Cập nhật: 10:01 GMT -
thứ năm, 28 tháng 11, 2013
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông
qua bản Hiến pháp sửa đổi vào sáng ngày 28/11 với tỷ lệ phiếu tán thành
gần như tuyệt đối, 97%, theo truyền thông trong nước.
BBC đã phỏng vấn với Giáo sư
Tương Lai, nhà nghiên cứu xã hội, cựu thành viên nhóm tư vấn thủ tướng và cũng
là một trong 72 nhân sỹ trí thức đã tham gia ký tên vào bản kiến nghị sửa đối
hiến pháp, được biết đến với tên gọi Kiến nghị 72, về sự kiện này.
BBC: Ông nghĩ gì về việc đến 97% đại biểu Quốc hội tán
thành hiến pháp sửa đổi sáng nay, 28/11?
GS Tương Lai: Tôi cũng đã nghĩ rằng tình hình sẽ diễn ra như vậy thôi.
Một số anh em ngồi với nhau
sáng nay vẫn hồi hộp hy vọng rằng chắc sẽ có một số phiếu phủ quyết của những
người đại biểu có suy nghĩ, có lương tri và lương tâm, những người cũng thấy
cắn rứt trước dư luận chung của các tầng lớp nhân dân và trước kiến nghị của
trí thức nhóm kiến nghị 72.
Chúng tôi cũng hy vọng là một
số người sẽ theo tiếng gọi của lương tâm mà đáp ứng tiếng gọi của nhân dân, của
trí thức, dù chắc không lật ngược được tình thế đâu, nhưng chí ít cũng tỏ một
thái độ không bằng lòng, trước một thực tế bị áp đặt quá trắn trợn.
Nhưng một số khác thì cho rằng
tôi ảo tưởng, vì trong một cái thể chế toàn trị này, làm gì có chuyện có những
người phủ quyết vào phút chót? Nếu chuyện đó có xảy ra, thì họ phải được chuẩn
bị, phải có một lực lượng dẫn dắt, chứ đợi lương tri thức dậy thì rất khó.
Người ta biết khi bỏ phiếu bấm
nút, ai bỏ phiếu thì bộ phận kỹ thuật đều ghi lại được hết. Phần lớn số đại
biểu là đảng viên, mà đảng đã ra nghị quyết thì có lẽ họ không thể làm trái
điều đó, trừ trường hợp phải đối mặt với trách nhiệm với lương tâm, với dân tộc
và đất nước và nghĩa vụ với tổ chức mà họ là thành viên.
Nhưng cuối cùng họ đã không
vượt qua được điều đó.
Chúng tôi không có gì ngạc
nhiên, và chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài. Và cũng
không vì vậy mà chúng tôi thất vọng trước những người đại biểu nói chung. Chúng
tôi không gói cả gói làm một đâu.
Chúng tôi biết rằng các anh,
chị ấy vẫn còn có nhiều tâm tư, nhưng vì lý do này, lý do khác, mà người ta
không thể làm khác được.
Chúng ta vẫn phải chờ đợi thôi,
đừng nghĩ rằng rồi tất cả sẽ tiếp tục theo tuần tự như thế.
Lực lượng của những người im
lặng một lúc nào đó sẽ bùng lên thôi. Cũng giống như không ai có thể đoán trước
được đoàn người xếp hàng trên con đường Điện Biện Phủ rẽ vào đường Hoàng Diệu
để đến ngôi nhà số 30, nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không ai hình dung được lại có
những người, trong đó có những người cao tuổi, lại xếp hàng ròng rắn dọc đường
Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Phạm Đình Hổ, Tăng Bạt Hổ để đến nhà tang lễ
viếng Đại tướng.
Dòng người trầm lắng đó, là
thái độ của dân, một đa số im lặng, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ biểu thị
một cách rõ ràng.
Lịch sử sẽ có những bước đi lắt
léo, ghập ghềnh, nhưng cuối cùng lịch sử cũng sẽ phán xét, trả về sự sòng phẳng
của nó đối với những giá trị chân chính.
'Quốc hội khóa 13 có tội với dân tộc'
Giáo sư Tương Lai nói Quốc hội Việt Nam đã thông qua một
hiến pháp 'đẩy lùi sự phát triển của dân tộc' và nói sẽ đến lúc người dân thôi
giữ im lặng.
BBC: Liệu hiến pháp vừa được thông qua sẽ ảnh hưởng đến
tương lai của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
GS Tương Lai: Như trong những lời tuyên bố mà chúng tôi đã ký, đòi hỏi hiến pháp cần
phải được dừng lại, không thông qua vội, vì nếu thông qua thì sẽ là một bước
lùi, đưa dân tộc vào con đường khó khăn, trước những thách thức của thời đại,
khi thế giới đang có rất nhiều biến động.
