Saturday, 16 November 2013

MỘT THOÁNG MOSCOW (Châu Quang - Đàn Chim Việt)




Châu Quang  (Đàn Chim Việt)
05:24:am 14/11/13

Đầu tháng 11, một công ty bạn ở Florida nhờ mình đi gấp sang Moscow để điều đình một hợp đồng với một công ty khác. Thủ tục xin visa vào Nga thật rắc rối, khai báo online mất cả tiếng đồng hồ, hỏi đủ thứ, gần bằng lý lịch trích ngang trong nhà tù cộng sản. Giá cả cho một visa cao ngất.

Nghe nói bên Việt Nam cũng có nhiều người du lịch Nga theo tour, cứ như cái kiểu xin visa thế này thì người bên Việt Nam giải quyết ra sao? Thử gú-gồn một phát có ngay câu trả lời. Có những văn phòng ở Hà Nội và Moscow chuyên xin visa cho người Việt.

Mỹ cũng không khác. Các văn phòng dịch vụ xin visa đi Nga tập trung ở thành phố New York, nơi có nhiều “Nga kiều,” kể cả Mafia Nga. Mình đưa tiền cho họ thì họ lo tất.

Sau một chuyến FedEx gửi passport của mình cho họ thì vài hôm đã nhận được một phong thư FedEx khác, bên trong là passport có dán visa. Lạ một điều là cái bìa passport Mỹ của mình có dán một nhãn ghi tên và địa chỉ của văn phòng dịch vụ xin visa. Sau một lúc suy nghĩ, mình đoán có lẽ là dấu hiệu giúp quan chức lãnh sự quán Nga ở New York nhận ra “phe ta” để chiếu cố và xử lý nhanh, chắc là có bồi dưỡng? Điều lạ thứ nhì là chỉ cho nhập cảnh 8 ngày, tức là hai ngày sau ngày mình khai định rời Nga, chứ không tự động 30 ngày hoặc 3 tháng như nhiều nước khác. Hình như Nga vẫn quan tâm đến an ninh hơn là phát triển ngành du lịch?

Vé máy bay được email từ công ty bạn cho biết mình sẽ cất cánh từ New York bằng hãng Transaero, một cái tên nghe vẫn chưa quen người dân thị thành. Đành gú-gồn phát nữa. Hóa ra đây là hãng “cạnh tranh” với Aeroflot, vậy mà trước giờ mình cứ nghĩ Nga chỉ có một mình quốc doanh Aeroflot.

Transaero

May quá, lạy Chúa nhân từ, không phải là máy bay Nga mà là Boeing 777. Nhưng bước vào bên trong bỗng giật mình vì ghế bọc bằng vải màu ô-liu viền chỉ đỏ theo kiểu quân phục của Nga, khiến mình có cảm giác ngồi trong một chiếc xe nhà binh. Có lẽ Boeing buồn lắm nhưng phải bấm bụng chiều ý thượng đế Nga.

Chuyến bay 9 tiếng từ New York đi Moscow quả là một trải nghiệm khó quên. Trên 80 phần trăm hành khách là người nói tiếng Nga, chẳng rõ “Nga kiều” về thăm quê hay dân Nga đi du lịch Mỹ. Tiếp viên nói tiếng Anh rất hạn chế, có lúc mình phải nhờ hành khách ngồi cạnh dịch hộ. Phong cách phục vụ của tiếp viên không bằng Singapore, Thái Lan hay Hàn Quốc. Lấy ví dụ nhé. Tiếp viên hỏi mình uống gì xong rồi hỏi người ngồi cạnh mình, khi trao ly nước lại trao cho người ngồi cạnh trước, làm mình chìa tay ra nhận đâm ra hơi bị hố. Tiếp viên ba nước kia không làm như vậy, họ hỏi ai trước thì phục vụ người đó trước. Khi phục vụ trà hoặc cà phê, tiếp viên ba nước kia dùng khay đón tách từ từng hành khách, rót thức uống nóng cho khách đó rồi dùng khay trao lại cho người khách đó trước khi chuyển sang người khách kế tiếp với cùng một chu kỳ thao tác. Còn với Transaero, thức uống nóng đã rót sẵn ra nhiều tách trên khay, chìa khay vào hàng ghế, mặt hướng về cõi hư vô. Gọi là thức uống nóng cho vui vậy thôi chứ nó có lỡ đổ vào người cũng chẳng thấy ai hốt hoảng. Thức uống nóng thì dùng tách, thức uống không nóng thì dùng ly giấy, cho dù nước lọc, nước ngọt hay vang. Nước ngọt thì không có đá và lần đầu tiên trong đời mình được uống vang bằng ly giấy. Không thấy bia bọt đâu.

Suốt đoạn đường chiến binh 9 tiếng, hãng máy bay cho xem hai phim trên màn hình cá nhân, cả hai quay từ những năm 50 hay 60, một phim màu nói tiếng Nga, một phim đen trắng có phụ đề tiếng Anh chữ nhỏ xíu, xem hai phút nhức mắt mình tắt. Hai phim này cứ chiếu đi chiếu lại, ai chịu hổng chịu rán chịu. Bấm sang nút audio định nghe nhạc nhưng chỉ có hai đài, toàn nhạc Nga, một đài dường như là pop, một đài dường như là Bolshoi, cả hai mình đều mù tịt nên dẹp. Cũng may mình có mang theo Dạ Tiệc Quỷ của Võ Thị Hảo nên cũng qua giờ và hiểu thêm về thảm họa, éo le của Cải Cách Ruộng Đất.

Khi máy bay vừa chạm bánh xuống phi trường Moscow, tiếng vỗ tay nổi lên ầm ĩ, không biết là khen phi công hay cảm tạ Thượng Đế? Có người còn làm dấu thánh giá. Và khi máy bay còn taxi vào bến đậu, nhiều hành khách đã bắt đầu cởi dây an toàn, rục rịch đứng lên khỏi cần chờ tiếng chuông của phi công, trông chẳng khác các chuyến bay đáp Nội Bài hay Tân Sơn Nhất chở nhiều hành khách có máu Việt.

Khách sạn mình ở là loại bốn sao, thuộc một hệ thống khách sạn của Mỹ. Nhân viên ở đây nói tiếng Anh khá tốt. Mình đã ở khách sạn của hệ thống này ở Mỹ, nhân viên thường tự động hỏi mình muốn mấy chìa khóa, còn ở Moscow này nếu mình không nói họ chỉ đưa một thẻ. Máy sưởi phòng mình không chạy, mình gọi sửa lần thứ hai mới yên.

Một buổi sáng không có lịch làm việc với công ty Nga đối tác, mình nói với người Concierge gọi cho mình một taxi ra Quảng Trường Đỏ. Anh ta nói sir cứ yên chí, về phòng nghỉ ngơi thoải mái, khi nào xe tới tôi sẽ gọi sir, giá cả là 700 rúp. Một lát sau mình xuống đã gặp người tài xế đứng chờ sẵn ở lobby. Anh ta dẫn mình ra xe thì hóa ra là một chiếc xe bình thường, không có bảng hiệu gì là taxi, và cũng không có vẻ là limousine gì cả. Trên đường đi, anh ta hỏi mình từ đâu tới. Mình cũng bắt chước Đức cha Kiệt, không dám nhận mình là người Việt, sợ anh ta tưởng mình là dân nhập cư lậu vừa mới bị cảnh sát Nga tóm một mớ, bèn trả lời mình là thương gia Singapore. Bằng thứ tiếng Anh rất khó nghe, nhiều từ phải rặn mãi mới ra, anh ta khen nước Singapore giàu đẹp, dân Singapore có mức thu nhập cao, bla bla bla.

Quảng trường đỏ. Ảnh Wikipedia

Sau khi cuốc bộ một vòng Quảng Trường Đỏ và Điện Krem, mình đứng ngoài đường ngoắc một xe nhỏ màu vàng có dấu hiệu taxi để về lại khách sạn. Mình đã thủ sẵn tấm card của khách sạn có địa chỉ bằng tiếng Nga chìa ra cho tài xế. Anh ta xem, gật đầu ra dấu bảo leo lên. Định hỏi anh sao không vặn đồng hồ nhưng thấy anh ta không hiểu những câu chào hỏi bình thường nên đành thôi. Về đến khách sạn, anh ta nói được tiếng “five” nên mình đưa anh 500 rúp và nói lời cám ơn bằng tiếng Nga mới học.

Trong khi làm việc với công ty đối tác Nga, mình tò mò nêu câu chuyện này với người hướng dẫn thì anh ta bảo ở Moscow có loại taxi ngoắc, có nghĩa là xe của những người lao động đi làm bình thường, mình cứ đứng giữa đường mà ngoắc, họ sẽ dừng lại, đôi bên ngả giá nếu ok thì đi. Người hướng dẫn này còn đoán rằng, anh tài xế đưa mình đi buổi sáng có thể là bà con với anh Concierge của khách sạn, thấy mình thuộc loại ngơ ngáo nên chém đẹp 700 trên một đoạn đường mà nếu là dân địa phương chỉ tốn có phân nửa giá đó, nhất là hôm đó lại cuối tuần, không bị kẹt xe.

Tuy bị chặt chém nhưng mình không buồn vì hôm đó mình thấy được cảnh người ta xếp hàng dài để vào viếng đền thờ Lê-nin, và chỉ cách đó một quãng đường, người ta cũng xếp hàng dài để vào viếng đền thờ McDonalds, hàng ở phía hamburger còn dài hơn hàng ở phía búa liềm. Mình nhận ra là nhờ chữ M màu vàng hình vòng cung, những chữ còn lại là chữ Nga. Nhờ vậy mình mới tìm được câu trả lời cho “ai thắng ai?” Nay mai mình nghĩ ở Hà Nội chắc cũng vậy thôi. Một khi cửa hàng ăn nhanh của cậu phò mã Việt kiều xây xong thì hàng dài đi viếng bác Râu cũng ngang ngửa với hàng dài trước đền thờ McDonalds made in Vietnam.

Có hôm mình mua vé leo lên chiếc xe hai tầng màu đỏ chở du khách đi lòng vòng Moscow. Đeo núm nghe vào tai, vặn sang nút số 2 để nghe tiếng Anh, 6 nút còn lại là các thứ tiếng khác, ta có thể nghe giải thích những nơi đã đi ngang. Xe ngừng lại ở mấy chỗ, nếu thích ta có thể xuống xe, sau đó lên lại một xe cùng hãng, vé có giá trị 24 tiếng. Nhờ vậy, mình mới có dịp đi ngang qua viện Duma, tòa Nhà Trắng có Yeltsin đã từng đứng trên xe tăng chống bọn làm loạn, xe vòng qua trụ sở của KGB, “Lầu Năm Góc” của Nga, Viện bảo tàng mỹ thuật Pushkin, khách sạn Radisson lừng lững, nơi ta có thể đi dạo Moscow một vòng bằng tàu…

Hệ thống xe điện ngầm Metro của Moscow quả là vĩ đại, bỏ xa Washington, sạch hơn New York. Số tuyến đường gấp đôi Washington, số màu của các tuyến nhìn hoa cả mắt, chiều dài của mỗi tuyến cùng dài hơn. Tuy cũ nhưng tổ chức rất khoa học, rất khó lạc. Lớ ngớ như mình mỗi lần lạc cũng được dân đi Metro hướng dẫn tận tình, dù nhiều lúc cũng nói chuyện bằng mấy ngón tay chỉ chỉ chỏ chỏ trên bản đồ. Người đi trên bến đông nghẹt, nhưng cũng giống như Washington hoặc New York, ai ai cũng vội vội vàng vàng, mạnh ai nấy lo. Cách xây dựng, trang trí mang nét riêng của Nga. Quả là một thành phố lớn dưới lòng một thành phố lớn. Một đất nước xây được một hệ thống Metro như vậy không phải là một nước dỏm.

Thịt tươi ở đây cũng không khó tìm, giá cả cũng tương đối. Cứ gú-gồn là ra hết, xin đội ơn Internet, nhưng trường hợp của mình thì khác. Có lẽ một phần vì mình ở một khách sạn có nhiều khách quốc tế, các em biết có nhiều người cô đơn xa nhà, các em cứ lảng vảng ở khu lobby hoặc gần thang máy. Con mồi nào ở trong tầm ngắm của các em là các em bước vào thang máy đi cùng, cười với mình và bắt đầu ngả giá. Cách ăn mặc của các em cũng không lộ liễu, trông như một người bình thường, hoặc khách của khách sạn. Hai em đi cùng thang máy với mình độ tuổi 25, một em tóc hung, một em tóc vàng, tiếng Anh trung bình, tự giới thiệu là sinh viên trường đại học tổng hợp gì gì đó bằng tiếng Nga làm sao mình nhớ nổi, mà nhớ làm gì cho mệt óc, chắc gì đã là sinh viên đâu, nghe thì nghe vậy thôi. Hai em nói nếu mình chỉ muốn một thì trăm rưởi một suất, muốn cả hai thì giảm giá chỉ còn hai trăm rưởi, hai em sẽ thu xếp với nhau. Tính mình cả nể, chọn một loại một thì tội người ta quá. Với lại, từ bé đến giờ mình chỉ biết trio qua phim X – không phải đồng chí X – nay bỗng nhiên có người gợi ý, mình khó lòng từ chối, phần vì muốn tìm cảm giác lạ, phần vì có dịp trả thù cảnh sát Nga hay ăn hiếp những người Việt nhập cư lậu.

