Hiến pháp mới 2013 với 486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu
chống trong tổng số 488 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tại Hội trường Quốc
hội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam
cho biết các vị đại biểu đồng loạt đứng lên vỗ tay mừng “giờ phút lịch sử” sau
khi có kết quả như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cũng cần nói thêm rằng trên 90%
đại biểu Quốc hội hiện nay là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).
Hiến pháp 2013 vừa được thông
qua có tổng cộng 11 chương, 120 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày
1/1/2014, trong đó tiếp tục tái khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN
về cả 2 mặt chính trị và kinh tế.
Đảng lãnh đạo, định hướng xã hội chủ nghĩa
Theo lời phát biểu của Phó chủ
tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo giới thì “Báo cáo của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi
Hiến pháp trình Quốc hội sáng nay (28/11) đã khẳng định bản Hiến pháp sửa đổi
lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng,” “… Hiến pháp chúng ta sửa đổi lần
này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ĐCSVN …”
Và ông còn cho biết thêm: “Đây
là bản kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân
… đáp ứng nhu cầu bảo vệ phát triển đất nước.”
Vì thế cho nên điều 4 Hiến pháp
2013 là hết sức cần thiết để tái khẳng định ĐCSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội”.
Về kinh tế, ông Phó chủ tịch
Quốc hội kết luận rằng “Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nền
kinh tế, việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng
định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết
sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Cho nên mới có quy định tại
điều 51 khoản 1 Hiến pháp 2013 rằng “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế; (trong đó) kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
"Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật
cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là
Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng!"
Nhưng như vậy thì định hướng
XHCN trong Hiến pháp đó là gì khi ngay chính ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú
Trọng cách đây không lâu cũng đã thổ lộ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã
có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Đảng CSVN luôn đòi độc quyền
lãnh đạo đất nước, dựng ra cái “thiên đường XHCN” đã hơn nửa thế kỷ nay và bắt
nhân dân đi theo mà nay lại bảo rằng đi thêm một thế kỷ nữa có thể vẫn chưa
tới? Và tại sao lại còn đưa định hướng quái gở đó vào Hiến pháp?
“Đảng pháp”
Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013
quy định như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp
với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”
Vậy cái “Cương lĩnh của Đảng”
mà ông Phó chủ tịch Quốc hội nói đó là gì? Nó có phải là một văn bản pháp luật
không? Và nếu “không” thì nó thực sự có giá trị gì trong hệ thống pháp luật
Việt Nam? Hoặc giả nếu “có” thì sao?
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho
biết như sau: “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc
nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”
Thật sự không ai hiểu nổi ông
TBT muốn nói gì và càng ngạc nhiên hơn khi ông Phó chủ tịch Quốc hội cũng tuyên
bố rằng “Bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.”
Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà
nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là
Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp”
mới đúng!
Đảng CSVN cuối cùng đã hất
một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt nhân dân.
Nhưng Đảng thực sự đã lầm to!
Nhân dân đưa quý vị lên được thì nhân dân cũng có thể hạ quý vị xuống được.
Đảng CSVN hôm nay có thể hân
hoan vỗ tay trong “giờ phút lịch sử” trọng đại nhưng nên nhớ rằng việc biểu
quyết Hiến pháp hôm nay đang đưa đất nước này và chính Đảng CSVN vào ngõ cụt,
bế tắc.
Các đại biểu Quốc hội sẽ
phải trả lời trước lịch sử, trước Tổ quốc, trước nhân dân cho hành động hôm nay
khi ngày phán xét đến.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của
tác giả, một luật sư sống tại Canada.
------------------------------------------
TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ London
Cập nhật: 13:42 GMT -
thứ bảy, 9 tháng 11, 2013
No comments:
Post a Comment