Cập nhật: 17:22 GMT -
thứ sáu, 22 tháng 11, 2013
Một cựu tù nhân trong vụ án Lê Công Định lên tiếng cáo
buộc cơ quan điều tra Việt Nam đã liên tục mớm cung, cố ý làm sai trái lời khai
của ông và gây áp lực buộc ông và những bị cáo khác trong cùng vụ án phải nhận
tội.
Hôm 22/11/2013, ông Lê Thăng Long,
người từng bị Tòa án và chính quyền Việt Nam kết án 5 năm tù giam hồi tháng
1/2010, vì tội 'hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' nói trong
suốt thời gian ông bị bắt tạm giam, giam giữ, điều tra, cho đến khi ra tòa, ông
liên tục bị cơ quan điều tra gây áp lực.
"Trong quá trình điều tra, họ gây sức ép rất
là nhiều, kể cả mớm cung, kể cả viết sai lệch những quá trình trình bày trước
cơ quan điều tra," ông nói với BBC,
"Họ gây sức ép và họ nói thẳng, họ gây những
áp lực tâm lý, họ đe dọa rất nhiều, nếu anh không chịu thay đổi như vậy, anh sẽ
gặp chuyện.
'Họ dùng những từ gọi là 'rượu mời không uống,
uống rượu phạt' chẳng hạn, hay là những sự đe dọa rất tinh vi trong quá trình
điều tra cũng như trong quá trình tạm giam ở tại cơ quan công an."
Ông Long nói mặc dù ông đã thắc
mắc khi thấy các biên bản ghi lời khai của ông do các điều tra viên thực hiện
không phản ánh trung thực nội dung trình bày và quan điểm của ông, cơ quan điều
tra vẫn tìm cách buộc ông phải chấp nhận.
Ông nói: "Ví dụ khi tôi
khai một điều này thì họ cố tình không viết đúng lời khai của tôi mà họ viết
sai lệch đi. Và họ nói 'ừ, thôi cứ viết như vậy, sau sẽ sửa sau' chẳng hạn, đó
là hình thức mớm cung hay là hình thức viết sai lệch cung.
"Trong những ngày đầu, tôi
không có kinh nghiệm, việc của mình nhiều khi tôi nghĩ, việc đó cũng không đến
nỗi, mình cũng tin lời người ta.
'Sau đó, chính những điều đó,
họ lấy cái đó để kết tội chúng tôi."
Cựu tù nhân hiện vẫn đang chịu
hình phạt quản chế tại địa phương còn cáo buộc trong hai lần ông tuyệt thực
trước với tổng cộng 23 ngày, nhà chức trách đã gây sức ép để gia đình của ông
không đưa thông tin ra bên ngoài về vụ việc.
'Vô tội'
Ông nói: "Sau phiên sơ
thẩm và trước phiên phúc thẩm, đã có hai lần tuyệt thực. Sau phiên sơ thẩm là
12 ngày và phiên phúc thẩm là 11 ngày.
"Tại phiên phúc thẩm,
trước phiên phúc thẩm, tới ngày thứ bảy, sức yếu quá, họ đưa vào bệnh viên của
Bộ Công an, và họ truyền thuốc vào người để ép tôi ra tòa tại phiên phúc thẩm.
"Quá trình đó, họ xích tay
tôi vào cái giường ở Bệnh viện Công an, họ gây sức ép trong quá trình phản ứng
như vậy.
"Và họ gây sức ép đối với
gia đình tôi để không thông tin việc này ra bên ngoài."
Khi được hỏi liệu luật sư Lê
Công Định và thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, những người trong
cùng vụ án với ông Long, có chịu một áp lực nào không khi chấp nhận đọc bản tự
nhận tội được truyền thông nhà nước và chính quyền loan tải rộng rãi, ông Long
đưa ra bình luận:
"Theo tôi trong một xã
hội, thể chế hiện nay ở Việt Nam thì chắc chắn những người bị bắt, cũng gặp sức
ép để họ buộc phải nhận tội như vậy.
"Và cả bốn chúng tôi, đối
với trường hợp ba anh còn lại, tôi cũng khẳng định là không có tội."
Ông Long, từng là một kỹ sư và
cựu doanh nhân, cũng cho hay hiện bản thân ông đang chịu sự quản chế, theo dõi
và gặp nhiều khó khăn trong đời sống, từ hoạt động kinh tế cho đến khó khăn về
mặt tinh thần.
Ông nói: "Hiện nay chúng
tôi, vì không được ra khỏi khu vực của mình và bị giám sát rất chặt, nên chúng
tôi vẫn chưa có công việc gì, ngoài thời gian nghỉ ngơi và nghiên cứu."
Tháng Sáu năm 2009, ông Lê
Thăng Long, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung bị bắt.
Họ bị kết án với các mức án tù
khác nhau ở phiên tòa diễn ra năm 2010.
Trong bài trả lời phỏng
vấn cũng với BBC Tiếng Việt hôm 19/06/2012, không lâu sau khi ông được
ra tù, ông Lê Thăng Long lại nói rằng:
"Trong quá trình chấp hành án hay ở trong
tù, chúng tôi cũng được đối xử tương đối tôn trọng. Trong quá trình đó, chúng
tôi cũng gặp những người công an có tư cách rất tốt, tôn trọng và đối xử tốt
với chúng tôi."
Cáo buộc hôm thứ Sáu của ông Lê
Thăng Long đưa ra trong bối cảnh có tranh luận về quy trình điều tra hình sự
của công an Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại
Quang cho biết thời gian tới sẽ lắp camera theo dõi tại các phòng hỏi cung để
khắc phục vi pham trong quá trình điều tra.
Phát biểu trước Quốc hội trong
phiên chất vấn ngày 21/11, ông Quang cho biết Bộ Công an đã lựa chọn giải pháp
này nhằm "bảo đảm an ninh, an toàn và tăng cường hoạt động giám sát hỏi
cung của các điều tra viên."
No comments:
Post a Comment