Thực tế cho thấy là nếu như mà
không dấn bước cùng thời đại, không hội nhập theo quy luật phát triển chung của
thời đại mà vẫn giữ một chế độ toàn trị thì sẽ rất khó.
Trong kết thúc của lời kêu gọi
mà chúng tôi đưa ra ngày 15/11 năm 2013, chúng tôi mong đợi cử tri cả nước, tùy
theo điều kiện của từng nhóm, hay từng cử tri, dùng hình thức thích hợp yêu cầu
đại biểu tại địa phương mình, hay đại biểu mình quen biết, để có thái độ theo
tinh thần nêu trên, đứng về phía nhân dân khi nêu ý kiến và bỏ phiếu về hiến
pháp.
Nếu cam chịu thông qua một bản
hiến pháp như dự thảo đang bàn, thì Quốc hội khóa 13 sẽ có tội với tổ quốc và
nhân dân, và cá nhân các vị đại biểu Quốc hội khóa 13 đã bỏ phiếu thông qua
hiến pháp, sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trước tổ quốc, trước dân tộc.
Tất cả những điều đó còn nguyên
giá trị, để nói rằng với việc thông qua hiến pháp, lịch sử sẽ phán xét về Quốc
hội này, xem Quốc hội này có phải quốc hội của dân nữa không? Hiến pháp mà các
vị thông qua, có phải hiến pháp của dân nữa không?
Nếu đối chiếu lại với Tuyên
ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 thì nó là một
hiến pháp đi ngược lại với Tuyên ngôn Độc lập.
Vâỵ thì hiến pháp này không thể
là hiến pháp của dân. Đây là hiến pháp kéo lùi bước phát triển của dân tộc, và
những người thông qua nó, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.
BBC: Ông có đề cập đến "lực lượng của những người im
lặng". Theo ông, điều gì sẽ có thể giúp cho lực lượng này đoàn kết lại và
thực sự tạo nên sự thay đổi?
GS Tương Lai: Quá trình chấn hưng đất nước, là một quá trình lâu dài, và để lực lượng
im lặng đó biểu tỏ thái độ thì bản thân lực lượng đó vẫn phải chất chứa trong
họ ngọn lửa yêu nước và khát vọng tự do dân chủ.
Ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ, khi được
khơi dậy, thổi bùng lên, thì sẽ trở thành một ngọn lửa rất mạnh mẽ.
Lúc nào nó khơi dậy thì đây là
bí ẩn của lịch sử.
Nhưng thực ra, cũng không có gì
là quá bí ẩn đâu. Sự kiện tôi nhắc đến ở trên - sự kiện để tang Đại tướng Võ
Nguyên Giáp và bước chân thầm lặng của những người đến phố 30 Hoàng Diệu - là
bước đi chậm rãi của lịch sử.
Thế nhưng lịch sử không phải
lúc nào cũng bước đi chậm rãi; nó sẽ luôn có những bước đột phá, và ở những
bước đột phá đó, một sức mạnh tổng hợp sẽ được khơi dậy khi nó có những yếu tố
tác động vào.
Yếu tố gì? Yếu tố này bao gồm
những điều kiện trong nước và thế giới. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào việc ý
thức, trình độ dân trí được nâng lên.
Cho nên, bây giờ đây, khi chúng
tôi gửi các kiến nghị đi, thì đối tượng đương nhiên là những người cầm quyền.
Nhưng đối tượng thực chất là quần chúng nhân dân đông đảo - những bước chân
thầm lặng, chính họ mới là những người quyết định.
Đây là lúc cần thức tỉnh ý chí
và nâng cao dân khí lên. Nói như bà Aung San Suu Kyi, nhân quyền bây giờ là gì?
Nhân quyền lúc này là phải vượt qua sự sợ hãi, và muốn vượt qua sự sợ hãi, thì
phải có sự hiểu biết.
Việt Nam vừa rồi được bầu vào
Hội đồng Nhân quyền Thế giới. Nhiều người cho rằng đây là một điều vớ vẩn,
nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là một cơ hội.
Cơ hội này sẽ là điều kiện để
công khai phổ biến những cam kết của Việt Nam với thế giới trước toàn dân. Đó
cũng là một cách thức tỉnh dư luận, nâng cao dân trí để chấn hưng dân khí.
điêu khắc chân mày
ReplyDeleteday dieu khac chan may
dieu khac chan may
học diêu khắc chân mày
dieu khac chan may 6d o dau dep
dieu khac long may
dieu khac tham my nam
dieu khac phun xam
khóa học điêu khắc chân mày
điêu khắc lông mày