Công ty đối tác Nga muốn đãi mình một buổi giải trí ban đêm. Họ hỏi mình muốn Bolshoi Ballet hay xem chung kết Hoa Hậu Hoàn Vũ. Mình vốn dốt về ba-lê, vào đó chỉ sợ ngủ gục mặc dù biết đó là mục hiếm khi được xem. Thế là mình được đưa đến trung tâm Crocus, một nơi có nhà hát, khu triển lãm, khu hội nghị. Trung tâm có hai cái lạ đối với mình. Nó có nguyên một tầng để giữ áo khoác cho khách. Bên cạnh bàn ngồi đi cầu có một thùng để vứt giấy chùi vào đó, mình thắc mắc không hiểu tại sao.

Bên trong nhà hát của trung tâm Crocus, người ủng hộ gà nhà mang cờ của quốc gia mình. Các nước Nam Mỹ đông người ủng hộ nhất, các nước châu Á đông nhất có lẽ là Philippines, dường như muốn ăn thua đủ. Người Việt ở Moscow nghe nói cũng đông nhưng đến ủng hộ chỉ khoảng 30 người, yêu cầu các đồng chí ở đại sứ quán làm tờ tự kiểm, chưa chấp hành tốt Nghị quyết 36. Các nước châu Phi chỉ lèo tèo người ủng hộ, thật tội cho các hoa hậu Tanzania, Angola, Ghana… Mình ghi nhận vài hoa hậu thuộc sắc tộc thiểu số, trong đó có hoa hậu Việt Nam. Hoa hậu Israel gốc Ethiopia, hoa hậu Pháp đến từ miền Polynesia xa xôi.

Khi nói đến ngành giải trí thì phải công nhận Mỹ là số một. Show chung kết Hoa Hậu Hoàn Vũ đúng ra là một show truyền hình trực tiếp. Nghe đài NBC quảng cáo có một tỉ người trên thế giới theo dõi show này. NBC ăn tiền nhờ bán quảng cáo phát đi giữa hai màn diễn, từ màn mở đầu tất cả 86 cô ra tự giới thiệu và chào khán giả, cho tới màn trỉnh diễn áo tắm, áo dạ hội, chọn 16 cô, chọn 10 cô, chọn 5 cô… cho tới màn chót là đăng quang.

Trong lúc trên sân khấu, nhân viên phải chuyển cảnh thì trên màn hình, người xem TV sẽ thấy quảng cáo. Phải chuyển cảnh thật nhanh, đúng thời lượng cho phép để khi cái quảng cáo cuối cùng chấm dứt trên màn hình thì trên sân khấu phải bắt đầu bước vào màn kế tiếp.

Muốn làm một show như vậy đòi hỏi phải luyện tập cẩn thận, tính toán, phối hợp kỹ càng, biết bao bàn tay, biết bao bộ phận đóng góp mới có được một show như vậy. Người chỉ huy phải vững nghệ thuật, kỹ thuật, hi-tech, và nhất là phối hợp.

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 ở Moscow

Thu show truyền hình trực tiếp kiểu Hoa Hậu Hoàn Vũ khó hơn so với thu show để làm DVD giống như Paris By Night hoặc Asia, vì bị bó buộc bởi thời gian chuyển cảnh, và không có cơ hội biên tập.

Dù NBC thu hình cho TV, dù Marie Tô hay Trúc Hồ thu hình cho DVD, ở đây mình có một thắc mắc. Khán giả đến xem là để động viên tinh thần những người đứng trên sân khấu. Những đợt vỗ tay, những tràng cười rộ lên, những loạt gào thét của khán giả là để bầu không khí thêm sinh động, để những người trên sân khấu có hứng để diễn. Nếu bây giờ không có người đến xem thì liệu trên TV, trên DVD có diễn hay như vậy không. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn và cô Kỳ Duyên pha trò trước một khoảng chân không như vậy thì có còn hứng thú để pha trò hay không? Thế thì tại sao lại bắt khán giả phải mua vé để vào xem thay vì mời hoặc trả tiền cho khán giả đã cất công đến?

Trở lại với Hoa Hậu Hoàn Vũ, mình thấy đêm đó hai đám Ecuador và Philippines là ồn ào nhất, có vẻ như nếu Hoa Hậu Philippines không chiếm vương miện thì sẽ có náo loạn. Tiếng gào thét lớn nhất đêm đó, như muốn vỡ tung nhà hát, là khi Hoa Hậu Philippines lọt vào Top Five, có lẽ còn hơn tiếng gào thét của những người đồng hương của họ trước bão Haiyan.

Cuối cùng thì vương miện thuộc về Venezuela, dù mình thích Tây Ban Nha hơn, và cũng không có bạo loạn.

Đêm chung kết Hoa Hậu Hoàn Vũ cũng là đêm chót mình ở lại Moscow. Về lại khách sạn vừa sắp xếp lại hành lý vừa nghĩ đến con đường đau khổ 9 tiếng về New York bằng Transaero thấy mà kinh.

© Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment

View My Stats