Wednesday 6 November 2013

NGỚ NGẨN hay THÔNG MINH : CÁC NHÀ KIỂM DUYỆT VIỆT NAM KHIẾN AI AI CŨNG PHẢI PHỎNG ĐOÁN (Helen Clark - Index on Censorship)




Helen Clark | Index on Censorship | 5.11.2013

Bản dịch của Lê Anh Hùng  -  Defend the Defenders
November 7, 2013

Nhà chức trách Việt Nam luôn giám sát các hoạt động văn hoá, từ tranh biếm hoạ trên mạng cho đến các buổi hoà nhạc, về cả tình dục cũng như ngôn từ khích động.

Cuối tháng 10, blogger Đinh Nhật Uy trở thành nhà hoạt động đầu tiên ở Việt Nam bị kết án vì những nội dung đăng trên trang Facebook cá nhân, hay cụ thể hơn là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” thông qua Facebook (theo Điều 258 Bộ luật Hình sự). Uy phải nhận bản án 15 tháng tù treo và về mặt này thì anh may mắn hơn so với hàng loạt blogger, nhà văn và nhà hoạt động đã bị chính quyền tống vào trại giam hay các trung tâm phục hồi nhân phẩm mấy năm gần đây.

Tuy vậy, không chỉ các blogger và các nhà hoạt động mới chịu sự giám sát của chính quyền. Các hoạt động văn hoá, từ tranh biếm hoạ trên mạng cho đến các buổi hoà nhạc, cũng bị giám sát, về cả tình dục lẫn ngôn từ khích động bạo loạn.

Ngày 4.10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 102. Hai tuần sau, dịp cuối tuần trong thời gian diễn ra lễ tang vị anh hùng thời chiến, phần lớn các kênh truyền hình đóng cửa để thể hiện sự kính trọng. Bài báo lạ lẫm trên BBC bị chặn, tình dục – chứ không phải bạo lực – bị loại ra khỏi nhiều bộ phim nước ngoài mà người ta phát trong nước, còn phụ đề thì thường thay thế ngôn ngữ phản cảm bằng những từ ngữ vô hại hơn. Việc phát sóng truyền hình, bên cạnh cuộc sống về đêm và thú vui karaoke, về cơ bản bị xoá bỏ cho thấy mức độ kính trọng mà người ta dành cho vị tướng già, cũng như mức độ mà chính quyền vẫn kiểm soát nhiều phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Kênh TV nào vẫn phát sóng thì phát những mộ phim cách mạng cũ.

Các blogger thường bị tống giam vì chỉ ra những khuyết tật của nhà nước. Các nhà báo phải đối mặt với rất nhiều hạn chế từ báo chí nhà nước. Người biểu tình phản đối và người rải truyền đơn hay tổ chức đình công cũng bị tống giam. Facebook, nay đã có thể truy cập, từng bị ngăn chặn âm thầm trong nhiều năm và hiện vẫn có nhiều trang mạng mà người ta phải vượt tường lửa để truy cập. Các tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders), Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), thậm chí cả Tổng thống Barack Obama, cũng đều lên án về tình trạng thiếu tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Nhưng, bạn có biết là bạn lại không thể viết về chuyện quan hệ tình dục qua đường miệng trên các tạp chí phụ nữ hay không? Nghệ thuật, âm nhạc, các ngôi sao nhạc pop, sách, tranh biếm hoạ, biếm hoạ trên mạng, blog, tin tức nước ngoài, tạp chí về phong cách sống, phụ đề TV, bài đăng báo, hoạt động nghiên cứu, kết quả nghiên cứu thị trường, đoạn phim bất lợi, ảnh chụp, lời bài hát, sự kiện tôn giáo, sách tôn giáo, lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch: tất cả đều bị nhà chức trách kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ.

Đôi khi điều đó chỉ là việc bộ chủ quản phạt ca sỹ một khoản tiền nhỏ nhặt vì lộ nội y trong một buổi trình diễn vì điều này “không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của Việt Nam”. Những chuyện như thế được các tờ báo và trang mạng đăng tải vào những lúc thiếu tin quan trọng và không khỏi giúp cho ca sỹ kia thêm nổi tiếng.

Quá trình này diễn ra lẻ tẻ, đầy mâu thuẫn và mập mờ. Liệu có phải là nhiều quy định thiếu rõ ràng và thường không được áp đặt hòng khiến cho mọi người phải cảnh giác? Hay đây đơn giản chỉ là những nỗ lực chuệch choạc và đôi khi còn lạc lõng mà các quan chức Việt Nam vẫn thể hiện trên cả nước? Thật khó mà nói cho chính xác.

Có một thời các hoạ sỹ phải trình bản phác hoạ bức tranh mà họ đề xuất vẽ không chỉ trước khi chúng được phết sơn lên. Giờ đây mọi chuyện kém hà khắc hơn nhưng lại bất trắc hơn. Các phòng tranh vẫn cần sự đồng ý trước khi các cuộc trưng bày được phép diễn ra; đôi khi các phòng tranh còn không tổ chức một buổi tiệc triển lãm chính thức. Bởi một người trong giới từng nói là “không có quy định như thế”.

Quyết định 97 (tháng 9/2009) của Thủ tướng Chính phủ không hạn chế ngôn luận mà giới hạn hoạt động nghiên cứu trong phạm vi 317 chủ đề đã được đồng ý trước. Một trong những hiệu ứng tức thời nhất của nó là việc Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) phải tự giải tán để phản đối. 16 thành viên của IDS là các đảng viên và những trí thức nổi tiếng, không phải là những kẻ khích động quần chúng.
Trên lý thuyết, và thường diễn ra trong thực tế, tất cả các cuốn sách Tiếng Việt đều phải chịu kiểm duyệt. Theo một số người Chàm, những tín đồ Hồi giáo, ngay cả Kinh Koran khi được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở đây cũng phải được thẩm tra trước. Các cửa hàng sách ngoại văn cũng từng bị nhà chức trách ập vào kiểm tra, điều hiếm khi xẩy ra, chẳng hạn như cuộc kiểm tra đột xuất năm 2012 nhằm tịch thu các ấn bản về Việt Nam của nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Các cuốn sách này có in các bản đồ Biển Hoa Nam (South China Sea), vùng biển mà trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ liên miên giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được nhắc đến một cách dứt khoát ở Việt Nam là Biển Đông.

Randy Slocum quản lý một hiệu sách tại một thị xã du lịch ở miền Trung Việt Nam. Ông thuật lại chuyện ông từng tìm cách nhập khẩu sách khi khai trương lần đầu tiên 7 năm trước. “Khi tôi nhập khẩu 3.000 cuốn sách, họ tịch thu 450 cuốn vì lý do ‘đồi truỵ và phản động’. Nếu bạn có thể tin thì đó phần lớn là các cuốn tiểu thuyết lãng mạn hài hước. Tuy nhiên, họ lại từ chối cung cấp cho bạn một danh sách về những gì bị cấm và họ từ chối giải thích tại sao một số nhất định lại bị tịch thu.” Đáng lưu ý là Slocum là nạn nhân của chính quyền tỉnh, chứ không phải một cánh tay hà khắc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm giám sát nhiều mặt trong lĩnh vực văn hoá.

Lần duy nhất mà cơ chế kiểm duyệt văn hoá thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế là khi Bob Dylan biểu diễn tại Tp Hồ Chí Minh năm 2011. Bob Dylan quên hát bài ‘Blowin’ in the Wind’, như thường xuyên vẫn vậy. Cả tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch lẫn nhà báo Mỹ Maureen Dowd đều chỉ trích ông gay gắt vì đã đầu hàng bộ máy kiểm duyệt của nhà chức trách cộng sản. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với các nhà tổ chức buổi biểu diễn lại cho biết là 100 bài hát, kể cả bài ‘Blowin’ in the Wind’, đã được duyệt. Dù sao thì nghệ thuật phúng dụ và sự thận trọng của Dylan có thể cũng khiến cho các nhà kiểm duyệt, những người mà ngôn ngữ thứ nhất không phải là Tiếng Anh, khó nắm bắt được ý nghĩa các bài hát.

Một nhà tổ chức nói: “Bạn phải hiểu rằng, những gì mà nhà chức trách tìm kiếm trên thực tế lại chỉ là sự dung tục và lời bài hát khiêu dục lộ liễu. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải chính trị.”

Trong khi các phóng viên tin tức nghiêm túc có thể phải đối mặt với nguy cơ bị bắt bớ vì đưa tin về tham nhũng thì ngay cả các tạp chí về phong cách sống hay tạp chí của người nước ngoài ở Việt Nam cũng phải hành xử thận trọng.

Ấn bản đầu tiên của tạp chí Cosmopolitan (Người Thành Thị), vốn bắt đầu phát hành bản Tiếng Việt với một công ty xuất bản sở tại vài năm trước, đăng tải một bài hướng dẫn hữu ích về tác dụng của rượu đối với hiện tượng cực khoái, minh hoạ qua đồ hoạ về tỷ lệ số cốc rượu vang với hình ảnh pháo hoa (hai hoặc ba cốc là liều lượng hoàn hảo; hình ảnh pháo hoa bắt đầu ít dần sau mức đó). Tiêu đề bài viết đề cập đến chuyện “yêu” (trong dấu ngoặc), chứ không phải tình dục.

Phổ biến hơn, trong lĩnh vực xuất bản này, người ta sử dụng những từ như “cậu nhỏ”, “tam giác” hay (bằng Tiếng Anh) “Mr Happy” (trong một bài viết về kỹ thuật quan hệ tình dục bằng miệng). Ngay cả khi những thuật ngữ y khoa chính xác được sử dụng cho các bộ phận cơ thể khác nhau, các nhà kiểm duyệt cũng vẫn từ chối thẳng thừng, với lý do là điều đó “quá nhạy cảm.”

“Nhiều khi chúng tôi cố trở nên khác biệt nhưng chính quyền lại không cho phép. Chị không thể viết như thế, điều đó không phù hợp với truyền thống (nguyên văn)”, một biên tập viên giấu tên giãi bày. Bà cho biết là trên Internet thì khác, rất nhiều người viết về tình dục.

Nhìn chung, những tạp chí như thế thu hút tầng lớp trung lưu có học. Đây chính là những người mà từ lâu các nhà tự do chủ nghĩa lạc quan trên khắp thế giới đã nhận định là sẽ ủng hộ hoặc một cuộc cách mạng hoặc một sự giảm dần hạn chế chính trị trong bất kỳ chế độ áp bức nào. Một tầng lớp trung lưu có học đang trỗi dậy cũng là niềm hy vọng của chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, họ lại không được phép nhìn một hình xăm hay một chai rượu vang trong một cuốn tạp chí. Ngoại lệ ở ở đây là MỘT SỐ tạp chí đàn ông với những cô người mẫu gần như chẳng mặc gì, những hình ảnh không phải là hiếm gặp.

Ngay cả các tạp chí bằng Tiếng Anh cũng tỏ ra thận trọng. Các nhà kiểm duyệt Việt Nam có thể không để ý đến sự khác biệt tinh tế trong một bài giới thiệu quán bar (lưu ý số phụ nữ trẻ thân thiện đang sẵn sàng phục vụ bạn), nhưng một bài viết về những vấn đề mà các công nhân tình dục phải đối mặt lại đủ sức gây rắc rối khiến cho các biên tập viên phải né tránh.

Nội hàm của hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258) không bao giờ được định nghĩa rõ ràng nhưng trong thực tế chúng lại có thể là bất kể hành vi nào phê phán chính quyền. Nội hàm của hành vi “phá hoại truyền thống tốt đẹp của dân tộc” hay “không phù hợp với truyền thống Việt Nam” có thể là bất kể thứ gì từ kiểu tóc lố bịch của một ngôi sao nhạc pop cho đến thứ nghệ thuật phê phán chính quyền hay giới chóp bu một cách lộ liễu; nhưng trong bối cảnh được dành cho nhiều không gian tự do hơn ở đây, người ta lại thường vì thế mà thực sự thấy mình bối rối hơn và đôi khi còn trở nên bảo thủ hơn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats