Saturday, 2 November 2013

NỬA THẾ KỶ (1963-2013) NHÌN LẠI SỬ VIỆT : CHÍNH BIẾN THÁNG 11-1963 (Hạ Long Bụt sĩ)




11/01/2013 01:38:00 PM

Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX ghi nhận 3 chính biến có tầm vóc lớn, huy động đông đảo quần chúng:

* Cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930, huy động được khối quần chúng châu thổ sông Hồng, tuy không thành công nhưng đã gieo được mầm cách mạng kháng chiến trong lòng dân tộc từ Bắc chí Nam. Chủ trương phong trào kháng Pháp này do các nhóm trí thức bậc trung, Nho sinh, giáo viên, hương sư, cai, đội... gần với đại khối bình dân.

* Cuộc kháng chiến mười lăm năm sau, 1945, thừa hưởng mầm cách mạng dân tộc, huy động quần chúng toàn quốc, hội đủ thời, thế và cơ, nên thành công. Tiếc rằng cáithế lại phải dựa vào thế đang lên của Cộng Sản quốc tế, nên cuộc kháng chiến tiến hành với âm mưu phục sẵn dẫn dắt vào quỹ đạo đỏ. Quần chúng yêu nước đổ xương máu bầy cỗ cho nhóm yêu Đảng ăn.

* Cuộc chống đối chính quyền họ Ngô, năm 1963 phức tạp hơn vì có dính líu tới tôn giáo và ngoại nhân (Hoa Kỳ), nhưng không thể phủ nhận tầm vóc quần chúng tham gia đông đảo chưa từng thấy sau 1945.

*

Chính quyền Ngô Ðình Diệm trong những năm đầu (1954 - 60) đã gặt hái nhiều thành quả và có hậu thuẫn quần chúng. Những chương trình kiến quốc đề ra như Dinh điền, Khu trù mật, Ấp chiến lược... đều đi đúng đường mặc dầu cấp thừa hành không thực hiện đến nơi đến chốn. Riêng năm 1960, những thành quả kinh tế đưa Nam VN lên hàng thứ 3 tại Á châu, hơn Đại Hàn, Ấn, Thái… (1) Đây là một chính quyền quốc gia vững mạnh nhất, có chủ đạo, có tổ chức, có nhân sự hậu thuẫn, có cốt lõi trung ương chỉ đạo, có quốc tế ủng hộ (khối Thiên Chúa Giáo) kể từ sau chính phủ Trần Trọng Kim 1945.

Những năm sau chính quyền họ Ngô càng ngày càng cô lập và gặp nhiều chống đối: Tổng thống Ngô Ðình Diệm bị mưu sát hụt năm 1958 ở Ban Mê Thuột, bị đảo chính hụt năm 1960, bị thả bom vào dinh Ðộc Lập năm 1962, cho nên chính biến kết liễu tháng 11-1963 chỉ là hệ quả của một chuỗi chống đối, trong đó yếu tố tôn giáo và Hoa Kỳ không đủ để giải thích.

Những nhân sĩ tư cách cao như Nguyễn Thế Truyền, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Tam... chống đối họ Ngô chắc chắn không phải vì chống đối đạo Cơ Ðốc hoặc vì Mỹ mua chuộc, các sinh viên học sinh bãi khóa đánh nhau với Cảnh Sát Dã Chiến ở Sàigòn và ở nhiều tỉnh, người không làm chính trị bao giờ như Vũ Hoàng Chương... cũng phản đối chính quyền... đại khối quần chúng đã chống đối thì phải có nguyên nhân sâu xa hơn, đó là:

1- Khoảng cách giữa gia đình họ Ngô với quảng đại quần chúng mỗi ngày một xa, một đẳng cấp quan lại, khoa bảng thượng lưu có thể thành công ở thời bình và ở một nước đã ổn định, nhưng không thể thành công ở một xã hội chậm tiến, nghèo và giao thời, giao động mạnh vì Cộng Sản như Việt Nam. Chính quyền họ Ngô không có những nhân sự cán bộ bắt được tâm mạch quần chúng, vận động được cộng đồng và sống hòa nhịp với các giai tầng xã hội. Ðó cũng là lỗi lầm của Tưởng Giới Thạch và gia đình giầu sang họ Tống đã làm mất quần chúng về phe địch thời 1940 bên Tầu. Tổng quát, ta đã rơi vào bẫy chiến lược “ Lấy nông thôn bao vây thành thị ”  của Mao.

