Saturday, 2 November 2013

HOA KỲ, ASIAN & TRUNG QUỐC (Raja Mohan - American Review)




Raja Mohan

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Bảy, 02/11/2013

Những ai nghĩ rằng khái niệm “phạm vi ảnh hưởng” là một quan điểm đã lỗi thời trong quan hệ quốc tế nên xem lại kỹ hơn chiến dịch ve vãn của Trung Quốc đối với Đông nam Á. Tại hội nghị khu vực thường niên vừa qua ở Brunei, Bắc Kinh đã chủ động thúc đẩy một thoả thuận để có được những cuộc thảo luận thường xuyên giữa các bộ quốc phòng với Đông nam Á. Hiện tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không hưởng ứng đề xuất này. Nhưng chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không từ bỏ lời mời gọi trên.

Bất chấp hàng loạt yêu cầu từ Thủ tướng Lý Khắc Cường, bản tuyên bố của cuộc họp “ASEAN cộng Trung Quốc” chỉ “nhắc” qua đề nghị của Bắc Kinh. Nói thẳng ra là ASEAN đã không chấp nhận và cũng không phản đối lời kêu gọi của Bắc Kinh. Thực tế là vì những dị biệt lớn lao giữa các quốc gia thành viên trong việc chấp nhận một đường lối quốc phòng riêng với Trung Quốc. Nên nhớ là ASEAN đã đồng ý tổ chức một đối thoại quốc phòng “cộng một” tương tự với Hoa Kỳ. Đầu năm nay, các bộ trưởng quốc phòng của ASEAN đã nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel để tham dự một cuộc họp chung tại Hawaii vào năm 2014.

Không gì ngạc nhiên khi ASEAN lại trở nên rụt rè trước việc đón nhận lời mời thảo luận quốc phòng của Trung Quốc, qua việc Bắc Kinh đang leo thang các tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và Philippines. Các quốc gia Đông nam Á cũng tỏ vẻ nghi ngờ trước một đề xuất khác của Lý về một thoả ước Trung Quốc - ASEAN “Láng giềng hữu nghị và hợp tác nhằm củng cố nền tảng chính trị cho niềm tin cậy lẫn nhau”. Trông có vẻ như Trung Quốc đang nôn nóng bày tỏ rằng họ không là mối đe doạ đối với ASEAN và đưa ra dấu hiệu mong muốn có được một quan hệ đối tác toàn diện với khu vực này.

Một số người xem đề xuất trên là phản ứng đối với lời kêu gọi của Jakarta nhằm đạt được một hiệp ước hữu nghị và hợp tác Indo - Thái Bình Dương. Trong khi Jakarta muốn sát nhập quan hệ ASEAN với Trung Quốc vào một cơ cấu rộng hơn về quân bình khu vực, thì Bắc Kinh lại muốn có một lĩnh vực ảnh hưởng riêng biệt.

Chào bán xe lửa cao tốc

Thái độ miễn cưỡng hiện tại của ASEAN trong việc đón nhận Trung Quốc vào lĩnh vực quốc phòng đã không ngăn bước Lý trong việc phác thảo một đề xuất hoà nhập kinh tế sâu đậm hơn với Đông nam Á. Nếu quan hệ giữa hai bên trong mười năm qua được xem là thời kỳ vàng, Lý muốn mười năm tới sẽ là “thập niên kim cương.”

Sau hội nghị ASEAN, Lý đã đến Thái Lan để đề xướng tuyến đường xe lửa cao tốc xuyên biên giới giữa hai quốc gia. Trong buổi khai trương khu trưng bày kỹ thuật đường ray cao tốc của Trung Quốc ở Bangkok, Lý đã kêu gọi việc mở rộng và hiện đại hoá các tuyến đường sắt trong khu vực.

Những thoả thuận trước đây giữa Bangkok và Bắc Kinh trong việc xây dựng các tuyến đường ray cao tốc giữa hai nước đã bị đình chỉ vì những tranh cãi tại Thái về giá thành dự án cao, phương pháp tài trợ và các tuyến đường được đề xuất. Việc vị thủ tướng Trung Quốc công khai ủng hộ dự án được cho là sẽ khiến Bangkok có được quyết định nhanh chóng để thi hành dự án.

Mỉm cười với Hà Nội

Trong khi củng cố quan hệ tốt đẹp với Thái Lan, Lý cũng đã có một nỗ lực táo bạo trong việc phục hồi mối quan hệ vốn căng thẳng với Việt Nam. Các tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực biển Đông đã sôi sục trong những năm qua.

Việt Nam đã tích cực tìm kiếm quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, Nhật Bản và những quốc gia châu Á khác nhằm cân bằng người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Nếu thế hệ lãnh đạo trước ở Bắc Kinh từng khó chịu trước sự xấc láo của Hà Nội, thì giờ đây Trung Quốc lại xoay qua sử dụng chính sách “ngoại giao nụ cười”. “Bản hoà âm ngoại giao Trung - Việt đã nâng lên tầm cao mới,” cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã tuôn lời khi Lý đến thăm Hà Nội vào cuối tuần trước.

Lý đã ký kết một số các thoả thuận nhằm đẩy mạnh mối hợp tác song phương. Hai bên đã đồng ý tăng cường thương mại song phương lên đến mức 60 tỉ Mỹ kim vào năm 2015 và phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tài chính và cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng hơn nữa là quyết định thành lập một nhóm làm việc chung để cùng thăm dò và phát triển tài nguyên trong Vịnh Bắc Bộ trong khi hai bên tiếp tục thương lượng để đạt được một giải pháp hoà bình đối với các tranh chấp lãnh thổ.

Tại một cuộc họp báo chung ở Hà Nội, Lý đã tuyên bố rằng bất chấp những khác biệt hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đều quyết tâm phát triển tính ổn định trên “Biển Nam Hải”. Đối tác của ông là Nguyễn Tấn Dũng đã không đồng thanh mấy khi ông lưu ý rằng hai bên đã thoả thuận giữ gìn hoà bình trên “Biển Đông”.

Hãy tạm thời đừng quan tâm đến những tên gọi khác nhau mà Lý và Dũng đã sử dụng để đề cập đến cùng một vùng biển đang bị tranh chấp, nhưng nên lưu ý đến việc những bậc thầy thực dụng ở Bắc Kinh và Hà Nội vờn nhau ra sao trong những tháng tới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats