Tuesday 12 November 2013

HỘI THẢO VỀ BIỂN ĐÔNG KỲ 5 Ở HÀ NỘI, TRONG KHI BIỂN ĐÔNG VẪN BẤT AN (Người Việt, Việt Báo)




Monday, November 11, 2013 4:44:05 PM

HÀ NỘI  (NV) .- Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” vào các ngày 11 và 12/11/2013 tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông tại Hà nội ngày 11/11/2013. (Hình: Thanh Niên)

Cuộc hội thảo này do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, quy tụ hơn 200 nhân vật là các học giả, chuyên gia, viên chức chính phủ trong nước và quốc tế, cùng đại diện của các ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Bản thông cáo báo chí của ban tổ chức cho hay cuộc hội thảo gồm 9 phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh những diễn biến mới trên Biển Đông cũng như vai trò của ASEAN và các nước lớn trong, ngoài khu vực trong vấn đề giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột.

Những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày càng có những dấu hiệu nguy hiểm hơn khi Trung quốc liên tiếp mở các cuộc tập trận quy mô, tuyên bố đường 9 đoạn hình “Lưỡi Bò” chiếm 80% Biển Đông, đồng thời cho báo chí bắn tiếng đe dọa các nước láng diềng, nhất là Việt Nam và Philippines.

Các phiên họp để tiến tới Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) tiến hành rất chậm chạp khiến người ta có cảm tưởng còn rất lâu mới nhìn thấy. Hiện mới chỉ có các buổi họp tham vấn giữa các nước ASEAN với Trung quốc.

Trong năm qua, diễn tiến pháp lý đáng chú ý nhất được mổ xẻ trong cuộc hội thảo nói trên là việc Philippines đem Trung quốc ra kiện ở Tòa án quốc tế, bác bỏ tuyên bố chủ quyền theo đường “Lưỡi Bò” của Bắc Kinh. Như yêu sách này, không những toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là của Trung quốc, nhiều khu vực đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa thuộc các nước khác theo Công Ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng là của Trung quốc.
Vụ kiện được thụ lý và dự trù kéo dài 3 đến 4 năm dù Bắc Kinh từ chối tham dự và có thể sẽ bất chấp phán quyết nếu thấy bất lợi cho tham vọng bá quyền bành trướng của mình.

Không chỉ đích danh nước nào trong cuộc hội thảo ngày 11/11/2013 ở Hà Nội, ông Đặng Đình Quý,  giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói rằng “Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm”, theo tờ Thanh Niên tường thuật.

Theo ông Quý, những căng thẳng kéo dài trên biển trong 5 năm qua đi song song với những lời tuyên bố chủ quyền cứng rắn sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang. 

“Trên thực tế tình hình biển Đông trong năm 2013 tiếp tục có những căng thẳng xuất phát từ sự cứng rắn gia tăng của Trung Quốc. Theo báo cáo của Robert Sutter và Chin-Hao Huang công bố hồi tháng 9.2013, hải quân TQ cuối tháng 5.2013 đã sử dụng tàu từ 3 hạm đội của mình để tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển Đông. Đây là cuộc tập trận ba hạm đội đầu tiên kể từ năm 2010. Tiếp đó và tháng 7.2013 TQ đã công bố đưa Lực lượng Bảo vệ bờ biển mới hợp nhất của mình vào hoạt động ở vùng biển Đông và các vùng biển khác với lực lượng lên tới 16.000 người được chia thành 11 hạm đội. Nhiều đánh giá cho rằng lực lượng này sẽ được trang bị vũ khí tương tự như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”, tờ Thanh Niên kể.

Phát biểu tại hội thảo, ông Carl Thayer, giáo sư Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho rằng bắc Kinh đang thi hành chính sách “chia rẽ chính trị” nhằm cô lập Philippines và cộng đồng ASEAN. Tiến sĩ Mark Valencia thuộc Viện nghiên cứu Nautilus, Hoa Kỳ, cho rằng việc Bắc Kinh chấp thuận thảo luận “tham vấn” với các nước ASEAN chỉ là mánh khóe “chính trị khéo léo nhằm tránh khỏi những cuộc bút chiến chống Trung Quốc và hy vọng tạo ra hoàn cảnh trong đó không bên nào muốn bị coi là nguyên nhân cản trở tiến trình.”

Tân Hoa Xã cũng có tin tường thuật về cuộc hội thảo về Biển Đông ở Hà Nội nhưng phần chính của bản tin chỉ tường thuật về lời phát biểu của ông Nyan Lynn, phó tổng thư ký tổ chức ASEAN đại diện cho tổng thư ký Lê Lương Minh, kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, dựa trên căn bản luật pháp quốc tế, nhất là theo UNCLOS.

Ngày 5/6/2013, một cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày về tranh chấp Biển Đông cũng đã diễn ra ở thủ đô Washington DC do Trung Tâm Nghiên Cứu và Chiến Lược đứng ra tổ chức.

Tại đây, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc cả quyết Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ hay nhượng bộ đường 9 đoạn “Lưỡi Bò”.(TN)

----------------------------------------

11/12/2013

Tình hình Biển Đông sau trận bão Haiyan vẫn là tiềm năng không ngừng bão lửa chiến tranh...
Các thông tin ghi nhận hôm Thứ Hai 11-11-2013 cho thấy như thế.

Trong khi RFI kể rằng Philippines củng cố khả năng phòng thủ các đảo Biển Đông, VOA nói rằng VN kết thân hơn với Nga cả về quân sự. Cũng tin VOA nói rằng ASEAN kêu gọi hòa bình Biển Đông.

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ ghi nhận về cuộc hội thảo về Biển Đông ở Hà Nội, nói rằng “Có quốc gia chưa xem xét đến lợi ích nước khác...”

Và báo Người Đưa Tin nói rằng trong 5 năm tới, Biển Đông vẫn bất trắc.

Bản tin RFI kể về chuyện Philippines xây dựng căn cứ chiến lược nhìn ra Biển Đông.

Bản tin RFI viết:

“Nằm trong vùng quần đảo Palawan, Oyster Bay nhìn thẳng ra biển Đông Nam Á và chỉ cách Trường Sa 150km. Manila đang gấp rút xây dựng biến vùng vịnh thiên nhiên được du khách hâm mộ thành một căn cứ quân sự chiến lược răn đe Trung Quốc.

Philippines từng bước nâng cấp khả năng phòng vệ trước tham vọng của Trung Quốc. Theo kế hoạch, một căn cứ quân sự chiến lược sẽ được hoàn tất vào năm 2016 tại Oyster Bay, một danh lam nổi tiếng trên đảo Palawan. Chính phủ Aquino đã chi ra 12 triệu đôla để canh tân đường giao thông, xây dựng quân cảng, một trong nhiều nỗ lực của Manila để nâng cao khả năng tác chiến của quân đội.

Trong bối cảnh bị Trung Quốc gây sức ép quân sự và ngoại giao, Tổng thống Philippines đã phê chuẩn một ngân sách 1,8 tỷ đôla canh tân quân đội dù là nước nghèo. Ngân sách này bao gồm kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến bên ngoài lãnh thổ, qua chương trình tân trang căn cứ Subic Bay nằm ở phía bắc Manila nhìn ra Thái Bình Dương.

Nhưng vì sao Manila xây dựng thêm một hải cảng chiến lược?

Khác với Subic Bay, căn cứ Oyster Bay mà phía Hoa Kỳ gọi là «mini Subic» có một vị trí cực kỳ quan trọng vì nhìn thẳng ra quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc tự cho là có chủ quyền «không thể tranh cãi».

Thứ hai là từ một năm nay, số tàu chiến Mỹ hoạt động trong vùng gia tăng rõ nét và cần hậu cứ. Theo cơ quan quản lý Subic Bay, trong 6 tháng đầu năm nay, có đến 72 chiến hạm và tàu ngầm Mỹ ghé qua. Theo thời gian, số tàu chiến Mỹ đến Philippines tăng dần: 51 chiếc trong năm 2010, 54 chiếc năm 2011 và 88 chiếc trong năm 2012 không kể các quân cảng khác...”(
hết trích)

Bản tin VOA ghi nhận về quan hệ Nga-Việt:

“Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng tải một bài viết trên các tờ báo hàng đầu ở Việt Nam nhận xét quan hệ Việt-Nga là một sự hợp tác đầy hiệu quả trước thềm chuyến thăm chính thức lần thứ ba của ông tới Việt Nam bắt đầu ngày 12/11.

Trong bài viết nhan đề ‘Nga-Việt cùng nhau hướng tới các mục tiêu hợp tác mới’, Tổng thống Nga nhấn mạnh tình hữu nghị của hai nước đã được chứng minh qua thời gian. Ông Putin nói Nga đề cao tầm quan trọng trong việc hợp tác với các nước Châu Á Thái Bình Dương mà trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển hàng đầu.

Theo ông Putin, hai nước Việt-Nga có quan điểm giống nhau trong nhiều phương diện trong các vấn đề liên quan đến nghị trình toàn cầu chẳng hạn như đôi bên cùng cho rằng mỗi nước đều có quyền chọn lựa con đường phát triển riêng của mình.

Tổng thống Nga cho hay năng lượng, lĩnh vực dầu khí vẫn luôn đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phát triển hợp tác đầu tư và công nghiệp giữa Việt Nam và Nga. Ông Putin nói hợp tác dầu khí Việt-Nga là hai chiều và đôi bên cùng có lợi.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật không còn giới hạn ở việc Nga xuất khẩu trang thiết bị sang Việt Nam, mà hiện đang có các bước tiến tới việc chế tạo các thiết bị quân sự tối tân tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các công ty Nga...”(
hết trích)

Bản tin khác từ VOA hôm 11-11-2013 ghi nhận về ASEAN:

“Hiệp hội Đông Nam Á nhất quán trong các nỗ lực bảo đảm hòa bình-ổn định trên Biển Đông, theo tuyên bố của Phó Tổng Thư ký ASEAN đưa ra tại Hà Nội ngày 11/11.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 thay mặt Tổng Tư ký Lê Lương Minh, ông Nyan Lynn nói quan điểm lâu nay của ASEAN là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết giữa các bên liên quan bằng phương pháp ôn hòa, không dùng hay đe dọa dùng võ lực, và phải tuân thủ luật quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.

Ông Lynn nhấn mạnh không lấy hòa bình làm nền tảng cho sự hội nhập bền vững của khu vực thì khó đạt được một cộng đồng ASEAN.

Hai ngày hội thảo nhan đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức quy tụ sự tham dự của 200 đại biểu bao gồm quan chức chính phủ, học giả, và chuyên gia từ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Nam Triều Tiên, Australia, và Mỹ.”

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ qua bản tin tựa đề “Có quốc gia chưa xem xét đến lợi ích nước khác” đã ghi nhận về hội thảo Biển Đông này, trong đó giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng:

“...các bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực; diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông....”

Báo Người Đưa Tin trong bản tin tựa đề “5 năm tới, biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc” đã ghi nhận:

“...Việt Nam và các nước muốn đàm phán đa phương về vấn đề biển Đông, nhưng Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia trong khối ASEAN. Giải đáp điều này, ông Ông Kavi Chongkittavorn – Thái Lan cho rằng: ASEAN không thể đàm phán trực tiếp về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông mà chỉ có thể thông qua quá trình đàm phán về DOC và COC vì ASEAN không phải là bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

“Biển Đông trong năm năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc. Là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới” – Đó là lời phát biểu tại hội thảo của ông Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam.”(
hết trích)

Đáng lo vậy. Quả là đáng lo vậy.



No comments:

Post a Comment

View My Stats