Wednesday 6 November 2013

VÌ SAO TRUNG QUỐC ĐỘT NHIÊN KHOE TÀU NGẦM NGUYÊN TỬ ? (Hà Tường Cát - Người Việt)




HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
Tuesday, November 05, 2013 1:47:44 PM

Báo Người Việt hôm Thứ Năm, 31 tháng 10, loan tin theo các cơ quan truyền thông quốc tế, Trung Quốc biểu dương sức mạnh tầu ngầm nguyên tử.  Bản tin viết: “Bắc Kinh đang biểu dương sức mạnh hạm đội tầu ngầm nguyên tử của họ, qua việc các cơ quan truyền thông nhà nước hôm Thứ Ba cho hay đây là điều cần thiết để cho các quốc gia khác thấy khả năng tấn công của Trung Quốc trong khi các tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng”.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai nói đến tiềm thủy đĩnh nguyên tử, điều mà trong 40 năm họ không bao giờ muốn nói rõ. Theo giải thích của truyền hình nhà nước CCTV,  sự trình bày này là  một phần  nỗ lực làm trong sáng quân sự của Trung Quốc như Hoa Kỳ vẫn thường yêu cầu.
 
Nhưng Zachary Keck của tạp chí The Diplomat không tin lập luận ấy, ông cho rằng đây là một “sự biểu dương lực lượng”, đáp ứng nhu cầu răn đe của Trung Quốc trong tình thế có những tranh chấp khu vực với Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Đầu tuần trước toàn thể những cơ quan truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin về “sức mạnh đáng sợ mới của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc”:  lực lượng tiềm thủy đĩnh nguyên tử.  Những bài gần như giống hệt nhau được đăng trên các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thanh Niên, Global Times, Guangmin Daily, với khoảng 30 hình ảnh và đồ biểu trong đó có cả dự phóng tổn thất cho Los Angeles, Seattle nếu bị tấn công bằng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử phóng đi từ tàu ngầm Trung Quốc. Tờ Global Times nói rằng tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc nay đã hoạt động ra ngoài khơi tới “dãy đảo số 2 của Thái Bình Dương” nghĩa là những hải đảo chạy dài từ đảo Honshu Nhật Bản xuống tới Papua New Guinea.

Tuy nhiên theo nhận định của những chuyên gia quân sự và phân tích viên quốc tế thì căn cứ trên nhiều yếu tố, động thái đột ngột của Trung Quốc có mục đích khoa trương tuyên truyền và mang ý nghĩa tâm lý hơn là chứng tỏ được giá trị quân sự đáng gờm của họ. Nhưng một số báo chí Tây Phương bị tác động bởi những tin tức ấy vẫn tỏ ra lo ngại về mối đe dọa hơn mức độ thực tế có thể có.

Tháng 11 năm ngoái trong bản phúc trình thường niên gởi tới quốc hội, ủy ban duyệt xét về kinh tế và an ninh Mỹ - Hoa đã nói là Trung Quốc có khả năng triển khai các hỏa tiễn Julang-2 nội trong vòng hai năm tới.  Theo báo cáo này, tiềm thủy đĩnh nguyên tử lớp Jin (Tấn) mà Trung Quốc có 2 chiếc đã đưa vào hoạt động, có thể phóng JL-2, loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa tương tự như Trident của Hải Quân Hoa Kỳ.

Tình báo Hải Quân Hoa Kỳ ước lượng Trung Quốc có thể sẵn sàng 5 tàu ngầm kiểu này, tạo ra một lực lượng răn đe chiến lược gần như thường trực ngoài biển. Như vậy, Trung Quốc đã đạt tới trình độ bố trí được một hệ thống chân vạc về vũ khí chiến lược bao gồm hỏa tiễn liên lục địa đặt trên đất liền, hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay oangh tạc mang bom nguyên tử. Cho đến nay thực tế mới chỉ có Hoa Kỳ và Nga triển khai được đầy đủ bộ ba vũ khí ấy.

Trên lý thuyết, Hoa Kỳ  biết đầy đủ những vị trí đặt hỏa tiễn trên đất Trung Quốc và có đủ tiềm lực để quét sạch trong đợt đánh chặn ngay khi xảy ra một trận chiến tranh nguyên tử toàn diện. Nhưng rất khó phát hiện vị trí của tàu ngầm cho đến khi hỏa tiễn đã được phóng đi, vì vậy tàu ngầm là vũ khí lý tưởng sử dụng cho đợt oanh kích thứ nhì.

Tầm tác xạ tối đa của hỏa tiễn JL-2 là khoảng 4,500 dặm. Để bắn tới Los Angeles, tàu ngầm Trung Quốc cần phải đến một vị trí cách Hawaii khoảng 1,000 dặm hay vùng phía đông nam quần đảo Kurils. Còn nếu muốn bắn tới Washington D.C. tàu ngầm Trung Quốc cần đến gần bờ biển miền Tây Hoa Kỳ và Canada ít nhất là 1,500 dặm.

Cuộc chiến đấu của tàu ngầm từ trước đến nay vẫn là kiểu mèo rình chuột, vấn đề chủ yếu của một phía là lẩn trốn và phía đối phương là phát hiện ra địch. Tạp chí Popular Mechanics dẫn lời Hans Kristensen, phân tích gia của FAS (Hiệp Hội Khoa Học Gia Hoa Kỳ), cho rằng các tàu ngầm tác chiến của Hoa Kỳ sẽ b bám sát các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc bất cứ khi nào những tàu này ra Thái Bình Dương.  Chẳng hạn vệ tinh do thám hoạt động thường trực có thể dễ dàng nhận ra một tàu ngầm rời cảng, ngay cả từ căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam, nơi tàu ngầm nằm trong đường hầm đào sâu vào bờ biển. Sự truy lùng sau đó dựa vào tiếng ồn từ động cơ và kiểu cách hoạt động quen thuộc của tàu ngầm như đã hiểu. Nếu chưa có một kiểu hiện đại hơn thì tàu ngầm lớp Jin là các tàu ngầm động cơ rất ồn dễ bị lộ.

