Nguyễn
Ngọc Già gửi RFA từ Việt Nam
2013-09-27
2013-09-27
"Nhạc
trẻ" và "nhạc...lạ"
Để không mang tiếng là thổi phồng Nhạc Muồi quá đà
và cũng để không bị "lạc hậu" với "nhạc trẻ", mời quý độc
giả cùng thử nghe bài hát có tên “Chạy Mưa” để xem "nhạc trẻ" là như thế nào.
Lý do tôi đề nghị quý độc giả nghe và xem bài hát
này:
- Cuộc thi The Voice 2013 vẫn còn đang rất nóng với
những người ngồi ghế huấn luyện viên đều nổi tiếng trong làng nhạc hiện nay: Mỹ
Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung và Quốc Trung cùng những chuyên gia giúp họ về
chuyên môn như: Thanh Bùi (một người Úc gốc Việt), Huy Tuấn, Hoài Sa, Phương
Uyên (nhóm Ba Con Mèo) v.v...
- Đây là bài hát do chính tay nữ ca sĩ Hồng Nhung
chọn cho 2 thí sinh tham gia cuộc thi.
- Trong màn thi gọi là "đối đầu", Quốc
Trung đã nhấn nút cứu một nữ thí sinh do Hồng Nhung loại.
Thú thật, với một chút hiểu biết về thanh nhạc, sau
khi ráng... lóng tai nghe bài hát này, quả thật không đọng gì lắm trong tôi về
lời nhạc, ngoài những chữ "chạy mưa", "ướt nhẹp" v.v... Một
cuộc "chạy mưa" không phải vội vàng mà là giành giựt một cái gì đó,
nó giống như một cuộc "chạy đua" xem ai hét to hơn, ai gằn giọng
"dữ" hơn, ai khoe giọng cao hơn, ai "phá cách" (hay phá
phách?) bài hát "lạ" hơn. Một cuộc "chạy đua" thật...
"lý thú" (!). Ở đây, giám khảo Hồng Nhung chọn người hát "quai
quái".
Tuy nhiên, tôi thật "tâm đắc" với hình
thức sân khấu được biến hóa ước lệ thành một "sàn đấu ... boxing" cùng hai nữ boxer đang ...
"đánh lộn" bằng... "âm nhạc".
"Nhạc trẻ" là vậy chăng? Với cách trình
diễn của hai cô bé chỉ trỏ vào nhau, chỉ trỏ vào khán giả, nhăn nhó mặt mày,
gào thét hết cỡ, lắc đầu, xõa tóc, như gằm ghè ăn thua đủ với nhau, đi qua đi
lại đổi chỗ đứng, tôi không thể nào không gọi đó là một "trận đô
vật", hay nhẹ hơn, đó là "cách hát sỉ vả". Sỉ vả lẫn nhau và sỉ
vả khán giả. Điều "thú vị" hơn, các vị ngồi ghế chấm thi và khán giả
cổ vũ hò hét một cách hào hứng đúng như một trận đấu võ đài hơn là một cuộc thi
hát. Chỉ tiếc, giá như micro được thay bằng đôi găng chuyên nghiệp, với trang
phục hiện đại và động tác của hai thí sinh dẻo dai hơn một chút thì đó là màn
trình diễn của 2 "đả nữ" rất thú vị xen lẫn "mắng" nhau
bằng vần điệu khi cao khi thấp (!). Có vẻ chủ đề đã bị lạc đề mất rồi!
Ngoài "nhạc trẻ" được tán thưởng như màn
trình bày nói trên, mời quý độc giả tiếp tục kiên nhẫn bỏ ba phút để xem một ca
sĩ được mệnh danh là diva Việt Nam - Thanh Lam, trình bày nhạc phẩm “Phượng Yêu” của
nhạc sĩ Phạm Duy. Một nhạc phẩm qua giọng ca Lệ Thu , hoàn toàn có quyền xếp vào dòng Nhạc
Muồi, đúng nghĩa của nó.
Cô Thanh Lam được một khán giả nhận xét trên
youtube: "...xử lý bài hát theo một cách mới, đầy thông minh và sáng tạo,
không đi theo lối mòn của những người đi trước đã từng hát...".
