Saturday 23 November 2013

CPJ SẼ TRAO GIẢI TỰ DO BÁO CHÍ CHO BLOGGER ĐIẾU CÀY VÀO NGÀY 26-11-2013 TẠI NEW YORK (RFI / BBC)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ bảy 23 Tháng Mười Một 2013

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) của Mỹ, trụ sở tại New York, sẽ vinh danh blogger Điếu Cày /Nguyễn Văn Hải, tại buổi lễ trao Giải thưởng Tự do Báo chí 2013, sẽ diễn ra vào ngày 26/11/2013 tại New York.

Blogger Điếu Cày sẽ được vinh danh cùng với ba nhà báo khác là Janet Hitrostroza (Ecuađo), Bassem Youssef (Ai Cập) và Nedim Sener (Thổ Nhĩ Kỳ), tức là những nhà báo đang bị cầm tù hoặc đang bị truy bức ở nước họ.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ( CPJ) nhắc lại rằng Điếu Cày là một trong những blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã thành lập một phương tiện thông tin độc lập, tại một quốc gia mà toàn bộ báo chí đều do chính phủ kiểm soát. Ông hiện đang thọ án 12 năm tù chiếu theo một điều luật rất mơ hồ về tội « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Ngày 12/11/2013 vừa qua, tổ chức CPJ đã phổ biến một kiến nghị kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày.

Theo tổ chức CPJ, với ít nhất 14 phóng viên bị cầm tù tính đến cuối năm 2012, Việt Nam là nhà tù giam giữ nhà báo nhiều thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.


--------------------------------------------------------


Cập nhật: 10:45 GMT - thứ bảy, 23 tháng 11, 2013

Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) vừa phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) và tôn trọng quyền tự do thông tin.

Thỉnh nguyên thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đăng tải trên trang www.causes.com  từ ngày 21/11 cho đến nay đã thu hút được 3.340 chữ ký.

Nội dung lá thư kêu gọi chính phủ Việt Nam "trả tự do ngay lập tức" cho ông Nguyễn Văn Hải, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước sự đàn áp báo chí và tự do Internet tại Việt Nam".

"Kể từ năm 2008, chính phủ Việt Nam đã tiến hành chiến dịch sách nhiễu và đe dọa nhằm vào một số ít ỏi những nhà báo và blogger độc lập.
"Bên cạnh đó, một nghị định mới cũng đã được thông qua trong năm nay nhằm tăng cường hạn chế tự do trên mạng ...," bức thư viết.
"Chúng tôi kêu gọi [chính phủ Việt Nam] lập tức trả tự do cho ông Hải và tất cả những blogger cũng như những nhà báo đang bị giam giữ, và cho phép tự do thông tin tại Việt Nam".

CPJ cũng có bài viết về chiến dịch trên mục blog của báo Huffington Post ngày 23/11.

Bài viết này trích dẫn một phần lá thư mà tổ chức này bình luận là "nhói tim" của cô Nguyễn Thị Thu Hương, con gái của blogger Điếu Cày, gửi đến bố.

'Bất công, phi lý'

Trong lá thư của mình, cô Hương nói việc bố cô bị bắt là "cái giá mà bố phải trả cho tình yêu thương của mình" và gọi đây là sự "bất công", "phi lý".

Trong bài viết trên Huffington Post, CPJ cho biết tuần tới, tổ chức này sẽ vinh danh bốn nhà báo trên trường quốc tế tại lễ trao Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế.
"Thế nhưng blogger người Việt, ông Nguyễn Văn Hải, người nổi tiếng với bút danh Điếu Cày, sẽ trải qua buổi tối trao giải sau song sắt," CPJ nói.
CPJ cũng kêu gọi độc giả Huffington Post "hãy tham gia ký tên để giúp Hương sớm đoàn tụ với bố của mình".

Hồi tháng Bảy năm nay, một nhóm nhân sĩ trí thức trong nước đã gửi thư cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam yêu cầu giải quyết vụ tuyệt thực trong tù của ông Nguyễn Văn Hải.
Vào lúc đó, gia đình ông Hải cho BBC biết ông quyết định tuyệt thực là để phản đối việc Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An không giải quyết đơn khiếu nại của ông.
Lý do khiếu nại là ông Nguyễn Văn Hải bị 'quản lý trại giam ép ký vào một bản nhận tội và khi ông không ký thì bị quyết định biệt giam ba tháng".

Hiện ông Hải đang thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 6, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trước khi bị tòa án khép ông vào tội danh này, ông còn bị tội danh 'trốn thuế' và đã thi hành xong bản án mà ông luôn bác bỏ và khẳng định mình vô tội.
Blogger Điếu Cày được biết đến như một bloggers với nhiều bài viết thu hút sự chú ý trên cộng đồng mạng xã hội và Internet của Việt Nam về các chủ đề dân quyền và chủ quyền biển đảo.

Các bài liên quan



No comments:

Post a Comment

View My Stats