Hoa Kỳ và Nhật Bản có nhiều phương tiện khác để canh chừng dọc duyên hải Tây Thái Bình Dương, bao gồm những dụng cụ cố định cũng như di động.
Hải quân Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm 60 năm trong việc theo đuổi các tàu ngầm nguyên tử chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh, bằng thành tích ấy  khó để tin là tàu ngầm Trung Quốc với nhiều đặc tính hãy còn kém xa tàu ngầm Liên Xô mà lại có thể lọt qua lưới.

Vả lại phát triển tàu ngầm nguyên tử chỉ có nghĩa là gia tăng khả năng tấn công bằng vũ khí không quy ước, chứ không phải nhằm về chiến thuật trong những cuộc xung đột thông thường. Về điểm này, Wang Xiaoxuan viết trên tờ China Daily: “Hoa Kỳ và Nga có những tiềm thủy đĩnh nguyên tử tân tiến nhất, rồi tới Anh và Pháp. Kỹ thuật của Trung Quốc còn thua kém tất cả bốn nước đó, nhất là về điện tử và hệ thống vũ khí. Do đó sẽ là ngờ nghệch nếu coi một thành viên yếu trong câu lạc bộ tàu ngầm nguyên tử có thể thành sự đe dọa”.

Đó là mới chỉ nói về mặt khả năng kỹ thuật, về số lượng hạm đội tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc cũng còn kém xa Hoa Kỳ.

Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm, đa số thuộc loại động cơ diesel-điện, số tàu ngầm nguyên tử chỉ khoảng 10 chiếc. Trong thập niên 1980, Trung Quốc bắt đầu phát triển tàu ngầm nguyên tử chiến lược, chiếc đầu tiên thuộc lớp 092 Xia (Hạ) có 12 ống phóng hỏa tiễn JL-1, loại hỏa tiễn này chỉ có tầm bắn giới hạn và nhiều lần thất bại trong các cuộc phóng thử nghiệm. Chiếc tàu ngầm lớp Xia đầu tiên đã cũ và lỗi thời mới được giải giới tuần này.

Sau đó đến tàu ngầm nguyên tử lớp 093 Shang (Thương). Tới 2010, Trung Quốc sản xuất loại tàu ngầm ngyên tử mới, lớp 094 Jin (Tấn) có 12 ống phóng hỏa tiễn JL-2. Gần đây Trung Quốc chế tạo tàu ngầm nguyên tử lớp 096 Tang (Đường) và theo dự đoán đã có 2 chiếc được đưa vào hoạt động.

Hải Quân Hoa Kỳ hiện có khoảng 90 tàu ngầm, tất cả đều sử dụng động cơ nguyên tử, thuộc 3 lớp chính là Los Angeles, Ohio và Virginia. Tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm chiến lược chuyên dùng cho việc phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa  trong khi lớp Los Angeles và Virginia là loại tàu chiến thuật tác chiến có sứ mạng chính là tấn công chiến hạm hay tàu ngầm đối phương. Một số tàu ngầm này cũng mang hỏa tiễn bình phi để tấn công tàu địch hay oanh kích những mục tiêu trong đất liền. Khoảng hơn phân nửa số tàu ngầm này đặt căn cứ và hoạt động trong vùng Thái Bình Dương.

Tàu ngầm nguyên tử có ưu điểm là tầm hoạt động vô giới hạn và có thể ở dưới sâu lâu dài không cần nổi lên mặt biển đổi không khí. Nhưng nhược điểm của nó là động cơ rất ồn không êm bằng những tàu ngầm dùng động cợ quy ước kiểu như lớp Kilo của Nga. Vì vậy trong chiến đấu cận duyên, tàu ngầm nguyên tử không có lợi thế.

Hải quân một số nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đến nay đều đã hay sẽ trang bị tàu ngầm loại động cơ quy ước mua của Nga và các nước Âu Châu Những tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc chỉ được sử dụng vào mục tiêu chiến lược và không có vai trò trong cuộc xung đột nếu xảy ra trong vùng Biển Đông.

Tóm lại tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc chưa phải là mối đe dọa thực tế đáng kể đối với Hoa Kỳ ít nhất là trong tương lai nhiều năm nữa. Việc khoa trương khá đột ngột của họ có lẽ chỉ nhắm mục tiêu chứng minh tiến bộ khoa học kỹ thuật, một đường lối tuyên truyền mà Trung Quốc tích cực theo đuổi sau khi đã tiến lên vị trí một cường quốc kinh tế.

Mặt khác, nếu các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc trong thực tế không đem lại sự gia tăng khả năng chiến thuật hải chiến, thì cũng gây được tác động tâm lý đối với các quốc gia trong khu vực và đó có thể là mục tiêu chính mà Trung Quốc nhắm tới trong tình trạng đang có nhiều tranh chấp.

Ngoài ra, về nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc cần lôi kéo sự ủng hộ của những phái diều hâu có tinh thần dân tộc cực đoan và việc đề cao sức mạnh quân sự là một phương cách làm vừa lòng các phe phái ấy. Trong vòng chưa tới một năm kể từ khi nắm vị trí lãnh đạo tối cao, người ta đã thấy Tập Cận Bình nhiều lần phát biểu trong chiều hướng này. (HC)


No comments:

Post a Comment

View My Stats