Có thể là như thế, nhưng "mới",
"thông minh", "sáng tạo" gì đi nữa, người ca sĩ nên hiểu,
họ có quyền truyền tải mọi cảm xúc đến cho khán giả, nhưng nhất định không bao
giờ được truyền nỗi sợ hãi cho người xem, đó là điều tối kỵ, vì âm nhạc không
phải là phim... kinh dị, dù phim kinh dị vẫn cần "cầu viện" âm thanh
và đôi khi cả âm nhạc để đạt hiệu quả. Âm thanh không phải là âm nhạc.
Với phục trang áo dài màu tối, cô Thanh Lam đứng ...
"chàng hảng", lắc lư, gồng mình, vung tay, nhăn mặt và... tru tréo
hơn là bày tỏ nỗi thất vọng về tình yêu, dù đó là một tình yêu thiết tha, chung
thủy và bị bội phản. Cô như đang điểm mặt và đe dọa người đã bỏ rơi cô bằng
cách gào lên: "Tôi yêu anh đấy! Anh có yêu tôi không thì... bảo(!)".
Nếu cô hóa trang thêm bằng một mái tóc giả dài lòa xòa để biểu diễn bài hát
này, khi cô cất giọng tới đoạn "yêu như loài ma quái", nhất định cô
phải được thừa nhận "đỉnh của đỉnh" về nghệ thuật... rùng rợn có một
không hai mà nhạc sĩ Phạm Duy có thể bật dậy để "lóng tai" "thưởng
thức" (!). Dù sao cũng phải công nhận giọng cô trầm nhưng... ồm, làn hơi
đầy và dài, kỹ thuật thanh nhạc quá tốt, âm vực rộng, nếu như cô đừng khoe
giọng như nhạc sĩ Nguyễn Ánh9 từng phàn nàn thì... "đỡ" hơn biết bao
nhiêu.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà với trang phục hiện đại thể hiện nhạc trẻ trong một lần
biểu diễn ở Hà Nội hôm 14/8/2010. AFP photo
Càng ê chề hơn với cụm từ rất phổ biến mà các
"diva", "ông hoàng", "bà chúa" nhạc Việt ngày nay
hay dùng: "Giọng ca đầy nội...lực". À ra thế! Chỉ xin nhắc các vị, âm
nhạc cần "nội tâm" chứ không cần khỏe như vâm, dùng cổ họng, dùng dây
thanh đới để "sỉ vả nhau" hay "hét vào tai nhau", vì các vị
đang... hát, đang truyền cảm xúc cho khán giả, chứ không phải hù dọa, đe nẹt
hay đuổi khán giả "chạy có cờ"! Hơi dài thì tốt, nhưng các vị đang
hát chứ không phải thổi bong bóng! Giọng người ca sĩ thường được ví như chim,
nhưng người đời cần: họa mi, sơn ca hay hoàng oanh chứ không cần đại bàng, kền
kền hay diều hâu, mặc dù chúng cũng thuộc họ...chim! Người nghe cần thánh thót
chứ không cần lảnh lót; người nghe cần trầm ấm chứ không cần ầm oàm (như tiếng
đại bác); người nghe cần nghe tiếng saxophone, trumpet chứ không cần nghe còi
xe cứu thương, xe chữa cháy (!).
Có phải "nhạc trẻ" và cái gọi là "làm
mới" như cô Thanh Lam đã góp thêm điều cần lý giải trong "tình
yêu" ngày nay của lớp trẻ?: tại sao họ yêu nhau thật... "dễ",
tại sao họ có thể đâm chém nhau một cách... "thoải mái" rồi khóc hu
hu, tại sao họ có thể "sống thử", có thể rủ nhau tự tử dễ dàng, có
thể tạt acid vào nhau, có thể phá thai như phá một mụm cóc, có thể vứt lăn lóc
những trẻ sơ sinh như vứt một bọc rác, có thể rủ bạn bè bề hội đồng ngay chính
người mà họ gọi là "người yêu" (!), có thể vừa âu yếm làm tình xong
thì giết... ngay, có thể rủ nhau cùng buôn ma túy, có thể rủ nhau cùng giết
người phi tang, có thể rủ nhau cùng cướp của ngay chính cha mẹ họ v.v... Họ là
"sản phẩm" của "dây chuyền sản xuất" nào đây?! Chẳng lẽ
"muốn xây dựng CNXH cần có con người XHCN" là thế này(?!).
