Sunday, 24 November 2013

SÁM HỐI (Đỗ Trường - Danlambao)




25.11.13              6 Comments http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Hôm rồi, ngồi nghe ông bạn giảng giải về triết học, có đoạn ngoài lề, ông nói tôi rất thích: Một xã hội yên bình, kinh tế, khoa học tân tiến, thì dứt khoát luật pháp và Tôn giáo phải độc lập và song song phát triển. Để diễn giải cho việc mua thần bán thánh, hoặc sự lạm dụng, lừa đảo của các nhà ngoại cảm, trong nước, ông cho rằng, đó là sự bế tắc của xã hội cũng như Tôn giáo hiện nay. Con người mất phương hướng, mất lòng tin hoàn toàn vào chế độ xã hội, nên tìm đến tâm linh, ngoại cảm nhưng đằng sau nó thực ra là mê hoặc, lừa đảo. Họ bấu víu vào bất kể lời hứa hay con đường nào, dù là phi lý, mơ hồ nhất, hòng giải thoát bế tắc. Do vậy, các nhà ngoại cảm đểu sinh sôi nảy nở là điều tất yếu, để đáp ứng nhu cầu đó.

Có lẽ chưa bao giờ lương tâm, đạo đức, tình người xuống thấp như hiện nay. Dù có người phản đối, nhưng tôi vẫn phải viết, con người chính là sản phẩm của xã hội đương thời. Một bác sỹ phi nhân, đã hủy xác phi tang, khi làm chết chính người bệnh của mình. Những cảnh sát, công an Bắc Giang, chỉ vì một chút thành tích bổng lộc, không ngần ngại cho người dân vô tội vào tù. Hay những ông có chức có quyền các công ty tầu biển, xây dựng cầu đường… trộm cắp, bòn rút máu của dân để gái gú, xa hoa trác táng, có khi nào lương tâm gợn lên một chút dằn vặt?

Vâng! Những sự việc kinh hoàng đó nhiều lắm, đầy đặc trên mặt báo. Và xã hội càng bế tắc, thì cái ác càng phát triển, nảy nở. Để rồi, người ta cũng lợi dụng cái u mê bế tắc đó, để thần thánh hóa lãnh tụ, thần thánh hóa con người. Và sự thần thánh hóa đó, chỉ thấy xảy ra ở những nơi, những nước lạc hậu, đói nghèo.

Sau cái chết và lễ tang cụ Võ Nguyên Giáp, một nhóm, trong đó có cả một số nhà thơ tên tuổi, phát động, cùng nhau làm thơ, viết thơ về cụ Giáp. Tôi vui, buồn lẫn lộn, nhưng ông bạn nghiên cứu triết của tôi bảo, thơ ca gì, đọc lên sao thấy nó giống như dàn kèn, tụng ca vua chúa thời phong kiến vậy... Và không hiểu sao, dạo này các bác hay đùa dai đến thế: Cứ bảo, cụ Giáp về với dân. Về với dân có nghĩa là như các bậc tiền nhân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dám từ bỏ quyền lực, trở về ngôi nhà cũ của gia đình dòng họ và làm lại đúng cái nghề gõ đầu trẻ của mình. Chứ ai lại về với dân, mà sau khi thắng giặc, cụ ngự Villa to vật vã giữa lòng thủ đô. Không phải ai muốn gặp cụ cũng được. Khi mất, lăng mộ cụ lại ngự nơi được cho có phong thủy đẹp, lưng là núi mặt tiền là biển và dường như có cả lính túc trực ngày đêm? Vậy là xa dân, chứ làm sao có thể nói, cụ gần dân, về với dân. Thôi thì, cụ cứ nằm chung với các đồng chí của mình giữa thủ đô, có người chăm sóc luôn thể, có khi lại giản dị, đỡ tốn kém hơn.

Vâng! Người có công với chế độ như cụ Giáp, được hưởng thụ ở mức “đại Nhà Thờ, đại Tôn Đản“ là điều đương nhiên, khỏi bàn cãi. Nhưng các bác cứ cố gò ép, cụ về với dân, quả thật nó vênh, tội và oan cho dân lắm.

Viết ra điều này, không có nghĩa là tôi không tôn trọng ý kiến cũng như việc làm của các bác về cụ Giáp. Và chắc chắn có người, trong đó có cả bạn bè, người quen biết không cùng chung suy nghĩ với tôi. Nhưng đây là ý kiến cá nhân, dù tôi cũng rất kính trọng con người, cũng như sự trường thọ của cụ.

Có lẽ, do quá yêu quí cụ, nên nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, trí thức cho rằng, cụ Giáp không vướng vào những sai lầm cải cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm v.v... Dù là người dốt về chánh trị, cũng có thể nhận ra, chủ trương dẫn đến những sai lầm này, của cả bộ chính trị, không phải chỉ có riêng các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng gánh chịu, mà phải tính từ cụ Hồ trở xuống. Cụ Giáp lúc đó là ủy viên bộ chính trị, uy tín, tiếng tăm đang lẫy lừng, quyền hạn cao chót vót, nên không thoát khỏi trách nhiệm này.

Cũng như vậy, nguyên nhân sự xuống đường của Phật giáo, rồi chính phủ đưa quân đội, cảnh sát ra “chiến đấu“ thời cụ Diệm, cụ Thiệu, cụ Kỳ không nên đổ lỗi hết cho người cộng sản, hoặc cá nhân nào đó...Miền Nam trù phú, lại có gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư làm nhân chứng và hậu thuẫn, nếu như không có cái tôi lớn hơn cái chúng ta của các cụ ngồi trên, thì kẻ nào dám xách động và sợ gì xách động? Khi đã chạy sang Âu - Mỹ rồi, có lúc nào các cụ có một chút lăn tăn, ân hận? Hay cái tôi lại trỗi dậy, quay ngoắt trở về ôm vai bá cổ..., thao thao bất tuyệt, như diễn viên trên sân khấu với nhau?

Sự sai lầm này, trách nhiệm chính và trước nhất thuộc về cụ Diệm, cụ Thiệu, những người đứng đầu quốc gia.

Không phải là người nghiên cứu sử, nên suy nghĩ trên của tôi chỉ ở những sự việc, hiện tượng, nhìn thấy, không biết đúng sai thế nào? Nếu đằng sau còn những uẩn khúc khác, có lẽ phải nhờ đến sự giảng giải, nghiên cứu công tâm của sử gia Trần Gia Phụng (Canada). Chứ ở trong nước, đến như nhà sử học Dương Trung Quốc, chưa đến bảy bảy, bốn chín ngày cụ Giáp, bác đã vội vàng (bộp chộp) đưa ra ý kiến, bằng cách ghép tên Võ Nguyên Giáp vào tên đường Điện Biên Phủ. Thì quả thật, dù tôi rất thích tính khí bác đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc này, nhưng cũng buộc phải lăn tăn(nghi ngờ) tính nghiên cứu sử học của bác.

Tất cả những gì đã qua, đều chứa giá trị lịch sử văn hóa của nó. Con đường nói chung chỉ là vật chết, vật câm, nhưng khi được đặt, gắn tên mang tính đặc trưng riêng, mặc nhiên nó trở nên có linh hồn và sự sống, tự bản thân nó nói lên được giá trị lịch sử văn hóa của mình. Với cái tên Tây Avenue Puginier, sau này các cụ nhà ta đổi thành đường Cột Cờ là đẹp và hoàn toàn chính xác bởi nó gắn liền với Cột Cờ Hà Nội (1812) từ thời nhà Nguyễn. Cái sai lầm năm 1970, chính quyền Hà Nội đổi tên thành đường Điện Biên Phủ. Bây giờ, theo đề nghị của bác Dương Trung Quốc một lần nữa ghép chung tên Võ Nguyên Giáp vào con đường này. Thành ra, đường Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, xét về ngôn ngữ cũng như văn hóa hoàn toàn bất ổn, đọc lên chẳng khác gì mittinh, hô khẩu hiệu. Về tâm linh, ông bạn tôi (không biết đùa hay thật) bảo, càng không nên. Trận Điện Biên Phủ địch và ta chết rất nhiều, cứ mỗi lần đọc tên phố Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ liền tù tì (như hai cái mệnh đề chính) như vậy, cô hồn (vất vưởng) của những người lính tử trận cả hai phía, tưởng là ngày lễ, ngày mừng chiến thắng. Cô hồn đồng chí, đồng đội đến thăm hỏi, chúc tụng, có khi lại kêu oan báo oán, kẻ thù đến quấy quả, cụ không thể trọn giấc ngủ ngàn thu...

Như vậy, sai lầm chồng lên sai lầm. Với cái nhìn tủn mủn này, dẫn đến phá sử, chứ không phải nghiên cứu sử, làm sử. Thật ra, đặt tên phố, tên đường cho danh nhân có nhất thiết cứ phải ở Hà Nội mới là ý nghĩa, mới là sang trọng? Khi nơi đó không phải quê quán, hoặc nơi gắn liền với tên tuổi chiến tích của họ.

Do vậy, các bác muốn đặt tên danh nhân hay cái gì gì đó, nên tìm con đường mới. Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, hiện tại không thiếu đất các bác đã, đang và sẽ thu hồi của dân để làm những công trình, những con đường đại hoành tráng, đại qui mô như các bác đã vẽ ra.

Ở cạnh nhà tôi, quận Grünau, thành phố Leipzig, thời Đông Đức có con đường mang tên cụ Hồ, (Ho Chi Minh Strasse). Nhưng sau ngày thống nhất nước Đức, chính quyền mới bỏ tên Ho Chi Minh Strasse, trả lại tên cũ đường (người) Karlsruher Strase. Trong phe xã hội chủ nghĩa, hình như bác nào cũng khoái thay tên, đổi phố, chẳng cần tính đến văn hóa lịch sử, địa lý như vậy, chứ không riêng đất Việt ta.

Các cụ nhà ta có câu, bỏ dao thành phật, không biết đúng sai thế nào. Nhưng sáng nay, vô tình đọc câu chuyện trên báo Bild dưới đây, không hiểu sao, tôi tin tuyệt đối vào cái thiện trong mỗi con người cũng như luật nhân quả:

Dieb hat mir nach 6 jahren Geldbörse zurück geschickt - Ông Jürgensen nhận lại ví tiền sau 6 năm do kẻ móc túi  gửi trả lại (Ảnh báo Bild ngày 14/11/2013)


“Tháng 3 năm 2008, một kẻ móc túi, lấy đi bóp đựng giấy tờ và 350 Euro của ông Jürgensen ở Walsrode (CHLBĐức). Sau hơn sáu năm giày vò lương tâm, kẻ cắp đã hoàn trả lại nạn nhân, toàn bộ giấy tờ, tiền bạc. Cũng theo báo Bild (ngày 14-11-2013), ngoài số tiền 350 Euro đó, kẻ móc túi đã trả thêm cho ông Jürgensen 50 Euro, kèm theo bức thư xin lỗi. Để lý giải hành động này, ngoài sự day dứt, hắn bảo, còn tin vào chúa và luật nhân quả, nên gửi trả lại tài sản cho ông”

Vâng! Sự sám hối của kẻ móc túi tuy có muộn màng, nhưng đó là một hành động dũng cảm với tâm hồn đẹp và trong sáng vô cùng. Từ đó tôi mới ngộ ra một điều, khi đã trèo lên, ngồi được ngất ngưởng trên cao, người ta ít khi nhìn lại, chiếc đế giầy bẩn của mình. Và nếu như được trở về cái thời cắp sách sách đến trường, phải viết bài luận gợi ca, thần thánh hóa con người, một điều chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến hắn (Kẻ móc túi vặt này).

Đức Quốc, 23/11/2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats