Tuesday, 12 November 2013

VIỆT NAM CHỐNG TRA TẤN : "THỰC TÂM HAY LẤY ĐIỂM TRƯỚC NGÀY BỎ PHIẾU?" (Phạm Lê Vương Các)




Posted by Phạm Lê Vương Các on 11:14
  
Sáng ngày 12/11 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ bỏ phiếu bầu giữa 5 ứng cử viên là Trung Quốc, Jordani, Maldives, Ả Rập Xê Út và Việt Nam vào 4 ghế của khối châu Á - Thái Bình Dương là thành viên của Hội Đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Trước cuộc bỏ phiếu vài ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị trong một buổi họp báo tại Hà Nội cho biết, Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng.

Được biết để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này, vào ngày 27/8/2013 Chính phủ Việt Nam công bố bản cam kết bao gồm 14 lời hứa về thực thi quyền con người của Việt Nam trước Chủ tịch Đại hội đồng và các thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Và ngày 7/11 vừa qua, Chính Phủ Việt Nam đã thực hiện một trong 14 lời hứa này bằng cách nhanh chóng ký tham gia Công ước Chống tra tấn.

Dư luận hoài nghi

Trước động thái này của Chính phủ Việt Nam, giới quan sát chính trị bắt đầu đặt câu hỏi về việc ký kết Công ước Chống tra tấn là thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn và tiến tới việc loại bỏ tra tấn, hay chỉ là một bước đi nhằm vận động lá phiếu cho chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân Quyền LHQ vào ngày 12/11 này?
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, Cùi Các đã đặt câu hỏi này với với nhiều người để đưa ra nhận định của họ về sự kiện này.

Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, hiện đang là Tổng biên tập Tạp chí Khoa học APJCEN, cho biết: Tôi e rằng lý lẽ thứ hai gần sự thật hơn. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù oan 10 năm cho ta biết tại Việt Nam có tra tấn để ép cung… Việt Nam hay ký kết chay các Văn kiện quốc tế, bởi lẽ dù ký kết và cũng đã phê chuẩn như ta từng thấy ở Công ước về các quyền Dân sự và Chính Trị 1966 (ICCPR) nhưng lại không thấy thi hành trên thực tế.

Cũng có cùng nhận định trên, khi đươc hỏi, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động cho quyền con người, cho hay: Nhìn lại lịch sử, VN tham gia ký cam kết ICCPR trong hơn 20 năm qua và sự thực thi quyền dân sự và chính trị ở VN, tôi không có chút niềm tin nào trong việc tôn trọng, thực thi công ước Chống tra tấn này trên thực tế, trừ khi có những chuyển biến lớn về chính trị ở VN.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (thứ 2 và thứ 3, từ phải qua) (Ảnh: FB Nguyễn Văn Thạnh)

Nhà báo tự do Ngô Thanh Tú (Thiên Sầu) đưa ra nhận định: cũng không quá khó để nhận ra đấy chỉ là động thái để vận động cho lá phiếu thành viên của HĐNQ mà VN đang rất muốn lọt vào. Việc này cũng chỉ để biện minh cho những chỉ trích của Quốc tế trước những hành động được cho là chống lại quyền con người của chính quyền Cộng sản.

Còn Facebooker Diep Le lập luận rằng: để giành được chiếc ghế thành viên của hội động LHQ sắp tới... Những cam kết nhân quyền, hay cam kết này nọ trước LHQ, VN đều rất hăng hái tham gia ký kết. Nhưng sau khi ký kết xong, VN có tôn trọng những gì mình đã ký kết hay không lại là một lẽ khác. Cần nhắc lại trong quá khứ, VN cũng đã tham gia ký kết nhiều Công ước về Quyền Con Người... nhưng chính VN lại vi phạm trắng trợn trên Công ước đó. Tôi thật sự nghi ngờ về điều này. Phải chăng, Việt tham gia ký kết Công Ước chống tra tấn chỉ là một bước đệm để giúp VN dễ dàng lấy điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ.

Nhà đấu tranh dân chủ Phạm Thanh Nghiên đưa ra đánh giá: Liên Hiệp Quốc đã có bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân quyền 1946, nhưng đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng nhiều quyền mà người dân VN lẽ ra đáng được hưởng trên thực tế thì hiện nay vẫn còn là trên lý thuyết. Bản thân Hiến pháp VN cũng có quy định một số quyền tự do căn bản cho người dân nhưng lại “đẻ” ra vô số điều luật và văn bản dưới luật thủ tiêu các quyền căn bản đó. Nếu chính quyền biết tôn trọng các quyền con người căn bản của người dân, thì cho dù họ không ký Công ước chống tra tấn, hay bất kỳ Công ước Quốc tế nào về quyền con người, thì người dân VN cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Cho nên tôi khẳng định, việc ký kết Công ước chống tra tấn chỉ là một bước đi nhằm vận động lá phiếu cho chiếc ghế thành viên HĐNQ LHQ. Chính quyền không bao giờ muốn trả lại cho người dân những quyền làm người căn bản. Tất cả đã được chứng minh trên thực tế và tôi không chứng minh trong những ý kiến ngắn này nữa. Và dù nếu họ có muốn ngăn chặn hay loại bỏ việc tra tấn đi chăng nữa, cũng là điều không tưởng. Giống như việc nếu họ chống tham nhũng chẳng khác nào tự lấy dao xẻo vào mũi mình. Nên nhớ, bạo lực là thương hiệu của cộng sản. Trong lĩnh vực điều tra (các vụ án hình sự) nếu không “tra tấn”, không “ép cung” mà chỉ dựa vào các yếu tố như “tài năng”, “đạo đức” và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của giới điều tra viên thì không thể “phá án”, không thể làm giầu nhờ “chạy án” được. Tất nhiên không phải 100% là thế. Nhưng điều đó rất phổ biến. Ký Công ước chống tra tấn, một hình thức “làm đẹp” cho khuôn mặt vốn đã nham nhở của chính quyền mà thôi.