Nguyễn Phú Trọng chê trách tuổi trẻ Việt Nam "phai
nhạt lý tưởng, thờ ơ với thời cuộc, thích sống hưởng thụ, đua đòi", nhưng
ông ta không biết hay vì hèn nhát nên không dám nhận và chỉ ra, ở đó, còn có cả
một vũng lầy tội ác ngập ngụa trong tuổi trẻ đi kèm với tính nhẫn tâm và phớt
lờ trước nỗi đau của ngay chính người thân ruột thịt như các con của tù nhân
lương tâm:
Trần Anh Kim, Nguyễn Kim Nhàn đang đối xử với cha của họ (!)
Nguyên nhân từ đâu tuổi trẻ Việt Nam ngày nay như thế (?!).
Nguyên nhân từ đâu tuổi trẻ Việt Nam ngày nay như thế (?!).
Điều đáng ghê sợ hơn, ông Trọng nói Đoàn TNCSHCM
cần: "...làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng hơn nữa cũng như
chăm lo xây dựng tổ chức vững mạnh, các phong trào hành động". Tuyệt
nhiên, người đọc không hề nhận thấy một lời nói nào thể hiện một chút tâm hồn
hiền lương của một người cha, người thầy cần phải có khi đứng trước nhân cách
suy đồi, tâm hồn trống rỗng cùng tấm lòng nhân ái bạc thếch của một phần tuổi
trẻ ngày nay, ngay trong đoàn TNCSHCM mà cô Nguyễn Phương Uyên đã bị bỏ rơi,
khi cô bị bắt cóc trước đây bởi cái "tội" Yêu Nước!
Rất đau! Đau lắm!
Blogger Cánh Cò có bài *"Côn đồ cầm đá và
côn đồ cầm viết"* gây tai họa rộng lớn trong dân chúng, có vẻ còn
thiếu một loại, đó là loại "côn đồ cầm micro" cho "đủ
bộ" chăng? Hình như trong giới văn nghệ sĩ hiện nay đang dần "tập
hợp" gần đủ loại côn đồ này?
Trở
về với dòng Nhạc Muồi
Nói đến dòng nhạc này mà nhắc tới những tên tuổi đã
đi vào lòng khán thính giả hàng chục năm qua như: Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ,
Thanh Tuyền, Hương Lan v.v... thì không còn gì nói thêm nữa. Hãy thử nói về
những người mà thiên hạ tưởng họ quá "cao sang" nên luôn tránh xa cái
gọi là "nhạc sến"; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong số đó.
"...với Bảo Yến, tôi (Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn) và anh Sơn có một kỷ niệm. "Hồi đó, tôi mới ở nước ngoài về, anh Sơn
có kể cho tôi đôi điều về Bảo Yến và bảo "Trinh lại đây anh cho nghe thử
bài này hay lắm Tôi hỏi: Bài gì thế anh? "Trinh cứ nghe đi thì biết".
Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tên bài, chỉ biết rằng hai anh em cứ ngồi ấn đi
ấn lại để nghe mà không biết chán. Điều đáng nói là ca khúc đó thuộc dòng nhạc
mà người ta hay gọi là "nhạc sến", không phải gu thường nghe của anh
Sơn. Có lẽ vì sức hấp dẫn đến từ giọng ca của Bảo Yến. Sau này biết nhau, tôi
nhận thấy Bảo Yến có chất giọng trời cho, là một trong số ít ca sỹ có thể hát
được nhiều dòng nhạc".
Đó là chủ đề nhạc gọi là "Nhạc Gò Công",
trong đó có nhiều nhạc phẩm với tên tuổi nhạc
sĩ Hoàng Phương (1943 - 2002),
bấy giờ nó trở thành một phong trào nghe và hát từ giữa thập niên 80' thế kỷ
trước.
Nữ ca sĩ Bảo Yến đã gây ngạc nhiên cho không chỉ
Trịnh Công Sơn mà cô đã khẳng định trước công chúng, ngoài các dòng nhạc mệnh
danh là "sang", cô vẫn có đủ khả năng và cảm xúc dạt đào khi truyền
đến người yêu nhạc những ca khúc Nhạc Muồi qua chủ đề "Nhạc Gò Công"
thời bấy giờ.
Có thể nói, giọng ca Bảo Yến muốn "sang"
thì rất "sang", cần "muồi" thì "muồi tới bến".
Giọng ca của cô cho đến nay, chưa có một ca sĩ nào thuộc thế hệ trẻ có thể vượt
qua về sức lay động, lan tỏa mà sâu lắng về Nhạc Muồi cho đến nhạc
"sang", cũng như gây ấn tượng mãnh liệt qua các thể loại "nhạc
kích động". Bảo Yến không chỉ là "viên ngọc" âm nhạc quý hiếm
của Việt Nam mà cô còn xứng đáng để gọi là đại diện tiêu biểu cho giọng hát tân
nhạc Việt Nam sau 1975. Qua giọng ca, Bảo Yến đã khẳng định chân lý: không có
cái gọi là "nhạc sến".
Chỉ có "người hát sến" với quần áo màu mè,
tóc tai "hai lai, ba lai", phục sức tùm lum, phong thái ỏng ẹo, lời
ăn tiếng nói giả tạo, chọn bài không quan tâm đến chất giọng như nhiều người đã
thấy ngày nay. Dù cho những ca sĩ đó huyễn hoặc và tự ru ngủ bằng hàng hàng lớp
lớp "fan" vây quanh với cái mà họ gọi là đang hát "nhạc
trẻ", "nhạc sang", "nhạc hiện đại", "nhạc"
rất ư là... "tây", rất ư là "hàn", kể cả "làm
mới" các loại nhạc theo kiểu "tả pí lù" (!)
Có thể đối với một số khán giả trong nước, cái tên
Dalena nghe thì biết ngay là người... "tây", nhưng bài viết này muốn
giới thiệu tới những ai chưa biết cô gái người Mỹ 100% này, vì cô hát Nhạc Muồi
rất...muồi qua nhạc phẩm nổi tiếng hàng chục năm qua của cố nhạc sĩ Y Vân - “Lòng Mẹ”
. Nhìn cô gái Mỹ, tóc vàng, mặc đầm, lại nhẹ nhàng cất lên tiếng hát ngợi ca
người mẹ Việt Nam mà bùi ngùi xúc động và xấu hổ khi nghĩ về những đứa con
"thời hiện đại" hôm nay!
Một ca sĩ dân gian trong trang phục truyền thống hát quan họ trong lễ hội
Lim được tổ chức hôm 01/3/2007 tại làng Lim ở Bắc Ninh. AFP photo
Nữ ca sĩ Khánh Ly, một người nổi tiếng đến nỗi không
cần phải nói gì thêm về chị, đã viết :
"Chỉ một bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, Thanh Tuyền lúc đó mới 15 tuổi
đã trở nên mỏ vàng của Hãng đĩa. Chỉ với “Chuyện Một Chiếc Cầu Gảy” Hoàng Oanh,
cô sinh viên văn khoa không hề thua kém Thanh Tuyền của trường Bùi Thị Xuân Đà
Lạt. Không ai có thể hát lại chị Bạch Yến bài Đêm Đông. Không ai có thể làm xao
xuyến người nghe như chị Lệ Thanh với Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn. Chị Trúc Mai
bài “Hàn Mặc Tử”..."
Với đoạn trích trên cho thấy, ngay cả những ca sĩ
không chuyên về dòng Nhạc Muồi, họ cũng đánh giá cao dòng nhạc này và các ca sĩ
hát dòng nhạc này ngang hàng với bất kỳ dòng nhạc nào khác, dù cho đó là của
Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, dù cho đó là của Lê Hựu Hà hay Quốc Dũng cho đến
những nhạc phẩm của Pháp, Mỹ gần như không ai không biết, qua giọng hát: Thanh
Lan, Julie Quang, Jo Marcel, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Khánh Hà v.v...
Nếu bạn đọc không lạ với tên tuổi Bạch Yến qua nhạc
phẩm "Cho Em Quên Tuổi Ngọc" với tư cách nữ ca sĩ được nhạc sĩ Lam
Phương trao đầu tiên để trình diễn, thì khán giả cũng biết chính ông là người
viết nhạc phẩm này bằng cả tiếng Pháp. Khi lời Pháp được cất lên, nếu không nói
ca khúc này của người Việt viết, bạn hoàn toàn bất ngờ vì nó vô cùng... Tây,
đúng với nghĩa này.
Tuy nhiên điều đáng nói về nhạc sĩ Lam Phương, ông
viết Nhạc Muồi lại vô cùng muồi mẩn bằng những ca từ sang trọng và nặng trĩu
tình quê trước thời cuộc. "Chuyến Đò
Vĩ Tuyến " là một trong số đó, kể về nỗi niềm chia đôi đất nước,
dù ông sinh trưởng và thành danh tại miền Nam. Ca khúc này do nữ ca sĩ Hoàng
Oanh, người đầu tiên kết hợp Nhạc Muồi và ngâm thơ, tạo nét mới lạ và thấm đẫm
nỗi niềm biệt ly của người đi kẻ ở.
Ngoài Lam Phương, còn những nhạc sĩ tài năng khác,
có thể viết nhiều thể loại nhạc trong đó có những bản Nhạc Muồi đầy ắp chất thơ
và lung linh như một tuyệt phẩm bằng hình, ví dụ : Anh Bằng (Căn Nhà Ngoại Ô),
Trầm Tử Thiêng (Đưa Em Vào Hạ), Quốc Dũng (Lối Thu Xưa) v.v...
Nói về nhạc sĩ "thời ngụy", có vẻ dễ bị
cho là thiên vị. Vậy thì hãy cùng nghe thử "Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ",
"Thư Tình Cuối Mùa Thu" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ thi sĩ
Xuân Quỳnh (vợ nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ), để thấy hết tình tứ trong nét nhạc;
mộng mơ trong ca từ, lại không thiếu sự khắc khoải của những tâm hồn trong
sáng, thủy chung, lung linh như ánh sao trong đêm tối.
Âm nhạc là tâm hồn con người, chở nặng suy tư, chất
chứa tâm tình cho mình, cho đời, cho quê hương, dân tộc. Cho cả những hẹn hò
tình yêu, nhưng buồn vui theo mệnh nước nổi trôi, cho náo nức và vui mừng của
ngày mùa đơm hoa kết trái. Cho cả những vết thương lòng dù nông hay sâu cần
chăm sóc, xoa dịu. Cho cả những ngợi ca anh hùng dân tộc như là khúc ca bi
tráng để người dân mãi không quên sự hy sinh của họ.
Âm nhạc không nên dung chứa sự hận thù, đố kỵ, bon
chen hay chém giết. Thậm chí không thể nào hiểu nổi một "bài hát" của
một ông mang danh "nhạc sĩ", có tên Nguyễn Đình Thi còn đưa vụ
"giết bầy chó" vào trong nhạc qua bài "Diệt Phát Xít"
(!). Quá kinh hãi! Không biết bài gọi là "nhạc" này có ám ảnh người
dân cho đến ngày nay với nạn trộm chó và giết người trộm chó không nữa (!). Hy
vọng là không phải như thế, nhưng nhiều người có lẽ vẫn bị ám ảnh với
"Tiến Quân Ca" trong đó người ta đòi đi trên "đường vinh quang
xây xác quân thù" nghe khá hung tợn và man rợ ?!
Cao hơn, vai trò âm nhạc ngày nay thật cần để cải
hóa, cảm hóa người Việt Nam biết mềm lòng hơn với đồng loại, biết thương cảm
hơn, san sẻ cho nhau hơn. Đó là vai trò "nghệ thuật vị nhân sinh" kết
hợp với "nghệ thuật vị nghệ thuật" mà hiện trạng Việt Nam đang quá
thiếu thốn và hẫng hụt.
Không có "nhạc sến" chỉ có người không thể
hát Nhạc Muồi hoặc chỉ có người viết nhạc nghèo văn chương để chuyển hóa thành
lời ca cho người hát đồng cảm chuyên chở các dòng nhạc đến người nghe mà thôi.
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment