Mark
Leonard
Trần
Ngọc Cư dịch
Tháng
11 1, 2013
pro&contra – Từ nhiều năm nay, mọi động thái đối ngoại
của Hà Nội đều được dư luận đánh giá như những dấu hiệu hoặc là tiếp tục thân –
thậm chí phụ thuộc – Bắc Kinh, hoặc là đang bắt đầu xích lại gần Washington,
theo nghĩa hai khả năng đối lập. Trong bài viết sau đây, nhà nghiên cứu chính
trị quốc tế Mark Leonard chỉ ra rằng Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên giống
nhau và hệ quả của điều đó trong trật tự thế giới hiện tại và sắp tới.
______________
Nhiều
người lo ngại rằng trong một tương lai không xa, thế giới sẽ bị chia ra nhiều
mảng vì hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng. Họ nêu lên
câu hỏi, vì sao một chế độ độc tài cộng sản và một chế độ dân chủ tư bản có thể
bắc một chiếc cầu để khắc phục khoảng cách giữa hai bên? Nhưng đã đến lúc ta
nên từ bỏ cái tư duy cho rằng hai nước này đến từ những hành tinh khác nhau và
những căng thẳng giữa chúng là sản phẩm của những dị biệt giữa hai quốc gia.
Trên thực tế, cho đến tương đối gần đây, Trung Quốc và Mỹ khá hòa hợp với nhau
– chính vì những lợi ích và thuộc tính của hai nước khác nhau. Ngày nay, chính
những tương đồng ngày càng gia tăng, chứ không phải những dị biệt, đang đẩy hai
nước cách xa nhau.
Quan
hệ Mỹ-Trung hoàn toàn tương phản với quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, nước sau cùng
đã thách thức quyền lực Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, khi địa chính trị trước hết
là một cuộc xung đột ý thức hệ, sự tiếp xúc ngày càng gia tăng và tính đồng qui
ngày càng phát triển giữa hai xã hội phân cách nhau đã nuôi dưỡng được chính
sách hoà hoãn.
Nhưng
sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế trong thời đương đại đã đảo ngược
tiến trình tương tác đó. Ngày nay, các nước cạnh tranh nhau vì địa vị quốc tế
thì nhiều, mà vì ý thức hệ thì ít. Do đó, những dị biệt giữa các đại cường
thường dẫn đến sự bổ túc cho nhau và hợp tác với nhau, trong khi sự tương đồng
thường là nguyên nhân xung đột. Trong khi tái quân bình nền kinh tế và rà soát
lại chính sách đối ngoại của mình, Bắc Kinh và Washington ngày một đối đầu về
những lợi ích chung. Và hình như Sigmund Freud đã tiên đoán được trường hợp
này: Trung Quốc và Mỹ càng trở nên giống nhau, thì hai nước lại càng ít thích
nhau. Freud gọi hiện tượng này là “nỗi ám ảnh về những dị biệt tiểu tiết”: đó
là xu thế tập trung vào những dị biệt rất nhỏ giữa những người vốn dĩ giống
nhau để biện minh cho những tình cảm xung khắc của họ. Hẳn nhiên, hai nước này
không hoàn toàn giống nhau. Nhưng hố sâu chia rẽ hai nước một thế hệ trước đây
đã thu hẹp lại, và khi càng giống nhau thì càng dễ trở nên xung đột.
Vào
thời điểm Tổng thống Mỹ Obama lên cầm quyền năm 2009, ông hi vọng đưa Trung
Quốc vào các cơ chế toàn cầu và khuyến khích nước này đồng hóa lợi ích của mình
với việc duy trì hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo sau Thế chiến. Nhưng
chỉ gần năm năm sau, theo một quan chức Mỹ nắm vững tư duy Tổng thống Mỹ mà tôi
có dịp trao đổi vào đầu năm nay, thái độ của Obama đối với Trung Quốc được mô
tả chính xác nhất là “thất vọng”. Theo quan chức này, Obama thấy rằng phía
Trung Quốc đã bác bỏ nỗ lực của ông trong việc tạo dựng một dạng “G-2” không
chính thức trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của ông, tháng Mười Một
2009, và những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về thay đổi khí hậu, về những
vấn đề trên biển và an ninh mạng đã khiến Obama tin rằng Trung Quốc là một vấn
nạn hơn là một đối tác.
Về
phần mình, lãnh đạo Trung Quốc không muốn đề cao một trật tự quốc tế do phương
Tây lãnh đạo, một trật tự mà họ không đóng vai trò tạo dựng. Đó là lý do tại
sao, trong thời gian trước cuộc họp với Obama tháng Sáu vừa qua tại Khu nhà
nghỉ Sunnylands tại California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy
thiết lập một “loại quan hệ đại cường mới” – một cách nói được mã hóa để người
Trung Quốc nhắn nhủ người Mỹ phải tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia ngang
hàng với Mỹ, phải đáp ứng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và
phải dự kiến Trung Quốc xác định lợi ích của mình chứ không hậu thuẫn những
nghị trình quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Trong khi hai cường quốc lớn nhất
toàn cầu chiều chuộng chứng thần kinh của mình, phần còn lại của thế giới đâm
ra lo lắng. Trong một loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị quan trọng, Bắc Kinh
và Washington ngày càng ra sức qua mặt nhau hơn là đầu tư vào những định chế
chung. Điều này sẽ có hiệu ứng sâu xa trên thế giới. Mặc dù mậu dịch toàn cầu
sẽ bành trướng và các định chế toàn cầu sẽ còn tồn tại, nhưng chính trị quốc tế
sẽ không bị khống chế bởi các quốc gia giàu mạnh hay các tổ chức quốc tế mà bởi
những cụm quốc gia xích lại gần nhau vì có lịch sử và mức độ giàu có giống
nhau, và tin tưởng rằng lợi ích quốc gia của chúng bổ túc cho nhau. Những nhóm
quốc gia thực tiễn và có phần tùy nghi này sẽ tìm cách phát triển thế mạnh của
chúng từ trong nhóm ra ngoài, và sự tương tác giữa chúng với nhau sẽ làm lu mờ
đội hình của cái trật tự tự do đa phương và thống nhất mà Mỹ và đồng minh đã cố
gắng xây dựng từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
KẾT THÚC THỰC THỂ
CHIMERICA
Trong
gần hai thập niên qua, Trung Quốc và Mỹ đã tận hưởng một quan hệ cộng sinh gần
như tuyệt hảo. Tiền tiết kiệm của Trung Quốc nuôi sức tiêu thụ của Mỹ. Các công
ty Trung Quốc chế tạo những sản phẩm do các công ty hậu công nghiệp Mỹ thiết kế
và bảo dưỡng. Và chính sách đối ngoại hướng nội của Trung Quốc trên cơ bản
không làm lung lay vai trò bá quyền của Mỹ. Nhà sử học Niall Ferguson và nhà
kinh tế Moritz Schularick cho rằng hai nước đã quyện chặt vào nhau đến nỗi họ
bắt đầu gọi chúng như một thực thể riêng: “Chimerica” [China + America, ND].
Nếu
quả thật từng có một Chimerica thì nó tồn tại nhờ cái thực tế là: mặc dù triết
lý cai trị của hai quốc gia khác nhau sâu sắc, nhưng chúng chỉ khác nhau theo
cung cách cái ổ khóa và cái chìa khóa khác nhau. Trung Quốc được điều hành theo
“đồng thuận Đặng Tiểu Bình”, mang tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lùi về
phía sau vào những năm 1990, nhưng viễn kiến của ông vẫn tiếp tục dẫn đường cho
nước này nhiều năm nữa. Mục đích trước tiên của Đặng là duy trì ổn định quốc
nội và quốc tế bằng cách tránh xa một nghị trình đầy tham vọng trong chính sách
đối ngoại và, thay vào đó, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế thông qua xuất
khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tín lý cai trị của Mỹ trong thập niên
1990 dựa vào một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp nhằm bảo vệ một
trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, một trật tự đặt cơ sở trên tự do mậu dịch ở
nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong nước nhờ sức mạnh tín dụng. Hai viễn
kiến này không có gì giống nhau, nhưng chúng cũng ít khi đối đầu xung đột; thật
ra, chúng thường bổ túc cho nhau. Hẳn nhiên, trong giai đoạn này, Bắc Kinh và
Trung Quốc vẫn cạnh tranh với nhau. Nhưng vì hai nước xuất phát từ những mức
quyền lực rất chênh lệch, cuộc đọ sức trở thành bất đối xứng đến nỗi ít gây ra cọ
xát. Vả lại, hai cường quốc này thường theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác
nhau và dựa vào những phương tiện rất khác nhau. Tại châu Á, Mỹ tập trung vào
việc duy trì vai trò siêu cường quân sự của mình và chống lại bất cứ sáng kiến
kinh tế nào mà Mỹ không nắm quyền hoạch định – thậm chí cả khi chúng được đưa
ra bởi một đồng minh như Nhật Bản là nước đã đề nghị thành lập một quỹ tiền tệ
châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, một ý tưởng bị
Washington bác bỏ. Trái lại, vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách trấn an
các nước láng giềng về “cuộc trỗi dậy hòa bình” của mình bằng cách hậu thuẫn
việc hội nhập đa phương trong khu vực và hứa hẹn các nước này một phần thưởng
kinh tế trong cuộc trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại. Ở
bên ngoài châu Á, lúc bấy giờ Bắc Kinh và Washington cũng tránh giẫm đạp lên
chân nhau: Mỹ dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ với các nước dân chủ tiên
tiến khác và các nước giàu năng lượng tại Trung Đông, còn Trung Quốc thì dồn
các nỗ lực ngoại giao của mình vào việc tìm kiếm cơ hội tại châu Phi và châu Mỹ
La tinh, những vùng mà Mỹ đã rút lui.
HOÁN CHUYỂN VỊ TRÍ
Cuộc
khủng hoảng tài chính 2008 đã kết thúc kỷ nguyên Chimerica. Thức tỉnh vì nhận
ra sự yếu kém của mình trước các lỗi hệ thống đã đưa đến cuộc khủng hoảng, Bắc
Kinh và Washington cương quyết tái quân bình quan hệ kinh tế với nhau, một quan
hệ mà cả hai nước đều nhận thấy đã trở nên thiếu lành mạnh. Nhưng trong khi rà
soát lại chính sách đối nội và đối ngoại của mình để tìm cách thích nghi với
nền kinh tế toàn cầu đột nhiên trở nên yếu kém, cả hai nước bắt đầu phản ánh
lẫn nhau trong những cung cách có khả năng thúc đẩy tính cạnh tranh hơn là tính
bổ túc.
Trong
lãnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lâu dài vào
hàng xuất khẩu và đang cố gắng kích thích mức tiêu thụ trong nước và phát triển
một nền kinh tế dịch vụ nội địa. Trong khi đó, Mỹ đang nâng đỡ khu vực chế tạo
hàng hóa của mình, một phần bằng chủ trương hạ giá đồng Mỹ kim thông qua việc
gia tăng nguồn tiền cho các ngân hàng [quantitative easing] và bằng việc trợ
cấp khu vực chế tạo xe hơi, và khuyến khích tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu
chủ đạo thông qua một loạt hợp đồng thương mại mới với các nước giàu, gồm Nhật
Bản và các quốc gia trong khối Liên Âu.