Hy vọng nhỏ nhoi

Cũng không quá chủ quan khi nói rằng những hoài nghi trên là có cơ sở, bỡi lẽ thật ra không cần phải đợi đến khi ký kết Công ước chống tra tấn, mà ngay cả pháp luật hình sự của Việt nam cũng nghiêm cấm những hành vi tra tấn như bức cung hay dùng nhục hình.
Dù pháp luật quy định là vậy, nhưng trong nhiều năm qua tại Việt Nam ghi nhận rất nhiều trường hợp bị công an đánh chết, dùng nhục hình, hay bức cung khi bị tạm giam, tạm giữ trong đồn công an. Điều đáng nói, chỉ một số ít những vụ việc như thế này mới được phanh phui.

Lý giải cho hiện tượng này, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh cho biết như sau: Theo tôi, không khó để có thể suy luận rằng việc tra tấn ở VN là có tồn tại, cá nhân tôi tin là nó phổ biến. Những vụ việc như ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì sao vậy? Vì chúng ta chưa có sự kiểm soát quyền lực hữu hiệu: không có tam quyền phân lập, không có báo chí tự do, không có đảng phái đối lập,…Quyền lực của cơ quan công an rất lớn cộng thêm tình trạng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện rồi việc giữ gìn uy tín cho đảng lãnh đạo v.v... Từng đó lý do thì chúng ta biết là thân phận người dân rất nhỏ bé trước cơ quan công quyền, nên việc lạm dụng quyền lực, rồi dẫn đến tra tấn cũng theo đó mà ra. Thực trạng này, để giải quyết được không chỉ ngày một ngày hai, hay việc tham gia công ước là được. Để giải quyết được căn bản, VN cần đổi mới chính trị triệt để, đi theo hướng dân chủ, tam quyền phân lập, tự do báo chí.

Bản đồ thế giới với các nước đối với Công ước chống Tra tấn vào tháng 9/2010: Xanh đậm: ký và phê chuẩn, xanh nhạt: ký nhưng chưa phê chuẩn, xám: không ký và không phê chuẩn

Tuy vậy, một số ít người khi được hỏi cũng bày tỏ sự hy vọng.
Tôi đánh giá cao VN đặt bút ký tham gia công ước mà lẽ ra họ nên tham gia từ lâu. Nhìn lên bản đồ các nước ký kết tham gia thì VN nằm trong một số ít quốc gia chưa tham gia (cho đến khi họ tham gia). Việc từ chối tham một Công ước đúng đắn, văn minh trong gần 30 năm đặt ra nhiều câu hỏi đáng ngờ cho hành vi hành xử của nhà cầm quyền trong bao năm qua. Tôi cho rằng dù biện luận với lý do gì, việc khước từ một công ước đúng đắn như vậy rất đáng xấu hổ. Sự tham gia Công ước đánh dấu một bước tiến hội nhập vào thế giới văn minh của lớp cầm quyền ở VN, Kỹ sư Thạnh cho biết.

Nhà báo Ngô Thanh Tú cũng có chia sẻ cho sự hy vọng này, anh cho biết thêm: cũng không thể phủ nhận hết những nổ lực của chính quyền khi họ đang muốn tiến gần hơn với những Quốc gia văn minh và tiến bộ trong việc ký kết trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn. Người dân VN sẽ có thể ít bị tra tấn hoặc được đối xử tốt hơn so với cách mà trước đây Công An, An ninh thường sử dụng khi lấy cung của người tạm giam trước khi ra tòa. Thứ nữa, những người khi bị bắt cũng có thêm cơ sở để viện dẫn khi bị dùng nhục hình.

Để biến hy vọng nhỏ nhoi thành hiện thực, Kỹ sư Thạnh cho rằng: Mọi cơ chế giám sát công ước này như việc thanh tra, điều tra, báo cáo,… đến từ các cơ quan của nhà nước sẽ không có kết quả như mong đợi. Bởi lẽ, ở VN có một bàn tay có thể che kín bầu trời VN. Bí quyết để Công ước có thể được tôn trọng và thực thi ở VN, theo tôi là sự phát triển mạnh mẽ các phong trào dân chủ, bảo vệ quyền con người, cũng như ý thức về quyền con người của người dân lên cao. Chính những phong trào Xã hội Dân sự này mới tạo ra sức mạnh để giám sát và thúc đẩy nhà cầm quyền thực hiện đúng với những gì đã ký kết với cộng đồng quốc tế.

Cùi Các thực hiện




No comments:

Post a Comment

View My Stats