Kính thưa Quý Chị Em thành viên Phụ Nữ Nhân Quyền
Việt Nam.
Kính thưa toàn thể Quý Chị Em Phụ nữ Việt Nam trong
và ngoài nước.
Khối Tự do Dân chủ 8406 chúng tôi hân hoan chào mừng
sự ra đời của tổ chức dân sự lấy tên Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam với tôn chỉ “nâng
cao nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về phẩm giá con người và những
quyền con người cơ bản của chính mình cũng như của người khác, từ đó góp phần
thúc đẩy một xã hội tôn trọng nhân quyền” (Tuyên cáo Thành lập)
1- Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến tốt
đẹp của Quý Chị Em. Đây là sự nối tiếp truyền thống vì đất nước vì đồng bào của
bao vị anh thư trong lịch sử Dân tộc và tinh thần vì nhân quyền vì nhân phẩm
của bao vị nữ lưu trong thế giới hiện đại.
2- Chúng tôi chân thành cảm ơn Quý Chị Em đã mạnh
dạn thành lập một tổ chức xã hội dân sự để tranh đấu và hoạt động cho nhân
quyền và nhân phẩm của nữ giới tại Việt Nam, giữa lòng một chế độ đang đàn áp
khốc liệt mọi công dân và cấm đoán mọi tổ chức dân sự, độc lập.
3- Chúng tôi hết sức thán phục Quý Chị Em vì lòng
can đảm trong hiện tại qua việc thành lập một tổ chức không cần xin phép nhà
cầm quyền, vì lòng can đảm trong tương lai khi quyết tâm duy trì nó bất chấp sự
cấm cản của họ, cũng như vì lòng can đảm trong quá khứ khi dấn thân tranh đấu
cho nhân quyền từ bao năm qua.
4- Chúng tôi đau lòng nghĩ tới bao khốn khổ mà tuyệt
đại đa số Chị Em Phụ Nữ Việt Nam đã và đang gánh chịu trong cái chế độ khắc
nghiệt về chính trị, suy thoái về kinh tế, băng hoại về đạo đức và bất an về xã
hội này. Chúng tôi đặc biệt nhớ đến Quý Chị Em đang là tù nhân lương tâm và Quý
Chị Em có chồng, con, anh em đang khốn khổ trong lao tù cộng sản.
5- Chúng tôi thực tâm cầu chúc cho Lời Kêu gọi của
Quý Chị Em vang đến toàn thể Nữ giới tại Việt Nam để làm dấy lên tinh thần đấu
tranh cho công lý nơi mọi con cháu của mẹ Âu Cơ và của các bà Trưng Triệu, cho
tổ chức của Quý Chị Em ngày càng thêm nhiều thành viên nhiệt thành để chung vai
sát cánh với mọi tổ chức dân sự và chính trị đang nỗ lực xây dựng một nước VN
có tự do dân chủ, đầy nhân phẩm nhân quyền.
Làm tại Việt Nam ngày 28 tháng 11 năm 2013, ngày
Cộng sản ra một bản “Hiến pháp” chà đạp mọi nhân quyền và dân quyền.
Ban
điều hành Khối 8406:
1- Kỹ sư Đỗ Nam Hải – Sài Gòn – Việt Nam.
2- Linh mục Phan Văn Lợi – Huế – Việt Nam.
3- Giáo sư Nguyễn Chính Kết – Houston – Hoa Kỳ.
4- Bà Lư Thị Thu Duyên – Boston– Hoa Kỳ.
Với sự hiệp thông của Linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu
quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và các tù nhân lương tâm khác
đang ở trong lao tù cộng sản.
______________________________________
Phụ
lục:
Tuyên cáo Thành Lập “Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam”
25-11-2013
Cho đến thế kỷ 21- thời đại của tri thức và dân chủ
tự do, Việt Nam vẫn còn là quốc gia có một hồ sơ dày cộm về đàn áp Nhân
quyền.
Nhân quyền được coi là thước đo quan trọng để định
hình mức độ văn minh và là điều kiện tiên quyết tạo ra phúc lợi tinh thần và
giá trị nhân văn cho con người. Thế giới ngày hôm nay đã và đang đề cao Nhân
quyền trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tuy nhiên hiện nay người dân
Việt Nam vẫn chưa có cơ hội thụ hưởng Nhân quyền theo dúng ý nghĩa tốt đẹp và
nhân bản nhất của nó. Bằng chứng là nhiều người bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam
vẫn đang tiếp tục bị đàn áp bằng nhiều hình thức, đặc biệt là những người phụ
nữ.
Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, việc hình thành và
phát triển các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ Nhân quyền là điều cần thiết và
khẩn cấp. Các tổ chức này không chỉ quan trọng đối với lợi ích của mỗi cá nhân
người dân mà còn thiết thực đối với việc xây dựng nền tảng thăng tiến xã hội.
Vì thế, chúng tôi-những người quan tâm về nhân quyền nói chung và nhân quyền
của nữ giới nói riêng cùng nhau cho rằng việc thành lập Phụ nữ Nhân quyền Việt
Nam (http://vnwhr.net/) là sự cần thiết để đại
diện một cách độc lập, công bằng và vô vị lợi cho toàn thể những người phụ nữ
đã, đang và sẽ bị tổn thương về Nhân quyền, lập nên một tổ chức sinh hoạt dân
sự có tên gọi là Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nhằm:
- Gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ
bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền.
- Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực
đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các quyền con
người cơ bản.
- Chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng
cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền con người và về vai trò của
phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền.
Tôn chỉ của Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam không gì quan
trọng hơn là nâng cao nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về phẩm giá con
người và những quyền con người cơ bản của chính mình cũng như của người khác,
từ đó góp phần thúc đẩy một xã hội tôn trọng nhân quyền.
Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là một tổ chức xã hội dân
sự, phi chính trị cam kết góp vai trò của mình vào mục tiêu kiến tạo một xã hội
Việt Nam tôn trọng nhân quyền, và là một bộ phận không tách rời trong phong
trào bảo vệ nữ quyền trên thế giới.
Ngày 25/11/2013.
__________________________
LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ “PHỤ NỮ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM”
Chị em thân mến,
Chúng ta được sinh ra làm con người, chỉ riêng điều
đó khẳng định giá trị tự thân và quyền bình đẳng cố hữu của chúng ta khi so
sánh với những người đồng loại khác. Mỗi cá nhân trong xã hội loài người được
phân biệt dựa vào vai trò, nhiệm vụ chứ không phải dựa vào phẩm giá. Do đó, với
tư cách là những thực thể hiện hữu có phẩm giá, chúng ta có những quyền bất khả
xâm phạm mang tính phổ quát. Và chừng nào chúng ta còn được xác định là con
người, chúng ta không thể nào chấp nhận sự bất bình đẳng về Nhân phẩm, Nhân
quyền và vai trò xã hội.
Ngày nay, dù nhân loại đã đạt được những thành tựu
không thể chối cãi, ở nhiều nơi trên thế giới nói chung và ở nhiều vùng đất Á
Đông của chúng ta nói riêng, phụ nữ vẫn đang là đối tượng của những hành xử bất
công trong sự thông đồng đáng xấu hổ giữa các định chế văn hoá và pháp luật.
Như chị em đã biết, nền văn hoá cũ và cái não trạng mất cân bằng của nó đã mặc
định những giá trị bất công và mang tính kỳ thị đối với phụ nữ. Vị thế dễ bị
tổn thương dành cho nữ giới vẫn được duy trì cho đến ngày nay, bất chấp những
tuyên bố hoa mỹ của chính quyền về quyền bình đẳng giới tính.
Pháp luật và các định chế chính trị của Việt Nam
không những không có khả năng bảo vệ quyền tự do của người dân mà còn là công
cụ tước đoạt các Nhân quyền không thể chuyển nhượng. Trong bối cảnh đó, hoàn
cảnh của nữ giới còn tồi tệ hơn nhiều lần. Và thực tế cho thấy, chị em phụ nữ
chúng ta, trong cuộc đấu tranh bảo vệ Nhân quyền và lợi ích chính đáng của mình
đã chịu nhiều đàn áp, sách nhiễu không kém nam giới và nhận lãnh những hậu quả
nghiêm trọng hơn nhiều từ chính sách đàn áp ấy, cả về vật chất lẫn tinh
thần.
Chúng ta nên làm gì khi Nhân quyền của chính chúng
ta bị xâm phạm? Chúng ta nên làm gì khi lợi ích vật chất và tinh thần của chúng
ta bị tước đoạt bởi Nhà cầm quyền? Chúng ta phải làm sao khi lòng tự hào được
làm một con người và sự tự tôn trong tư cách người phụ nữ bị chà đạp trong đồn
công an, trên đường phố, trong công xưởng? Chúng ta phải làm gì khi phải chịu
những đau khổ tinh thần khó chữa lành khi chứng kiến những người thân yêu của
chúng ta bị đàn áp, sách nhiễu, tù đày trong cuộc đấu tranh cho tự do và Nhân
quyền hay bị tra tấn, bắt giữ vì sự lộng hành của công an? Chúng ta phải làm gì
khi đối mặt với thực tế rằng tương lai con cái chúng ta vô cùng ảm đạm vì cha
mẹ chúng là đối tượng của sự đàn áp? Chúng ta nên đối phó thế nào khi danh dự
của mình bị bôi nhọ bởi báo chí Nhà nước? Tất nhiên, chúng ta không thể cam
chịu.
Trong tinh thần tôn trọng Nhân phẩm và Nhân quyền,
trong sự thấu hiểu những thiệt thòi mà chị em chúng ta đã và đang chịu đựng
trong một thể chế mà pháp luật không nhằm bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền, trong
niềm khát khao Tự do và Công lý, trong mong ước được dấn thân cho cuộc đấu
tranh bảo vệ Nhân quyền mà đối tượng đặc biệt là phụ nữ, chị em chúng tôi-những
phụ nữ đã từng có kinh nghiệm bị tước đoạt Nhân quyền -bất chấp sự khác biệt về
quan điểm, hoàn cảnh và địa lý, đã ngồi lại với nhau trong cùng một mục tiêu
bảo vệ Nhân quyền của nữ giới, đặc biệt là những người phụ nữ vì lên tiếng cho
Nhân quyền mà bị đàn áp và thành lập nên một tổ chức dân sự có tên là PHỤ NỮ
NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (http://vnwhr.net/).
Tất cả chị em phụ nữ Việt Nam chúng ta có quyền được
sống trong một xã hội tự do, an toàn, thịnh vượng nhưng thực tế thì ngược lại.
Và lưu ý rằng, Tự do và Nhân quyền là những giá trị không thể có nhờ cầu xin,
chờ đợi. Chúng ta phải lên tiếng vì các vụ đàn áp và kêu cầu chính quyền phải
tôn trọng nhân quyền. Và chỉ khi Nhân quyền và lợi ích của những người phụ nữ
được tôn trọng, lợi ích của gia đình và con cái chúng ta mới được bảo vệ.
Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự ủng hộ và
tham gia của tất cả những chị em phụ nữ Việt Nam quan tâm đến vấn đề Nhân quyền
không phân biệt thành phần xã hội. Chúng tôi cũng trân trọng đón nhận sự yểm
trợ của những quý ông tôn trọng Nhân quyền của nữ giới và yêu quý phụ nữ. Sự
tham gia và yểm trợ của tất cả quý vị không những tạo điều kiện thuận lợi cho
Hội chúng tôi lên tiếng bảo vệ chị em phụ nữ, mà còn giúp thăng tiến Nhâm phẩm,
Nhân quyền và Tự do của tất cả người dân Việt Nam nói chung trong một thời đại
mà Nhân quyền là giá trị được cổ vũ hàng đầu bất chấp sự khác biệt về văn hoá,
địa lý và chính trị.
Thay lời kết, chúng tôi xin kính gởi lời chúc bình
an và lòng yêu quý đến tất cả chị em phụ nữ Việt Nam cũng như gởi lời cảm tạ
đến tất cả người Việt Nam quan tâm đến Nhân quyền trên khắp thế giới. Xin đồng
hành với chúng tôi trong cuộc vận động khó khăn này.
Ngày 25/11/2013
Ban
Vận Động
Thành
viên :
1. Bùi Thị Nữ, Sài Gòn
2. Dương Thị Tân, Sài Gòn
3. Dương Thị Xuân, Hà Nội
4. Đinh Phương Thảo, Sài Gòn
5. Đinh Thị Nguyễn Thảo Quỳnh Như, Sài Gòn
6. Huỳnh Khánh Vy, Quảng Nam
7. Huỳnh Phương Thảo, Quảng Nam
8. Huỳnh Thị Hưởng, Quảng Nam
9. Huỳnh Thị Thu Hồng, Quảng Nam
10. Huỳnh Thục Vy, Sài Gòn
11. Lê Ngọc Hồ Điệp, Sài Gòn
12. Lê Thị Công Nhân, Hà Nội
13. Lê Thị Phương Anh, Quảng Trị
14. Mai Thương Thảo, Hà Nội
15. Ngô Thị Hồng Lâm, Bà Rịa-Vũng Tàu
16. Nguyễn Hoàng Vi, Sài Gòn
17. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nha Trang
18. Nguyễn Nữ Phương Dung, Sài Gòn
19. Nguyễn Thảo Chi, Sài Gòn
20. Nguyễn Thị Ánh Ngân, Bà Rịa-Vũng Tàu
21. Nguyễn Thị Cúc, Sài Gòn
22. Nguyễn Thị Huyền Trang, Hà Nội
23. Nguyễn Thị Huyền Trang, Sài Gòn
24. Nguyễn Thị Kim Liên, Long An
25. Nguyễn Thị Kim Thanh, Bình Dương
26. Nguyễn Thị Nga, Hải Phòng
27. Nguyễn Thị Thu Hiền, Hà Nội
28. Nguyễn Thị Yến Trang, Sài Gòn
29. Phạm Thanh Nghiên, Hải Phòng
30. Phạm Thị Anh Kiều, Lâm Đồng
31. Tạ Minh Tú, Bạc Liêu
32. Trần Thị Nga, Hà Nam
33. Trần Thị Tô, Nghệ An
34. Trịnh Kim Tiến, Sài Gòn
35. Vũ Minh Khánh, Hà Nội
No comments:
Post a Comment