Tuesday 12 November 2013

SIÊU BÃO HAIYAN (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Monday, November 11, 2013 6:20:05 PM

Bão Haiyan, hay Yolanda gọi theo tên Philippines, là trận bão mạnh nhất từ trước đến nay khi từ biển vào đến trên đất liền, với sức gió trên 150 mph (240 km/giờ) và gió giật 195 mph (315 km/giờ)  vượt kỷ lục của bão Camille đổ bộ vào duyên hải vịnh Mexico năm 1969 là 190 mph.

Một nạn nhân sống sót trở về hôm Chủ Nhật  trong cảnh hoang tàn sau khi siêu bão Haiyan đã đi qua thành phố Tacloban, trên đảo Leyte miền Đông Philippines. (Hình: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Cho đến nay chưa có một thống kê chính xác về số nạn nhân của trận bão được xếp vào hàng super typhoon (siêu bão). Nhà chức trách Philippines nói rằng họ “hy vọng” số người chết không vượt quá 10,000. Có thể con số 10,000 ấy là một ước lượng quá cao nhưng chắc chắn đã có nhiều ngàn người thiệt mạng vì trận bão khủng khiếp này. Còn số nạn nhân bị ảnh hưởng mất nhà cửa, phương tiện sinh sống làm ăn cùng những tổn thất khác lên tới hàng triệu người.

Đây là siêu bão thứ 5 trong tổng số hơn 20 trận bão từ cấp bão nhiệt đới trở lên của mùa bão năm 2013 ở vùng Tây Thái Bình Dương. Ngược lại vùng Tây Đại Tây Dương năm nay lại rất yên tĩnh không có một trận bão lớn nào đổ bộ vào đất liền, trái với dự đoán hồi đầu năm của các chuyên gia khí tượng. Điều ấy chứng tỏ mặc dầu với những phương tiện khoa học ngày nay, dự báo về sự hình thành, sức mạnh và sự di chuyển của bão vẫn là việc rất khó. Do đó dự báo của các cơ quan thời tiết quốc gia có thể rất khác nhau và không cơ quan nào có thể có dự báo luôn luôn đúng.

Tiếp sau Haiyan, hôm Thứ Hai Trung tâm theo dõi bão tố của Hải Quân Hoa Kỳ JWTC (Joint Warning Typhoon Center) ở Hawaii đưa ra báo động mới về sự hình thành một khu vực nhiễu loạn không khí có thể biến thành bão lớn ở cách Mindanao, đảo lớn thứ nhì của Philippines, khoảng 500 dặm về phía Đông-Nam.

Bão Haiyan bắt đầu từ một khu vực áp suất thấp cách Guam khoảng 1,500 dặm về phía Đông-Đông Nam ngày 2 tháng 11. Chuyển dịch về hướng Tây trong tình trạng không khí và nước biển ở khu vực đang trong điều kiện thích hợp để tạo nên bão, hai ngày sau hệ thống không khí này trở thành một áp thấp nhiệt đới rồi mạnh lên tới cấp bão nhiệt đới và JTWC đặt cho danh số 31W nghĩa là trận bão thứ 31 trong mùa năm nay ở Tây Thái Bình Dương. Tên Haiyan là do Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO) đặt theo danh sách đã định sẵn hàng năm.

Bão Haiyan tăng sức mạnh nhanh chóng trong 24 giờ tiếp theo trở thành “typhoon”, tên gọi của “hurricane” ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với sức gió trên 74 mph (dặm/giờ). Ngày 6 tháng 11, JTWC xác định bão đã thành một “super typhoon” với sức gió cấp 5 theo thang bậc Saffir-Simpson, trên 150 mph. Cơ quan thời tiết Philippines đặt tên bão là Yolanda vì bão đi tới vùng trách nhiệm của họ. Khi ấy, “cái mắt” tức là trung tâm của bão đã hình thành và có đường kính khoảng 6 dặm.

Trận bão càng lớn thì con mắt càng rõ rệt. Đó là một vùng trống có những khối mây dày đặc bao xung quanh. Sở dĩ có hiện tượng ấy vì bão ở vùng nhiệt đới là phối hợp của nước biển ấm bốc hơi nhiều, với không khí từ các khu vực xung quanh dồn về một trung tâm áp suất rất thấp, và chịu thêm tác động của lực Corriolis phát sinh tự nhiên do sự quay tròn của Trái Đất. Tập hợp tất cả ba yếu tố ấy, con mắt bão là một cột gồm những khối mây bao quanh một khu vực trống trải trong đó không khí nóng từ những vùng lân cận đổ tới tạo thành gió xoáy quanh và bốc lên cao Trong khi đó tại trung tâm, không khí lạnh chuyển động trở xuống ngăn cản bốc hơi nước nên tạo thành một khu vực quang mây. Trong một trận bão, khi con mắt bão di chuyển ngang nơi nào, trong một khoảng thời gian ngắn người ta có thể thấy trời quang mây tạnh và gió ngừng thổi, nhưng sau đó con mắt đã đi qua mưa gió hoành hành trở lại.

Philippines là vùng chịu nhiều thiên tai bão tố mỗi năm nên cơ quan khí tượng quốc gia cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống. Siêu bão Haiyan không phải là bất ngờ nhưng di chuyển nhanh và quá mạnh nên sự chuẩn bị đề phòng không đủ. Haiyan không giảm sức mạnh khi đổ bộ lên đảo. Sáng 7 tháng 11, con mắt bão đổ bộ vào Guiuan, thánh phố miền Nam đảo Samar, phía Đông đảo Leyte. Thông thường khi bão vào tới đất, thì yếu đi vì không còn năng lượng do sự bốc hơi của nước biển. Nhưng Philippines là một nước quần đảo cho nên bão lại nhanh chóng đi ra biển để qua một đảo khác, kết quả là Haiyan tiếp tục giữ nguyên sức mạnh và có thể còn mạnh thêm qua 5 lần đổ bộ lên các đảo.

Với sức gió mạnh gần 200 dặm/giờ, có thể so sánh 160 mph là vận tốc của máy bay phản lực lúc cất cánh rời khỏi mặt đất, tất cả cây cối nhà cửa đều bị quét sập, kể cả nhiều nhà xây cất bằng gạch không phải bê-tông cốt thép cũng không đứng vững. Những trung tâm tạm trú trên mặt đất không phải là dưới hầm cũng sụp đổ và nhiều nạn nhân đã di tản đến đây vẫn bị nạn.

Hơn nữa nguy hiểm của một trận bão không chỉ là gió mà còn vì nước biển dâng trào và mưa lớn gây lũ lụt. Trên đảo Leyte, sóng biển do gió bão tạo nên cao tới hơn 5 mét, tràn lên đánh sập ga hành khách ở phi trường thành phố Tacloban. Nhiều nhà cửa xây dựng thô sơ của dân chúng ở những khu vực thấp cách bờ biển hàng cây số bị nước cuốn trôi. Những trận mưa lớn kéo dài do bão mang tới gây ngập lụt nhiều vùng khác của Philippines không phải ngay tại nơi mà trung tâm bão đi ngang.

Khi đi qua Philippines vào tới Biển Đông, bão vẫn còn sức mạnh cấp 3 nhưng tiếp tục giảm chứ không tăng thêm. Tuy nhiên lúc đến duyên hải miền Bắc Việt Nam bão Hainyan vẫn còn tương đương hurricane cấp 1, sức gió 75 mph đến 80 mph. Đối với Việt Nam đó là một trận bão rất lớn vì ở đây thường chì chịu các trận bão cấp  bão nhiệt đới. Sức mạnh của bão nhiệt đới tính theo thang bậc Beaufort từ 1 tới 12, cấp 12 là mạnh nhất với sức gió dưới 74 mph. Tại Việt Nam, Hainyan được gọi là bão cấp 13.  Tuy nhiên, nhờ đã chuẩn bị phòng chống sẵn, khi bão Hainyan đổ bộ vào Bắc Việt sáng ngày 11 tháng 11, giớ Việt Nam, bão Hainyan chỉ gây ra những thiệt hại  vật chất và những tin tức đầu tiên cho biết không có tổn thất nhân mạng.

Cuối cùng cũng nên biết loan báo của những cơ quan truyền thông về bão có thể có  những điểm khác nhau. Chẳng hạn về sức gió và gió giật. Gió giật là những luồng gió ngắn và mạnh. Còn sức gió bão được tính theo “gió duy trì” (sustained wind) nghĩa là vận tốc giữ nguyên trong một khảng thời gian. Thời gian theo JTWC là 1 phút, sức gió mạnh tối đa đo được trong 1 phút còn với các cơ quan khí tượng quốc gia khác thời gian này có thể là tới 10 phút. Theo đòi hỏi của bộ quốc phóng Hoa Kỳ, JTWC phải đưa ra dự báo đầu tiên trước 120 giờ, 5 ngày, nên có thể thiếu chính xác, cần phải theo dõi những dự báo gần hơn.

Sức mạnh của bão chỉ biết qua những tính toán, chỉ sau đó khi đã xem những ghi nhận bởi dụng cụ đo lường đặt tại chỗ mới chính xác. Nhưng đôi khi với những trận bão rất mạnh như Hainyan, nhiều dụng cụ đo lường bị bão cuốn đi mất hay hư hại trước khi đo được sức gió tối đa. 

Một phần ba các trận bão lớn trên thế giới xảy ra trong vùng Tây Thái Bình Dương. Theo hồ sơ thống kê, gần đây bão tố xảy ra nhiều hơn so với thời các thế kỷ trước. Tình trạng này khiến người ta bắt buộc phải quan tâm đến sự thay đổi khí hậu và vấn đề địa cầu ấm dần. Nước biển sẽ ấm hơn khi nhiệt độ địa cầu tăng lên và như thế tạo điều kiện phát sinh những trận bão lớn.  (HC)

-----------------------------------



No comments:

Post a Comment

View My Stats