Các
nỗ lực sản xuất hàng hóa giá trị cao của Trung Quốc và những toan tính tái công
nghiệp hóa của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng là hai nước sẽ cạnh tranh trực tiếp
hơn, khi nước này tiến gần đến phương thức sản xuất và tiêu thụ truyền thống
của nước kia. Chẳng hạn, Trung Quốc không còn muốn cung cấp các linh kiện rẻ
tiền bên trong chiếc iPhone chỉ để đứng nhìn những lợi nhuận lớn nhất dồn vào
tay một công ty Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty Trung
Quốc nên theo gương Huawei, một công ty đặt trụ sở tại Quảng Đông đã cực kỳ
thành công trong việc bán ra các điện thoại thông minh bắt chước chiếc iPhone,
mà lợi nhuận của công ty này vẫn nằm trong nước. Tuy nhiên, trong quan hệ của
mỗi nước với phần còn lại của thế giới, cả hai cường quốc đang trở nên giống
nhau một cách rất ngoạn mục – trong một số trường hợp gần như đang hoán chuyển
vai trò truyền thống của nhau. Trung Quốc đang phấn đấu để điều hành ảnh hưởng
toàn cầu đang lên của mình. Giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của đất
nước này đang lao vào một cuộc tái tư duy rộng lớn về chiến lược Trung Quốc; họ
chất vấn mọi tín điều trong đường lối “ẩn mình để chờ thời cơ” của thời đại
Đặng Tiểu Bình, gồm cả truyền thống tránh can thiệp vào nội bộ nước khác của
Trung Quốc. Tiến trình này được thúc đẩy bởi cuộc chiến do NATO lãnh đạo năm
2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi, khi Trung Quốc kinh
ngạc nhận ra rằng nhiều nước đang phát triển đã ủng hộ việc can thiệp của quốc
tế. Sức ép đòi hỏi Trung Quốc phải có một chính sách đối ngoại ít thụ động hơn
phát xuất từ các công ty Trung Quốc muốn được che chở tại những thị trường nguy
hiểm ở nước ngoài; từ một đội ngũ trí thức theo chủ nghĩa toàn cầu chủ trương
rằng trong một thế giới mà Trung Quốc hiện diện tại nhiều điểm nóng, Bắc Kinh
phải từ bỏ sự dè dặt của mình để chấp nhận các hoạt động quốc tế; và từ những
người hoạch định chính sách Trung Quốc hiếu chiến tin tưởng rằng Trung Quốc cần
phải quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Thậm chí
nếu những tranh luận này có thắng thế đi nữa, Trung Quốc sẽ không vội tung ra
những cuộc can thiệp vì lý do nhân đạo theo kiểu Mỹ nhưng những người làm chính
sách Trung Quốc sẽ bớt rụt rè hơn trong việc can thiệp vào nội bộ của nước
khác. Như Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện trưởng Viện Bang giao Quốc tế Hiện
đại tại Đại học Thanh Hoa, đã nói với tôi, “Khi Trung Quốc mạnh bằng Mỹ, chúng
tôi sẽ có một đường lối đối với vấn đề chủ quyền giống hệt như Mỹ.”
Và
khi đề cập đến chính trị khu vực, những trí thức diều hâu như Diêm đang bày tỏ
những hoài nghi về việc Trung Quốc có nên đặt lợi ích kinh tế cao hơn những mục
tiêu chính trị hay không. Sự chuyển biến tư duy này có thể giải thích quyết
định của chính phủ Trung Quốc năm 2010 trong việc tạm thời ngưng xuất khẩu
khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản và quyết định của Trung Quốc hai năm sau đó
trong việc giới hạn nhập khẩu trái cây từ Philippines trong thời gian hai nước
xung đột về các đảo trong Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam – N.D.]. Những động
thái này diễn ra song song với việc chính quyền có vẻ dung túng những cuộc biểu
tình đôi khi bạo động được tổ chức bởi các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc
nhằm chống lại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, dù sự bất ổn
đó đã khiến một số công ty này phải dời sang Việt Nam.
Trong
một chuyển biến nhiều kịch tính hơn, giới hàn lâm Trung Quốc cũng đang tranh
luận là liệu nước họ có nên xét lại việc chống đối các liên minh thường trực
không. Năm ngoái, Diêm và các trí thức diều hâu khác công khai đề nghị rằng
Trung Quốc nên phát triển các hình thức gần như liên minh với khoảng trên một
chục nước, gồm các cộng hòa Trung Á, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga,
và Sri Lanka, cấp cho họ những đảm bảo an ninh và, đối với những nước nhỏ trên
danh sách này, có lẽ cả sự che chở của chiếc dù hạt nhân Trung Quốc. Những động
thái này không phải là điều mà nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick
nghĩ tới vào năm 2005 khi ông kêu gọi Trung Quốc nên trở thành một “thành viên
có trách nhiệm” trong trật tự toàn cầu.
Tiếp
sức cho tính quyết đoán quốc tế ngày một gia tăng của Trung Quốc là sự phát
triển một hệ thống chính trị trong nước ngày càng tham gia bàn việc nước, trong
đó nhiều trường phái khác nhau thi đua tranh luận vấn đề và cũng là nơi
Internet và nhất là các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một công luận
sinh động hơn trước nhiều. Trong quá khứ, các nhà làm chính sách phương Tây
thường lên án Trung Quốc đã dùng thủ đoạn để nuôi dưỡng hận thù dân tộc rồi lấy
cớ là hành động của mình bị hạn chế vì sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ngày
nay, tiếng trống thúc quân của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có vẻ chân thật hơn
là ngụy tạo. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Đảng
Cộng sản là xấu và xã hội dân sự là tốt. Nhưng ngày nay, Đảng Cộng sản có xu
thế thúc đẩy một sự tự chế ở nước ngoài, trong khi người dân Trung Quốc bình
thường lại đòi hỏi Đảng phải có hành động cứng rắn hơn.
Trong
khi Trung Quốc cân nhắc phải làm thế nào để nới rộng ảnh hưởng quốc tế và những
cam kết của mình, thì Mỹ đang ra sức hòa giải cái tham vọng siêu cường quốc tế
của mình với tâm trạng thấm mệt chiến tranh của người dân và những đe dọa về nợ
nần quốc gia. Obama đã tìm cách phát triển một mô hình lãnh đạo ít tốn kém: một
phiên bản kiểu Mỹ của đường lối Đặng Tiểu Bình, với sự khác biệt là trong khi
Đặng cố gắng che giấu sự giàu có đang gia tăng của Trung Quốc, thì Obama lại
tìm cách che giấu sự thiếu hụt nguồn lực ngày càng trầm trọng của Mỹ. Trên thực
tế, đường lối này của Mỹ gồm: trừng phạt các nước thù nghịch như Iran và Bắc
Triều Tiên bằng biện pháp kinh tế, truy kích khủng bố bằng máy bay không
người lái, tránh đơn phương can thiệp ở nước ngoài mà có xu thế “lãnh đạo từ
đằng sau”, và thiết lập những quan hệ thực tiễn với các quốc gia hùng mạnh như
Nga. Từ góc nhìn của Trung Quốc, dấu hiệu có vẻ báo nguy nhất đối với Trung
Quốc là chiến lược “xoay trục” về châu Á của Mỹ có vẻ như mô phỏng theo chính
sách ngoại giao đa phương và chiến lược thương mại của Bắc Kinh. Thật vậy, như
một nhà chiến lược của Lầu Năm góc đã nói với tôi gần đây, “Thay vì chơi cờ
tướng, chúng tôi đang chơi cờ vây”, một loại cờ bàn cổ đại của Trung Quốc.
Nhưng thậm chí khi Trung Quốc và Mỹ phát triển những đường lối khác nhau để
bành trướng ảnh hưởng, cả hai đều bám lấy một hình thức của chủ nghĩa biệt lệ
[exceptionalism]. Cả hai đều tin rằng mình khỏi phải tuân theo một số yếu tố
nhất định của luật pháp quốc tế và mình được định mệnh giao phó một vai trò
khống chế khu vực tại châu Á. Tuy nhiên, cả hai nước đều khó có thể hòa hợp cái
xác tín ấy với cảm giác mà mỗi bên đều có, rằng trong một thế giới ngày càng
phụ thuộc vào nhau này mình đã bị nước kia chơi trội. Người Mỹ than phiền về
mất công ăn việc làm, còn người Trung Quốc thì than phiền về việc đã mất đi
những số tiền dành dụm bằng mồ hôi nước mắt. Washington than phiền rằng Bắc
Kinh không chơi theo luật, còn Bắc Kinh thì phản bác rằng những luật này đều do
phương Tây bày ra để kềm hãm các nước khác. Khi căng thẳng gia tăng, nhiều khía
cạnh của quan hệ Mỹ-Trung mà đã có thời cả hai bên cho là cơ hội lại có vẻ đang
ngày càng là những mối đe dọa.
HAI BÊN TÌM ĐƯỜNG
TRÁNH NHAU
Trong
ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự do hóa nền kinh tế của mình, tạo ra một giai
cấp trung lưu lên đến hàng trăm triệu người, và chứng kiến sự ra đời một công
luận đích thực [a genuine public sphere] trong số hơn 500 triệu người dân Trung
Quốc sử dụng Internet. Trung Quốc đã được đón mời vào các định chế quốc tế như
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G-20 và được nhiều Tổng thống Mỹ liên tiếp
đối xử bằng những tuyên bố công khai bày tỏ sự kính trọng. Nhiều nhân vật tại
Washington từng hi vọng rằng những chuyển biến này sẽ đi liền với việc Trung
Quốc gia tăng hậu thuẫn đối với hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Nhưng
họ đã thất vọng vì thấy Trung Quốc không đáp ứng theo mong muốn của mình.
Thật
vậy, thay vì bị những định chế toàn cầu chuyển hóa, Trung Quốc theo đuổi chính
sách ngoại giao đa phương rất tinh vi, làm thay đổi trật tự toàn cầu. Ở G-20,
Trung Quốc đứng cùng phe với các nước chủ nợ, như Đức, một nước mà Trung Quốc
đã liên minh năm 2010 khi người Đức chống lại một gói kích thích kinh tế toàn
cầu do Mỹ đề xuất. Washington cũng thất vọng vì Bắc Kinh đã góp phần kết liễu
Vòng đàm phán Doha về thương mại thế giới, bằng cách giữ thái độ bất động vào
thời điểm các cuộc đàm phán có dấu hiệu lâm nguy. Tại LHQ, Trung Quốc đã đẩy
lùi sự phát triển các qui phạm bảo vệ tự do: trong thời gian 1997-98, các quốc
gia khác bỏ phiếu theo Washington về những vấn đề nhân quyền tại Đại hội đồng
là 80% số lần; trái lại, vào năm đó, các nước “bỏ phiếu theo” Bắc Kinh về các
vấn đề này là 40%. Vào năm 2009-2010, những con số này gần như bị đảo ngược:
khoảng 40% bỏ phiếu theo Mỹ và gần 70% theo Trung Quốc trên các vấn đề nhân
quyền. Sự thay đổi lập trường này một phần là do Trung Quốc giành được hậu
thuẫn của các nước đang phát triển bằng cách cho vay nhẹ lãi, trực tiếp đầu tư,
và hứa hẹn bảo vệ những nước này trong trường hợp Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra
những nghị quyết trừng phạt họ.
Trước
sự thất vọng của phương Tây, các học giả Trung Quốc, như nhà sử học vai vế Thì
Ân Hoành (Shi Yinhong), tranh luận rằng phương Tây không nên quá bận tâm về
việc “thúc đẩy Trung Quốc hội nhập vào trật tự tự do của phương Tây”, mà thay
vào đó nên điều chỉnh cái trật tự ấy “để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc”,
như Thì đã nói với tôi gần đây. Sự điều chỉnh này sẽ đòi hỏi một sự tái phân
phối rộng lớn ảnh hưởng chính thức trong các định chế tài chính và an ninh toàn
cầu, theo đó quyền lực được phân phối cho các quốc gia thành viên sẽ không tùy
thuộc vào các khái niệm được định sẵn từ trước là ai sẽ có quyền cai quản, mà
tùy thuộc vào “sức mạnh đích thực mà mỗi nước có được và sự đóng góp mà mỗi
nước đã thể hiện”, như Thì lý giải. Trên thực tế, Thì tranh luận, Mỹ sẽ phải
chấp nhận một thế cân bằng quân sự với Trung Quốc (chí ít ở phía đông Đài
Loan), việc thống nhất bằng đường lối hòa bình của Trung Quốc và Đài Loan theo
điều kiện của Bắc Kinh, và một khoảng “không gian chiến lược” nhỏ hẹp nhưng
quan trọng đối với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, hệ thống liên
minh của Mỹ cần phải “giảm bớt tập trung vào quân sự và giảm bớt việc lấy Trung
Quốc làm mục tiêu”.
Nhưng
cho dù giới tinh hoa Trung Quốc có muốn gì đi nữa, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng
điều chỉnh trật tự thế giới hiện hữu để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc. Và
thay vì chấp nhận những nhượng bộ cần thiết cho một G-2 hay sự bế tắc của
nguyên trạng, các cường quốc phương Tây đang tránh đối đầu trực tiếp với Bắc
Kinh trong khi theo đuổi những quan hệ và những chính sách nhằm hạn chế khả
năng của Trung Quốc trong việc uốn nắn hệ thống quốc tế theo ý mình.
Trong
những năm gần đây, chẳng hạn, một nhóm quốc gia có lợi tức cao do Mỹ lãnh đạo
và gồm cả Australia, Canada, Malaysia, và Singapore đã bắt đầu đàm phán để
thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thương ước cố ý loại trừ
Trung Quốc và nhấn mạnh những tiêu chuẩn khắt khe đối với các doanh nghiệp nhà
nước, với quyền lợi công nhân, với các biện pháp bảo vệ môi trường, và quyền sở
hữu trí tuệ. Nếu cuối cùng Nhật Bản cũng gia nhập, các thành viên của TPP sẽ
chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Thậm chí còn tham vọng hơn cả TPP là những cuộc đàm
phán được khởi động gần đây về Hiệp định Đối tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương,
một kế hoạch đã được bàn bạc từ lâu nhằm tạo ra một hiệp ước tự do mậu dịch
giữa EU và Mỹ, một hiệp ước sẽ cho các nước phương Tây những lợi thế đáng kể
trong bất cứ một cuộc đàm phán thương mại nào sau này với Trung Quốc. Mục tiêu
của những hiệp ước mới này không phải là để đẩy Trung Quốc ra khỏi nền mậu dịch
quốc tế, mà để soạn ra các qui định không có sự tham gia của Trung Quốc để rồi
sau này buộc Trung Quốc phải chấp nhận chúng. Phương Tây cũng đang có những nỗ
lực song song trong lãnh vực an ninh. Mỹ đang cố gắng sử dụng chiến lược xoay
trục hướng về châu Á để củng cố những quan hệ lâu đời với nhiều nước chung
quanh Trung Quốc nhằm gây cản trở cho tham vọng bá quyền quân sự của Trung Quốc
ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong các nỗ lực can thiệp quốc tế, phương Tây
đang gia tăng “việc tìm kiếm diễn đàn” [forum shopping]: hợp tác với những tổ
chức khu vực, như Liên đoàn Á rập và Liên hiệp châu Phi, và dựa vào những liên
minh không chính thức, như Nhóm Bạn của Syria [Friends of Syria], bất cứ khi
nào chính sách ngoại giao tại LHQ bị bế tắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoạt
động ráo riết không kém để qua mặt phương Tây. Trung Quốc đã thành lập các định
chế an ninh của chính mình, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và đã ký kết các
thoả ước mậu dịch đơn phương và đa phương với nhiều nước khắp thế giới. Trung
Quốc cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với các đối tác BRICS
và đang cố gắng thành lập một ngân hàng phát triển BRICS với tiềm năng nắm giữ
một danh mục cho vay lớn gấp ba lần danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới.
[BRICS: viết tắt của Brazil, Russia, India, China, South Africa, ND]
CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỒNG
ĐA PHƯƠNG
Đứng
giữa các trật tự thế giới do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu là các cơ chế toàn cầu
như Hội đồng Bảo an LHQ, Nhóm G-20, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới.
Nhưng chúng thường gặp phải bế tắc do các bất đồng giữa những nước thành viên.
Do đó, thay vì buộc các cường quốc mới nổi [emerging powers] phải thích nghi
với các định chế phương Tây, hi vọng lớn nhất có thể có được từ những định chế
này là chúng sẽ là nơi để các đại cường thảo luận những vấn đề đặc biệt bức
thiết: chẳng hạn, cuộc tan chảy tài chính toàn cầu 2008 hay sự ngoan cố của Bắc
Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Sự yếu kém và vô bổ của những định chế này có
thể trở nên ngày một tồi tệ, vì đáng lẽ phải hợp tác để cải tổ những diễn đàn
chung đã có sẵn, các cường quốc phương Tây lại cố gắng xây dựng “một thế giới phi-Trung
Quốc” trong khi Trung Quốc và các nước đối tác cố gắng tạo ra cái mà một số nhà
phân tích gọi là “một thế giới phi-Tây phương.” Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác
Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng [tiêu cực] đối với
WTO. Như chuyên gia kinh tế Bỉ André Sapir đã lý giải, nếu các nước chiếm gần
một nửa GDP toàn cầu thành lập hệ thống giải quyết tranh chấp riêng, tách khỏi
WTO, thì cái WTO một thời kiêu hãnh này “sẽ giống như một tổ chức khác có trụ
sở tại Geneva, Tổ chức Lao động Quốc tế, một nơi có mặt tiền xinh đẹp trên hồ
Léman mà hằng năm các vị bộ trưởng đến đọc những bài diễn văn hay ho nhưng
chẳng bao giờ lấy những quyết định quan trọng.”
Thay
vì coi những cơ chế đa phương toàn cầu là tối cần, các nước sẽ dựa nhiều hơn
nữa vào các mạng lưới mới thành lập giữa các quốc gia có cùng mức độ thịnh
vượng. Xin tạm gọi hiện tượng này là “chủ nghĩa tương đồng đa phương”
[similateralism]. Một trong những hậu quả của hiện tượng này sẽ là một hình
thái lưỡng cực mới và lạ thường, bên ngoài có vẻ giống Chiến tranh Lạnh chứ
không còn giống như thế giới của hai thập niên qua. Những khác biệt này sẽ bao
gồm một nước Mỹ mất dần thanh thế, một đối thủ khôn ngoan hơn (và thành công
hơn) ngang hàng với Washington, và các nước phi liên kết hùng mạnh hơn trước.
Nhưng những động lực của chính trị toàn cầu trên cơ bản cũng sẽ khác với những
động lực chi phối thế giới trong năm thập kỷ sau Thế chiến II.
Một,
khác với Chiến tranh Lạnh, bản chất của cuộc đua này chủ yếu sẽ là địa kinh tế
[geoeconomic] hơn là địa chính trị [geopolitical], do hậu quả của những tốn kém
ngày một gia tăng của việc duy trì sức mạnh quân sự.
Hai,
sự cạnh tranh Mỹ-Trung có đặc tính là: hai cường quốc đã lệ thuộc vào nhau ở
mức độ cao, vì sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai nền kinh tế là rất sâu đậm. Tuy
nhiên, các nhà làm chính sách của hai nước lại coi sự lệ thuộc lẫn nhau này là
một mối nguy cần phải giảm bớt và quản lý, chứ không coi đó là một công thức để
xây dựng những quan hệ nồng ấm. Mỹ cần Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu chính
phủ của Mỹ, và các bang của Mỹ đang cạnh tranh ráo riết để thu hút đầu tư Trung
Quốc. Nhưng Washington cũng lo lắng về sự quá lệ thuộc vào vốn Trung Quốc và lo
sợ gián điệp mạng Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cần tìm một nơi an toàn để
cất giữ những lượng tiền dự trữ của mình và cần đến công nghệ Mỹ để xây dựng
một xã hội tri thức. Nhưng Bắc Kinh tức giận vì cho rằng chính sách gia tăng
nguồn cung tiền [quantitative easing] của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang làm tiêu
tán đống tiền của Trung Quốc và nghi ngờ rằng Washington đang hoạt động để thúc
đẩy việc thay đổi thể chế tại Trung Quốc.
Ba,
mặc dù nhiều nước phi liên kết cuối cùng phải chọn một chiến tuyến trong Chiến
tranh Lạnh, nhưng trong những thập niên tới, những nước phi liên kết có thể
khai thác sự hiện hữu của những khối quyền lực linh động hơn, không đòi hỏi nếu
theo phe này phải loại bỏ phe kia. Hậu quả sẽ là một trật tự thế giới lang chạ
[a promiscuous world ordwer] trong đó các nước có thể ký kết các hiệp định với
cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Sau
cùng, Bắc Kinh và Washington sẽ kình chống nhau vì địa vị toàn cầu chứ không
phải vì ý thức hệ. Cho đến nay Trung Quốc vẫn còn quá yếu và ở vào thế thủ,
chưa đủ sức để đưa ra một phương án thay thế cho cái trật tự thế giới tự do do
Mỹ lãnh đạo, nhưng tình hình này sắp thay đổi. Trung Quốc và Mỹ sẽ sử dụng cùng
một thứ từ ngữ trong việc lý giải những động lực của mình như: “trật tự,” “tính
chính đáng,” “tăng trưởng kinh tế,” và “trách nhiệm.” Nhưng, như người ta
thường nói, hai nước này sẽ bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ.
MARK
LEONARD là Đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu
và là Nhà nghiên cứu Chính sách công trong chương trình Bosch tại Học viện
Xuyên Đại Tây dương. Ông là tác giả của hai cuốn sách gây tiếng vang và được
dịch ra gần 20 thứ tiếng là Why Europe Will Run the 21st Century (2005) và What
Does China Think? (2008).
Bản
tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
No comments:
Post a Comment