2- Sau ngày chia đôi đất nước 1954, các thành phần quốc gia đều tập hợp về miền Nam, ủng hộ họ Ngô trong công cuộc diệt Phong, Thực và Cộng. Mọi người đều chờ đợi quá nhiều vào lãnh tụ và lãnh tụ đã không đáp ứng được sự chờ đợi nôn nóng đó. Nhiều thành phần bắt đầu bất mãn và chống đối, chính quyền thay vì điều chỉnh cho hợp dân ý lại quay ra độc tôn, độc đoán, phá mất phên dậu miền Nam là các giáo phái. Chỉ cần một chút giao tế rộng lượng, lãnh tụ Ngô Ðình Diệm đã có thể quy tụ được nhiều thành phần quốc gia đảng phái trong cuộc chống Cộng cứu nước, chỉ cần một chút tế nhị khôn khéo ông đã có thể tránh được những va chạm tôn giáo tối kỵ trong lĩnh vực chính trị (2). Người dân trên mảnh đất miền Nam chờ đợi cuộc đại đoàn kết, họ Ngô lại gây chia rẽ địa phương, tôn giáo, phe phái; đảng phái quốc gia muốn đóng góp vào đại cuộc chống Cộng, họ Ngô lại muốn độc quyền chống Cộng. Ba chữ “Cần-Trung-Công” ( Cần Lao, Trung phần, Công giáo) trở thành dấu ấn, vô tình hay ác ý, của dân chúng gắn cho chính quyền.

 Thành ra từ một lãnh tụ có tư cách và được ủng hộ, họ Ngô đã lần lần từ bỏ những ưu điểm của mình để phơi bầy ra những nhược điểm và trở thành đối tượng chống đối của quần chúng đông đảo.

3- Quần chúng đông đảo dựa vào phong trào Phật giáo để chống đối hữu hiệu chính quyền họ Ngô nhưng không có nghĩa là chống lại đạo Công Giáo. Có chăng là chống lại một số người đi quá đà mang Công giáo vào chính quyền, cũng như quần chúng đã bỏ rơi phong trào Phật giáo tranh đấu khi có một số nhà tu kiêu ngạo và Phật tử đi quá lố vào thế tục chính trị, rất dễ cho CS xâm nhập, trong những năm 1964 - 65... Sau này người dân chống đối TT Nguyễn Văn Thiệu không phải vì ông theo đạo Chúa mà vì ông nghi kỵ nhân sự và dung túng tham nhũng. Thế nên ở Việt Nam có lẽ vấn đề địa phương có tầm mức quan trọng hơn là tôn giáo, tranh chấp tôn giáo nếu có cũng chỉ xảy ra lẻ tẻ và hạn hẹp . Trong xã hội, trong giáo dục, tuyệt nhiên không có sự hiềm khích với Công giáo, các giáo sư linh mục khả kính vẫn tiếp tục giảng dậy, sau chính biến 1963, tại các trường lớp từ tiểu học tới Đại học với các học sinh, sinh viên đa phần không Công giáo. Nước đục thả câu, CS khai thác triệt để, làm nước đục, đục thêm, bé xé ra to, tạo hỏa mù rồi đổ vấy !

4- Hai câu hỏi kế tiếp: tại sao phong trào Phật giáo đấu tranh lại nổ ra rất mạnh và kéo rất lâu ở vùng Huế, và tại sao Huế lại bị thảm sát cả ngàn người trong Tết Mậu Thân 1968?

Trong lịch sử Việt Nam cận đại Huế đã là một trung tâm chính trị văn hóa của Đàng Trong từ thế kỷ 16 với Chúa Nguyễn Hoàng và đã là thủ đô của nước Việt từ thế kỷ 19 tới 1945. Trong thời Pháp thuộc, Huế vẫn có vua và vẫn là linh hồn của nước Việt cổ truyền, Huế và lãnh thổ An Nam là cứ điểm cuối cùng của văn hóa dân tộc trong khi Hà Nội và Sài Gòn đã bị Âu hóa khá mạnh. Trung tâm văn hóa cổ truyền Huế cũng là một trung tâm Phật giáo lâu đời, suốt mấy trăm năm Phật giáo mặc nhiên giữ ngôi vị quốc giáo, người dân Huế sống trong không khí cổ kính đó nên dễ bị “xốc” khi có những ảnh hưởng Âu Tây tới. Một ngôi giáo đường Cơ Ðốc mới xây ở Sài Gòn, Vũng Tầu... có thể tạo nên những nét mới cho thành phố mới, nhưng nếu ở Huế, sẽ là những nét lạ không ăn khớp với bức tranh cổ. Thế nên nếu bị va chạm, dù chỉ là hình thức như cờ quạt phản ứng tâm lý trở thành một dị ứng mãnh liệt, nó ăn sâu vào tiềm thức, vào danh dự dân tộc, vào tập quán cộng thể. Có lẽ họ Ngô và thân cận không hiểu nổi chiều sâu của dị ứng đó, chỉ đánh giá như một phản ứng bất mãn tầm thường của quần chúng và đã đối lại bằng những phương pháp tầm thường như chữa bệnh nội tạng bằng thuốc ngoài da vậy, khi thấy dị ứng đó lan khắp cơ thể dân tộc thì lại đổ tất cả cho Cộng Sản nằm vùng, CIA dật giây mà không chịu tìm nguồn gốc sâu xa của phản ứng.

Trung tâm Huế là thành trì của tinh thần dân tộc cổ truyền, có một lớp tu sĩ đầy bản lãnh và khối quần chúng đông đảo có ý thức quốc gia và thuần thành Phật giáo, nên sẽ là một trở ngại lớn cho làn sóng Nam xâm Cộng Sản, vì thế, 5 năm sau 1963, trong Tết Mậu Thân 1968, Huế đã bị thảm sát tập thể nhiều ngàn người. Ngoài sự trả thù sân hận cá nhân, ân oán chính trị Quốc –Cộng vùng này rất nặng từ những năm 1940-50, đây là một kế hoạch có tính toán, cân nhắc giữa thất nhân tâm và thực tế chiến lược. Hà Nội thấy rõ mức quan trọng của tâm thức Huế đối với ý thức hệ Mác Lê nên đã thẳng tay san bằng thành trì dân tộc vững chắc này để dọn đường xa cho cuộc Nam xâm.

VÀI HỆ QUẢ TÍCH CỰC SAU CHÍNH BIẾN

Từ 1954-1963 chính quyền miền Nam quốc gia tiếp tục đường lối từ chính quyền Bảo Đại, giới lãnh đạo chính trị và ưu thế xã hội vẫn là giới cũ, trí thức khoa bảng và thân Pháp. Sau 11-1963 xã hội miền Nam thay đổi mạnh, tại học đường văn hoá dân tộc trỗi dậy, Phật học và Thiền học bắt đầu lấy lại chân đứng, lan tràn qua sách báo, cơ sở Phật giáo, thành lập Nha Tuyên úy Phật giáo, Đại học Vạn Hạnh... Giới thân Pháp, nhất là ở Đại học, co cụm lại, bỏ VN về Pháp, sinh viên quốc gia sinh hoạt mạnh mẽ hơn, từ tổ chức sinh viên, truyền thông báo chí, tới tôn giáo chính trị. Nhiều Phân khoa, như Y Nha Dược, dần dần bỏ chuyển ngữ Pháp sang Việt, số trường trung tiểu học Pháp cũng bắt đầu theo chương trình Việt.

Gia đình và bản thân TT Ngô Đình Diệm thuộc thế hệ cổ kính, có học thức, có tư cách, nhưng họ là những con người của thế hệ tiền chiến 1930-40, chứ không thể là thế hệ lãnh đạo của thập niên 1960, không bắt nhịp được với giới bình dân, không uyển chuyển nổi theo xu hướng thiên Anh Mỹ ở vòng đai Đông Nam Á, mà vẫn chịu ảnh hưởng lối nhìn nửa nạc nửa mỡ, nửa Hữu nửa Tả của Pháp. Nước nhược tiểu, vốn phải dựa vào đại cường, đại cường Mỹ lúc này chủ trương chống và cản CS, như đã làm ở Triều Tiên, thì Nam VN không thể có chiến lược riêng - như trung lập, như bắt tay với phe Tả v..v nhận viện trợ mà làm khác đi, thì khó mà được yên thân.

Sau chính quyền Ngô Đình Diệm, chiến tranh lan rộng hơn, quyền lực chuyển sang quân đội với thành phần trẻ trung cách cụ Diệm ( 1900) cụ Nhu ( 1910)... cả một thế hệ, như Nguyễn văn Thiệu (1924), Nguyễn Cao Kỳ (1930)… thành phần trẻ trung này, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, non chính trị, nhưng được một ưu điểm : họ gần dân hơn, bớt kênh kiệu hơn, và họ có một khối ủng hộ đầy nhiệt huyết là đồng đội. Nước tao loạn, không lấy quân đội làm chủ chốt thì lấy ai ? Vả lại quân đội miền Nam đồng thời cũng là những người có ăn học, không làm mất giá trị truyền thống xã hội sĩ, nông, công, thương, trí thức vẫn được trọng dụng, nắm giữ các phủ, bộ, hành chánh, chuyên môn, khác hẳn thể chế độc tài CS tiêu diệt Trí, Phú…

*

Sau 50 năm trôi qua, 1963-2013, nhìn lại có 2 điều đáng tiếc:

• Lãnh tụ Ngô Ðình Diệm có đủ điều kiện để kiến tạo miền Nam nhưng đã để vụt mất cơ hội, làm mất dần thế đoàn kết quốc gia, thiếu vận động quốc tế làm sáng tỏ ngọn đuốc chính nghĩa, để địch thủ nắm cờ lộng giả thành chân, đi từ không đến có qua tuyên truyền như thời 1945. Rút cục miền Nam thiếu mất nền tảng vững chắc để sinh tồn tự chủ.

• Phong trào Phật giáo đã dấy động được quần chúng đông đảo, đã có thể tái dựng một nền tảng văn hoá quốc gia, có viễn kiến lịch sử, nhưng lại vướng mắc vào thế tục chính trị, tranh chấp nội bộ vì dị biệt đường lối, không thức thời và thiếu thực tế, nhiều ảo tưởng nên dễ bị phe Tả cực đoan lợi dụng, tương kế tựu kế. Thế nên phe quốc gia lại mất đi một nội lực huyết mạch đáng lẽ có thể phục hồi cơ thể dân tộc.

Chính ngã mạn đã đưa họ Ngô vào thảm kịch, cũng chính ngã mạn đã đưa Phật giáo đến đổ vỡ, đó là bài học của biến chính tháng 11-1963.

Hạ Long Bụt sĩ

---------------

Ghi Chú về Chủ thuyết Cần Lao Nhân Vị và ông Ngô Đình Nhu

Theo Ký Ức  tập I, của Huỳnh Văn Lang, chương 5 và 6, thì ông Ngô Đình Nhu xây dựng học thuyết này trong những năm ẩn dật ở Đà Lạt ( 1946-1952), về triết lý thì dựa trên Nhân vị thuyết ( Personalisme) của triết gia Pháp Emmanuel Mounier, hồn và xác là hai phần bổ túc cho nhau; về phương pháp thực tế, kinh tế nhân bản quân bình chú trọng tới nhu cầu người dân, phân phối lợi tức đồng đều, thì dựa vào cha Louis Lebret (người Bretagne, Pháp, 1897-1966- dòng Dominicain, chủ nhiệm tạp chí Economie & Humanisme-Kinh tế & Nhân bản, là tài liệu học tập nghiên cứu cốt lõi của nhóm ông Ngô Đình Nhu). Cha Lebret đến Việt Nam mấy lần và nghiên cứu về đời sống dân Việt, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cha có khuyến cáo TT Ngô Đình Diệm là nên có Thủ Tướng với ba Tổng bộ (Văn hoá Giáo dục Y tế - Kinh Tài Canh nông công chánh - Nội vụ Quốc phòng-Ngoại giao đứng riêng) và chính cha cũng cho rằng không nên có thứ quyền bính trong bóng tối (pouvoir obscur) như ông Ngô Đình Nhu đang làm, vì lịch sử đế quốc Roma và Hy Lạp đã chứng minh thứ chính phủ đen tối đó gây nhiều hệ luỵ bất hạnh! Cha Lebret cũng đã có lời hứa của ông Nhu là cải tổ chính phủ.

Thiết nghĩ lấy Công giáo làm chủ lực chống CS không phải là hoàn toàn vô lý, tiếc rằng trong bối cảnh miền Nam, Công giáo chỉ chiếm khoảng 7% dân số và chủ thuyết Nhân vị cũng không có gì mới lạ đối với tinh thần Nhân bản, Nhân chủ, bình sản, đồng tôn, trong tư tưởng Việt.

(1)Theo bài của Trần Đăng Hồng-Ph.D, 5-2013 (websiteTranDang.net) : So sánh GDP đầu người của VN và vài nước Á  Châu: GDP VNCH 1960 đứng thứ ba, sau Singapore, Mã Lai, Phi, nhưng đứng trên Nam Hàn, Thái Lan, Tầu, Ấn, nhờ xuất cảng gạo…

(2)Tự thiêu trong Phật giáo là một cách cúng dường thân xác cho chân lý, cuộc tự thiêu tự nguyện của Hòa thượng Quảng Đức từ 1963, cho đến nay, vẫn bị hiểu lầm, đến nỗi HT Tâm Châu gần đây vẫn còn phải giải tỏa cặn kẽ trên YouTube.



No comments:

Post a Comment

View My Stats