Mai Phương
Gửi cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 16:04 GMT - thứ tư, 6 tháng 11, 2013
Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Thôn Me, xã Nghĩa Trung,
huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan với mức chung thân về tội danh
“giết người” đã làm nóng dư luận xã hội trong mấy ngày qua. Từ nghị trường đến
quán nước vỉa hè, từ báo chí truyền thông đến mạng xã hội,… đâu đâu cũng thấy
bình luận.
Nóng đến mức Chủ tịch nước phải có ý kiến chỉ đạo các cơ
quan liên quan khẩn trương giải quyết, minh oan đền bù cho người bị oan. Viện
KSND tối cao phải tổ chức họp báo để thông báo về việc kháng nghị tái thẩm và
tạm đình chỉ thi hành án đối với người bị oan.
Và chiều 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán - Tòa án Nhân dân
Tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên. Điều đó có nghĩa là ông Chấn vô
tội.
Từ vụ việc trên, có thể thấy những cơ quan tố tụng, nơi
bảo vệ người lương thiện, đấu tranh với cái ác và đảm bảo công lý cho xã hội
đang có những lổ hổng lớn. Những lỗ hổng cho phép những người nắm trong tay
pháp luật được quyền đứng trên cả pháp luật để chà đạp lên sự lương thiện của
người dân.
Người bị oan, mặc dù đã bị ngồi tù đến 10 năm, và có lẽ
ông là người may mắn. Cho dù, sự may mắn này đã phải trả giá quá đắt đối với
bản thân và gia đình ông.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ông phải phải là con liệt sỹ, và
đây là tình tiết giảm nhẹ để không bị kết án tử hình?
Điều gì sẽ xảy ra
nếu không may ông bị chết trong quá trình điều tra như bao vụ bức cung khác?
Hay bị chết trong chốn lao tù đầy khắc nghiệt?
Và điều gì sẽ xảy
ra nếu hung thủ không tự nguyện đầu thú để minh oan cho ông? Mặc dù ông và gia đình trong 10 năm qua vẫn mỏi mòn gửi đơn kêu oan lên
các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm.
Những điều ông Chấn kể lại với báo chí sau khi được “tự
do” về việc mớm cung, ép cung của cơ quan điều tra chỉ làm người dân phẫn nộ
thêm đối với một bộ phận không nhỏ những người nhân danh pháp luật để thực hiện
những điều sai trái.
Chính họ đã biến trắng thành đen, gây ra các vụ án oan
đối với những người lương thiện. Báo chí
đã điểm mặt 7 vụ án oan nổi tiếng trong thời gian vừa qua. Và hầu hết những
vụ án oan được làm sáng tỏ bởi dư luận xã hội lẫn sự kiên nhẫn kêu oan của
người bị
kết tội oan.
Câu hỏi đặt ra là: Họ thiếu trình độ điều tra hay vì một
lý do nào khác, nhưng bệnh thành tích chẳng hạn?
Đáng ra, với nhiệm vụ và chuyên môn của mình, những cán
bộ điều tra phải làm rõ trắng đen, để không bỏ sót tội phạm nhưng cũng không
làm oan người ngay. Thế nhưng họ đã làm gì? Và còn bao nhiêu người lương thiện
bị bức cung bởi những cán bộ điều tra như thế, dẫn tới án oan mà chưa được trả
lại sự trong sạch và tự do?
Cho dù cơ quan điều tra trọng chứng hơn trọng cung. Nhưng
quá trình tiếp xúc với nghi phạm của Viện KSND lẫn lời khai của nghi phạm trước
tòa. Chả lẽ những người này không mảy may có một chút nghi vấn, không đọc được
sự bất lực, sự oan ức trong con mắt của một người lương thiện?
Và những vị thẩm phán, những người nắm công lý, độc lập
phán quyết dựa trên sự luận tội của Viện KSND và sự tranh biện của luật sư. Lẽ
nào họ đưa ra phán quyết nhân danh công lý của một đất nước như một con rô bốt
được lập trình sẵn?
Phản cảm đến mức ông thẩm phán Nguyễn Minh Năng - Chủ tọa
phiên xét xử sơ thẩm vụ án này vào năm 2004 nói: “Giờ bị cáo bị oan sai thì
trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được”.
Luật sư
Một điều không thể không nói đến là đội ngũ luật sư. Họ
được tiếp xúc với nghi phạm, và bảo vệ quyền lợi của nghi phạm. Nhưng khi nghi
phạm bị bức cung, khi nghi phạm một mực kêu oan thì họ đã làm gì?
Có thể thấy, sự mờ nhạt của các luật sư trong một phiên
tòa. Hiếm khi thấy một sự tranh luận thẳng thắn đối với quan điểm luận tội của
Viện KSND trong các vụ án hình sự. Mà việc duy nhất họ có thể làm được là viện
dẫn các tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt.
Những câu nói thông thường ở các quốc gia tiên tiến: “Đề
nghị cho tôi gặp luật sư” có lẽ là giấc mơ lớn đối với người dân Việt.
Những người dân lương thiện, quanh năm suốt tháng miệt
mài kiếm ăn để chăm lo cho gia đình nhỏ của họ và đóng thuế để vận hành chính
phủ, trong đó có các cơ quan tố tụng như đã nói trên sẽ thế nào khi không may
gặp chuyện tai bay vạ gió?
Và có phải ai cũng
may mắn như ông Chấn được minh oan khi những người nhân danh pháp luật lại đứng
trên cả pháp luật để mớm cung, ép cung dẫn đến kết tội một cách trắng trợn khi
các chứng cứ thiếu thuyết phục?
Một vụ án, mà có đến 3 cơ quan tố tụng: Cơ quan điều tra,
Viện KSND và Tòa án ND, nắm trong tay công cụ pháp luật và nhận lương bằng
chính tiền thuế của dân lại để lọt tội phạm và kết án oan cho người lương
thiện. Công lý đang nằm ở đâu?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của
tác giả.
Các bài liên quan
No comments:
Post a Comment