Đông
Phương (Tuổi Trẻ Online)
17/11/2013 09:00 (GMT + 7)
TT - Năm 2005, xã hội Trung Quốc chấn động khi
tòa án tuyên bố đã xử tử nhầm một người vô tội trong vụ án cưỡng hiếp, giết
người ở tỉnh Hà Bắc. Vụ án khơi dậy một cuộc tranh luận gay gắt về quyền của
nghi phạm trước, trong và sau khi bị xét xử.
>> Vụ
Nguyễn Thanh Chấn: nên khởi tố vụ án điều tra việc có ép cung không
>> Cần làm rõ bất thường trong việc ông Chấn ký nhận tội
>> Cần làm rõ bất thường trong việc ông Chấn ký nhận tội
Ông Nhiếp Thụ Bân bị cảnh sát bắt giữ vì tội cưỡng
hiếp, giết người và bị đưa đi xử bắn vào năm 1995. Mười năm sau, một người khác
thú nhận là hung thủ thật sự trong vụ án này.
Mẹ của ông Nhiếp cho biết con trai bà nhiều lần bị
bức cung và cuối cùng phải nhận tội giết người. Vụ án làm bùng lên một làn sóng
phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận và trở thành vết nhơ không thể gột rửa trong
ngành tư pháp Trung Quốc.
Nhận
tội do bị bức cung
“Nếu người tôi “giết” trở về, chuyện các ông tra tấn
tôi sẽ phải xử lý thế nào?” - ông Triệu Tác Hải, nghi phạm trong vụ án giết và
chặt đầu người hàng xóm, hỏi một cách căm phẫn sau khi bị áp giải lên xe phạm
nhân. Tuy nhiên, mãi đến 11 năm sau đó, cơ quan công quyền mới phải trả lời câu
hỏi này.
Theo Tân Hoa xã, năm 1999 cảnh sát thành phố Thương
Khẩu, tỉnh Hà Nam bất thình lình ập vào nhà ông Triệu Tác Hải sau khi phát hiện
một xác chết không đầu nghi ngờ là người hàng xóm (đã mất tích) của ông Triệu.
Vốn có mâu thuẫn lâu ngày với người mất tích, ông Triệu trở thành nghi phạm số
1.
Chín lần khai nhận tội nhưng lại nhiều lần kêu oan,
năm 2002 ông Triệu bị kết án tử hình treo (hình phạt thường được giảm xuống
thành tù chung thân). Năm 2010, tám năm sau ngày bị kết án, ông Triệu được minh
oan khi “nạn nhân” bất thình lình trở về.
Để có được lời khai nhận tội giết người của ông
Triệu, đội cảnh sát hình sự đã dùng nhiều hình thức bức cung. Trong phiên tòa
xử tổ điều tra vụ án Triệu Tác Hải, các cảnh sát khai nhận đã chia ca để thẩm
vấn nghi phạm trong 33 ngày liên tiếp.
Ông Triệu bị tra tấn, đánh đập, bỏ đói. “Trong đội
chúng tôi có ba tổ thay phiên nhau tra hỏi, không khi nào gián đoạn, Triệu Tác
Hải vì thế chẳng thể nào nghỉ ngơi” - báo Thành Đô Buổi Chiều dẫn lại lời thú
nhận của một cảnh sát.
Năm cảnh sát hình sự lãnh án từ 1-2 năm tù.
Lời xin lỗi công khai và khoản tiền bồi thường 170.000 nhân dân tệ (gần 590
triệu đồng) cho ông Triệu chẳng thể nào bù đắp được khoảng thời gian hơn 10 năm
sống trong oan khuất cùng những mất mát không đong đếm được của ông.
Báo South Reviews dẫn lời giáo sư Trần Vĩnh Sinh,
Học viện pháp luật, ĐH Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc là một trong những nước có
tỉ lệ phá án hình sự cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, căn bệnh thành tích này cũng là
nguyên do của nhiều vụ án oan. Trong hơn 20 vụ án oan mà giáo sư Trần nghiên
cứu, không một vụ nào không dính đến chuyện bức cung.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ bức cung nổi tiếng
đối với ông Ngô Hạc Sinh. Qua 71 lần tra tấn bức cung, tòa chỉ dựa vào một lần
thú tội duy nhất để kết án.
Sau tám năm ngồi tù oan, ông Ngô kể lại chuyện bị
cảnh sát điều tra bức cung mà không nén được sự căm phẫn. “Nhân viên điều tra
không ngừng đánh mắng, tát tai và ép tôi nhận tội. Khi tôi quyết không nghe, họ
tiếp tục đánh đập cho đến khi tôi thú nhận đã giết người” - ông Ngô ràn rụa
nước mắt.
Quyền
im lặng và cơ chế rửa oan
Theo giáo sư Trần Vĩnh Sinh, đa số các vụ án oan đều
không phải do tòa án tự phát hiện cái sai mà do xuất hiện tình tiết mới như
nghi phạm ra đầu thú hoặc nghi phạm bị bắt sau đó khai nhận. Từ đó dấy lên cuộc
tranh luận về nhu cầu thừa nhận quyền im lặng của người bị tình nghi và việc
thiết lập các cơ chế phát hiện oan sai.
Quyền im lặng được hiểu là quyền không bình luận
hoặc trả lời của nghi phạm, bị cáo trước các câu hỏi thẩm vấn của cảnh sát hoặc
khi ra trước tòa. Để bảo vệ quyền lợi của nghi phạm, bị cáo, quyền giữ im lặng
được quy định trong luật pháp nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức,
Czech, Canada... Tại Mỹ, quyền giữ im lặng được thể hiện bằng cảnh báo Miranda
(quyền Miranda).
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án oan, nhiều
nước trên thế giới đã thiết lập cơ chế “sửa sai”. Năm 1997, nước Anh thành lập
hội đồng xem xét các vụ oan sai. Hội đồng này là một cơ cấu độc lập với cơ quan
hành chính và tư pháp, quy tụ hơn 100 luật sư, học giả và người dân. Mỗi năm,
hội đồng này xem xét lại hơn 1.000 vụ án, phát hiện gần 100 vụ án oan sai, giúp
nhiều người vô tội thoát khỏi lao tù.
Tại Mỹ, tổ chức xã hội “Dự án giải oan” (Innocence
Project) do các giáo sư luật học và luật sư thành lập đem đến nhiều cơ hội cho
người bị oan. Cho đến nay, chương trình này đã đem lại công lý cho hơn 300
người bị kết án oan, trong đó có 18 người được giải oan lúc đang chờ thi hành
án tử hình.
------------------------
Quyền
Miranda
Quyền Miranda được Tòa án tối cao Hoa Kỳ xác lập năm
1966 bằng một phán quyết trong vụ án ông Miranda kiện bang Arizona.
Năm 1963, Ernesto Miranda bị bắt giữ vì tội bắt cóc
và cưỡng dâm. Do không được thông báo rằng có thể im lặng và mời luật sư đại
diện cho mình, Miranda đã nhận tội. Tại Tòa án bang Arizona, các công tố viên
dẫn lời nhận tội của Miranda làm bằng chứng chống lại ông. Phán quyết của Tòa
án tối cao Mỹ lật ngược bản án của Tòa án bang Arizona và cho rằng Miranda
không phạm tội cưỡng dâm, vì những lời khai nhận của ông này được thực hiện khi
ông không ý thức đầy đủ về quyền của mình.
Theo Tòa án tối cao Mỹ, trước khi thẩm vấn, cảnh sát
phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau: “Anh có quyền giữ im lặng và từ
chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh
trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư
sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh
sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời
câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc
nào để chờ sự có mặt của luật sư”.
Nếu cảnh sát không thông báo cho nghi phạm về các
quyền nói trên, tất cả lời khai của nghi phạm sẽ không được dùng làm bằng chứng
tại tòa.
ĐÔNG PHƯƠNG
No comments:
Post a Comment